LVMH chính thức mua lại Tiffany & Co. với giá 16,2 tỷ đô la Mỹ
Ngày đăng: 26/11/19
Hội đồng quản trị của tập đoàn đa quốc gia LVMH và thương hiệu kim hoàn hàng đầu ở New York, Tiffany & Co. đã có một cuộc gặp vào Chủ nhật để hoàn tất thỏa thuận định giá cuộc mua lại và mức giá cuối cùng là 16,2 tỷ USD.
Đây là cuộc mua lại lớn nhất trong lịch sử các thương hiệu xa xỉ. LVMH tuyên bố sẽ mua lại công ty kim hoàn cao cấp tuổi đời 182 năm sau khi tăng ưu đãi cổ phần.
Theo tin tức từ Financial Times, hội đồng quản trị của LVMH và Tiffany & Co. đã họp vào Chủ nhật để hoàn tất thỏa thuận và cuối cùng đồng ý định giá Tiffany & Co. ở mức 16,2 tỷ USD.
LVMH là tập đoàn xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của CEO Bernard Arnault, tập đoàn đã tăng cường nắm giữ cổ phần và củng cố quyền lực của mình trên thị trường hàng hóa cao cấp.
LVMH sẽ mua mỗi cổ phiếu của Tiffany & Co. với giá 135 USD. Thỏa thuận này có thể được công bố vào thứ Hai, theo giờ Paris.
LVMH đã gửi một đề nghị không công khai vào ngày 28 tháng 10 để mua lại Tiffany & Co. với giá 120 USD cho mỗi cổ phiếu bao gồm phí bảo hiểm 20%. Tổng định giá cho công ty là 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên sau khi tin tức về lời đề nghị này được công khai, giá cổ phiếu của Tiffany đã nhảy lên đến mức gần 126 USD vào thứ Sáu. Các nhà phân tích cho rằng đây sẽ là một bước đi tốt cho Tiffany, mặc dù mức đề nghị mua lại ban đầu dành cho công ty hơi thấp.
Tiffany & Co. có trụ sở tại New York, Mỹ với nhân lực hiện tại là 14.000 người, hoạt động tại 300 cửa hàng trên khắp thế giới. Những chiếc hộp màu xanh vỏ trứng của nó vẫn là một biểu tượng trang sức đáng khao khát. Lá cờ Tiffany lấp lánh trên Đại lộ 5, Manhattan, nơi từng là địa điểm quay của bộ phim ăn khách “Breakfast at Tiffany’s” với sự tham gia của nữ minh tinh Audrey Hepburn, giờ đây cũng đã trở thành Breakfast at Tiffany’s cho khách du lịch và người dân New York.
Những năm gần đây, doanh số của Tiffany & Co. đang sụt giảm và công ty phải vật lộn để kết nối với người tiêu dùng millennials, đối tượng mà rất nhiều thương hiệu khác cũng đang gặp khó khăn để thu hút, theo tờ CNN.
Ngược lại, LVMH đã gặt hái được nhiều thành công hơn thông qua những tên tuổi có ảnh hưởng như Kylie Jenner và Cardi B. Ngoài ra, LVMH còn sở hữu các thương hiệu thời trang cao cấp lớn như Christian Dior, Fendi và Louis Vuitton. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm nay tập đoàn đã mua lại dòng mỹ phẩm và thời trang của Rihanna – Rihanna’s Fenty and Fenty Beauty, đem lại thành công ấn tượng với nhóm khách hàng nữ trẻ tuổi.
Việc mua Tiffany & Co. giúp LVMH củng cố đế chế trang sức và đồng hồ đang có tại Paris hoa lệ. Tập đoàn đã sở hữu nhà kim hoàn Ý Bulgari và các nhà đồng hồ TAG Heuer và Hublot. Tuy nhiên tổng doanh số hiện tại mà các nhà thời trang này mang lại chỉ chiếm 9% tổng doanh thu của LVMH. LVMH chỉ khai thác được khoảng 25% doanh thu từ Hoa Kỳ, trong khi đó, doanh số của Tiffany ở Mỹ chiếm hơn 40%. Tiffany cũng đã thành công khi phát triển kinh doanh tại Trung Quốc, nơi mà các nhà bán lẻ xa xỉ khác phải vật lộn. Do đó, sở hữu Tiffany trong tay hứa hẹn mang đến cho LVMH một thị trường rộng lớn và tiềm năng hơn nhiều.
Thực hiện: Stephanie Nguyen
Theo Luxuo.vn