Máu, mồ hôi và nước mắt: Nỗi ám ảnh về sự ẩm ướt của cơ thể trong thời trang là gì?

Ngày đăng: 21/05/24

Từ những chiếc áo phông đẫm mồ hôi của Challengers cho đến chất nhờn màu hồng và xanh lá cây của Prada, văn hóa đại chúng dường như đang bị ám ảnh bởi sự ẩm ướt từ cơ thể. Tại sao vậy?

Challengers – “cú đánh tennis” xuất sắc của Luca Guadagino đã khiến tạp chí Vogue tuyên bố mồ hôi là “phụ kiện” của mùa khi hầu hết mọi cảnh phim đều ướt đẫm vị mặn của một lớp mồ hôi lấp lánh bao phủ làn da sáng mịn

“Thêm mồ hôi!” là lưu ý chính của đạo diễn cho cảnh cuối cùng khi hai tình địch đối đầu nhau. Có vẻ như thời trang cũng đang đòi hỏi điều tương tự. Trong show diễn AW24 của mình, Diesel đã tạo ra những vòng tròn dưới cánh tay bằng cách đốt vải devoré (Devoré là một kỹ thuật vải được sử dụng đặc biệt trên nhung, trong đó vật liệu sợi hỗn hợp trải qua quá trình hóa học để hòa tan các sợi xenlulo, tạo ra hoa văn bán trong suốt trên vải) để thể hiện “vết mồ hôi bạn nhận được khi tiệc tùng say sưa”. Nhà thiết kế người Pháp Louis Gabriel-Nouchi cũng đã mang ý tưởng áo đẫm mồ hôi vào thực tế trong thiết kế áo len của mình.

Gần như mọi chất lỏng đều là mốt hiện nay và không chỉ dừng lại trên sàn diễn, chúng đã tràn vào tất cả các “lỗ hổng” của văn hóa đại chúng trong vài năm qua, từ lời bài hát ướt át và hoang dã của “WAP” cho đến cảnh bồn tắm tinh dịch gây nhiều tranh cãi của Saltburn. Charli XCX gần đây cũng đang thúc đẩy làn sóng này khi đăng tải những bức ảnh cô mặc quần lót ướt và quảng bá cho chuyến lưu diễn Sweat Tour sắp tới của cô và Troye Sivan. 

Sau nhiều năm cố gắng giữ hình ảnh “nguyên sơ”, quần áo của chúng ta nay đã bị sũng nước và ố màu một cách có chủ đích.

Tháng trước, JordanLuca đã gây chú ý trên mạng xã hội với chiếc quần jeans trị giá 600 bảng Anh phủ đầy nước tiểu giả, cho phép người dùng tái hiện một trong những cảnh của bộ phim Pissing Women do Climax phát hành lại. Bên cạnh đó, Di Petsa – thương hiệu do nhà thiết kế người Hy Lạp Dimitri Petsa thành lập vào năm 2019 cũng luôn bị ám ảnh bởi mọi thứ liên quan đến chất lỏng, Petsa thậm chí còn viết một tập thơ có tựa đề Wetness (Ẩm ướt) ca ngợi về máu, mồ hôi, nước mắt, nước bọt, sữa mẹ, tinh dịch và nước tiểu.

Vậy điều gì khiến chúng ta say mê với các chất dịch cơ thể như vậy? Dường như hiện thực này liên quan đến làn sóng thời trang mới – một xu hướng chất chứa nổi ám ảnh của nhân loại xoay quanh khái niệm “chất lỏng”. Từ capsule collection Wet của Mowalola đến phong cách ướt át của Doja Cat tại Met Gala, vẻ ngoài ẩm ướt đã quay trở lại với thẩm mỹ đại chúng, cho phép tín đồ thể hiện niềm đam mê với việc khiến cơ thể trở nên ướt át.

“Tôn vinh cơ thể của một người là hành động yêu bản thân”

Nhưng với những người “nghiện” chất lỏng, những loại chất lỏng kỳ lạ, bẩn thỉu lại càng thú vị hơn. Chẳng hạn, bùn đã chiếm lĩnh sàn diễn SS24 của Elena Velez và vấy lên denim của Diesel (dường như còn được trộn với máu khô). Ở nơi khác, chất nhờn ectoplasmic lại được “phù phép” cho nhỏ giọt từ trên trần nhà xuống tại buổi diễn Fluid Form của Prada mà theo L’Officiel nhận xét là “cách diễn giải mới cho sự vừa vặn”. 

