Met Gala – Từ lễ khai mạc nho nhỏ đến hiện tượng toàn cầu
Ngày đăng: 08/05/25
Với hơn 75 năm lịch sử, Met Gala đã trở thành sân khấu toàn cầu nơi thời trang, chính trị, nghệ thuật và truyền thông va chạm, phản chiếu và định hình lẫn nhau. Vậy điều gì khiến sự kiện này tạo ra tầm ảnh hưởng vượt biên giới như vậy?
Từ lễ khai mạc nho nhỏ tại nhà hàng vào năm 1948 nhằm gây quỹ cho Viện Trang phục (Costume Institute) của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Met Gala đã vươn mình thành một biểu tượng văn hóa toàn cầu. Mỗi tháng 5, thảm đỏ Met Gala không chỉ thu hút giới thời trang mà còn tạo ra một làn sóng thảo luận vượt khỏi ranh giới ngành nghề.
Sức hấp dẫn này không ngẫu nhiên. Nó được kiến tạo một cách chiến lược qua nhiều yếu tố:
Cấu trúc tổ chức mang tính bí ẩn, tạo ra “khát khao được nhìn thấy”
Met Gala không phát sóng trực tiếp, không livestream, không cho khách mời sử dụng điện thoại khi tham gia sự kiện hay mời truyền thông đại chúng vào phần tiệc. Chính điều đó làm nên sức hấp dẫn đặc biệt: khán giả không thể “ăn” trọn trải nghiệm, nhưng họ sẽ khao khát mỗi bức ảnh, mỗi đoạn phỏng vấn, mỗi video hậu trường được rò rỉ sau sự kiện. Anna Wintour là người “giữ vé” cho sự kiện và là kiến trúc sư chiến lược đứng sau toàn bộ quá trình biến Met Gala từ một buổi tiệc gây quỹ thành một biểu tượng toàn cầu về văn hóa thị giác, quyền lực mềm và thời trang.
Chính sự kín kẽ và sang trọng ấy khiến Met Gala giống một nghi lễ hơn là một show diễn – nơi mỗi chi tiết đều mang tính biểu tượng. Các thương hiệu lớn thậm chí xây dựng chiến lược “Met Gala-ready” từ nhiều tháng trước để sáng tạo đủ nổi bật và có khả năng truyền tải định vị một cách hiệu quả nhất.
Chủ đề – chiếc gương phản chiếu xã hội
Met Gala không né tránh những chủ đề khó. Trái lại, nó chọn đối thoại với thời đại: nữ quyền, sắc tộc, chủ nghĩa tư bản, văn hóa da màu, tôn giáo, giới tính, nhập cư… đều từng hiện diện trên thảm đỏ.
Chủ đề Heavenly Bodies (2018) đặt thời trang trong mối quan hệ với tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo, khiến nhiều người tranh cãi về ranh giới giữa tôn kính và phê phán. Sự kiện năm đó mở ra các cuộc thảo luận về tính biểu tượng và quyền lực của nhà thờ trong thời trang phương Tây.

Chủ đề Camp: Notes on Fashion (2019) mổ xẻ khái niệm “camp” – một thái độ thẩm mỹ cường điệu, phi logic và đầy tính queer, từ đó đưa thời trang trở thành diễn ngôn về bản sắc giới và sự giải phóng cá nhân.

Chủ đề In America: A Lexicon of Fashion (2021) và phần tiếp theo An Anthology of Fashion (2022) không chỉ là màn tôn vinh thời trang Mỹ mà còn là cách hệ thống hóa các khái niệm về chủng tộc, bản sắc văn hóa và di sản nhập cư. Đây là thời điểm các nhà thiết kế gốc Á, da màu, bản địa… được đưa ra ánh sáng với vị thế trung tâm.

Met Gala 2025 với chủ đề “Superfine: Tailoring Black Style” là minh chứng gần nhất. Đây không chỉ là lời tri ân kỹ thuật may đo mà còn là dấu mốc đặc biệt khi sau nhiều năm, Met Gala mới quay lại với một chủ đề xoáy sâu vào menswear và lịch sử thời trang nam. Bằng việc tôn vinh các hình thức tailoring truyền thống lẫn đương đại của cộng đồng da màu, chủ đề này khẳng định phong cách, sự kiêu hãnh, sức ảnh hưởng và dấu ấn lịch sử của Black Style vốn lâu nay bị đặt bên lề các bảo tàng lớn phương Tây. Đồng thời, sự kiện năm nay đưa khái niệm “Black dandyism” – lịch sử hơn 250 năm của phong cách thời trang người da đen vào trung tâm của đối thoại văn hóa đương đại.

