Trò chuyện cùng Lê Ngọc Hà Thu: Thương hiệu bền vững XAVAN và những trăn trở về vấn đề môi trường, nhân quyền
Ngày đăng: 08/08/21
Thời trang bền vững là một xu hướng đang phát triển tại Việt Nam, lẽ dĩ nhiên, ngày càng nhiều cá nhân và thương hiệu sẽ thử thách bản thân với xu hướng này. Nhưng không phải ai cũng có thể kiên trì, bởi để theo đuổi thời trang bền vững, bạn cần có hiểu biết sâu, không ngừng học hỏi, và quan trọng là “không ưu tiên lợi ích cá nhân”. Những tiêu chí tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện, bởi đã làm kinh doanh, có ai mà không đặt lợi ích lên hàng đầu?
Lê Ngọc Hà Thu và thương hiệu XAVAN có lẽ là một trong số ít những cá nhân hội tụ cả ba yếu tố trên. Thu có thời gian 7 năm nghiên cứu và tìm tòi về thời trang bền vững, 2 năm theo học thiết kế thời trang tại London College of Fashion. Sự tài năng đi kèm với tính bền bỉ đã mang về cho cô vị trí quán quân tại hạng mục thời trang Nam ở cuộc thi Redress Design, cuộc thi về thiết kế thời trang bền vững đình đám nhất thế giới. Tên tuổi của Thu cũng từ đó được biết đến trên cộng đồng quốc tế, là tiền đề cho cô hợp tác với thương hiệu nổi tiếng Timberland cho BST đầu năm 2022.
Khác với phần lớn những người kinh doanh thời trang, Lê Ngọc Hà Thu không tiếp cận thời trang bởi vì nó “đẹp”, mà bởi cô muốn xử lý những vấn đề liên quan đến ô nhiễm, và rác thải vải trong ngành thời trang. Cô cũng không đặt yếu tố “lợi nhuận lên đầu”, Thu ưu tiên yếu tố con người – khách hàng, nhân công, người lao động. Chính vì nghiêm khắc với những giá trị mình theo đuổi, thương hiệu XAVAN mới chỉ ra đời vào năm 2021, nhưng hứa hẹn sẽ là một thương hiệu tiêu biểu của ngành thời trang bền vững, bởi người sáng lập của nó đi những bước rất chậm, nhưng vững chãi.
Hãy cùng Style-Republik tìm hiểu về XAVAN, cũng như những giá trị vượt ngoài khuôn khổ chữ “bền vững” mà thương hiệu thời trang này đang theo đuổi thông qua bài phỏng vấn dưới đây cùng NTK Lê Ngọc Hà Thu.
Chào Thu, bạn định nghĩa thế nào là bền vững và những khía cạnh quan trọng nhất để trở nên bền vững nói chung và với thương hiệu XAVAN nói riêng là gì?
Từ trước đến giờ mình cũng vẫn theo định nghĩa trong sách vở của phát triển bền vững – Nó là phát triển kinh tế, không hy sinh môi trường và xã hội. Tuy nhiên gần đây mình có đọc được một nhánh của bền vững – intersectionality (tính giao thoa). Đấy là góc nhìn khá hay, giống như mình đứng ở điểm giao hoà – people (con người), planet (môi trường), profit (lợi nhuận), sau đó mình nhìn và hành động. Chứ không phải là mình đứng từ góc độ lợi nhuận doanh nghiệp rồi sau đó mình mới cân nhắc đến môi trường và con người.
Mặc dù trước đây mình quan trọng yếu tố planet (môi trường). Nhưng giờ mình nghĩ mình phải quan tâm tới con người đầu tiên, mình trực tiếp làm việc với họ mà, khách hàng, những người đồng nghiệp, xa hơn là những người trong ngành. Mình quan tâm đến những gì ở gần mình trước rồi mới có thể thay đổi dài hạn được. Mọi người dễ hình dung hơn nếu nói về nhân quyền, lao động không bóc lột, mức lương cơ bản, những điều đó sẽ làm nhiều người dễ tiếp cận và tiếp thu hơn, rồi sau đó có ảnh hưởng tốt đến môi trường. Và lúc thiết kế sản phẩm mình cũng tâm niệm như vậy.
