Hòa bình từ máu lửa: 5 bộ phim lịch sử nên xem trước thềm Đại lễ 30/4

Ngày đăng: 26/04/25

Trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hãy cùng điểm qua những bộ phim lịch sử tái hiện một thời mưa bom bão đạn đầy oanh liệt của dân tộc.

Loạt phim dưới đây là những lát cắt lịch sử rõ nét về chiến tranh được khắc họa qua lăng kính điện ảnh. Từ những người lính vô danh giữa trận địa đến tình yêu, sự hy sinh, tình đồng đội, những bộ phim sau đã khắc họa nỗi niềm mất mát và sự anh dũng của một dân tộc từng đi qua những tháng ngày khốc liệt nhất để giữ lấy hòa bình hôm nay. 

Hà Nội 12 ngày đêm

Hà Nội 12 Ngày Đêm của đạo diễn Bùi Đình Hạc là bộ phim hiếm hoi tái hiện chân thực chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Mở đầu bằng hình ảnh Hồ Gươm yên bình, bộ phim dẫn dắt người xem từ nhịp sống thường nhật của người dân làng hoa Ngọc Hà đến những trận không kích khốc liệt của pháo đài bay B52. Cái chết của nhân vật phi công Trần Đại hay nhà báo Ngân Hà đã đẩy bộ phim lên cao trào khi người ta chỉ còn biết gọi tên nhau trong vô vọng. 

(Ảnh: Saigoneer)
(Ảnh: Saigoneer)

Dù hiện thực bị xé toạc bởi bom đạn, người Hà Nội vẫn giữ nếp sống riêng của mình. Họ rót trà, thắp nhang, xem tranh, mời nhau một tách cà phê trong tiếng còi báo động. Bộ phim khép lại như một lời nguyện cầu. Khi tiếng loa báo hiệu chiếc B52 cuối cùng rơi xuống cũng là lúc chiến dịch toàn thắng nhưng ký ức người còn sống vẫn luôn ở đó. Hà Nội 12 ngày đêm không hô hào, không bi lụy, cả bộ phim như một nén nhang tưởng niệm cho những ngày tháng khốc liệt, cho những con người đã sống và hy sinh trong đêm dài rực lửa ở Hà Nội.

Mùi cỏ cháy 

Mùi cỏ cháy được kể từ ký ức của Hoàng, xen kẽ giữa cuộc sống hiện tại của anh với quá khứ chiến tranh. Bộ phim lần giở từng trang nhật ký về tuổi trẻ nồng nhiệt nhưng ngắn ngủi của những chàng sinh viên Bách Khoa – Hoàng, Thành, Thăng và Long khi rời giảng đường để bước vào mặt trận Thành cổ Quảng Trị 1972 đỏ lửa để rồi chỉ còn mình Hoàng trở về. 

Bộ phim đã tái hiện chân thật chiến trường đỏ lửa năm 1972. Là khoảnh khắc những trận mưa bom rơi thẳng xuống đầu người, là những đôi chân run rẩy vượt lòng sông Thạch Hãn lạnh buốt trong đêm tối, là những lần phải tự đào hố chôn xác đồng đội của những người lính trẻ, là tiếng thở gấp sau bức tường vỡ vụn, nơi người ta vẫn thì thầm cầu nguyện giữa tiếng đại bác dội về. Mỗi bước chân vào Thành cổ khi ấy là mỗi lần cược cả sinh mạng không thấy đường lui nhưng không ai chùn bước.

mùi cỏ cháy

Mùa cỏ cháy như một nén tâm nhang dành trọn cho công ơn những người đã hiến dâng cả tuổi xuân nơi chiến trường và máu xương cho Tổ quốc để 50 năm sau, chúng ta được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất và được nhắc nhớ trong niềm hân hoan về mùa Hè rực lửa đã lùi xa.

