Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt: 6 lần Ae Sun bước qua định kiến

Ngày đăng: 05/04/25

Cuộc đời không trao cho nữ chính Ae Sun một quả cam ngọt ngất ngây, mà là quả quýt chua nhẹ, xen kẽ vị đắng. Xem “Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt”, nữ chính Ae Sun đã cho chúng ta cảm thụ được nghệ thuật sống bằng nỗ lực vươn lên tìm hạnh phúc, không khuất phục trước những nốt trầm để được sống trong nốt thăng, và phá vỡ mọi rào cản định kiến.

16 tập phim “When Life Gives You Tangerines” (Khi cuộc đời cho bạn quả quýt) là lượt chơi tàu lượn siêu tốc đáng nhớ của người xem, trầm bổng, từ hố sâu rồi đến đỉnh hạnh phúc trong vòng lặp đời người. Bộ phim đưa người xem trở về những năm 1950 ở đảo Jeju (Hàn Quốc), để chiêm nghiệm và “trải nghiệm” cuộc sống người dân nơi đây; đặc biệt là những hải nữ. Câu chuyện lấy phụ nữ làm trung tâm khai thác diễn biến; xoay quanh cuộc đời của Ae Sun (IU thủ vai) – một cô con gái của hải nữ, một cô gái khao khát được học đại học rồi làm nhà thơ, một người mẹ bỏ hết ước mơ vì con cái và một “nữ tổng thống” của “đệ nhất phu nhân”, Gwan Sik (Park Bo Gum thủ vai).

Ae Sun là người phụ nữ rất bình thường mà ai cũng dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống; nhưng cách cô kiên cường, biến vị “chua chát” quả quýt cuộc đời thành vị ngọt ngào đã khiến ai cũng khao khát được nếm thử.

Ae Sun được sinh ra tại 1 làng chài xa xôi, biệt lập với phố thị hiện đại. Cha mất sớm, Ae Sun được mẹ gửi về sống cùng chú và bà nội để có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Sau đó, người mẹ mà Ae Sun yêu quý nhất trên đời cũng từ giã cuộc đời, bỏ cô lại một mình. Gian nan của Ae Sun bắt đầu. Phim không có nhân vật phản diện, mỗi người trong cuộc Ae Sun là những bài học đáng quý; đôi khi cũng là những thử thách. Tuy nhiên, thay vì cách triển khai đầy nghiệt ngã và ly kỳ như truyền thống, những gì Ae Sun đối mặt đã chạm đến người xem bằng sự gần gũi, thực tế và phổ biến đến đáng sợ.

Thiếu tình thương từ một gia đình đủ đầy, cộng với sự nuôi dạy của một người mẹ hải nữ mạnh mẽ, Ae Sun từ nhỏ đã là một cô gái kiên cường, chưa bao giờ “đạp phanh xe” trước mọi “khúc cua” của cuộc đời. Ẩn nấp trong sự vươn lên từ nghịch cảnh Ae Sun trong phim là những thời khắc nữ quyền trỗi dậy.

Yếu tố nữ quyền trong “Khi cuộc đời cho bạn quả quýt” không được khai thác một cách “đao to búa lớn” hay là buộc phải có một kết quả mang tính thay đổi thời cuộc, thay vào đó đạo diễn cũng như đội ngũ biên kịch nhấn mạnh vào tính quá trình cùng nhiều biến đổi quan trọng. 

“Hụt” vị trí lớp trưởng

Nhiều lần thua đời nhưng “thua trong thế thắng”. Khi bầu cử lớp trưởng, cô là người có số phiếu bầu cao nhất, nhưng phải nhường vị trí cho bạn đứng thứ hai vì gia đình giàu có quyền và có tiền. Mặc dù biết bản thân đã thua cuộc, nhưng sự bướng bỉnh của Ae Sun vẫn không thuyết phục, cô đã nhiều lần đứng trước mặt giáo viên “chất vấn”, khóc lóc đòi lại công bằng, thay vì im lặng chịu đựng sự bất công. 

Bỏ trốn khỏi Jeju

Cuộc sống vất vả nuôi cả nhà bố dượng, hai đứa em, cùng một lời hứa thoảng qua tai: được đi học lại đã “bóp nghẽn” tuổi trẻ đầy khát vọng thiếu nữ Ae Sun; buộc cô phải từ bỏ tất cả, quyết định trốn đến Busan cùng “trụ gang đúc” Gwan Sik.

Trong thời kỳ ngăn chặn phụ nữ bỏ trốn khỏi Jeju, ngọn lửa nhiệt thành theo đuổi đam mê bên trong Ae Sun đã giúp cô can đảm phá vỡ rào cản. Dù plan A thất bại, bị chủ nhà trọ lừa tiền, và bị cảnh sát bắt lại, nhưng Ae Sun thực sự đã không một chút hối hận. Bởi lẽ, bản thân cô biết rằng mình đã cố gắng ra sao. Như Gwan Sik đã nói trước khi bỏ trốn, “chiến đấu đâu cần phải chiến thắng”, thất bại cũng được miễn sao họ đã đứng dậy đấu tranh cho cuộc đời chính mình. 