Thu gặp những thử thách gì khi sản xuất và kinh doanh hàng may mặc thân thiện với môi trường?
Các bước xử lý chất liệu khó khăn, phức tạp hơn. Có khi những chất liệu bền vững lại không đáp ứng được về mặt thẩm mỹ của một thiết kế và ngược lại. Có hai cách, cách thứ nhất là mình không sử dụng những thiết kế đấy nữa. Cách thứ 2 là cho phép bản thân có một tỷ lệ nhất định về chất liệu trong những mẫu thiết kế của mình. Không bao giờ mình có 100% là đồ bền vững được, và điều đó cũng chưa chắc là tốt hơn. Khi mà doanh nghiệp của bạn chưa vững thì khó để làm cái gì đó xa hơn, mình đi đường dài thì mình cần có những chiến lược dần dần. Nếu không bền vững về chất liệu thì mình sẽ cố gắng về mặt nhân công hoặc marketing chẳng hạn.
Một thiết kế trong BST Memoirs của NTK Lê Ngọc Hà Thu
Thử thách tiếp theo là nhận thức của khách hàng, phần đông dân số mọi người chưa biết/ chưa nhận thức về thời trang bền vững, cần phải tiếp tục tác động thêm vào kiến thức của họ. Thời trang bền vững mới đang chớm nở, nhưng cũng có dấu hiện greenwashing, sử dụng yếu tố bền vững như một công cụ để quảng cáo. Nếu khách hàng không tìm hiểu kỹ thì cũng sẽ dễ dàng ủng hộ những thương hiệu như vậy.
Một vấn đề nữa là giá cả. Nếu mình định ra một cái giá đúng, khách hàng có chấp nhận được không? Trong nhiều khảo sát, Gen Z và Millennials ủng hộ thời trang bền vững, nhưng mà điều đấy không đồng nghĩa với việc họ đồng ý trả một cái giá cao hơn. Đó là mâu thuẫn rất là khó để giải quyết, phải thuyết phục khách hàng là có hidden costs (những chi phí tiềm ẩn). Nếu bạn mua sản phẩm giá rẻ thì thật ra công nhân hoặc môi trường đang trả phần còn lại cho bạn. Vậy nên mình cần làm sản phẩm trông cao cấp hơn hẳn, đầu tư nhiều hơn vào chất xám, nguyên vật liệu, phẩn kể chuyện, và marketing. Để cho họ thấy sản phẩm của mình khác biệt và có cả văn hoá, tinh thần đằng sau nó.
Nếu bạn mua sản phẩm giá rẻ thì thật ra công nhân hoặc môi trường đang trả phần còn lại cho bạn. Vậy nên mình cần làm sản phẩm trông cao cấp hơn hẳn, đầu tư nhiều hơn vào chất xám, nguyên vật liệu, phẩn kể chuyện, và marketing. Để cho họ thấy sản phẩm của mình khác biệt và có cả văn hoá, tinh thần đằng sau nó.
Thu có thể chia sẻ ý nghĩa cái tên XAVAN được không?
Nó chính là trảng cỏ Savannah đấy. Lúc mình tìm tên cho thương hiệu, mình muốn có một cái tên liên quan đến thiên nhiên. Việt hoá từ XAVAN cũng rất đẹp, rất nhẹ trên môi, và nó cũng đủ lạ – nó có hai ký tự ít dùng là X và V. Các ký tự trong XAVAN cũng có sự đối xứng nhất định, và đẹp về thẩm mỹ khi thiết kế logo.
Đồng thời, nó là sự gợi nhắc về thiên nhiên trong đô thị. Trong bối cảnh đô thị, nếu có những thảm thực vật trải dài bát ngát như là XAVAN, con người sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé, mình muốn tạo cảm xúc như thế khi mọi người nghĩ đến XAVAN và những sản phẩm của thương hiệu.
Hiện nay, XAVAN có những dòng sản phẩm gì?