Những người viết huyền thoại

Lấy cảm hứng từ nguyên mẫu Trung tướng Đinh Đức Thiện, bộ phim kể về hành trình của Tướng Dinh và đội ngũ xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu dài 5.000 km xuyên Trường Sơn trong giai đoạn 1968–1969. Dù không cầm súng, nhưng giữa mưa bơm bão đạn, họ âm thầm mà kiên gan mở lối cho dòng nhiên liệu chảy vào chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Những người viết huyền thoại

Không khí trong phim đặc quánh hơi ẩm rừng sâu và sự áp lực của những nhiệm vụ không được phép thất bại. Những bữa ăn chóng vánh, những lần ngồi giữa tiếng mưa để sửa mối hàn hay cả nỗi lo thường trực khi phía trước chưa kịp dò mìn đã phải rời đi. 

Những người viết huyền thoại

Đào, Phở và Piano

Đào, Phở và Piano là lát cắt mỏng về Hà Nội trong những ngày mùa Đông năm 1946, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Bộ phim dẫn người xem bước vào một khu phố cổ đang dần tan hoang khi chỉ còn lại lác đác vài người cố trụ vững giữa đất Hà thành.

đào, phở và piano

Bộ phim khắc họa tình yêu thời chiến khó trọn vẹn. Xoay quanh chuyện tình của chàng chiến sĩ tự vệ Văn Dân và cô tiểu thư Hà Thành tên Hương, bắt đầu bằng một đám cưới nhỏ và kết thúc bằng tiếng bom đạn tan hoang.

đào, phở, và piano

Bên cạnh chuyện tình đau thương của Dân và Hương, bộ phim còn mở ra những mảnh đời còn ở lại trong khu phố hoang tàn; một cậu bé đánh giày chưa kịp lớn, một ông Phán Tây học mê hát ả đào, bà bán phở chỉ mong giữ lời hứa với đứa trẻ một bát phở đúng Tết. Giữa khói bom, vẫn có tiếng đàn piano vọng lên từ một căn nhà nát tường và vẫn có người lặng lẽ mang cành đào về chiến lũy giữa khu phố đầy ngổn ngang.

đào, phở và piano

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối

Lấy cảm hứng từ trận càn Cedar Falls năm 1967 – một trong những cuộc càn quét quy mô nhất của quân đội Mỹ nhằm xóa sổ lực lượng quân giải phóng miền Nam, bộ phim đã khắc họa lại một giai đoạn lịch sử đầy khốc liệt giữa thời chiến.

địa đạo

Mở đầu phim là một cú máy kéo dài, lướt qua những gì còn sót lại sau trận càn: cây rừng bị đốt trụi, đất đỏ loang lổ dấu bom, x*c người trôi dạt lẫn trong bèo lục bình. Giữa khung cảnh hoang tàn, nhóm du kích 21 người do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy vẫn bám trụ vùng đất vừa bị xoá khỏi bản đồ để bảo vệ căn cứ quân y. Nhưng nhiệm vụ thực sự lại nằm ở trạm liên lạc chiến lược, nơi Hai Thưng (Hoàng Minh Triết) cùng nhóm tình báo âm thầm truyền tin qua sóng vô tuyến.

địa đạo

Phim không theo cấu trúc ba hồi quen thuộc, cũng không xây dựng nhân vật trung tâm. Thay vào đó, những người anh hùng thầm lặng được tái hiện dưới góc nhìn điện ảnh đầy chân thực với khuôn mặt lấm lem, thân hình gầy guộc trong bộ bà ba và cuộc sống sinh hoạt đầy khó khăn trong lòng địa đạo. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không lãng mạn hóa chiến tranh, cũng không bi kịch hóa mất mát. Những thước phim hiện lên như lát cắt xót xa của chiến tranh, nơi những người lính không tên đã lớn lên trong lòng đất, đánh đổi tuổi trẻ và tình yêu để giữ lấy Tổ quốc.

Thực hiện: Amelia