Livestream bán hàng thắt chặt quản lý thuế – Thương hiệu thời trang phải làm gì?
Ngày đăng: 29/07/24
Livestream vốn được biết đến là một hình thức bán hàng đem lại hiệu quả cao và doanh thu tăng đáng kể so với việc đăng tải các hình ảnh thông thường về sản phẩm.
Tuy nhiên, các video viral trên TikTok thời gian gần đây kể lại việc bị phạt vì không kê khai, nộp thuế đúng hạn khi livestream bán hàng khiến nhiều chủ doanh nghiệp lo lắng.
“Mỏ vàng” kinh doanh qua livestream
Euromonitor dự báo doanh thu bán lẻ tại các sàn TMĐT ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kinh ngạc gần 600 nghìn tỷ VNĐ trong giai đoạn 2024-2028.
Người tiêu dùng đã quen thuộc với các phiên livestream giá sốc và khuyến mãi thường xuyên như sale đầu, giữa và cuối tháng, Megalive, sinh nhật… cùng với sự xuất hiện của đội ngũ KOL, KOC, “chiến thần chốt đơn” chuyên nghiệp.
Sự quan tâm của những khách hàng trẻ tuổi với thời trang cũng góp phần làm bùng nổ các mặt hàng quần áo và giày dép trên các sàn thương mại điện tử.
Tăng cường kiểm tra livestream bán hàng online
Gần đây, nhiều người kinh doanh online nhận được thông báo bị phạt tiền vì chậm kê khai, đóng thuế. Chia sẻ trên TikTok, anh Long, hiện đang làm tiếp thị liên kết trên các sàn TMĐT, đã đóng mức thuế thu nhập cá nhân 35% và đóng phạt 13 triệu đồng vì không kê khai thuế đúng hạn.
@longhousee2 ĐÓNG THUẾ 35% CẢM GIÁC SẼ NHƯ THẾ NÀO 😀
♬ nhạc nền – Săn Sale Cùng Longhousee – Săn Sale Cùng Longhousee
Có thể thấy, sự thiếu hiểu biết và chủ quan về các loại thuế kinh doanh khiến nhiều người gặp khó khăn.
Bên cạnh việc tuyên truyền các kiến thức về thuế, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã có số liệu về doanh thu trên các sàn TMĐT từ quý 4-2022 đến hết quý 1 năm nay đối với 159 sàn TMĐT, 158 website và 145 ứng dụng bán hàng online.
Từ đó, Cục đang đẩy mạnh rà soát thuế đối với 2.187 doanh nghiệp, 4.947 hộ kinh doanh và cá nhân. Trong đó có 1.260 hộ, cá nhân kinh doanh đã bị truy thu và phạt với số thuế 66,7 tỷ đồng.
Theo Luật Quản lý thuế 2019, người bán hàng phải đăng ký với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu kinh doanh. TikTok Shop cũng đưa ra thông báo yêu cầu người bán cập nhật mã số thuế trước ngày 1/7/2024 để có thể tiếp tục kinh doanh trên nền tảng này.
Nỗ lực quản lý thuế nhằm ngăn chặn hàng giả
Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử là những tiện ích khi mua sắm và kinh doanh online. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi sự tràn lan hàng nhái chất lượng thấp, đặc biệt là các mặt hàng làm đẹp, thực phẩm chức năng và thời trang cao cấp được bán với mức giá “hời”.
Bên cạnh thiệt hại to lớn về uy tín thương hiệu, các sản phẩm giả còn gây mất niềm tin của người dùng.
Điều này đòi hỏi các sàn thương mại điện tử cần hợp tác với các cơ quan để kiểm tra những người bán vi phạm. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch và đáng tin cậy hơn.
Chủ doanh nghiệp thời trang cần chủ động kê khai, nộp thuế
Nhiều phiên livestream bán hàng đạt được doanh thu khủng từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm được nghĩa vụ thuế của mình, dẫn đến việc nộp thuế bị chậm trễ.
Để thuận lợi, chủ doanh nghiệp nên chủ động kê khai tự tính và tự nộp. Những thương hiệu lớn nên chuyển đổi lên doanh nghiệp để đăng ký kê khai và nộp thuế dễ dàng hơn.
Theo Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, bên thứ ba livestream bán hàng cho các thương hiệu đã đăng ký hình thức hộ kinh doanh cá nhân sẽ nộp thuế với mức 7% hoa hồng từ lợi nhuận thu về, trong đó có 5% thuế VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân. Người bán cũng có thể thỏa thuận và ủy quyền cho sàn TMĐT nộp thuế thay mình.
Những thay đổi này có thể gây khó khăn ở thời điểm đầu, nhưng về lâu dài sẽ mang lại sự ổn định, bài bản cho xu hướng livestream bán hàng đang phát triển mạnh mẽ ở thị trường Việt.
Thực hiện: Thanh Mai (tổng hợp)