Lễ xem gì? Tận hưởng ngày lễ với những bộ phim không trực tiếp “đề cập” đến thời trang, nhưng sở hữu phong cách phục trang ấn tượng
Ngày đăng: 31/08/24
Dành cho những tín đồ hướng nội, những tâm hồn chỉ muốn tận hưởng kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh trong chăn ấm nệm êm, những tựa phim sở hữu phong cách phục trang ấn tượng, mặc dù nội dung triển khai không liên quan về thời trang.
Điện ảnh là nguồn cảm hứng để người xem mở rộng kiến thức, văn hóa, tầm nhìn, đồng thời phát triển sở thích cá nhân thông qua cảm thức, cũng như những nghiên cứu sâu hơn sau đó về thẩm mỹ và lối kể chuyện. Thời trang phản ánh thời đại và ngược lại. Từ đó, thời trang cũng dễ dàng tìm thấy điểm chung của mình giữa các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Trong ngành điện ảnh, phục trang đóng vai trò quan trọng như các yếu tố khác, không chỉ là lớp quần áo làm nổi bật các tuyến nhân vật, chúng còn trở thành thứ ngôn ngữ đặc biệt để đạo diễn thể hiện cá tính nhân vật, mạch phim cũng như các tình tiết quan trọng. Có rất nhiều tác phẩm trên màn ảnh rộng hoặc có phạm vi tiếp cận nhỏ hơn, dù có nội dung không liên quan đến thời trang, nhưng sở hữu phong cách phục trang ấn tượng. Đó cũng là một nguồn cảm hứng dồi dào để các tín đồ làm trong ngành cũng như trong thế giới sáng tạo bồi dưỡng và rèn luyện tư duy của mình. Từ thể loại khoa học viễn tưởng cho đến lịch sử, văn hóa, dưới đây là những bộ phim truyền cảm hứng thời trang và sáng tạo mạnh mẽ nhưng lại không “nói” về thời trang, hãy chọn một hoặc nhiều tựa phim để tận hưởng dịp lễ Quốc Khánh này nhé!
Matrix (1999)
Do chị em nhà Wachowski chấp bút và đạo diễn, “The Matrix” đã thiết lập nên bộ quy tắc thẩm mỹ, kỹ thuật và lối tường thuật đặc trưng của thể loại phim dystopian (phản địa đàng) vào năm 1999. Kể từ khi ra mắt, “The Matrix” vẫn giữ nguyên giá trị sau hơn hai thập kỷ, đặc biệt là trong thế giới thời trang, sáng tạo. Tinh thần cyber-punk trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 lúc bấy giờ, gắn liền với các nhân vật như Neo và Trinity (do Keanu Reeves và Carrie-Anne Moss thủ vai), đã tạo nền một bức tường thành thẩm mỹ vững chắc trong thế giới thời trang. Chắc chắn, khi xem lại những bộ trang phục điệp viên mang tính biểu tượng, màu đen bóng bẩy trong bộ phim năm 1999, chúng ta vẫn sẽ cảm nhận được cảm giác tương lai. Những chiếc kính gọng đen, áo khoác dài và bốt da,… được Kym Barrett thiết kế trong phim liên tục ảnh hưởng đến tư duy thiết kế của hàng loạt nhà thiết kế ở mọi thời đại, kể từ khi John Galliano trình làng bộ sưu tập haute couture nặng nề bằng PVC, kính siêu nhỏ và váy đỏ của mình trên sàn diễn Christian Dior Thu 1999, chỉ vài tháng sau khi bộ phim ra rạp. Thẩm mỹ của “The Matrix” cũng nhiều lần xuất hiện trong “vũ trụ kỳ ảo” của vị giám đốc sáng tạo Balenciaga, Demna.
“Khi chúng tôi thực hiện ‘The Matrix’, chúng tôi đã hình dung và mong muốn thế giới có thể trở thành như thế nào, và điều đó đã xảy ra đúng như quỹ đạo”, nhà thiết kế trang phục Kym Barrett chia sẻ. Cô cũng là người đảm nhận vai trò thiết kế phục trang cho các phần phim tiếp theo như “The Matrix Reloaded” và “The Matrix Revolutions”.