Không gian sáng tạo phi giới hạn
Không có một sàn runway nào trên thế giới mà trang phục lại mang nhiều ý nghĩa và yêu cầu kỹ thuật đến thế. Mỗi bộ cánh xuất hiện trên thảm đỏ Met Gala đều mang một thông điệp xã hội, một lời tri ân nghệ thuật, hay thậm chí là sự pha trộn văn hóa đầy dụng ý.
Met Gala là một sân khấu nơi các nhà thiết kế, nghệ sĩ và người nổi tiếng được tự do thể hiện những ý tưởng táo bạo, vượt qua mọi khuôn khổ truyền thống. Không giống như các tuần lễ thời trang thông thường, Met Gala không bị ràng buộc bởi yêu cầu thương mại hay giới hạn về tính ứng dụng. Thay vào đó, nó khuyến khích sự sáng tạo không giới hạn, nơi mỗi bộ trang phục trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ áo váy, kiểu tóc cho tới từng chi tiết rất nhỏ cũng cất lên tiếng nói.
Chúng ta chưa quên Met Gala 2015 với chủ đề “China: Through the Looking Glass” đã giới thiệu bộ váy vàng rực rỡ của Rihanna, thiết kế bởi Guo Pei, mất hơn 50.000 giờ để hoàn thành, trở thành biểu tượng của sự xa hoa và công phu trong thời trang.
Tại Met Gala 2025, Lisa (BLACKPINK) khoác lên mình một thiết kế bodysuit của Louis Vuitton được thêu các gương mặt xứng đáng được tôn vinh lấy từ tranh của Henry Taylor – nghệ sĩ da màu nổi tiếng từng vẽ bìa Vogue cho Pharrell.
Jennie Kim trong chiếc đầm tuxedo Chanel, với mũ boater cổ điển và tỉ lệ thân áo được chỉnh lại riêng biệt để phù hợp dáng người chính là ví dụ cho triết lý “tailored for you”. Không phải ngẫu nhiên mà stylist của Jennie chọn mẫu trang phục này: nó tôn vinh kỷ nguyên golden age của Chanel Coco, nhưng đồng thời thể hiện tinh thần: cá tính, quyến rũ và thanh lịch đặc trưng của Jennie.
Andre 3000 mặc bộ suit mang tên 7 Piano Sketches, lấy cảm hứng từ những bản ngẫu hứng piano anh từng chơi cùng con trai ở Texas. Trang phục này là một hình ảnh hóa âm nhạc của anh ấy, gắn với concept cá nhân chứ không chỉ “gợi lại thời trang công nhân”.
Doechii gây ấn tượng trong bộ suit logomania từ Louis Vuitton: jacket độn vai bản lớn, nơ cổ rượu vang, quần Bermuda, giày loafers và tất cao – pha trộn giữa preppy, menswear và tuyên ngôn nữ quyền da màu.
“Tôi hiện diện ở đây, theo đúng nghĩa đen” cô nói – vừa là câu nói chơi chữ, vừa là bản tuyên ngôn chính trị.
Kylie Jenner chọn Ferragamo với đầm herringbone – chất liệu vốn dùng cho suit nam biến chuyển thành váy dạ hội sang trọng, thể hiện rõ góc nhìn thiết kế hiện đại của Maximilian Davis – nhà thiết kế da màu đang lên, đồng thời giám đốc sáng tạo trẻ tuổi nhất lịch sử Ferragamo.
Truyền thông & sức mạnh hình ảnh
Met Gala không chỉ là sân khấu thị giác, mà còn là “bài kiểm tra” văn hóa đương đại dành cho người nổi tiếng, nhà thiết kế và công chúng. Khách mời và ekip thực hiện đều cùng nhau nghiên cứu chủ đề, giải mã lớp lang biểu tượng, và kể một câu chuyện có tính xã hội. Trong quá trình đó, họ buộc phải đối mặt với những chủ đề gai góc: từ chính trị, chủng tộc, tôn giáo đến giới tính và bản sắc cá nhân. Còn người xem, dù vô tình hay chủ đích, cũng bị lôi kéo vào quá trình “giải mã” đó… tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng khắp toàn cầu.
Tất cả những khoảnh khắc đó được ghi lại, lan truyền, phân tích và phản biện – chính là cách Met Gala mở rộng quyền lực của hình ảnh: không chỉ trên thảm đỏ, mà còn trong tư duy sáng tạo, trong thẩm mỹ cộng đồng và trong truyền thông toàn cầu.
Đáng nói hơn, Met Gala không ngừng mở rộng đại diện. Người da màu, queer, cộng đồng thiểu số, nhà thiết kế trẻ đều có cơ hội đứng chung khung hình với các nhà mốt lớn nhất thế giới. Đó không chỉ là hình ảnh, mà là chính trị của hình ảnh – thứ khiến thời trang trở thành một ngôn ngữ phổ quát của quyền lực mềm thời đại mới.
Nơi trình diễn kỹ thuật thủ công và tay nghề đỉnh cao
Mỗi thiết kế Met Gala thường tốn từ vài tuần đến vài tháng chế tác. Không ít bộ cánh phải vận dụng cả nghệ thuật couture, kỹ thuật dựng phom cổ điển, xử lý chất liệu mới, AI hoặc công nghệ in 3D. Đó không chỉ là vẻ ngoài, mà là lời khẳng định: kỹ thuật thời trang vẫn là nghệ thuật chế tác bậc thầy.
Met Gala là dịp duy nhất mà haute couture được đẩy lên một hình thái mới: vừa trình diễn – vừa tư tưởng – vừa viral – vừa mang tính nghệ thuật thị giác.
Sự chỉnh chu, chi tiết và kỹ thuật thủ công đỉnh cao từ những thiết kế đầy sáng tạo của Thom Browne:
Trường học ý tưởng cho thế hệ thiết kế kế tiếp
Với sinh viên thiết kế tại Parsons, Central Saint Martins hay RMIT, mỗi bộ trang phục Met Gala là một bài học về storytelling, lịch sử thời trang, và mối quan hệ giữa xã hội – văn hoá – thiết kế. Đây không phải là runway mang tính thương mại, mà là “case study sống” về mọi lớp lang của một thương hiệu – từ chiến lược sáng tạo đến biểu đạt bản sắc.