Quả quýt ngọt mang tên Gwan Sik

Vì sợ cuộc đời không còn tương lai của mình ảnh hưởng đến tiền đồi đầy tiềm năng của Gwan Sik, bản thân cũng không còn đường quay đầu (bị đình chỉ học vì bỏ trốn). Không chốn dung thân, Ae Sun quyết định an bài, nghe theo sự sắp đặt hôn nhân với Bu Sang Gil. Sự đồng ý “miễn cưỡng” mở ra tương lai Ae Sun trở thành người vợ, quanh quẩn ở nhà lo miếng cơm, manh áo cho chồng. Đó là ngã rẽ mà người mẹ quá cố lẫn bản thân cô bấy lâu nay né tránh.

Tuy nhiên, chính sự hy sinh và tình yêu không điều kiện của Gwan Sik đã “sưởi ấm” con tim của Ae Sun một lần nữa, nhóm lửa cho ngọn đuốc nhiệt huyết đã bị dập tắt, để cô một lần nữa vượt qua hàng rào quy tắc xã hội. Tình yêu đã giúp Ae Sun vượt qua số phận đáng buồn của chính mình. Cô chạy đến bến cảng để “đón” Gwan Sik – nhảy xuống biển từ chuyến thuyền đi đất liền, sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống mới với anh ấy. 

Giữa tình yêu của Ae Sun và Gwan Sik không tồn tại “cán cân” so sánh, không ai yêu nhiều hơn ai. Nó mãnh liệt và trường tồn cùng cuộc đời của họ. Cũng chính tình yêu đã giúp Ae Sun nhiều lần đứng lên bảo vệ chồng. Thừa biết gia thế và quyền lực của Sang Gil trong làng lúc bấy giờ, nếu không phải là cô gái khát khao công bằng và mãnh liệt vì tình yêu, Ae Sun đã chấp nhận nhịn nhục vì miếng cơm manh áo cho gia đình. Sự quyền lực huyền ảo đã không đủ đánh gục Ae Sun cũng như tình yêu của cô dành cho chồng. Biết tin Gwan Sik bị Sang Gil ức hiếp khi đi thuyền đánh cá, Ae Sun mặc kệ bụng bầu cũng chẳng sợ quyền thế của Sang Gil mà chạy thẳng đến tìm và nói rõ ngọn ngành với thuyền trưởng. 

Nữ Trưởng làng đầu tiên của đảo Jeju

“Ae Sun được sinh ra để làm điều lớn lao” câu nói của chính cô hiện thân cho niềm tin vào chính mình.

Dù giấc mơ bất thành, nhưng sâu thẳm bên trong Ae Sun chưa bao giờ quên mình là “cô gái văn chương”. Dẫu đôi khi cuộc sống bộn bề, mưu sinh kiếm sống đã từng khiến cô tạm gác đi sở thích viết thơ, nhưng đến tuổi trung niên, vượt qua rào cản tuổi tác cùng sự khích lệ từ gia đình, Ae Sun đã trở thành một nhà thơ thục thụ, với tập thơ viết về cuộc đời và tình yêu của mình. 

Ae Sun có nhiều ước mơ, và quan trọng, cô tin tưởng mình làm được. Chính niềm tin mạnh mẽ đã chắp cánh cho khát vọng của Ae Sun bay xa. Cô từng thừa nhận bản thân không quan tâm đến chính trị, chưa từng muốn tranh chức vị Phó Trưởng làng Dodong; nhưng với sự cổ vũ của ba bà cô hải nữ, Ae Sun đã “mở rộng” giới hạn của mình.

Tuy nhiên, sự xem thường phụ nữ của Bu Sang Gil mới thực sự khiến Ae Sun thêm quyết tâm.

Không được học đại học, không cưới chồng đất liền, cuộc đời nghiệt ngã đã dập tắt mọi ước mơ của “nữ anh hùng”, nhưng người xem cũng được “an ủi” phần nào khi Ae Sun đã trở thành nữ Phó Trưởng làng đầu tiên của làng Dodong và Nữ Trưởng làng đầu tiên của đảo Jeju. 

Là một đứa con dâu không ưng ý, một đứa cháu dâu điềm gở, bản thân Ae Sun chưa bao giờ nghĩ mình như thế. Cô tin rằng mình chính là “hòn phúc” giúp thuyền chồng luôn đầy cá, là chiếc “phao cứu sinh” giúp kinh tế gia đình chồng vực dậy (bà của Ae Sun đã cho tiền cô mua tàu đánh cá).

