Khi phụ nữ Phục Hưng diện Dior: Vẻ đẹp tự do trong “tiêu chuẩn” phái mạnh

Ngày đăng: 26/03/25

“Tại sao đàn ông vẫn là những người quyết định cách chúng ta ăn mặc?” – Jessica Worrall đặt câu hỏi thông qua những tác phẩm phụ nữ Phục Hưng diện thời trang của các nhà mốt xa xỉ.

Hãy thử hình dung một quý cô thế kỷ 15 khoác lên mình chiếc áo giáp mạ vàng lộng lẫy của Schiaparelli, hay bước đi giữa những bức tường đá cổ kính trong chiếc áo phông mang dòng chữ We Should All Be Feminists của Dior.

Jessica Worrall – nữ nghệ sĩ ghép ảnh đã xếp lớp những thiết kế cao cấp đương đại lên chân dung phụ nữ thời Phục Hưng, và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đối lập với guồng quay tiêu dùng xoay quanh mạng xã hội ngày nay. Nhìn vào các tác phẩm của cô, một tiểu thư thời Elizabeth với chiếc khăn xếp trắng truyền thống, khoác lên mình bộ đồ bơi một mảnh từ BST Chanel Xuân/Hè 1994.

Quần áo từ lâu đã là ‘tuyên ngôn thị giác’ về sự giàu có và nếu có mặt ở thời nay, quý bà thời Elizabeth trong tác phẩm của Worrall hẳn sẽ gạch bỏ khái niệm ‘quite luxury’ trong từ điển thời trang quyền quý của mình. Suốt chiều dài lịch sử, giới thượng lưu luôn dùng trang phục như cách thể hiện địa vị, từ chiếc túi Birkin đến khăn quàng Hermès. 

What If Renaissance Women Wore Dior?

“Vòng cổ xếp nếp là ví dụ điển hình. Khi đeo nó, bạn đang tuyên bố rằng mình thuộc giới thượng lưu, và không làm công việc tầm thường như dọn dẹp – vì đã có người khác lo liệu. Khi nhìn thấy ai đó diện chiếc vòng cổ xếp nếp ren tinh xảo từ thế kỷ 16 giống như khi ta bắt gặp một người sải bước trong đôi giày Louboutin ngày nay. Cả hai đều là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực, không chỉ đối với người mặc mà còn với cả những người xung quanh”.

Khi nhìn thấy ai đó diện chiếc vòng cổ xếp nếp ren tinh xảo từ thế kỷ 16 giống như khi ta bắt gặp một người sải bước trong đôi giày Louboutin ngày nay – đều thể hiện sự giàu có và quyền lực

phụ nữ Phục Hưng diện schiaparelli

Theo nữ nghệ sĩ, cách con người thể hiện sự giàu có ngày nay không khác bao nhiêu so với thời Phục Hưng: những “luật xa xỉ” khi quy định nghiêm ngặt ai được phép mặc gì. “Những bộ luật này phản ánh trật tự xã hội và củng cố hệ thống phân cấp, đảm bảo rằng chỉ hoàng gia và giới quý tộc mới có quyền khoác lên mình nhung đen hay gấm vàng – những loại vải xa xỉ bậc nhất vì quy trình nhuộm màu đắt đỏ. Thường dân sẽ bị giới hạn lượng vải để may một chiếc áo khoác” cô giải thích. “Nếu dám vượt quá địa vị của mình, họ có thể bị trừng phạt”.

Dù lặng lẽ hay náo nhiệt, dù trải qua bao đổi thay, thời trang vẫn xoay quanh những trật tự nhất định. Những lựa chọn vừa túi tiền, các thương hiệu bình dân hay dịch vụ cho thuê trang phục cao cấp như Rent The Runway đã mở rộng cánh cửa tiếp cận thời trang xa xỉ. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực ấy, sự phân tầng trong thế giới thời trang vẫn hiện hữu – một ranh giới vô hình nhưng sắc nét, phân định giữa những ai có đặc quyền sở hữu biểu tượng địa vị và những ai chỉ chạm vào nó trong chốc lát.

phụ nữ Phục Hưng diện đồ bơi Gucci

What If Renaissance Women Wore Dior?

Tầng lớp thượng lưu giờ đây không gò mình trong những chiếc váy bồng bềnh, áo lót và áo nịt ngực. Thay vào đó, họ khoác lên mình quần coord Gucci in logo, bộ vest nhung xanh lam sang trọng từ Tom Ford, hay áo khoác lông vai nhô đầy quyền lực của Yves Saint Laurent – một sự chuyển đổi vừa táo bạo vừa đầy tính đối thoại với lịch sử.   Nàng thơ của Worrall không chỉ là tinh hoa của xã hội Phục Hưng mà còn là người phụ nữ mang thai, bà mẹ và phụ nữ ngoại cỡ. Cô mang đến cho họ diện mạo của thế kỷ 21 trong những chiếc áo ngực hình nón của Jean Paul Gaultier hoặc những chiếc váy bồng bềnh của Viktor & Rolf.

“Việc kết hợp những hình ảnh tưởng chừng rời rạc lại với nhau chính là cách mở ra cuộc đối thoại về giá trị của phụ nữ trong xã hội – một giá trị lâu nay vẫn bị nhào nặn dưới áp lực của những lựa chọn thời trang do các thế lực bên ngoài áp đặt xuyên suốt lịch sử”.

What If Renaissance Women Wore Dior?

Nghệ thuật của cô phản chiếu thực trạng ngành thời trang, đặc biệt là những tập đoàn xa xỉ thiết kế cho phụ nữ nhưng lại do nam giới thống trị – những người định hình chuẩn mực cái đẹp và ảnh hưởng sâu sắc đến cách phụ nữ nhìn nhận bản thân. Dù không còn bị gò bó trong những chiếc corset, phụ nữ ngày nay vẫn đối mặt với áp lực khắc nghiệt từ chế độ ăn kiêng hà khắc, phẫu thuật thẩm mỹ và những bộ lọc làm đẹp phi thực tế trên mạng xã hội. Chính vòng lặp của những tiêu chuẩn sắc đẹp không tưởng này là điều Worrall muốn phá vỡ.

Dù không còn bị gò bó trong những chiếc corset, phụ nữ ngày nay vẫn ‘gò mình’ với áp lực từ chế độ ăn kiêng hà khắc, phẫu thuật thẩm mỹ và những bộ lọc làm đẹp phi thực tế trên mạng xã hội. Chính vòng lặp của những tiêu chuẩn sắc đẹp không tưởng này là điều Worrall muốn phá vỡ.

phụ nữ Phục Hưng diện nhà mốt xa xỉ để phá vỡ khuôn mẫu sắc đẹp cho đàn ông tạo ra

phụ nữ Phục Hưng diện nhà mốt xa xỉ

“Nó bắt nguồn từ quan niệm rằng phụ nữ là nàng thơ, còn người sáng tạo luôn là đàn ông” cô nói. “Thực tế, đây là một cấu trúc được định hình từ thời Victoria. Nếu để ý, ta sẽ thấy chỉ một số ít tập đoàn kiểm soát và ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của chúng ta, và nắm phần lớn quyền lực là nam giới.”

Cuối cùng, tác phẩm của Worrall đặt ra câu hỏi: Tại sao đàn ông vẫn là những người quyết định cách chúng ta ăn mặc?

Chuyển ngữ: Mỹ Tâm