Năm 2024 trở thành năm thử thách vô cùng của thời trang Việt?
Ngày đăng: 15/11/24
Nhiều thách thức đặt ra với cả những người kinh doanh thời trang lâu năm, khi mà nhiều thương hiệu thời trang Việt có thâm niên cũng đánh trống rút lui khỏi thị trường.
Tiếp thêm nét bút trong gam màu ảm đạm của thời trang Việt cuối năm 2024, thương hiệu thời trang Lép cũng bất ngờ nói lời tạm biệt sau 8 năm hoạt động.
Nhiều thương hiệu lâu năm nói lời tạm biệt thị trường
Tháng bảy vừa qua, chuỗi cửa hàng thời trang Catsa với hơn 13 năm tuổi bất ngờ tuyên bố đóng cửa. Tương tự như Catsa, chuỗi thời trang nam Giian được thành lập bởi founder Tiến Hải cũng đóng 9 cửa hàng trong 1 năm, mất 20 tỷ đầu tư vì tình hình kinh tế quá khó khăn.
MIÊU, một thương hiệu thời trang thiết kế “made in Vietnam” được thành lập từ năm 2010 vốn quen thuộc với giới trẻ Sài thành cũng đưa ra thông báo trên Fanpage về đóng cửa hàng và thanh lý sản phẩm.
Tiếp thêm nét bút trong gam màu ảm đạm của thời trang Việt cuối năm 2024, thương hiệu thời trang Lép cũng bất ngờ nói lời tạm biệt sau 8 năm hoạt động.
Thị trường cạnh tranh khốc liệt
Theo NielsenIQ, người tiêu dùng Việt đã quen với sự có mặt của các thương hiệu và sản phẩm mới, nhưng không mấy háo hức trải nghiệm như trước. Ngược lại, họ quan tâm hơn đến giá cả và sự thay đổi giá của các sản phẩm chọn mua. Nhiều thương hiệu nội địa phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu ngoại trong khi thị trường bão hoà. Theo khảo sát của Haravan, đầu năm 2023 đến nay nhận thấy sự tăng trưởng số lượng nhà kinh doanh mới trong ngành ít hơn 20% so với những năm trước. Euromonitor dự báo trong vòng 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành may mặc tại Việt Nam sẽ chậm hơn so với thập kỷ trước khoảng 3%. Khi người tiêu dùng gặp khó khăn về tài chính, họ có xu hướng giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, như quần áo và phụ kiện.
Năm 2024, nở rộ xu hướng livestream qua các sàn hay mạng xã hội. Tuy nhiên, việc kích thích doanh số bán hàng qua các phiên livestream một mặt giúp các local brand dễ dàng tiếp cận khách hàng, mặt khác lại không phải là “công thức” để các thương hiệu có thể đi đường dài. Để thu hút khách qua các phiên livestream, thương hiệu phải giảm giá, chi trả cho các KOC, chi phí cho sàn… khiến cho lợi nhuận bị thu hẹp hoặc thậm chí không còn. Mặt khác, chính sách cho phép khách hàng thoải mái hoàn trả hàng hoá của một số sàn cũng khiến cho những nhà kinh doanh thời trang nhỏ lâm vào thế khó.
Dù vậy, vẫn có những điểm sáng nhất định trên thị trường hiện nay. Một số thương hiệu nội địa trong chiến lược phát triển không chỉ phụ thuộc trong nước, mà còn mở rộng thị trường sang các nước láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc… lấy kiểu dáng ấn tượng cùng với mức giá phải chăng làm điểm thu hút khách hàng. Một số thương hiệu cũng tạo điểm nhấn bằng những màn trình diễn ấn tượng ở các show diễn thời trang chuyên nghiệp ví dụ như K&K, White Ant, San Design Garden… ra mắt ở chương trình SR Celebrating Local Pride 8 vừa qua. Đây là một sân chơi giúp đẩy mạnh doanh số bán hàng cho các thương hiệu nội địa hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai.
Thực hiện: K.