Khi cuộc đời trao cho Ae Sun quả quýt chua, khiến cô gục ngã với biết bao biến cố, nhưng không chỉ tình yêu của Gwan Sik, niềm tin vào bản thân của cô cũng giúp cô tiếp tục sống, cố gắng và hy vọng. 

Quả quýt chua hay ngọt là do bạn quyết định

Nữ quyền không phải lúc nào cũng là cuộc đấu tranh lớn lao tranh giành đặc quyền; nó có thể đơn giản là làm điều mình thích và không quên bản sắc của chính mình. Trong “Khi cuộc đời cho bạn quả quýt”, điều này được cài cắm qua nhiều chi tiết nhỏ qua hình tượng nhân vật Ae Sun.

Trong lúc chọn đồ cưới với Gwan Sik và mẹ chồng, Ae Sun đã không để sự ngăn cản của mẹ chồng (tượng trưng cho định kiến lỗi thời từ xã hội) khiến cô thôi thích chiếc mũ voan trang trí cường điệu, để mặc cùng áo cưới. Khi Gwan Sik ân cần hỏi liệu sau này cô có hối hận với sự lựa chọn trang phục – có phần không đúng với tiêu chuẩn bấy giờ, Ae Sun đã khẳng định là không; và nếu có, thì chẳng có vấn đề. Bởi lẽ, cô biết rằng bản thân cô lúc đấy đã thực sự thích chiếc nón đó. 

Ae Sun thích mặc đồ màu hồng, in họa tiết hoa và kẹp tóc trẻ trung. Những dấu ấn đặc trưng trong hình tượng nhân vật này luôn được đội ngũ làm phim khai thác thật chỉn chu. Bởi lẽ, họ biết rằng  “nữ anh hùng” bướng bỉnh Ae Sun sẽ không chịu “hy sinh” mình vì những điều không đáng, cũng như các định kiến cổ hủ. 

Một thế hệ phụ nữ không bao giờ chịu đầu hàng! 

Ae Sun không phải là một “nữ cường” duy nhất trong phim. Sự kiên cường, lòng dũng cảm và tinh thần “lật bàn mà sống” của cô được truyền lại từ người mẹ hải nữ.

Họ là những “nữ anh hùng” đấu tranh với thời đại cùng gọng kìm định kiến cổ hủ, vượt lên mọi rào cản kìm hãm sự tự do; họ hy sinh, họ làm tất cả để con cháu của mình, thế hệ mai sau có được một cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn. 

“Tôi thà làm việc như một con bò hoặc con ngựa còn hơn là trở thành 1 người phụ nữ trên đảo Jeju”, câu nói của mẹ Ae Sun trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời của Ae Sun.

Người mẹ quá cố của Ae Sun đã mang đến một xâu cá đù đến nhà chồng chỉ, vì nghe được tin con gái bị phân biệt đối xử và không được ăn. Bà luôn cố gắng để con gái mình được đi học, thay vì tập lặn cho con từ nhỏ để trở thành một hải nữ. Khi lớn lên, có chồng rồi con gái đầu lòng, Ae Sun xây dựng môi trường sống tốt hơn, cho con chạy xe đạp, lật bàn cúng tổ để không cho con làm thợ lặn, lên thuyền cùng cha, làm tất cả mọi thứ,…và nuôi nấng con như “rồng đẻ từ suối”. 

Sống trong cái khổ nhưng họ luôn muốn con cái và thế hệ phụ nữ tiếp theo không lặp lại số phận đáng buồn của chính mình.

Từ xó bếp, bàn ăn cho đến từng đường đi nước bước, những người phụ nữ thời đại trước “dẹp đường” cho thế hệ mai sau tỏa sáng. Cuộc đấu tranh vì nữ quyền là như thế, là một hành trình kéo dài không có điểm kết rõ ràng, được truyền từ đời này sang đời khác, và được vận động bởi sự đồng lòng, tương trợ của nhiều người phụ nữ. 

Ae Sun mạnh mẽ sẽ có lúc yếu lòng và muốn bỏ cuộc, nhưng chính tình yêu thương và sự giúp đỡ từ những người phụ nữ xung quanh cô đã thắp sáng hy vọng vượt qua nghịch cảnh tăm tối của cuộc đời.

Ae Sun chẳng thể sống nổi nếu thiếu đi sự đồng hành từ “ba bà tiên” hải nữ – bạn của người mẹ quá cố; cảm thấy tội lỗi suốt đời nếu không được mẹ chồng an ủi bằng sự “im lặng” khi đứa con út bị biển cả “cướp mất”; hay sống đói, khổ khi không được bà cụ phòng trọ cho gạo, mẹ kế trả tiền thuê phòng,…Tất cả những người phụ nữ từng lớn lên và sống trong nghèo khó đó đã cùng nhau đi lên, trải qua nhiều vị “chua” cuộc đời để cuộc đời sau này nếm trọn vị ngọn lành.

Thực hiện Dory