Ngôn ngữ thời trang trong “Khi cuộc đời cho bạn quả quýt”: Từng nếp vải kể chuyện đời chẳng phẳng phiu
Ngày đăng: 31/03/25
Không xa hoa, chẳng cầu kỳ, “manh áo chiếc quần” trong Khi cuộc đời cho bạn quả quýt kể câu chuyện về những con người nhỏ bé, bám biển mưu sinh, những con người “Cứ sống, rồi sẽ sống”.
Mỗi bộ phim đều có ngôn ngữ thời trang riêng, phản ánh tinh thần của câu chuyện, bối cảnh lịch sử và tâm lý nhân vật. Nếu The Devil Wears Prada là tuyên ngôn quyền lực của giới thời thượng, hay Little Women khắc họa sự nữ tính qua từng lớp váy ren, thì Khi cuộc đời cho bạn quả quýt kể chuyện bằng những bộ hanbok bạc màu, áo khoác vải thô của người lao động và những bộ đồng phục chất chứa giấc mơ tan vỡ. Trong thế giới của Ae Sun và Gwan Sik, từng lớp vải lưu giữ những khát vọng và cả khổ đau thầm lặng trong hành trình cuộc đời họ.
Bối cảnh phim
Khi cuộc đời cho bạn quả quýt (When Life Gives You Tangerines) là bộ phim truyền hình Hàn Quốc ra mắt vào ngày 7 tháng 3 năm 2025. Phim nhanh chóng đứng đầu top 10 phim được xem nhiều nhất trên Netflix tại Hàn Quốc và lọt vào danh sách thịnh hành tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Lấy bối cảnh đảo Jeju vào những năm 1950-1960, bộ phim xoay quanh cuộc đời của Ae Sun (do IU thủ vai) – cô gái thông minh, có hoàn cảnh khó khăn, cùng Gwan Sik (do Park Bo Gum thủ vai). Cả hai trải qua nhiều thăng trầm để xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái, khắc họa chân thực cuộc sống của người dân lao động thời kỳ này.
Bộ phim gây ấn tượng mạnh nhờ kịch bản chặt chẽ, diễn xuất xuất sắc và cách kể chuyện giàu cảm xúc. Đặc biệt, Khi cuộc đời cho bạn quả quýt tôn vinh vẻ đẹp kiên cường của phụ nữ, nổi bật là hình ảnh những hải nữ – những người phụ nữ lặn biển, gánh vác gia đình trong thời kỳ khó khăn.
Với kinh phí sản xuất lên đến 41 triệu USD, bộ phim được đầu tư tỉ mỉ về bối cảnh và hình ảnh, tái hiện sống động cuộc sống trên đảo Jeju thập niên 1950, mang đến một không gian hoài cổ nhưng đầy chân thực.
Thời trang trong phim kể gì?
Với bối cảnh Hàn Quốc đang chật vật tái thiết sau chiến tranh Triều Tiên, bộ phim khắc họa xã hội chìm trong khó khăn, nơi những con người nhỏ bé gồng mình trước thử thách. Bảng màu thời trang với gam màu trầm tối chủ đạo, trải dài trên những tà hanbok cũ sờn, những chiếc chân váy suông dài quá gối hay trang phục lao động quen thuộc của dân biển, phản ánh bối cảnh này.
Nữ giới giai đoạn này được khuyến khích không mặc váy ngắn trên gối đồng thời cũng không nên mặc những trang phục truyền thống không phù hợp khi lao động. Một xã hội giao thoa giữa cũ và mới cũng gợi mở về những đan cài giữa sự níu giữ của định kiến và khát khao phá bỏ gông cùm vô hình trong cuộc đời nhân vật chính.
Bản tình ca miền biển của Ae Sun và Gwan Sik hiện lên với nhiều cung bật khác nhau qua các mùa. Đối với nhiều người, mùa xuân là mùa của ước mơ và khát vọng, thế nhưng với hai nhân vật chính, mùa xuân là mùa của những giấc mơ tan vỡ.

Ngày hạ đến, tưởng chừng như những ngày tươi đẹp yên bình hiếm hoi trong cuộc đời của 2 vợ chồng cuối cùng cũng đến khi gia đình nhỏ giờ đây đã có mái nhà riêng trú nắng trú mưa, có thuyền cho Gwang Sik bám biển mưu sinh thì biển lại cướp mất người thân của Ae Sun, cướp mất đứa con trai út đáng yêu của họ.
Ae Sun xuất hiện trong bộ trang phục mang gam màu trầm tối, gợi lên sự u buồn của thời cuộc và hiện thực khắc nghiệt trên đảo Jeju. Chiếc áo sơ mi kẻ sọc cũ kỹ, thấm đẫm nước mưa, trở thành biểu tượng của những nhọc nhằn, những giấc mơ dang dở và cả nỗi đau đang xiết chặt lấy tâm hồn người mẹ. Họa tiết kẻ ô vuông giờ đây như những ô cửa nhỏ giam giữ nỗi đau, chắp vá những mất mát không thể khỏa lấp.
Xung quanh cô, những người phụ nữ khác cũng khoác lên mình trang phục đơn giản, phần lớn mang sắc nâu, xanh trầm – màu của đất, của biển cả, của những cuộc đời bám víu vào thiên nhiên nhưng chẳng thể thắng nổi số phận. Những lớp vải sờn, những dáng người đứng lặng trong mưa, tất cả hòa vào nhau tạo nên một bức tranh vừa bi thương vừa chân thực về thân phận con người.
Ở khoảnh khắc này, thời trang là chứng nhân cho câu chuyện, là tiếng vọng của quá khứ và hiện tại hòa quyện trong một màn mưa, gợi nhớ về ký ức đau buồn của Ae Sun khi cô cũng mất đi người mẹ đáng thương của mình trong tay biển cả.
Rồi họ cũng phải bước tiếp, 2 chiếc áo màu hồng và vàng của bọn trẻ – gam màu nổi bật duy nhất trong cảnh phim ảm đạm như dụng ý của bộ phim về cuộc sống. Dù cuộc đời có thể chẳng phẳng phiu, nhưng đâu đó vẫn sẽ còn những hi vọng mới chờ ta ở con đường phía trước, đôi khi, dám sống cũng là một điều quý giá.
Mùa thu là ngày của những nỗi đau âm ỉ, khi con cái lớn lên, những nỗi lo của cha mẹ cũng lớn dần theo. Từ những vấp ngã, tổn thương trong tình yêu của cô con gái lớn Geum Myeong, đến lần bốc đồng của con trai Eun Myeong và sự ra đi của “người lớn” cuối cùng trong cuộc đời Ae Sun – bà nội, khiến người xem xót xa.


Không chỉ có 2 nhân vật chính, bộ phim còn tái hiện cuộc sống của những người dân đảo Jeju chân chất.

Dù tên phim là Khi cuộc đời cho bạn quả quýt thế nhưng dường như Ae Sun càng bóc thì chỉ toàn là “hành tây” cay mắt. Có thể đau lòng nhưng bộ phim vẫn nhận được nhiều đánh giá tốt, gói gọn 16 tập phim nhưng khán giả đã được trải nghiệm hành trình cuộc đời đầy đủ “gia vị” đắng cay ngọt bùi của 2 nhân vật chính và hiểu được rằng đời vốn dĩ chẳng phẳng phiu như áo quần được là ủi nhưng chính sự không phẳng phiu ấy mới làm nên cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
Thực hiện: Elio