Nét đẹp văn hóa uống trà của người trẻ Việt
Ngày đăng: 28/04/25
Văn hóa uống trà từ lâu đã trở thành một phần không thể tách rời trong văn hóa tinh thần người Việt.
Từ thế kỷ VII-VIII, trà đã theo bước chân các nhà sư Trung Hoa du nhập vào Việt Nam, trở thành một phần trong đời sống thiền môn. Khởi đầu trong những buổi thiền trà tĩnh lặng, trà được xem là phương thức tu hành, giúp giữ tâm hồn an trú.

Không dừng lại ở cánh cổng chùa, trà nhanh chóng du nhập vào đời sống cung đình và trở thành thức uống gắn liền với sự thanh cao, tao nhã. Với các bậc nho sĩ, việc nhấp một chén trà mỗi sáng là cách gột rửa tâm trí, chuẩn bị tinh thần cho một ngày mới. Theo dòng chảy thời gian, trà rời khỏi những khuôn mẫu xa xỉ để hòa vào nếp sống bình dân, trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gian bếp Việt.

Ngày nay, văn hóa uống trà không còn gói gọn trong những lớp người trung niên mà dần được ưa chuộng rộng rãi bởi người trẻ – đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Xu hướng uống trà trong lối sống Gen Z
Trà sữa và đồ uống pha chế từ trà
Theo thời gian, thói quen thưởng trà đã biến đổi để phù hợp với khẩu vị và phong cách sống của thế hệ trẻ. Điển hình là sự lên ngôi của trà sữa và các loại đồ uống pha chế từ trà như trà tắc, hồng trà,… Không còn là món “ăn theo trào lưu”, trà sữa ngày nay đã định vị mình như một biểu tượng văn hóa tiêu dùng mới, hai thập kỷ, trà sữa và các đồ uống từ trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của giới trẻ Việt Nam.

Theo báo cáo Bubble Tea in Southeast Asia của Momentum Works năm 2022, Việt Nam xếp thứ ba tại Đông Nam Á về quy mô thị trường trà sữa, đạt giá trị khoảng 360 triệu USD, chỉ sau Indonesia (1,6 tỷ USD) và Thái Lan (740 triệu USD).
Số liệu trên cho thấy, trà sữa không đơn thuần bắt nguồn từ nhu cầu giải khát mà còn phản ánh những thay đổi trong khẩu vị và cách tiếp cận ẩm thực của giới trẻ. Thay vì trung thành với những hương vị trà nguyên bản, người trẻ thường tìm kiếm trải nghiệm đa tầng, từ nền trà đậm vị, topping sáng tạo như trân châu hoàng kim, thạch trái cây, mousse kem cheese, cho đến khả năng điều chỉnh độ ngọt theo sở thích cá nhân.

Ngoài trà sữa, các món nước từ trà cũng ngày càng được ưa chuộng. Theo khảo sát mới nhất của Q&MeVietnam (2024), hơn 62% giới trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 28 cho biết họ thường xuyên chọn trà hoa quả để giải khát.
Xem bài viết này trên Instagram
Đặc biệt, sự sáng tạo trong biến tấu với mousse mặn, kem cheese hay kết hợp nước ép lạnh đã giúp đồ uống từ trà duy trì sức hút quanh năm, không còn giới hạn trong những ngày Hè oi ả.
Không gian thưởng trà
Sự bùng nổ của trà sữa và các biến tấu đồ uống từ trà không chỉ làm mới thói quen thưởng thức mà còn kéo theo những thay đổi trong cách thế hệ trẻ lựa chọn không gian thưởng trà. Nếu như thưởng trà của những thế hệ trước gắn liền với hình ảnh quán cóc vỉa hè, góc sân nhà, hay ấm trà trong những buổi họp mặt gia đình, thì thế hệ Gen Z lại tìm đến những không gian hiện đại hơn để có thể học tập, gặp gỡ bạn bè hay thậm chí là làm việc tự do.
@trahayphe Một tiệm cà phê mở xuyên tết có trà thơm ngon vibe châu âu cổ điển nằm trong khu đô thị nhiều góc sống ảo #coffee #caphe #saigon #fyp #xuhuong #danhtra #dicungtraphe ♬ nhạc nền – Đi cùng Trà Phê
Các quán trà hiện đại thường được thiết kế theo phong cách tối giản, tràn ngập ánh sáng tự nhiên và kết hợp yếu tố thiên nhiên như cây xanh, sân vườn nhỏ. Ngoài ra, nhiều quán không chỉ dừng lại ở việc phục vụ trà, mà còn tổ chức các workshop pha trà thủ công, lớp học thiền trà, mang lại trải nghiệm đa dạng và gần gũi hơn với giới trẻ.
Xem bài viết này trên Instagram

Người Việt giữ gìn văn hóa uống trà
Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, thế hệ trẻ Việt Nam đang tìm những cách mới để bảo tồn và làm sống lại văn hóa thưởng trà truyền thống, bằng những phương pháp tiếp cận hiện đại và phù hợp với nhịp sống hiện đại.

Nhiều bạn trẻ đã chọn trà làm nền tảng khởi nghiệp, xây dựng các thương hiệu chú trọng vào việc kết hợp giữa chất lượng sản phẩm và câu chuyện văn hóa. Thay vì giữ nguyên những mô hình thưởng trà truyền thống, họ tìm kiếm cách tiếp cận mới, từ việc cải tiến bao bì, sáng tạo trong cách kể chuyện thương hiệu, đến việc tận dụng mạng xã hội như Instagram, Facebook, TikTok để đưa hình ảnh trà Việt đến gần hơn với thế hệ tiêu dùng mới. Những video pha trà, chia sẻ về nguồn gốc trà Việt hay cách thưởng trà trong đời sống thường nhật, ngày càng xuất hiện nhiều hơn, cho thấy nỗ lực đưa văn hóa trà ra khỏi không gian nghi lễ trang trọng để hòa vào nhịp sống trẻ trung và gần gũi hơn.

Thực hiện: Amelia