Poor Things (2023)
Ngành điện ảnh năm 2023 chứng kiến “vụ nổ” mang tên “Poor Things”. Tại Lễ Trao giải Oscars năm 2024, bộ phim đạt được nhiều thành tích ấn tượng tại 4 hạng mục: “Hoá trang xuất sắc nhất”; “Thiết kế sản xuất xuất sắc”, “Thiết kế phục trang xuất sắc” và “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”. Được đạo diễn bởi Yorgos Lanthimos, “Poor Things” là tác phẩm phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng nhưng pha trộn tính hài hước, được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt vào năm 1992 của nhà văn Alasdair Gray.
Bộ phim kể về cuộc phiêu lưu của Bella Baxter (do Emma Stone thủ vai). Bella Baxter là một người phụ nữ lớn lên trong thời Victoria, sau khi được bác sĩ Godwin Baxter cứu sau tự kết liễu đời mình dòng sông và được hồi sinh từ bộ não của chính đứa con chưa chào đời của mình. Với tâm trí của một đứa trẻ trong hình hài người lớn, Bella Baxter đã phải sống một cuộc đời vô cùng khó khăn, thử thách và nếm trải “lại” mọi mùi vị của cuộc sống một lần nữa. Cuộc phiêu lưu hấp dẫn của Bella được thể hiện trực tiếp qua lựa chọn phục trang cũng như màu sắc, cách sắp xếp trong bối cục.
Thời trang phản ánh rõ thời kỳ Victoria trong “Poor Things” đã cho chúng ta thấy một khía cạnh đẹp đẽ và mơ một hơn của câu chuyện Frankenstein truyền thống. Thời trang thế kỷ 19 với tông màu kỹ thuật số xuất hiện trong suốt bộ phim vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn nhiều so với những gì bạn tưởng tượng từ một câu chuyện bắt đầu bằng một người phụ nữ trải qua một cuộc thử nghiệm ghép não sau khi cố gắng tự tử.
Từ trước khi được tái sinh, cho đến lúc trưởng thành từ một cuộc phiêu lưu mới, tính cách và tâm tư của Bella được nhà thiết kế trang phục Holly Waddington thể hiện trọn vẹn trong từng lựa chọn phục trang. Holly Waddington chia sẻ: “[Lanthimos] không muốn tôi làm một bộ phim truyền hình cổ trang”. Nghiên cứu của cô bắt đầu bằng cách xem xét những năm 1890 — ví dụ, khi đó, “tay áo phồng” là xu hướng của thời điểm đó, và sau đó tưởng tượng lại chúng để phù hợp với cốt truyện kỳ ảo. Trong phim, cầu vai phồng của Bella tượng trưng cho khát vọng tự do bên trong cô. Chi tiết này được “bơm phồng” theo thời gian, rồi được tiết chế lại sau gần cuối hành trình khám phá thế giới của Bella. Waddington cho biết: “Tôi đã sử dụng các phom dáng thời Victoria và sau đó tôi tìm ra những cách khác để diễn giải các kết cấu phong phú, đối với tôi, chúng cần phải mang lại cảm giác phóng khoáng và đương đại hơn”.
Bella trẻ con được “bà vú” mặc những chiếc đầm ngủ mỏng, quần lót mặc nhà. Những bộ trang phục này mang đến góc nhìn hiện đại về thời trang cuối thế kỷ 19. Những bộ trang phục được “bà vú” quy định nhanh chóng trở thành những bộ trang phục màu sắc sôi động, được chính Bella chuẩn bị kết hợp một cách tự do hơn, để sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu, phản ánh sự tò mò và trí tưởng tượng vô hạn của Bella, khi cô rời khỏi ngôi nhà duy nhất mà cô từng biết và được giới thiệu với thế giới bên ngoài. Từ đó trở đi, đó là sự bùng nổ của những màu sắc đậm và những hình bóng bồng bềnh,… tất cả được phối không giới hạn. Khi Bella tiếp xúc với nhiều thứ hơn trong những chuyến đi của mình, trang phục của cô cũng có thêm nhiều “lớp”.
