Lời kêu gọi hãy thay đổi ngành thời trang từ những người trong cuộc
Ngày đăng: 09/06/20
Như đã từng đưa tin, Gucci, dưới thời Alessandro Michele, đã chính thức bãi bỏ lịch thời trang truyền thống để chỉ trình diễn hai lần trong năm. Hay, nói một cách nhẹ nhàng hơn theo Alessandro Michele: “Tôi muốn bỏ đi những thứ phép tắc rườm rà của quá khứ để tìm kiếm một nhịp điệu tươi mới, đúng như những gì tôi khát khao.”
Thông cáo được đưa lên mục story trên Instagram của nhà mốt nước Ý vào Chủ nhật và được sắp xếp thành một chuỗi các đoạn hội thoại được viết bởi Michele. Trong đó, anh gợi lên suy nghĩ về những suy tư, trăn trở đối với hiện tại và đánh giá lại những gì mà đại dịch mang đến cho anh, với các khía cạnh khác nhau như môi trường, xã hội, cá nhân.
“Cuối cùng thì hiện tại đã mang đến cho ta những trách nhiệm quan trọng”, anh viết để nhấn mạnh việc mỗi cá nhân cũng cần đóng góp điều gì đó nếu như sự thay đổi diễn ra. “Tôi cảm thấy rất cấp thiết để thay đổi nhiều thứ trong cách làm việc. Tôi luôn có xu hướng thay đổi một cách chuyên nghiệp, mang theo cả sự bồn chồn sáng tạo tự nhiên và vui vẻ. Nhưng cuộc khủng hoảng, cách nào đó, đã khuếch đại tính cấp bách cần phải thay đổi, chúng ta không thể trì hoãn những bất cập này mãi được.”
Alessandro tuyên bố rằng anh sẽ xây nên một lộ trình mới cho mình “Tránh xa những lịch hẹn ra mắt và sự trình diễn quá đà nhưng không thực tế.”
Tác động của Gucci khi từ chối lịch diễn thời trang truyền thống và đi theo con đường khác là không thể xem nhẹ. Thuộc sở hữu của tập đoàn xa xỉ Pháp Kering (cũng là công ty mẹ của Saint Laurent, thương hiệu thời trang xa xỉ lớn đầu tiên công bố bãi bỏ lịch diễn thời trang và đi theo cuộc chơi của riêng mình), Gucci là một trong những thương hiệu nổi tiếng và có sức hút nhất hành tinh – đứng thứ tư vào năm 2020. Tầm ảnh hưởng của nó đối với người tiêu dùng và ngành công nghiệp này là cực kỳ sâu sắc, đến mức không thể thay thế và được xem như đầu tàu kéo các thương hiệu khác bước theo.
Điều này tương đồng với lời kêu gọi #rewiringfashion (Cải tổ thời trang) được khởi xướng bởi nhà thiết kế người Bỉ Dries Van Noten với sự hỗ trợ của tờ Business of Fashion để kêu gọi mọi người nhìn nhận lại về các tuần lễ thời trang toàn cầu và chấm dứt việc giảm giá quá mức. Đề xuất này đã vượt 1800 chữ ký, bao gồm cả nhà thiết kế người Pháp Kouthe Lemaire, và Shauna Toohey từ nhãn hiệu Perks And Mini của Úc: Hệ thống này đã lỗi thời và gần như không còn theo kịp thời đại. Đây chính là cơ hội duy nhất để chúng ta sửa chữa tất cả điều đó.
Những tuyên bố này dù có táo bạo và mang tính tiên phong nhưng cũng không phải là lần đầu tiên ngành công nghiệp thời trang nhận được những lời kêu gọi như vậy. Rất nhiều nhà thiết kế và người làm sáng tạo khác cũng đã và đang bị kiệt sức bởi những đòi hỏi doanh thu và thương mại. Khi Raf Simons rời khỏi Dior năm 2015, anh liên tục lên tiếng về sự không ngừng nghỉ của guồng quay thời trang, hay khi Christopher Bailey tạm biệt Burberry vào năm 2018, anh đã nói với tờ The New York Times rằng anh cần “sự cân bằng trong cuộc sống cá nhân sau khi đã chạy hàng ngàn dặm/giờ trong nhiều năm.”
Trước Gucci và Saint Laurent, cũng đã có nhiều thương hiệu thoát ra khỏi lịch diễn truyền thống. Nhà thiết kế người Mỹ Alexander Wang chuyển sang trình diễn bộ sưu tập hai năm/lần vào năm 2018 hay nhà thiết kế người Pháp Marine Serre đã làm điều tương tự kể từ khi cô ra mắt thương hiệu tên tuổi của mình vào năm 2017. Nhưng còn đối với những thương hiệu đại thụ, hầu hết đều đang cố gồng gánh và mắc kẹt trong đống hỗn loạn của lịch trình truyền thống.
Những gì đã thay đổi ngay thời điểm hiện tại là gì? Có vẻ như đại dịch đã đánh mạnh vào hệ thống thời trang, khiến nó mất phương hướng và buộc lòng phải thay đổi. Một số người tràn đầy hy vọng về sự đổi mới, số khác lại lo lắng chúng ta sẽ như thế nào khi mọi thứ trở lại bình thường. Tuy nhiên, ngay lúc này, có rất ít tiếng nói được cất lên để kêu gọi sự thay đổi trong chính ngành công nghiệp của chúng ta.
Thực hiện: Hiếu Lê
Theo GQ