Mình có dòng sản phẩm ready to wear, trong đó có 2 nhánh: Thứ nhất là những mẫu đồ cơ bản của thương hiệu với những nét chấm phá riêng; Thứ hai là dòng collectibles gồm những mẫu cao cấp với cách xử lý phức tạp hơn về chất liệu, nhưng vẫn dễ mặc. Sắp tới mình có một dòng custom-made nữa, dành cho khách hàng có nhu cầu cá nhân hay những trang phục biểu diễn. Nó sẽ là sự đi lên về chất lượng vải và kỹ thuật thủ công như thêu tay, kỹ thuật đánh sáp vải, nhuộm tự nhiên.
Tuy nhiên, với dòng sử dụng vải thủ công và dệt thủ công, mình không thể làm nhiều quá, bởi mức giá cao và nguồn nguyên liệu cũng bị giới hạn. Mình vẫn cần có một dòng sản phẩm có sẵn để hỗ trợ tài chính cho những thứ mang tính thử nghiệm hơn. Và cũng là để mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng.
Bạn có thể chia sẻ về thẩm mỹ trong thiết kế của XAVAN và triết lý kinh doanh của thương hiệu được không?
Thẩm mỹ đặc trưng của XAVAN là tính chiết trung (eclecticism), kết hợp nhiều nguồn cảm hứng, nhiều nền văn hoá từ Đông sang Tây. Nhưng những sản phẩm của mình đều là dòng streetwear (thời trang đường phố), thử nghiệm với nhiều phom dáng và chất liệu truyền thống cùng những kỹ thuật thủ công như vá hay thêu.
Về triết lý kinh doanh, mình vẫn sẽ tuân theo quy tắc bền vững và intersectionality (sự giao thoa) của các vấn đề khác nhau trong môi trường văn hóa xã hội, và làm thế nào để giải quyết những vấn đề đấy thông qua thời trang, thiết kế sản phẩm và kinh doanh. Giảm rác thải là một yếu tố quan trọng, mình sẽ quan tâm đến việc sử dụng deadstock materials (vải kiện) hoặc các loại vải ít tác động đến môi trường. Ngoài ra còn yếu tố liên quan đến nhân quyền, về nhân công và khách hàng, nó cần phải thân thiện với cộng đồng LGBTQ+. Mình cũng để ý đến body positivity (tích cực về cơ thể), vậy nên mình có hỗ trợ may đo cho khách hàng nếu dòng sản phẩm bán sẵn không đáp ứng được nhu cầu của họ. Mình tự đặt ra những mục tiêu như thế để tự giải quyết dần dần. Vậy triết lý thương hiệu của mình là giải quyết vấn đề trong thời trang và các vấn đề về nhân quyền.
Bạn có nhắc đến việc bản thân quan tâm đến thiết kế trang phục cho cộng đồng LGBTQ+, sự quan tâm này bắt nguồn từ đâu?
Bản thân mình và nhiều bạn bè đều thuộc cộng đồng LGBTQ+ nên sự quan tâm này đến khá tự nhiên thôi. Thực ra ngành thời trang vẫn thoải mái về mặt giới tính và xu hướng tính dục hơn so với rất nhiều ngành khác.
Nếu nhắc đến vấn đề bản dạng giới (gender identity), việc ăn mặc có thể giao tiếp giới tính của mình một cách trực tiếp nhất. Nếu ngoại hình của bạn chưa trùng khớp được với giới tính bên trong, bạn phải sử dụng trang phục để trợ giúp. Mình có một người bạn là gender fluid (giới tính linh hoạt), bạn rất đam mê âu phục may đo. Nhưng những đối tượng khách hàng lớn nhất của âu phục may đo là đàn ông (họ làm những ngành kinh doanh, chính trị, kinh tế) – những ngành nghề khá khắc nghiệt với cộng đồng LGBTQ+, nên khó để tìm một dịch vụ/ các nhà may mà họ trân trọng và chủ động hỗ trợ sự đa dạng của cộng đồng này. Nếu tìm từ khoá “queer tailoring” sẽ thấy đó là một vấn đề khá lớn của cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt là với các bạn chuyển giới nam, vì dù sao thời trang nữ cũng khá đa dạng. Chính vì thế, làm thế nào để mình hỗ trợ các bạn nam cũng là một câu hỏi lớn đối với cá nhân mình và XAVAN.
