NFT thời trang – Những “điểm chạm” để bùng nổ trong năm 2022
Ngày đăng: 04/02/22
2021 là một năm bùng nổ của NFT trong ngành thời trang, với những cột mốc ấn tượng được thiết lập ngay từ lần đầu va chạm giữa công nghệ hiện đại và thời trang xa xỉ. Tuy nhiên, xu thế chuyển dịch của NFT thời trang sẽ cần đến tính tiện dụng để trở nên có giá trị, và những ông lớn trong ngành thời trang chắc chắn sẽ phải để tâm đến vấn đề này.
NFT (non-fungible-tokens), đã trở thành một trong những thị trường lớn được quan tâm nhiều nhất trong không gian tiền điện tử trong năm vừa qua. Một báo cáo gần đây từ Cointelegraph Research cho thấy doanh số bán hàng của NFT đạt mức kỷ lục $17,7 tỷ đô vào cuối năm 2021.
Điều này có thể xảy ra, vì một số thương hiệu có tên tuổi đã bắt đầu tung ra sản phẩm NFT của riêng họ. Theo nghiên cứu gần đây từ Bain & Company và nền tảng thời trang cao cấp trực tuyến Farfetch, tương tác kỹ thuật số với người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng đối với các thương hiệu. Báo cáo đặc biệt chỉ ra rằng “tương tác kỹ thuật số với những người xung quanh là tác nhân kích thích hành vi mua sắm của một người khi chọn mua một sản phẩm”. Do đó, NFT được gắn trực tiếp với tên tuổi của các thương hiệu và người tiêu dùng của họ giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hiểu về tính thiết thực của NFT thời trang
Mặc dù điều đáng chú ý là các thương hiệu tên tuổi như Adidas, Dolce & Gabbana, Balmain hay Gucci đã phát hành NFT, nhưng tính tiện ích của NFT thời trang được đang chứng tỏ là chìa khóa thực sự dẫn đến thành công của một thương hiệu thời trang trong không gian kỹ thuật số. Đó là nhận định của Karinna Grant, đồng Giám đốc điều hành của The Dematerialized, một marketplace dành cho thời trang kỹ thuật số. Cô cho rằng các tiện ích là thứ mang lại mục đích và giá trị thực thụ cho các NFT.
“Cũng giống như trong đời thực, khi khách hàng dùng thẻ từ để truy cập vào câu lạc bộ thể hình mà họ đã bỏ tiền ra để đăng ký gói thành viên, thì tính tiện ích của NFT có thể là bất cứ điều gì tương tự: từ việc sử dụng NFT làm thẻ hội viên cho đến khả năng mặc nó trong trò chơi hoặc kết hợp tính bền vững về mặt đầu tư, hay thậm chí là quyền lợi xã hội cho người mua NFT”, Grant chia sẻ cùng tờ Cointelegraph
Grant lưu ý rằng The Dematerialized đã thử nghiệm nhiều hình thức làm gia tăng tính tiện ích với mỗi NFT thời trang mà nền tảng này đã đưa ra. Cô giải thích rằng các NFT được phát hành trước đó đã bao gồm các tiện ích đa dạng như mặc hoặc tương tác với nội dung 3D trong thực tế tăng cường hoặc cấp quyền truy cập vào các cộng đồng riêng biệt của thương hiệu.
“Với bộ sưu tập NFT đã bán hết sạch của Rebecca Minkoff vào tháng Chín, đặc quyền cấp cao nhất của chủ sở hữu NFT là được quyền truy cập để trải nghiệm những đặc quyền dành cho khách hàng VIP của thương hiệu trong một năm.” Cô còn chia sẻ thêm rằng “Bộ sưu tập Karl Lagerfeld x Endless đã tạo cơ hội cho những người sở hữu bộ sưu tập Karl đến tham dự một sự kiện thương hiệu ở Paris vào năm 2022. Tại sự kiện này sẽ có một buổi ra mắt các sản phẩm NFT khác, nơi chỉ những người sở hữu NFT Karl trước đó mới được mời tham gia. “
Thông qua đó, quá rõ ràng là NFT thời trang phải tạo ra cơ hội để người tiêu dùng có thể tương tác với các thương hiệu trong cả thế giới thực và kỹ thuật số. Avery Akkineni, chủ tịch của VaynerNFT – một cơ quan tư vấn NFT – chia sẻ rằng trong khi tính tiện ích của một số NFT đôi khi có thể chỉ đơn giản là vì mục đích nghệ thuật, thì các thương hiệu khi tung ra NFT sẽ cần đặt nặng về tính công năng hơn và cần được xây dựng dựa trên một cộng đồng hiện có.
Ví dụ, Akkineni chia sẻ rằng VaynerNFT gần đây đã giúp thương hiệu thời trang toàn cầu, Coach, ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên của mình, trong đó có tám linh vật Coach Holiday từ trò chơi kỹ thuật số Snow City của thương hiệu. Akkineni nói thêm rằng sự ra mắt của NFT cũng nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Coach, dẫn đến việc tạo ra 80 tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số độc đáo có hình ảnh tám linh vật Coach Holiday.