Sàn diễn thương hiệu chiến lược toàn cầu
Tại sao các thương hiệu đổ hàng trăm nghìn đô cho một chỗ ngồi ở Met Gala? Không chỉ vì danh tiếng mà vì đây là một sự kiện có tính chiến lược toàn diện:
- Là điểm chạm toàn cầu với hàng trăm triệu người yêu thời trang, từ công chúng đại chúng đến giới chuyên môn;
- Là sân khấu nơi các thương hiệu thử nghiệm và thể hiện tầm nhìn thẩm mỹ, bản sắc văn hóa và định hướng phát triển;
- Là bàn cờ truyền thông cao cấp giữa Vogue – nhà mốt – ngôi sao – công chúng, nơi mỗi hình ảnh, mỗi thông điệp đều được tính toán kỹ lưỡng.
Met Gala là nơi các thương hiệu thiết lập chiến lược vận hành hình ảnh: từ việc lựa chọn đại sứ thương hiệu phù hợp với chủ đề, xây dựng câu chuyện (narrative) qua trang phục, đến phát triển hệ sinh thái truyền thông (press, social media, viral content…).
Sự thành công của Met Gala 2025 là minh chứng rõ ràng: các nhà mốt không còn xem đây là sân chơi hình ảnh đơn thuần, mà là không gian kích hoạt tài sản thương hiệu, đánh bóng di sản và trình diễn bản lĩnh sáng tạo. Thương hiệu nào thiếu bản sắc, thiếu chiến lược sẽ dễ dàng bị lu mờ giữa rừng ánh sáng thảm đỏ.
Met Gala đã trở thành sân khấu toàn cầu nơi văn hoá, chính trị, nghệ thuật và quyền lực thị giác cùng va chạm, đối thoại và phản chiếu nhau. Chính sự bí ẩn trong cách tổ chức, độ táo bạo của chủ đề, tầm ảnh hưởng của khách mời và sức lan tỏa của truyền thông đã khiến Met Gala trở thành một biểu tượng quyền lực mềm bậc nhất của văn hoá đương đại.
Mỗi năm, sự kiện này không chỉ khơi dậy tranh luận về các vấn đề xã hội mà còn thúc đẩy những chuyển biến lớn trong ngành công nghiệp thời trang: từ tư duy thiết kế, kỹ thuật thủ công, chiến lược truyền thông đến cách xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Với khả năng định hình thẩm mỹ, nâng tầm tư duy sáng tạo và truyền tải thông điệp mang tính toàn cầu, Met Gala chính là nơi thời trang vượt ra khỏi sàn diễn – để trở thành một ngôn ngữ định hình văn hóa, bản sắc và tương lai.