Ngày Tết nói chuyện cổ phục: Đông Phong và hành trình 4 năm thổi sức trẻ vào cổ phục Việt

Ngày đăng: 22/01/23

Những năm gần đây, diện y phục cổ, nhất là trong dịp lễ, Tết trở thành trào lưu thu hút nhiều người tham gia. Từ chỗ chỉ xuất hiện trong bảo tàng, sách và tư liệu lịch sử hay phim tài liệu… đến nay, cổ phục Việt đã và đang được sử dụng trong rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thậm chí trở thành một trong những xu hướng nổi bật của ngành thời trang.

Ngày đầu xuân năm mới, cùng Style Republik gặp gỡ Đức Huy – nhà sáng lập thương hiệu Đông Phong, cùng hành trình thổi sức trẻ vào cổ phục Việt nhé!

Nguyễn Đức Huy – nhà sáng lập thương hiệu cổ phục Đông Phong

Chào Huy, niềm say mê nghiên cứu cổ phục của Huy đã bắt đầu từ đâu và nuôi dưỡng như thế nào?

Xin chào các độc giả của Style Republik! Niềm đam mê cổ phục đến với mình cũng rất ngẫu nhiên. Trước đây, Huy có một thời gian du học tại Đức, có rất nhiều người bạn nước ngoài hay hỏi mình rằng Việt Nam có văn hoá gì hay. Lúc đấy, mình cũng rất khao khát muốn chia sẻ cho mọi người biết về văn hoá Việt Nam, nhưng ngẫm nghĩ lại thì mình nhận ra hiểu biết của mình về văn hoá nước nhà có hạn. Từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu kĩ hơn về văn hóa. Tình cờ, thời điểm đó, tại Việt Nam lại rộ lên phong trào nghiên cứu cổ phục, các anh chị đời đầu trong cộng đồng cũng phục dựng lại một số trang phục cổ truyền. Lần đầu tiên nhìn thấy những người trẻ mặc lên bộ cổ phục dân tộc mà không phải trong bảo tàng, sách hay tư liệu lịch sử, mình ngay lập tức bị cuốn hút. Sau này khi về nước, mình quyết định gia nhập một công ty – đây cũng là công ty đầu tiên tại Việt Nam làm về cổ phục, nhưng dần dần, do định hướng khác nhau, mình với một cộng sự khác quyết định tách ra và tạo nên thương hiệu riêng, mang tên Đông Phong. 

Áo ngũ thân tay chẽn nhuộm từ rễ cây tử thảo

Cái tên “Đông Phong” có ý nghĩa đặc biệt gì không?

Cái tên Đông Phong có nghĩa là “Ngọn gió Phương Đông”. Huy và cộng sự nhận thấy, thời điểm hiện tại văn hoá Phương Đông ngày càng phát triển, và trở thành một làn sóng mới, ngụ ý của bọn mình khi đặt cái tên “Đông Phong” này, cũng mong muốn men theo “làn sóng”, trở thành “Ngọn gió” về văn hoá “Phương Đông”.

Trong quá trình nghiên cứu và tìm tòi, cải tiến các loại vải thủ công và phương pháp nhuộm cổ truyền, Huy có gặp khó khăn gì không? Có câu chuyện ý nghĩa nào liên quan đến hành trình thử nghiệm các phương pháp nhuộm mới mà Huy muốn chia sẻ đến các độc giả của SR không?

Bản thân Huy không phải là người có nền tảng về thời trang, đặc biệt là kiến thức về vải và phương pháp nhuộm. Trước đây, mình học về ngành xây dựng, khi chuyển sang lĩnh vực văn hoá, nó đã là một thách thức rất lớn rồi, còn đi sâu về lĩnh vực thủ công, nó lại là một mảng ngách và phức tạp hơn nữa. Thời điểm đó, rất khó để Huy tìm kiếm những tài liệu liên quan đến kỹ thuật nhuộm của người Kinh. Các dân tộc thiểu số khác lại lưu giữ được nhiều tài liệu về kỹ thuật nhuộm hơn, thậm chí đến bây giờ nhiều bà con vẫn còn dệt, nhuộm vải theo phương pháp truyền thống. Còn người Kinh, sau giai đoạn hiện đại hoá, rất nhiều kỹ thuật thủ công đã bị mai một, công cuộc tìm hiểu và phục dựng lại rất khó. Huy phải học ngược lại từ những người dân tộc miền núi, hoặc từ bên nước ngoài, như Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là hai quốc gia đã phục hồi và phát triển được phương pháp nhuộm tự nhiên truyền thống, số lượng tài liệu cũng nhiều. Mình sẽ tham khảo, sàng lọc và đối chiếu xem bên đó họ đang sử dụng nguyên liệu nhuộm nào mà Việt Nam mình cũng có. 