Tuy nhiên, mạnh mẽ hơn cả là sự ám ảnh hiện tại của thời trang với văn hóa fetish (một đối tượng của sự tôn sùng hoặc tôn kính phi lý). Việc công khai yêu thích những chất như nước tiểu, tinh dịch, nước bọt,… là một cách để trở nên gợi cảm hơn. Với một số người, điều này hoàn toàn gợi cảm. Nó mang tính khiêu khích và đại diện cho quyền lực.

“Việc đón nhận mồ hôi như một phần tự nhiên và không thể thiếu trong trải nghiệm cuộc sống sẽ thúc đẩy sự đánh giá sâu sắc hơn về cơ thể và khả năng của con người. Potts nói: Dù trong bất kỳ khoảnh khắc nào, mồ hôi đều thể hiện bản chất nguyên thủy, nguyên sơ mà khi được đón nhận với sự tự tin có thể được coi là sức quyến rũ tuyệt vời. Hoặc, như Wet Look Script Top của Di Petsa đã nói: “Bạn khóc ở nơi công cộng, bạn giấu nó đi. Bạn đổ mồ hôi ở nơi công cộng, bạn giấu nó đi. Bạn cho con bú ở nơi công cộng, bạn cũng giấu nó đi. Vậy nên xấu hổ là một hình phạt mọi người tự phán quyết cho bản thân.”

“Quần jeans là lời nhận xét về thực tế rằng chúng ta thực sự không cần thêm quần áo nhưng lại có một mối tình ám ảnh với chúng. Chủ nghĩa tiêu dùng đã trở thành một loại tôn sùng tục tĩu” Jordan Bowen và Luca Marchetto chia sẻ khi nói về thiết kế quần jeans của họ.

Đối với Alice Potts, mồ hôi cũng gần như vậy. Potts nói: “Đối với tôi, mồ hôi là biểu tượng của sự kết nối giữa con người với nhau. Nó sở hữu một sức hấp dẫn độc đáo vượt xa nhận thức thông thường, tượng trưng cho sức sống, niềm đam mê và năng lượng thô, đồng thời chúng cũng giúp nâng cao các giác quan, tăng cường trải nghiệm và tạo ra những khoảnh khắc gợi cảm.” Louis Gabriel-Nouchi cũng thừa nhận rằng: “Tôi thích chất dịch của con người hơn là để lộ da thịt. Như thể phá vỡ những điều cấm kỵ. Vì sao mồ hôi có thể xuất hiện trong phòng tập thể dục nhưng lại không được phép xuất hiện ngoài đường phố?”, “Mối quan hệ của chúng ta với sự ẩm ướt từ cơ thể đã thay đổi rất nhiều.”

“Bạn phải đủ quyết liệt để “diện” nó . Có lẽ đây chỉ là phép ẩn dụ cho khát khao của chúng ta về cái gọi là thời trang đầy uyển chuyển và tự do.” – Louis Gabriel-Nouchi 

Bowen và Marchetto nói: “Nhận thức và quyền tự chủ của chúng ta đang thay đổi khi chúng ta khám phá danh tính và tự do cá nhân của mình”.  

Ngoài ra, đây là cơ hội để thử nghiệm các hình thức mới, giống như Galliano đã làm với vải muslin ướt. Đề bài “chất lỏng thẩm mỹ” khuyến khích nhà thiết kế sáng tạo khi sử dụng các cách chế tạo, kỹ thuật, thuốc nhuộm và nhiều loại sản phẩm khác nhau nhằm cho ra hiệu ứng ẩm ướt. 

Thương hiệu Latui (một trong số những local brand đình đám tại Việt Nam hiện nay) cũng hòa vào làn sóng văn hóa đại chúng khi ngôn ngữ thiết kế trong các sáng tạo lại gợi lên tinh thần “My body fluid, my choice!”.

Dấp dính, hoang dại, phóng khoáng và quyến rũ, những hình ảnh mà Latui thể hiện đem đến cho chúng ta một hình dung về điều mà thương hiệu cho là “thú vui tội lỗi, địa ngục cuồng nhiệt” với sự tồn tại mãnh liệt của cảm giác ẩm ướt (có vẻ như xuất phát từ chính cơ thể con người).

Thực hiện: Elio

Theo Dazed