“Martin Margiela: In His Own Words” – Người để cho trang phục nói thay mình tất cả
Ngày đăng: 29/08/20
Ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp, Martin Margiela đã dẫn đầu trong làng thời trang. Ông là nhà cách mạng. Ông là một câu đố. Ông ấy đã có thể trở thành người của công chúng, nhưng không con người này đã trở thành một truyền kì trong giới thời trang bởi sự im lặng của mình.
Ngay cả những người chưa từng nghe đến cái tên Martin Margiela cũng sẽ bất ngờ khi biết được sức ảnh hưởng của ông đối với những trang phục mà họ mặc hằng ngày, nhờ vào sự ưu ái mà Martin Margiela dành cho các thiết kế oversized, tái cấu trúc (deconstruction) và chế tác từ đồ cũ (upcycling). Bản thân ông rất thích thú với việc tạo nên trang phục, ông bị cuốn hút bởi cách mà xã hội đặt những giá trị nhất định lên quần áo.
Tự bản chất, Martin Margiela đã là một huyền thoại với trí tưởng tượng vượt xa trong ngành công nghiệp thời trang. Và khi các ông trùm đang cố nuốt chửng ông trong sự điên cuồng của tính năng suất, Martin đã biến mất. Ông không ngừng việc thiết kế, đơn giản chỉ là Martin đã trở nên vô hình.
Từ chối mọi lời phỏng vấn, bỏ qua mọi buổi chụp ảnh, Martin Margiela cũng không còn bước ra chào khán giả với nụ cười và cái ôm “mang tính hình thức” sau các buổi diễn. Ông quyết định để cho trang phục thay mình nói lên tất cả. Và khi những thiết kế vượt ra khỏi tầm cảm nhận của khán giả, ông bỏ mặt họ vật lộn với các câu hỏi hóc búa trong tâm trí.
Ngay cả giây phút rời khỏi công ty do chính mình thành lập do bất đồng với nhà đầu tư mới, Martin Margiela đã làm vậy mà không cúi đầu vào đêm diễn cuối cùng của mình vào năm 2008. Câu chuyện về Martin Margiela đã truyền cảm hứng đến nhà làm phim Reiner Holzemer và thôi thúc ông thực hiện bộ phim tài liệu “Martin Margiela: In His Own Words” (Phim đã ra mắt tại liên hoan phim tài liệu Doc NYC vào năm 2019 và hiện đã có sẵn để xem trực tuyến).
Là đại diện trên đỉnh cao của một kỷ nguyên mà nơi đó những nhà thiết kế chính là những người nổi tiếng, nhưng ông đã quyết định không “bán” giá trị của mình như một sản phẩm thương mại nào đó. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng Martin chính là một ví dụ vô cùng hiện sinh để nhắc nhở ngành công nghiệp này rằng nó cần phải điều chỉnh lại sau một thời gian ngập chìm trong sự dư thừa và phát triển quá mức. Một trong những bài học đáng chú ý nhất từ Martin Margiela chính là cách làm thế nào để ngành công nghiệp này trở thành một nơi lành mạnh hơn, quần áo đắt tiền không phải “đồ đóng hộp” dùng một, hai lần và kinh doanh nên tập trung vào việc bán được sự sáng tạo, thay vì mải mê quảng cáo nó.
Martin Margiela sinh năm 1957 tại Bỉ và chuyển đến Paris vào cuối những năm 1980, là người đầu tiên trong làn sóng các nhà thiết kế trẻ người Bỉ có ảnh hưởng bao gồm Dries Van Noten và Ann Demeulemeester. Sau khi thực tập tại thương hiệu của nhà thiết kế người Pháp Jean Paul Gaultier, ông đã sớm ra mắt ngôi nhà thời trang của riêng mình, Maison Martin Margiela, và chỉ trong một thời gian ngắn đã bắt đầu có tác động lớn đến thời trang.
Martin Margiela đã nói qua bộ phim rằng: “Tôi biết tôi có một cảm nhận riêng, nhưng tôi không biết điều đó đang trở thành một phong cách.”
Khi mà đa phần các nhà thiết kế trình diễn bộ sưu tập của mình ở những địa điểm sang trọng như bảo tàng Louvre, Martin lại say đắm các địa điểm đẹp một cách lạ thường của Đội Cứu Thế Quân (Hội nhóm Tin Lành). Khi mà đa phần các nhà thiết kế phủ đầy sàn diễn vẻ lộng lẫy của những đàn thiên nga, ông lại đưa ra trước mặt những ông trùm bà chúa trong giới truyền thông các mẫu thiết kế kỳ dị. Và khi chiếc giày cao gót mảnh mai định nghĩa chuẩn mực thời thượng thì Martin lại xỏ vào chân phụ nữ những đôi giày Tabi xẻ mũi truyền thống của Nhật Bản có phần thô kệch.
Các nghệ nhân của ông vẫn khoác lên mình chiếc áo trắng như những ngôi nhà haute couture khác. Với số tiền ít ỏi, phòng trưng bày sản phẩm của ông được trang trí nội thất từ cửa cửa hàng tiết kiệm, che phủ bởi lớp vải muslin trắng. Mọi thứ được sơn trắng, kể cả điện thoại. Công việc của ông là sự kết hợp giữa nghệ thuật ngẫu hứng và những sáng chế ít ngân sách.