Mỗi NFT của thương hiệu Coach cũng cấp quyền cho những người sớm sở hữu nó một phiên bản vật lý của chiếc túi “rogue bag” miễn phí theo đơn đặt hàng vào năm 2022. “Điều mà Coach muốn làm là khám phá thế giới NFT mới này, nhưng muốn tham gia một cách không thương mại hóa những sản phẩm là sở hữu trí tuệ và tinh hoa của họ, hoặc yêu cầu người tiêu dùng trả tiền cho bất kỳ thứ gì mà họ cảm thấy không có công năng sử dụng,” Akkineni chia sẻ. Để tương tác hiệu quả với cộng đồng của mình, Akkineni đã đề cập rằng các NFT của Coach đã được tặng miễn phí trong thời gian từ ngày 17 đến ngày 24 tháng Mười Hai.
“NFT Coach có thể được nhận miễn phí trên blockchain Polygon. Coach đảm bảo không thương mại hóa quá sớm và tìm hiểu về không gian thị trường kỹ thuật số để đánh giá nhu cầu để xem liệu khán giả của họ có quan tâm đến NFT hay không.”
NFT thời trang cũng phải hữu dụng trong không gian của metaverse
Việc các thương hiệu hiện phải tương tác với người tiêu dùng cả trong thực tế và không gian ảo cũng đã bổ sung thêm một sự hữu dụng nhất định cho NFT. Như báo cáo của ngành hàng xa xỉ mới nhất từ Bain & Company đã chỉ ra rằng “các từ khóa và cụm từ mới – chẳng hạn như metaverse, cá nhân hóa trên quy mô lớn và công nghệ – sẽ xuất hiện hàng đầu khi ngành xa xỉ phát triển và tăng trưởng trong không gian kỹ thuật số”.
Do đó, một số công ty đã bắt đầu khám phá NFT trong Metaverse. Ví dụ, Pet Krewe – một công ty thương mại điện tử may mặc dành cho thú cưng – gần đây đã mở một không gian thương mại kỹ thuật số trong cộng đồng Metaverse được gọi là “ShibaVerse”. Allison Albert – người sáng lập và giám đốc điều hành của Pet Krewe, chia sẻ với Cointelegraph rằng công ty đang quảng bá thương hiệu của mình bằng cách giới thiệu quần áo thú cưng NFT trong một không gian Metaverse – là thế giới dành riêng cho những chú chó bóng bay có tên gọi “Shibaloons”.
Theo Albert, các NFT của Pet Krewe sẽ được mặc như những thiết kế độc đáo dành cho các Shibaloons. Trong khi Albert chỉ ra rằng những bộ trang phục này có thể được sở hữu và hoán đổi cho những chú chó Shibaloon khác nhau trong ShibaVerse, Pet Krewe đang sử dụng không gian thương mại kỹ thuật số này như một hình thức tiếp thị hoặc quảng bá thương hiệu độc đáo: “Chúng tôi có thể kết nối với những khách hàng yêu chó trong Metaverse được xây dựng cho thú cưng. Điều này giúp tiếp cận tệp khách hàng như một yếu tố tiếp thị hoàn toàn khác biệt”.
Thương hiệu thời trang Mishka cũng đã du nhập vào không gian NFT với logo hình nhãn cầu nổi tiếng của mình. Bộ sưu tập bao gồm 6.696 NFT được gọi là “The Keep Watch Crew”, viết tắt là “KWC”. Greg Mishka – người sáng lập Mishka NFT và Keep Watch Crew, chia sẻ rằng Keep Watch là yếu tố thương hiệu nổi tiếng và mang tính biểu tượng nhất của Mishka, dành cho cả người hâm mộ thương hiệu, cộng đồng mến mộ thời trang lẫn tín đồ của thời trang dạo phố.
Với tệp khách hàng đông đảo của thương hiệu, Mishka giải thích rằng KWC NFT là sự phát triển ở tầm cao hơn. “KWC là tấm vé dành cho khách hàng để tham gia vào cái mà chúng tôi muốn gọi là MISHKAVERSE. Các tiện ích trước mắt bao gồm giảm giá trọn đời và được mua hàng hóa độc quyền,” anh giải thích. Mishka nói thêm rằng thương hiệu đang nỗ lực để tích hợp các phần tử của Web 3.0 vào trang web của họ. “Điều này sẽ cho phép người tiêu dùng xác minh NFT mà họ sở hữu để truy cập các trang độc quyền và giảm giá thông qua trang web.”
Mối liên kết giữa sản phẩm thời trang vật lý và NFT
Mặc dù tính tiện ích của NFT thời trang không chỉ đơn giản là cung cấp khả năng liên kết các mặt hàng kỹ thuật số với hàng hóa vật chất, nhưng nhiều người trong ngành tin rằng đây vẫn là một trong những chức năng quan trọng nhất. Grant cho rằng việc kết nối các vật phẩm vật lý với NFT kỹ thuật số là một phần quan trọng của quá trình khiến cho người tiêu dùng chấp nhận NFT thuộc tất cả các danh mục.