Các loại tơ sống, tơ chín có tính chất khác nhau, từ độ bền chắc đến độ óng ả.

Còn về dệt, cổ phục lại yêu cầu một loại vải rất đặc thù. Những dòng vải hiện đại chúng ta đang sử dụng thường là “tơ chín” – đã được loại bỏ lớp keo trên kén tằm, rất mềm và mịn. Tuy nhiên, cổ phục lại yêu cầu độ cứng cáp nhất định, tụi mình cần những dòng vải “tơ sống” – giữ lại lớp keo trên kén tằm, loại vải này có độ cứng cao, độ bền lâu dài. Hầu hết trên thị trường, nguyên liệu đa phần đều được nhập từ nước ngoài, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… Khi mình mới bắt đầu Đông Phong, bởi vì Việt Nam chưa có bên cung ứng nào làm dòng vải riêng cho cổ phục cả, dịch covid cũng khiến nguồn cung bên Hàn Quốc bị “gãy”, buộc chúng mình phải đi tìm các làng nghề và đặt họ dệt lại những loại vải tơ sống. Hơn nữa, Việt Nam hiện không còn làm được vải gấm cổ truyền, các dòng vải gấm đang được sử dụng chủ yếu là in hoa văn nổi, hoặc là thêu, hoặc in chìm. Tuy nhiên, một khó khăn mà Đông Phong gặp phải đó là các làng nghề yêu cầu số lượng vải mẫu rất lớn, từ 50-100m, với thương hiệu nhỏ như mình, rất khó để tiếp cận với nguồn vải cao cấp đó. 

Kỹ thuật nhuộm chàm thủ công

Một kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình làm Đông Phong, đó là mình có lên Sapa học nhuộm chàm từ đồng bào miền núi trong 1 tháng rưỡi. Khoảng thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm cuộc sống khó khăn, thiếu thốn với đồng bào dân tộc, mình cũng học được lối sống chậm, thuận tự nhiên và bền vững, biết trân trọng các tài nguyên thiên nhiên hơn. Với mình, tìm hiểu về cổ phục là tìm hiểu về văn hoá, còn nhuộm tự nhiên lại đem đến cho mình nhận thức về lối sống bền vững, giúp mình hiểu rằng nhuộm tự nhiên, nhuộm tại nhà cũng là một cách tái chế rất tốt.

Áo Giao lĩnh được nhuộm từ chàm

Như Style-Republik được biết, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm văn hoá giao thoa, cả về trang phục truyền thống. Có bao giờ Huy gặp phải những đánh giá cho rằng hoa văn trên cổ phục, hay chiếc áo cổ phục Việt Nam giống với Trung Quốc không?

Huy cũng có gặp nhiều trường hợp mọi người đánh giá về dáng áo, còn hoa văn thì ít lắm. Hiện tại, có lẽ chúng ta sẽ quen thuộc với các trang phục thời Nguyễn, nhưng những trang phục từ thời Lý – Trần – Lê, do các tư liệu, hình ảnh và độ phổ biến ít, “đại đồng tiểu dị”, nên rất khó để phân biệt với Trung Quốc. Phải mất rất nhiều thời gian để chúng mình quảng bá và giới thiệu cho mọi người biết là Việt Nam cũng có trang phục tương tự như vậy. 

Còn về hoa văn, các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam cũng có rất nhiều hoa văn chung. 

Ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích trang phục cổ truyền

Với các sản phẩm nhuộm chàm, Huy và team sẽ tự nhuộm hay gửi cho các làng nghề?

Team Huy sẽ tự nhuộm, bởi vì nuôi chàm ở Hà Nội hơi khó và hay bị hỏng, nên mình thường lên Pà Cò – Mai Châu để tự nhuộm.

Thông thường, một bộ cổ phục từ quá trình lựa chọn vải, nhuộm, may đến thành phẩm trên tay khách hàng, sẽ mất khoảng bao nhiêu thời gian?

Với những bộ cổ phục nhuộm tự nhiên sẽ mất khoảng 4-5 tuần.

Áo Giao lĩnh được nhuộm từ gỗ tô mộc và muối sắt

Cái nhìn của Huy về hoạt động nghiên cứu cổ phục và bảo tồn di sản văn hoá? Nhận định của bạn về cộng đồng cổ phục, cũng như sự đón nhận cổ phục của các bạn trẻ hiện nay?