Ngay cả khi Bella được dạy cư xử theo các chuẩn mực do các tổ chức xã hội đặt ra vào thời điểm đó từ trường học và hôn nhân, cách ăn mặc không chính thống của cô vẫn được làm rõ. Khi Bella được là chính mình, thoát khỏi những kỳ vọng của xã hội thời Victoria, cũng là lúc cô ấy ăn mặc phù hợp hơn, bớt nổi loạn hơn, với chiếc áo len dệt kim màu kem mặc cùng váy maxi màu đồng. “Lúc này chúng chỉ đơn thuần là quần áo”, Waddington nói. “Tôi chỉ muốn nó giống như cô ấy vừa tìm thấy chính mình, cô ấy đã biết mình là ai”.
Pearl (2023)
Từ tâm trí méo mó của Ti West, “Pearl”, phần tiền truyện của bộ phim kinh dị X-rated của a24, X, trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh ấn tượng trong năm 2023, với sự góp mặt của nữ diễn viên Mia Goth. Bộ phim xoay quanh một cô gái trẻ, Pearl, do Mia Goth thủ vai (được cộng đồng TikTok “phong” là Shelley Duvall của thế kỷ 21). Pearl lớn lên trong một vùng quê hẻo lánh, được nuôi nấng trong một nông trại yên bình, cô gái trẻ bầu bạn với những động vật nuôi và có một ước mơ to – trở thành một ngôi sao nổi tiếng. Pearl là một thiếu nữ trẻ bị cô lập khao khát ánh sáng đèn sân khấu, một lối thoát tìm đến sự tự do, và một đoàn khiêu vũ lưu động có vẻ như là lối thoát.
Mặc dù Pearl không diện thời trang cao cấp,như kẻ giết người điên cuồng và chiếc váy hoa mang tính biểu tượng trong những phút cuối của “Midsommar”, nhưng sự lựa chọn váy dài đến đầu gối và nơ cài tóc của cô cũng phát triển tính cách của cô rất nhiều trong phim. Trong suốt phần lớn bộ phim, chúng ta thấy Pearl mặc chiếc áo màu xanh ngọc lam nhạt và quần yếm denim khi cô làm việc đồng áng. Vẻ ngoài này với chiếc rìu giết người máu me của Pearl trong phim từng khiến làng mốt “ám ảnh”, tới mức được mô phỏng lại trong nhiều dịp Halloween. Đôi khi, hình ảnh Pearl được phác họa trong hình hài của “Lọ Lem” với chiếc khăn đội đầu, đôi lúc lại giống Kansas Dorothy với kiểu tóc thắt bím hai chùm, điểm xuyết bằng chiếc nơ to. Vẻ đẹp ngây thơ cùng nét yên bình từ thiên nhiên được thể hiện trọn vẹn trong diện mạo của Pearl trong hầu hết bộ phim.
Trong phần thứ ba của bộ phim, sau khi giết chính mẹ đẻ của mình và lục tung tủ quần áo của bà, Pearl mặc một chiếc váy đỏ như máu theo phong cách truyền thống năm 1918 khi cô thử vai cho một đoàn múa lưu động và sau đó ra tay kết liều chị dâu của mình. Màu đỏ là màu chủ đạo trong phim kinh dị, tượng trưng cho cái chết và sự tha hóa. Có thể hiểu theo nghĩa đen là máu trên tay Pearl giờ đây được thể hiện trên trang phục của cô. Cô đã dành cả cuộc đời để tìm kiếm danh tiếng. Trong buổi thử vai khiêu vũ ngượng ngùng và khó hiểu của mình, cô nổi bật hơn hẳn. Trong khi hầu hết các cô gái đều mặc đồ màu hồng và phấn nhạt, Pearl lại cực kỳ táo bạo và kinh hoàng.
“Pearl” là một bộ phim nổi bật trong mọi “mùa phim kinh dị”. Tuy “thời trang” không phải là “nhân vật chính” trong phim, tủ quần áo tinh tế nhưng đầy ý nghĩa, cùng tài năng diễn xuất xứng đáng với giải Oscar đã giúp bộ phim thêm trọn vẹn.
Spencer (2021)
Spencer (2021) là bộ phim của Pablo Larraín, kể về kỳ nghỉ Giáng sinh của Công nương Diana tại Sandringham vào năm 1991. Lần đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất, Kristen Stewart vinh dự có tên trong đề cử hạng mục và giành chiến thắng giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” của giải thưởng điện ảnh danh giá với vai diễn Công nương Diana trong bộ phim Spencer. Không chỉ có tình tiết phim, phục trang trong phim cũng được lấy cảm hứng từ chính tủ quần áo mang tính biểu tượng của cố Công nương.
