Mỹ – Trung tạm “hạ nhiệt”, đồng ý cắt giảm thuế quan

Ngày đăng: 13/05/25

Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được một thỏa thuận bước đầu nhằm giảm thuế quan đối ứng, trong nỗ lực hạ nhiệt thương chiến kéo dài đã khiến kinh tế toàn cầu chao đảo và thị trường tài chính liên tục biến động.

Ngày thứ Hai (12/05/2025), Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm giảm thuế quan đối ứng, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nỗ lực chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài. Cuộc xung đột này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây lo ngại suy thoái kinh tế và khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo.

Phát biểu sau cuộc đàm phán với các quan chức Trung Quốc tại Geneva, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết hai bên đã thống nhất tạm ngừng các biện pháp leo thang trong vòng 90 ngày, đồng thời giảm mức thuế hiện hành xuống 10%, giảm hơn 100 điểm phần trăm so với trước đó.

“Cả hai nước đều bảo vệ rất tốt lợi ích quốc gia của mình. Chúng tôi đều có chung mục tiêu là đạt được một cán cân thương mại lành mạnh, và Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi điều đó” – Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent.

Artwork: Paulur

Cùng xuất hiện tại buổi họp báo có Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, cả hai quan chức đều đánh giá cuộc đàm phán cuối tuần là tích cực và đã thu hẹp được nhiều bất đồng quan trọng.

Đây là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức kinh tế cấp cao Mỹ – Trung kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng và tái khởi động chính sách áp thuế diện rộng, trong đó Trung Quốc là mục tiêu chính với các mức thuế đặc biệt cao.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump đã nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, cộng thêm các mức thuế tồn tại từ nhiệm kỳ đầu của ông cũng như từ chính quyền tiền nhiệm Biden.

Đáp trả lại, Trung Quốc áp dụng hạn chế xuất khẩu một số nguyên tố đất hiếm – vật liệu quan trọng trong sản xuất vũ khí và thiết bị điện tử tiêu dùng – đồng thời nâng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 125%.

Cuộc chiến thuế quan này đã khiến gần 600 tỷ USD thương mại song phương bị đình trệ, làm tê liệt chuỗi cung ứng, đẩy chi phí sản xuất tăng cao, gây lo ngại về tình trạng lạm phát kèm suy thoái (stagflation) và dẫn đến một số đợt sa thải nhân công tại Mỹ.

Thị trường tài chính toàn cầu đã kỳ vọng vào tín hiệu “giảm nhiệt”, và thông tin từ Geneva đã góp phần tạo nên phản ứng tích cực. Hợp đồng tương lai chứng khoán Phố Wall tăng điểm, đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền trú ẩn an toàn – cho thấy hy vọng rằng thế giới có thể tránh được một cuộc suy thoái sâu rộng.

Artwork: Paulur.

Cuộc tạm hoãn leo thang thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu, từ đó tạo tác động tích cực gián tiếp đến ngành thời trang nội địa Việt Nam. Trước đó, các doanh nghiệp thời trang trong nước đã chịu áp lực lớn khi chi phí sản xuất có nguy cơ tăng mạnh do nguyên phụ liệu nhập khẩu – chủ yếu từ Trung Quốc sẽ bị đội giá.

Thỏa thuận mới giữa hai nền kinh tế lớn có thể góp phần ổn định giá nguyên liệu, khơi thông nguồn cung và tạo điều kiện để các thương hiệu Việt phục hồi sản xuất. Đây cũng là thời điểm thuận lợi khi nhiều đơn hàng quốc tế đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam để giảm rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thỏa thuận này nên được xem như một cơ hội để ngành thời trang Việt chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam không chỉ có thể từng bước giảm sự lệ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc mà còn thúc đẩy phát triển ngành sản xuất nguyên liệu trong nước – một bước đi cần thiết để hướng tới sự độc lập và bền vững dài hạn.

Chuyển ngữ: Lenna

Theo insideretail.asia