Bảng xếp hạng Lyst Index Q1/2025 – Thời trang trong cơn hỗn loạn đầy cơ hội
Ngày đăng: 02/05/25
Lyst Index Q1/2025 phản ánh sự dịch chuyển chiến lược trong ngành: từ năng lượng sáng tạo mới đến sức mạnh của cộng đồng và những item “viral” mạng xã hội.
Lyst Index là bảng xếp hạng hàng quý về những thương hiệu và sản phẩm thời trang được săn đón nhất toàn cầu, được xây dựng từ dữ liệu của Lyst – nền tảng mua sắm thời trang lớn và thông minh nhất thế giới. Với hơn 160 triệu người dùng mỗi năm cùng kho dữ liệu khổng lồ, Lyst không chỉ phản ánh xu hướng tiêu dùng mà còn là một “trạm radar” theo dõi từng chuyển động của ngành công nghiệp thời trang. Bảng xếp hạng này dựa trên hành vi mua sắm (tìm kiếm, xem sản phẩm, doanh số bán ra) và mức độ hiện diện, tương tác của thương hiệu trên mạng xã hội trong vòng ba tháng.
Khởi đầu 2025: Khi thời trang lật trang đầy biến động
Nếu chỉ chọn một từ để mô tả quý đầu tiên của năm 2025, thì đó là hỗn loạn. Trong vòng ba tháng, tám nhà mốt xa xỉ đồng loạt tuyên bố thay đổi vị trí giám đốc sáng tạo, trong đó bốn cái tên đang nằm trong top thương hiệu hot nhất.
Mở màn là Chanel khi bổ nhiệm Matthieu Blazy, một nước cờ làm dậy sóng cả ngành và kéo theo hàng loạt cuộc “chuyển ngôi”: Sabato de Sarno rời Gucci sau hai năm, nhường chỗ cho Demna, để lại “ngai vàng” trống chưa có người kế nhiệm tại Balenciaga. Trong khi đó, Louise Trotter lên nắm quyền sáng tạo tại Bottega Veneta, trở thành nữ giám đốc sáng tạo duy nhất trong tập đoàn Kering.
Làn sóng thay đổi tiếp tục khuấy đảo giới thời trang: Glenn Martens chuyển sang Maison Margiela, Michael Rider tiếp quản Celine, Simone Bellotti đầu quân cho Jil Sander. Đáng chú ý nhất, sau nhiều tháng đồn đoán, Jonathan Anderson chính thức chia tay Loewe, nhường lại vị trí giám đốc sáng tạo cho bộ đôi Jack McCollough và Lazaro Hernandez.
Ngay sau thông tin này, lượng tìm kiếm Loewe trên Lyst tăng vọt 38%, giúp thương hiệu vượt mặt Miu Miu để giành lại vị trí số 1 trong quý đầu năm 2025. Giới mộ điệu đổ xô săn lùng bộ sưu tập cuối cùng của Anderson tại Loewe, trước khi anh kế nhiệm Kim Jones tại Dior Men’s. Từ đó, thuật ngữ #OldLoewe bắt đầu xuất hiện, đánh dấu một kỷ nguyên tôn vinh những giá trị nguyên bản và di sản sáng tạo của thương hiệu.
Việc Loewe vươn từ vị trí thứ 4 trong Q4/2024 lên dẫn đầu bảng xếp hạng đầu năm nay không phải là kết quả của một chiến dịch ngắn hạn, mà là minh chứng cho chiến lược định hình thẩm mỹ bền vững mà Anderson đã dày công xây dựng trong suốt nhiệm kỳ của mình. Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực, Loewe không chỉ là một thương hiệu thời trang cao cấp, mà còn trở thành biểu tượng của “thời trang sưu tầm” – nơi các thiết kế cuối cùng mang giá trị kỷ niệm và đầu tư hơn cả tính tiêu dùng đơn thuần.

Đặc biệt, Prada đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống hạng 5 trong bảng xếp hạng Lyst Index, đánh dấu một sự sụt giảm đáng kể so với quý cuối năm 2024. Sự tụt hạng này diễn ra trong bối cảnh thương hiệu liên tục đối mặt với các bê bối liên quan đến đại sứ thương hiệu, đặc biệt là tại thị trường châu Á.
Những cái tên top đầu dần “đuối sức”
- Valentino rơi 4 bậc, đứng cuối top 20 – có thể là kết quả sau chuỗi thay đổi liên tục về mặt sáng tạo.
- Skims của Kim Kardashian cũng tụt 4 bậc, cho thấy thị trường đồ lót định hình đã bắt đầu bão hòa.
- Alaïa rớt khỏi top 10, dù vẫn duy trì sức hút với cộng đồng niche.
Chloé trở lại, Gucci hụt hơi
Lần đầu tiên kể từ khi Lyst Index ra đời, Chloé lọt vào top 10 thương hiệu thời trang hot nhất, tăng 9 bậc sau hơn một năm Chemena Kamali quay trở lại với vai trò giám đốc sáng tạo. Sự trỗi dậy của boho – gắn liền với ADN thương hiệu đang mang đến luồng sinh khí mới. Bộ sưu tập Thu/Đông vừa qua thấm đẫm tinh thần boho cổ điển, được tái sinh một cách đầy cảm xúc và hiện đại. Đặc biệt, mẫu Mini Ruffled Dress lọt top 10 sản phẩm hot nhất quý này, chứng minh khả năng làm mới ngôn ngữ thiết kế cốt lõi chính là chìa khóa cho sự “hồi sinh” của Chloé.