Mỗi thiết kế đều mang một câu chuyện, thể hiện nội tâm của người phụ nữ tưởng chừng là người hạnh phúc nhất thế giới qua từng giai đoạn. Nhà thiết kế trang phục Jacqueline Durran đã lục tung kho lưu trữ của nhà mốt Chanel để mượn, đồng thời tạo ra các kiểu dáng mới lấy cảm hứng từ một số tác phẩm cổ điển ngoạn mục nhất của thương hiệu. Spencer và cách Jacqueline Durran khắc họa nội tâm của Diana qua ngôn ngữ thời trang khiến người xem ngất ngây, từ những chiếc váy nhung đen xa hoa, cho đến chiếc áo khoác vải tuýt màu đỏ anh đào; nhưng tuyệt tác chính là chiếc váy dài bằng vải tuyn không quai với họa tiết thêu vàng tinh xảo mà Kristen Stewart mặc trong một số cảnh đau lòng nhất của bộ phim. Một bản sao gần như chính xác của một tác phẩm gây chú ý từ bộ sưu tập thời trang Haute Couture Xuân/Hè năm 1988 của nhà mốt Pháp, được chế tác từ công sức của năm người nghệ nhân trong vòng 1034.
Chia sẻ với tạp chí TIME, nhà thiết kế Jacqueline Durran cho biết bà đã xem qua hàng trăm tấm ảnh về phong cách thời trang lúc sinh thời của Công nương, rồi sắp xếp và tìm ra “công thức” chủ đạo trong tủ quần áo của người vào từng thời điểm cụ thể. Trong đó, sự thanh lịch đặc trưng của Vương phi xứ Wales được nhà thiết kế hồi sinh trọn vẹn, thông qua những bộ suits kẻ sọc vừa thanh lịch vừa độc đáo, khi đào sâu phong cách của cố Công nương trong giai đoạn 1988 – 1992.
Trong một phân cảnh tại buổi lễ ở nhà thờ, trong khi trang phục của mọi người có gam màu trung tính, Công nương Diana lại xuất hiện nổi bật trong vẻ ngoài nhuộm màu đỏ sáng chói, cùng chiếc mũ đội đầu với tấm mạng che mặt bí ẩn – tất cả tượng trưng cho sự nổi loạn, ngọn lửa khát khao tự do, mong muốn thoát khỏi gọng kìm của cuộc sống hôn nhân trong hoàng gia; đồng thời như lời “cảnh báo” cho những sự trỗi dậy không khoan nhượng trong tương lai.
Emma (2020)
Không giống như những chiếc váy theo phong cách đế chế giản lược trong nhiều tác phẩm chuyển thể từ Jane Austen, trang phục trong bộ phim lãng mạn, chua chát và đầy hấp dẫn của Autumn de Wilde lại vô cùng hấp dẫn. Với vai bà mối chính, người trở nên say đắm Frank Churchill (Callum Turner) hào hoa trước khi nhận ra mình có tình cảm với George Knightley (Johnny Flynn), Anya Taylor-Joy hoàn toàn đắm chìm trong nhân vật (Emma Woodhouse) của mình. Những chiếc áo khoác màu chanh, mũ lông vũ cầu kỳ, tất cao đến đầu gối, những dải ruy băng bắt mắt và khăn choàng bằng vải voan màu kem trông ngon đến mức muốn ăn,…mang theo tinh thần thời trang những năm 1815 ở Anh.
Những bộ trang phục thời kỳ Nhiếp Chính góp phần không nhỏ để tạo ra tâm trạng và mô tả tính cách từng nhân vật. NTK phục trang Alexandra Byrne đã nghiên cứu nhiều tư liệu về lịch sử thời trang nước Anh để từng khung hình, hình ảnh của các tuyến nhân vật trong “Emma” trở nên duy mỹ và chân thật nhất như hệt những gì đã diễn ra ở thế kỷ XIX. Xuyên suốt bộ phim, ngoại hình của Emma được xây dựng gắn liền với những chiếc áo spencer , áo choàng dáng dài pelisses với màu sắc và kiểu dáng thay đổi theo bốn mùa trong năm. Trong khi đó, những chiếc mũ đội đầu cầu kỳ của Emma chính là ẩn ý cho sự canh tranh giữa phụ nữ trong tầng lớp quý tộc lúc bấy giờ.