Cộng thêm vấn đề về gender dysphoria (rối loạn định dạng giới), mình nghĩ vấn đề đó sẽ được giảm đi nhiều nếu các bạn được mặc như mong muốn. Hồi đó mình và bạn có làm khảo sát trong cộng đồng queer Việt Nam, các bạn có rất nhiều vấn đề về trang phục, nổi trội là “Quá nam tính hoặc quá nữ tính. Không có màu sắc trung tính”. Hiện giờ phổ dạng giới (gender identity spectrum) không chỉ còn 2 cực đơn thuần là nam và nữ nữa, mà còn có những sự dịch chuyển linh hoạt và đa dạng giữa hai đầu mút này. Trong tương lai, mình muốn rằng sản phẩm mình tạo ra tinh tế hơn và phần nào có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Vậy Thu có thể chia sẻ cảm hứng và ý tưởng cho bộ sưu tập sắp tới của XAVAN?
Bộ sưu tập sắp tới là Thu/ Đông 2021. Mặc dù mình không muốn đặt nặng yếu tố giới tính, BST thể hiện tính nam nhiều hơn. Có những sản phẩm như sơmi, overshirt, quần – lấy cảm hứng từ đồ Americana, đồ lao động phương Tây. Vẫn nhất quán với BST Slow Boy Archive, “truyền thống phương Tây diễn giải qua lăng kính thẩm mỹ Á Đông”.
Cảm hứng cho BST là bài tiểu luận The Myth of Sisyphus của Albert Camus. Sisyphus là một vị anh hùng trong truyền thuyết Hy Lạp, bị trừng phạt vì trốn tránh cái chết bằng cách liên tục đẩy một hòn đá lên đỉnh núi, cho nó rơi xuống rồi vĩnh viễn lặp lại hành động đó. Trong ẩn dụ của Camus, Sisyphus là đại diện cho con người tỉnh thức, tảng đá là gánh nặng cuộc đời, và khổ hình lặp lại mãi mãi chính là kiếp người phi lý. Tuy nhiên, nhà văn kết luận rằng, “Bản thân cuộc tranh đấu hướng tới đỉnh cao là đủ để lấp đầy trái tim con người. Ta phải tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc.”
Sự sống không có ý nghĩa nội tại, nhưng cuộc sống của riêng ta thì còn “tảng đá” của ta – là gánh nặng, là thử thách, là giằng co tranh đấu thúc đẩy ta tiếp bước. Làm sao để thấy thích thú và hưởng thụ con đường lên đỉnh đồi? Liệu ta có thể tạo dựng một kết cấu hỗ trợ nào đó để mang vác “gánh nặng” hiệu quả hơn, dễ dàng hơn? BST sắp tới của XAVAN là nỗ lực của mình để trả lời cho những câu hỏi trên.
Làm thế nào để đảm bảo XAVAN luôn phát triển theo hướng bền vững nếu trong tương lai mở rộng, phát triển và có lượng khách hàng dồn dập hơn?
Mình không nghĩ XAVAN sẽ mở rộng hơn trong vài năm tới, hiện giờ mình hài lòng vì vẫn tham gia kiểm soát được hết các khâu quy trình sản xuất. Về sau có đơn hàng nhiều hơn, mình có thể tìm các phân xưởng đáp ứng yêu cầu về quyền lợi nhân công. Mỗi năm mình đều nhìn lại, giữ vững tinh thần, tiếp tục chia sẻ và trung thực với mọi người.
Thực ra, mình rất sẵn lòng và còn cảm thấy vui nếu khách hàng có sự phê bình, nhắc nhở thương hiệu khi có những vấn đề không ổn hoặc đi sai hướng. Lúc đó là lúc mình sẽ nhìn lại được cách làm việc của mình một cách triệt để nhất.
Cảm ơn Hà Thu rất nhiều về những chia sẻ của bạn!
Thực hiện: Nhi Nguyễn