Bộ phim của Holzemer là cái nhìn trực diện về một nhà thiết kế, người đã có những quyết định đơn giản nhưng đầy sức nặng đối với thời trang, khi nó đang dần hoàn thiện chính mình và kể cả những gì mà nó đã đánh mất.
Martin Margiela nói: “Ẩn mình chính là cách tôi tự bảo vệ bản thân.” Và ông vẫn tiếp tục bảo vệ sự riêng tư của mình bằng cách không để lộ mặt trong phim. Trong khi người xem có thể nghe được giọng nói của Margiela, tất cả những gì họ thấy về người đàn ông này là đôi tay của ông.
Tại ngôi nhà thời trang của mình, cũng như khi làm giám đốc sáng tạo của Hermès, Martin Margiela buộc mọi người chỉ được đánh giá ông dựa trên công việc. Martin từ chối trở thành một phần trong ngành công nghiệp ngôi sao, nơi mà tài năng và sự nổi tiếng như đồng thau lẫn lộn.
Dĩ nhiên, Margiela đã tạo nên sự ồn ào khi lần đầu biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Nhưng thực ra, ông đã bán danh vọng để mua lấy sự bình yên. Nhưng ông cũng đặt mình vào một thử thách đầy ý nghĩa, Martin Margiela cũng đã nói rằng: “Những bộ sưu tập của bạn phải rất ấn tượng bởi lẽ rất khó để tạo nên danh tiếng nếu nó không thể hiện được điều gì”.
Vai trò của sự nổi tiếng ngày càng chiếm một vị trí quan trọng đối với các nhà thiết kế. Đối với một số người, nó là tấm đệm để họ nhảy xa hơn. Như với Fenty, sự nổi tiếng của Rihanna chính là xương sống của nó. Hay với Christian Siriano, danh tiếng chính là đòn bẩy giúp họ bước vào ngành kinh doanh; chuyên môn cho phép họ tạo ra một vị trí vững chắc. Còn đối với Tom Ford, danh tiếng là ánh hào quang vàng tỏa sáng để khách hàng chọn thương hiệu của ông.
Cũng như mọi ngành công nghiệp khác, thời trang cần có những cá tính và những điểm nổi bật để thu hút công chúng. Những người tích cực hoạt động giúp thương hiệu của họ phát triển hơn, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Nhưng Martin cũng biết rằng thời trang là một ngành công nghiệp không thể phủ nhận sự thừa mứa. Nếu nổi tiếng một chút là tốt, nếu nổi tiếng nhiều thì càng phải tốt hơn. Nếu hiệu quả sản xuất tăng cao, thì tốc độ sản xuất cũng phải đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn này. Nếu người mua hàng thích có nhiều lựa chọn, thì việc mang đến cho họ sự chọn lựa vô hạn sẽ khiến họ bị ngộp trong đó.
Martin Margiela nói: “Có một điều gì đó rất khó chịu đã xảy ra trong một thời gian khá dài trong hệ thống thời trang. Đối với tôi, đó là khi hình ảnh [bộ sưu tập] được tung lên Internet ngay sau khi buổi biểu diễn kết thúc. Tôi thích một điều gì đó bất ngờ. Và điều đó đã bị mất”.
Thời trang ngày càng tập trung vào việc khiến khách hàng mua nhiều và thường xuyên hết sức có thể thay vì tạo nên sự bất ngờ và hấp dẫn họ. Martin Margiela nói: “Tôi càng cảm thấy buồn hơn.” Và người tiêu cùng dường như cũng chẳng hạnh phúc hơn được bao nhiêu.
Kinh doanh nên tập trung vào việc bán được sự sáng tạo, thay vì mải mê quảng cáo nó.
Hiện tại, trọng tâm sáng tạo của Margiela là nghệ thuật thị giác. Nhưng khi được hỏi trong phim rằng liệu ông đã nói hết được những điều mình muốn trong thời trang hay không, câu trả lời của Martin đơn giản là “Không.” Có lẽ ông ấy sẽ trở lại – một cách âm thầm.
Thương hiệu của ông vẫn tiếp tục cho ra đời các bộ sưu tập mới và vẫn thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Renzo Rosso OTB Group, cùng một công ty mà Martin đã rời đi. Nó được đổi tên thành Maison Margiela và hiện được dẫn dắt bởi John Galliano để tiếp nối các di sản mà ông đã từng thử nghiệm. John đã đảm nhận vai trò này sau một vụ bê bối vạ miệng và bị đuổi khỏi Dior. Ông về từ trại cai nghiện và quay trở lại thời trang khi nhậm chức giám đốc sáng tạo nhà Margiela. Các nhân viên và nghệ nhân của thương hiệu vẫn mặc áo blouse trắng và tạo ra các thiết kế quá khổ, truyền thống vẫn được duy trì và phát triển.
Chuyển ngữ: Hiếu Lê
Theo Martin Margiela did himself a favor: He anticipated fashion’s future — and its failures tại Washington Post