LVMH, Chopard, YSL, L’Oreal… lan tỏa làn sóng bền vững cùng nhiều thương hiệu xa xỉ
Ngày đăng: 17/08/19
Việc tập đoàn LVMH bắt tay với Stella McCartney, nhà thiết kế người Anh nổi tiếng với xu hướng thiết kế “xanh” báo trước một bước tiến mạnh mẽ trong ngành công nghiệp xa xỉ nhằm hỗ trợ sự bền vững. Động thái này sẽ kéo theo những thương hiệu lớn nhỏ, sang trọng và đại chúng cũng phải tuân thủ quy luật mới của cuộc chơi.
Trong một tuyên bố về thỏa thuận với NTK Stella McCartney đưa ra vào ngày 15/07 vừa qua, ông chủ LVMH – tỷ phú Bernard Arnault nhận định vai trò quan trọng của McCartney khi cô là NTK tiên phong đặt vấn đề đạo đức cũng như tính bền vững lên hàng đầu. Theo đó, McCartney sẽ trở thành cố vấn cho ban lãnh đạo LVMH về những vấn đề mà cô đã thành thạo suốt bao nhiêu năm nay.
Tính bền vững đã trở thành xu hướng toàn cầu nhưng dường như, nó vẫn là một định nghĩa xa xỉ. Đối nghịch với bền vững là “độc tính” nguy hiểm của thị trường thời trang nhanh đang chiếm ưu thế trong các cuộc trò chuyện. Chính vì thế, khi các thương hiệu xa xỉ lần lượt công bố động thái củng cố cam kết của họ với hoạt động kinh doanh bền vững, chúng tôi tin rằng đây cũng chính là phân khúc thị trường tạo ra làn sóng mạnh mẽ nhất.
Theo đuổi sự bền vững là chìa khóa thành công của ngành công nghiệp xa xỉ
Thỏa thuận ký kết giữa Stella McCartney và LVMH là thông tin nổi bật mới nhất của ngành công nghiệp thời trang và tạo ra một bước ngoặt lớn cho cả hai bên. Cho đến tháng 3 năm ngoái, “Đế chế xa xỉ” Kering sở hữu 50% cổ phần của thương hiệu McCartney, nhưng vẫn giữ DNA thương hiệu là nói không với hàng da, lông thú và thay vào đó, cô chọn những thiết kế thân thiện với môi trường. Mặc dù vậy, sau 17 năm gắn bó với Kering, McCartney đã quyết định mua nốt 50% cổ phần mà tập đoàn này nắm giữ để chính thức sở hữu thương hiệu hoàn toàn. Từ đây, NTK có cơ hội toàn quyền kiểm soát các ý tưởng và hoạt động kinh doanh sắp tới.
Cô con gái cưng của huyền thoại âm nhạc Paul McCartney là một trong số ít những NTK thế hệ mới không sử dụng bất cứ chất liệu nào từ động vật. Cô còn là nhà hoạt động vì động vật và là một người ăn chay trường. Kể từ khi ra mắt nhãn hiệu riêng của mình vào năm 2011, rất lâu trước khi trao lưu bền vững phát triển như hiện tại, cô đã áp dụng thói quen ăn chay vào hoạt động kinh doanh thời trang của mình.
Điều đó có nghĩa là Stella McCartney tôn trọng động vật và hành tinh thông qua từng bước trong chuỗi cung ứng. Tất cả nỗ lực đã dẫn dắt thương hiệu của nữ thiết kế trở thành tiêu chuẩn vàng trong ngành thời trang cao cấp có đạo đức.
Quyết định hợp tác với LVMH, Stella McCartney trở thành cố vấn đặc biệt về các chính sách phát triển bền vững cho ban lãnh đạo và theo đó, tập đoàn này sở hữu 10% cổ phần doanh nghiệp McCartney. Đây cũng là một bước đi táo bạo của LVMH với kỳ vọng thông qua cú bắt tay này, làn sóng bền vững có thể ngấm ngầm chạy dọc theo các thương hiệu khác trong đế chế khổng lồ.
Tất nhiên, hơn 10 thương hiệu của LVMH bao gồm Louis Vuitton, Krug Champagne, Belvedere Vodka và Gabriella Hearst đều đã được thông qua con dấu chấp thuận tính bền vững “Butterfly Mark”. Cùng Stella McCartney bước lên chung một con thuyền chỉ là một cách khác để tập đoàn tái khẳng định sự cống hiến lâu dài của họ đối với hoạt động bền vững. Hơn nữa, “cái bắt tay” này còn được cho là sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh với tập đoàn Kering của tý phủ Pháp Francois-Henri Pinault.
Làn sóng bền vững lan tỏa
Tuy nhiên, Kering lẫn LVMH không phải là hai tập đoàn xa xỉ duy nhất dấn thân vào kinh tế bền vững, vì suy cho cùng, đó là lựa chọn bền vững và thông minh nhất cho hành tinh. L’Oréal, cùng các thương hiệu nổi bật như Biotherm, YSL Beauty và Kiehl, cũng lần lượt giảm 77% lượng khí carbon của các nhà máy từ năm 2005 và 79% các sản phẩm tung ra năm ngoái đều xác nhận đảm bảo thân thiện với môi trường. Richemont, tập đoàn xa xỉ đứng sau các thương hiệu như IWC Schaffhausen, Baume và Montblanc, cũng lấy hơn 95% vàng và kim cương từ các nguồn tin cậy đã được xác nhận của Hội đồng trang sức.
L’Oréal, cùng các thương hiệu nổi bật như Biotherm, YSL Beauty và Kiehl, cũng lần lượt giảm 77% lượng khí carbon của các nhà máy từ năm 2005 và 79% các sản phẩm tung ra năm ngoái đều xác nhận đảm bảo thân thiện với môi trường
Làn sóng bền vững phát triển phải kể đến ý thức tích cực của người tiêu dùng. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Bain&Co, 89% người tiêu dùng mong muốn các thương hiệu truyền đạt công khai các hành động thể hiện tính bền vững của họ, đặc biệt trong ngành hàng xa xỉ và 56% coi tác động xã hội và môi trường là vấn đề chính, điều này không chỉ đúng với thế hệ millennials mà toàn bộ thế hệ người tiêu dùng trên toàn cầu.
Khi người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động tiêu cực mà thời trang có thể gây ra với môi trường, thói quen của họ sẽ thay đổi nhằm hỗ trợ các thương hiệu ý thức sự thật này. Điều này dẫn đến sự minh bạch trong phương thức truyền thông.
Khi các thương hiệu xa xỉ như LVMH thực hiện các động thái tích cực mới, điều đó cho thấy họ hiểu giá trị của sự bền vững nhìn từ phía góc độ kinh doanh lẫn khía cạnh đạo đức. Người tiêu dùng xa xỉ khao khát sở hữu quần áo và phụ kiện sang trọng nhưng cũng không muốn phải trả giá bằng tương lai của hành tinh mà họ đang sống.
Bài: TRANG PS
Tại Việt Nam, bạn đọc có thể theo dõi về dự án Ecoxury – một chương trình được khởi xướng của LUXUO.VN và nhiều thương hiệu xa xỉ, nhằm thực hiện hành trình xê dịch và lan toả tinh thần sống xanh thông qua các không gian điểm đến. Dự án được khởi động vào tháng 8.2019.