“Có một quan điểm chia rẽ rất thú vị trong cộng đồng hiện tại của chúng tôi, với một nửa yêu cầu nhiều hơn về sản phẩm vật lý và một nửa yêu cầu nhiều hơn về kỹ thuật số. Tuy nhiên, khi chúng tôi khảo sát bên ngoài cộng đồng hiện tại của mình thì con số này cao hơn nhiều. Điều này xảy ra là vì chủ sở hữu NFT lần đầu hoặc mới tham gia vào thị trường có xu hướng sẽ vẫn giữ niềm tin truyền thống rằng các sản phẩm vật lý “có giá trị” hơn là các sản phẩm kỹ thuật số.”
Đồng thuận với quan điểm của Grant, Mishka cũng nhận xét rằng điều quan trọng là vẫn phải có các sản phẩm vật lý có thể được yêu cầu hoặc đạt được thông qua việc sở hữu một thứ gì đó trong Metaverse vì hầu hết người tiêu dùng vẫn sống trong “thế giới thực”.
Đây là lý do tại sao không có gì ngạc nhiên khi một nhãn hiệu thời trang chính thống như Coach tặng những người sở hữu NFT những chiếc túi “rouge bag” thực tế được làm theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, khá thú vị khi Akkineni đã đề cập rằng đôi khi chủ sở hữu NFT không có nhu cầu để đổi các mặt hàng thực của họ, điều này đã được chứng minh là trường hợp các sản phẩm liên quan đến các thương hiệu hướng đến người tiêu dùng.
“VaynerNFT đã thực hiện một dự án NFT hợp tác có tên là “Anwar Carrot x Veefriends” – là phiên bản kỹ thuật số ủa một bộ sưu tập vật lý có sẵn đang được bán tại Nordstrom. Đặc quyền dành cho những người sở hữu NFT “Self-Aware Hare” trong bộ sưu tập hợp tác này là phiên bản vật lý của nó. Nhưng thực tế thì chỉ sau một số những người nắm giữ đã yêu cầu được nhận các mặt hàng vật lý.” Akkineni chia sẻ.
NFT thời trang sẽ là xu thế thịnh hành
Sự gia tăng của NFT trong năm 2021 đã chứng tỏ sự tăng trưởng trong tương lai của các thương hiệu lớn. Trong khi các công ty như Nike hay Ralph Lauren đã tiến hành các bước để gia nhập Metaverse sẽ dẫn theo xu hướng khiến nhiều thương hiệu khác làm theo. Trường hợp tương tự đã từng xảy ra khi thế giới hướng tới các mô hình kinh doanh kỹ thuật số và thương mại điện tử vốn cũng được thúc đẩy bởi COVID-19. Ví dụ, Albert giải thích rằng Pet Krewe vẫn chưa chắc chắn về việc COVID-19 sẽ còn gây ảnh hưởng như thế nào vào năm 2022, lưu ý rằng các chuỗi cung ứng hiện tại vẫn đang bị gián đoạn.
“Chúng tôi cần kế hoạch phòng ngừa và đặt cược vào các phương án tạo ra doanh thu thay thế. Tham gia vào một thị trường phù hợp với các giá trị của công ty chúng tôi có nghĩa là chúng tôi có thể thêm các nguồn doanh thu bổ sung thông qua NFT nghệ thuật và trang phục kỹ thuật số.”
Grant nhận xét thêm rằng The Dematerialized rất hào hứng với sự thay đổi hành vi trong việc tiêu dùng, bao gồm việc phát triển NFT để tạo ra các giải pháp bên cạnh phương pháp sản xuất vật lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là các thương hiệu sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong suốt chặng đường xây dựng dấu ấn thương hiệu trong không gian kỹ thuật số.
Theo Grant, các thương hiệu thời trang sẽ gặp phải ba trở ngại chính, đầu tiên là sự thay đổi trong tư duy khi đề cập đến giá trị của Web 3.0 và quyền sở hữu kỹ thuật số. Thứ hai, Grant giải thích rằng việc hiểu rõ mục đích và đối thoại về việc ra mắt NFT là rất quan trọng. Và NFT chắc chắn không phải một mánh lới quảng cáo tiếp thị để thúc đẩy doanh thu trong thời gian ngắn.
Cuối cùng, Grant chỉ ra rằng sẽ là một thách thức đối với các thương hiệu lớn trong việc đảm bảo một hệ thống thiết kế sản phẩm 3D được sản xuất nội bộ. Tuy nhiên, Grant vẫn lạc quan rằng những thách thức này sẽ được giải quyết: “NFT sẽ phổ biến nhanh chóng khi ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang lớn, cả những người có ảnh hưởng và người sáng tạo nội dung tham gia và chia sẻ về nó”.
Bài viết được chuyển ngữ từ Cointelegraph
Thực hiện: Fellini Rose