Ngoài Emma, Harriet Smith (do Mia Goth thủ vai), một cô gái mới lớn trong thị trấn cũng được xây dựng chỉn chu. Emma kết bạn với Harriet Smith – một cô gái thường không có chính kiến cá nhân và tuân theo mọi chỉ dẫn của Emma. Điều này được thể hiện trực tiếp qua cách phối đồ tương đồng cũng như phong cách thời trang giữa hai nhân vật này. Song, vì xuất thân nghèo khó, đối lập với tầng lớp của Emma, trang phục của Harriet có phần đơn giản hơn, kiểu dáng tiết chế, bảng màu cũng trung tính, và nhã nhặn hơn nhiều.
Trang phục cũng nói lên được tính cách đặc trưng của nhân vật và Emma thủ vai. Phong cách thời Regency cũng được phác họa rõ nét qua trang phục nam như áo khoác lông có phần len dày, may đo vô cùng sắc nét với các đường cắt cạnh hình chữ M ở ve áo, hoặc những chiếc áo gile điểm xuyết cùng cà vạt.
The Grand Budapest Hotel (2014)
Là một trong những thước phim có bản phối giữa màu sắc và thời trang ấn tượng nhất trong lịch sử điện ảnh, The Grand Budapest Hotel (2014) trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho thế giới sáng tạo. Bộ phim này là một trong những tác phẩm để đời của “quái kiệt” làng điện ảnh – đạo diễn Wes Anderson.
Từng khung hình trong phim “The Grand Budapest Hotel” thể hiện rõ yếu tố mỹ thuật đặc trưng cho phong cách làm phim độc nhất của vị đạo diễn tài năng này. Trong đó, ngôn ngữ thời trang đóng vai trò vô cùng quan trọng. Câu chuyện ngụ ngôn kỳ quặc lấy bối cảnh ở vùng đất hư cấu Zubrowka của Đông Âu đã tạo ra một thế giới “kẹo ngọt” phong phú, nơi phong cách được cố tình phóng đại để tạo hiệu ứng châm biếm.
Nhờ tư duy và bàn tay tài hoa của nhà thiết kế phục trang danh tiếng tại Hollywood: Milena Canonero, bức tranh thời trang trong phim không chỉ đem về cho bà tượng vàng Oscar thứ tư trong sự nghiệp, mà còn khiến tác phẩm này trở thành một trong những “sàn diễn thời trang” ấn tượng bật nhất trong lịch sử, đặc biệt là đối với bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Thời trang của phim đóng một vai trò quan trọng trong việc khắc họa rõ nét cho con người của các nhân vật trong phim. Từ những bộ suit may đo lịch thiệp, đồng phục bồi bàn mang tính biểu tượng của Ralph Fiennes là chiếc áo đuôi tôm màu tím hoàng gia với khóa bằng đồng thau sáng bóng và quần tây liền mạch màu đỏ được gấp nếp hoàn hảo, cho đến người gác cổng hào nhoáng của khách sạn khoác trên mình bộ lông thú xa hoa, thiết kế trang phục đã nắm bắt được sự phi lý của thời trang châu Âu thời đại “Cũ”.
Theo chia sẻ của Milena Cannonero, bà và các cộng sự đã phải tham khảo qua rất nhiều tài liệu, hình ảnh về các khách sạn hàng đầu Châu Âu qua nhiều thời kỳ, lẫn những tác phẩm nghệ thuật cổ điển để hoàn chỉnh quá trình thiết kế. Sự tỉ mỉ trong khâu thiết kế, với những chất liệu kinh điển của châu Âu như chất liệu tweed, vải nhung, vải nỉ và lông thú, cùng mức độ hoàn thiện từ các nhà mốt hàng đầu như Prada hay Fendi, đã biến “The Grand Budapest Hotel” trở thành một bản khắc họa rõ nét cho những giá trị thẩm mỹ vượt thời gian của thời trang châu Âu đương thời.
Thực hiện Dory