Khoảng 2 năm nay, phong trào cổ phục đang phát triển mạnh mẽ. Thời điểm mình mới bắt đầu năm 2018, rất ít người trẻ biết và quan tâm về cổ phục. Nhưng gần đây, trong các MV ca nhạc, thước phim truyền hình, hay tại các khu du lịch, chúng ta sẽ thấy cổ phục ngày càng xuất hiện nhiều hơn, mọi người được tiếp xúc với trang phục truyền thống một cách gần gũi hơn. Đây là tín hiệu cực kỳ tốt. Còn về mặt nghiên cứu, càng nhận được sự yêu thích, sẽ càng có nhiều bạn trẻ, đa phần là 9x và 8x quan tâm, đào sâu nghiên cứu. Tuy nhiên, vì các bạn cũng giống Huy – “tay ngang” vào nghề, không học chuyên sâu về văn hoá, thế nên cũng gặp nhiều khó khăn, và nhận định đôi khi cũng gây ra nhiều nhầm lẫn. Hiện tại, Huy nhận thấy cộng đồng cổ phục đang thiếu các chuyên gia để có thể đồng hành và định hướng cho cộng đồng.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích cổ phục và mặc trong các dịp quan trọng.

Nhận định của bạn về vai trò của các doanh nghiệp/thương hiệu trẻ trong việc bảo tồn và phát triển, đưa các di sản văn hoá đến với cộng đồng?

Với một doanh nghiệp nhỏ như Đông Phong, chúng mình không dám quá đặt nặng vai trò của bản thân trong việc bảo tồn và phát triển, đưa các di sản văn hoá đến cộng đồng. Tuy nhiên, tụi mình là người trẻ, hướng đến người trẻ, mình tin là thông qua quảng bá, sẽ có nhiều người biết đến hơn, được tận mắt chứng kiến trang phục truyền thống đất nước mình, chứ không phải thông qua bảo tàng hay sách vở. Biến cổ phục thành các sản phẩm trong đời sống là cách đưa văn hoá đến với mọi người nhanh và gần gũi nhất.

Kế hoạch phát triển thương hiệu Đông Phong trong thời gian sắp tới ra sao?

Sắp tới Huy và team muốn tập trung phát triển nghiên cứu các loại vải. Nhìn chung, kỹ thuật may, nghiên cứu về kết cấu áo hiện tại đã gần như hoàn thiện. Tuy nhiên, một bộ cổ phục hoàn chỉnh không chỉ là chiếc áo, mà còn là những phụ kiện đi cùng, như giày dép, mũ mão, đai lưng,… Cộng đồng nghiên cứu cũng đang có sự phân hoá nhỏ hơn, sẽ có bên đi sâu nghiên cứu mảng phụ kiện, còn team mình sẽ hướng tới nghiên cứu chuyên sâu hơn về các loại vải cho cổ phục, và tạo những nguồn cung ở trong nước thay thế cho nước ngoài. Hơn nữa, team cũng muốn nghiên cứu sâu hơn về phương pháp nhuộm có hoa văn, ví dụ như vẽ sáp ong của người Mông.

Bạn có lời gửi gắm nào đến các bạn trẻ yêu thời trang, đặc biệt là cổ phục hay không?

Cổ phục là một lĩnh vực tiềm năng để các bạn trẻ yêu thời trang có thể thử nghiệm, như thuần cổ, hay cách tân. Ở các nước như Trung, Nhật, Hàn, cổ phục thậm chí còn trở thành một ngành công nghiệp. Tại Việt Nam, làn sóng cổ phục mới chập chững những bước đi đầu tiên, thế nên sẽ còn rất nhiều không gian trống để cho các bạn trẻ tìm hiểu, làm và cống hiến. Với các bạn yêu thời trang, các bạn sẽ có nhiều ưu thế hơn khi nghiên cứu về kết cấu áo, cách tân,… Còn với các bạn trẻ yêu thích văn hoá, đây sẽ là thời điểm thú vị khi mà càng ngày càng nhiều người tham gia cộng đồng yêu cổ phục, trở thành động lực lớn để cùng tìm tòi và nghiên cứu.

Cảm ơn những chia sẻ của Huy trong ngày đầu năm mới, một câu chuyện hết sức ý nghĩa và truyền cảm hứng cho những người yêu văn hoá nước nhà. Mong rằng team Đông Phong sẽ ngày càng phát triển hơn, giống như cái tên “Ngọn gió Phương Đông”, đưa làn sóng cổ phục đến với nhiều người!

Thực hiện: Heidi Trương