Tăng 10 bậc để vươn lên vị trí thứ 9, Chloé đang cho thấy sự trở lại ngoạn mục nhờ định hướng sáng tạo bền vững và cảm xúc từ Chemena Kamali.
Trái ngược với đà thăng hoa của Chloé, Gucci tiếp tục lao dốc sau sự ra đi của Sabato de Sarno. Tụt xuống hạng 17, thương hiệu từng giữ ngôi đầu bảng năm 2021 hiện đang loay hoay tìm lại bản sắc trong giai đoạn chuyển giao nhân sự và chiến lược.
COS – kẻ thách thức mới của thời trang xa xỉ
Trong khi đó, COS tạo cú bứt phá ngoạn mục khi lần đầu tiên lọt vào top 10 thương hiệu hot nhất, tăng tới 11 bậc trong Lyst Index quý này. Thành công này được thúc đẩy bởi các sản phẩm “viral”, tiêu biểu là mẫu quần barrel-leg xếp hạng 6 trong bảng xếp hạng sản phẩm, cùng chiến lược định vị tinh tế giữa “phổ thông” và “khát vọng cao cấp”.
Show diễn tháng 4 của COS, dù không thuộc nhóm nhà mốt xa xỉ, vẫn gây ấn tượng mạnh nhờ mức độ đầu tư chỉn chu và thẩm mỹ hiện đại. Phom dáng thông minh, chiến lược mạng xã hội hiệu quả và khả năng phá vỡ ranh giới giữa high street và high fashion đã giúp COS trở thành một “hiện tượng” đáng chú ý – chứng minh rằng bạn không cần định vị xa xỉ để trở nên hot.
So với cùng kỳ năm ngoái, đây là một trong những bước nhảy vọt ấn tượng nhất trong lịch sử Lyst Index.
Sneaker hóa ballet, tân binh On vươn lên
Thị trường sneaker đang chứng kiến những thử nghiệm táo bạo, phá vỡ định kiến về thiết kế thể thao truyền thống. Adidas tiếp nối thành công của Samba với mẫu Taekwondo – đôi giày dáng thấp hiện xếp thứ hai trong danh sách bán chạy toàn cầu. Puma cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng, ra mắt mẫu Speedcat Ballet – sự giao thoa giữa giày thể thao và giày múa ballet, nhắm đến nhóm khách hàng yêu thích phong cách tối giản, tinh tế. Từ khóa “ballet sneakers” đã tăng vọt đến 1300% lượng tìm kiếm trong quý này.
Bên cạnh đó, On – thương hiệu nổi danh với giày hiệu suất cao lần đầu góp mặt trong Lyst Index, ghi nhận mức tăng 50% lượng tìm kiếm. Không chỉ là lựa chọn cho dân chạy bộ, On đang “biến hình” thành biểu tượng thời trang nhờ sự hậu thuẫn từ Zendaya, Roger Federer, FKA Twigs và các cú bắt tay chiến lược với Loewe, Post Archive Faction. Sự chuyển mình này cho thấy On đang dần thoát khỏi vùng an toàn của activewear, hướng đến hình ảnh một thương hiệu thời trang đương đại.
Khi văn hóa đại chúng khuấy động thời trang
Tháng 2, tại Super Bowl, Kendrick Lamar xuất hiện trong chiếc quần Celine ống loe. Khoảnh khắc đó ngay lập tức gây sốt: sản phẩm cháy hàng, lượng tìm kiếm “quần ống loe” trên Lyst tăng 412%. Sự ảnh hưởng này giúp Kendrick trở thành đại sứ thương hiệu của Chanel – một bước đi vừa mang tính chiến lược, vừa bắt đúng thời điểm văn hóa.
Đào sâu di sản, định hình tương lai
Không chỉ sneaker, làn sóng “trở về di sản” còn lan sang các dòng sản phẩm thủ công truyền thống. Đôi giày da đế răng cưa Michael của Paraboot cách đây 80 năm trở lại mạnh mẽ với lượng tìm kiếm tăng tới 226% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những nhân tố đang tăng tốc:
- Duran Lantink: Nhà thiết kế người Hà Lan nổi bật với khả năng “tái sinh” chất liệu tồn kho thành những phom dáng nghệ thuật gây tranh luận. Vừa giành giải LVMH và Woolmark, nay anh chính thức giữ vị trí giám đốc sáng tạo tại Jean Paul Gaultier.
- Dries Van Noten: Buổi ra mắt của Julien Klausner với bộ sưu tập Thu/Đông 2025 nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Là người kế nhiệm từ nội bộ, Klausner mở ra một chương mới nhưng vẫn giữ tinh thần trí tuệ của nhà mốt gốc Bỉ.
- Levi’s: Huyền thoại denim tiếp tục giữ phong độ khi kết hợp cùng Beyoncé để khám phá kho lưu trữ thiết kế và kể lại lịch sử thương hiệu theo một cách mới mẻ, hấp dẫn.
Lyst Index Q1/2025 cho thấy: thời trang không còn là cuộc chơi độc quyền của nhóm xa xỉ. Những thương hiệu hiểu rõ khách hàng, chạm đúng cảm xúc, từ phom dáng đời thường đến câu chuyện truyền cảm hứng đang chiếm ưu thế. Khi giá trị không nằm ở logo mà nằm ở trải nghiệm tổng thể, người dùng bắt đầu chọn mua bằng cảm xúc, thay vì thói quen.
Thực hiện: Lenna