Nhìn lại những lần xuất hiện Việt phục qua nhiều phương diện, đâu là thách thức?

Ngày đăng: 01/05/25

Có những lần trở lại không ồn ào. Chỉ là một chiếc áo cũ, một lớp vải xưa, một cái nghiêng đầu dịu dàng – nhưng khiến người ta phải ngoảnh lại, ngẫm nghĩ.

\Trải qua bao lớp bụi thời gian, chiếc áo tứ thân, khăn vấn, áo dài ngũ thân… từng là vẻ đẹp thường nhật trong quá khứ nay dần trở lại, không chỉ như một xu hướng mà là một nỗ lực phục hưng. Trong những khung hình điện ảnh, sàn diễn thời trang, thậm chí là MV hiện đại, Việt phục không ngừng được tái trình hiện, chạm đến trái tim người trẻ bằng vẻ đẹp vừa thân quen, vừa mới lạ.

Thế nhưng, hành trình này không chỉ là việc mặc lại một bộ y phục cũ. Giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và thị trường, vẫn còn đó những thách thức âm thầm nhưng dai dẳng, đòi hỏi những người mang tinh thần “phục cổ” phải thật sự hiểu, yêu và dấn thân.

Những lần tái trình hiện ấn tượng của Việt phục

Nếu gọi Việt phục là ký ức bằng vải vóc, thì những năm gần đây, ký ức ấy đã được đánh thức – không phải bởi tiếng gọi khô khan mà bởi nghệ thuật, cảm xúc và khát vọng tìm lại bản sắc giữa đời sống hiện đại.

Trong điện ảnh – nơi hoài niệm được tái tạo bằng ánh sáng và khung hình

Người vợ cuối cùng, Victor Vũ dựng nên một thế giới nơi từng nếp gấp, từng đường thêu thủ công trên trang phục Bắc bộ – một trong những điểm sáng của phim, trở thành nhân vật phụ âm thầm nhưng đầy sức nặng. Bộ phim không kể lại quá khứ, mà khiến người xem tin rằng quá khứ ấy từng đẹp và thật đến nhường nào. Việt phục không bị “cổ” đi, nó lộng lẫy và quyền uy trong ánh sáng vàng úa của triều đại cũ, đồng thời cũng mềm mại, nữ tính trong từng chuyển động của nhân vật Linh – người vợ lẻ cam chịu.

Trang phục của Linh (do Kaity Nguyễn thủ vai) chủ yếu đều sử dụng tông màu trầm, nhạt, rất ít hoa văn ngụ ý cho xuất thân thấp kém, gia đình làm nghề nông. Trang sức của cô thường khá đơn giản, không chạm khắc cầu kỳ và cũng có kích thước nhỏ. Ảnh: Harper’s Bazaar Việt Nam
Trái lại, mợ Cả (do NSƯT Kim Oanh thủ vai) và mợ Hai (do Đinh Ngọc Diệp thủ vai) thường sử dụng các trang phục áo dài vải gấm dệt hoa bắt mắt, cầu kỳ, trang sức cũng đa dạng vàng, ngọc, chuỗi hạt nhiều vòng thể hiện địa vị và quyền uy trong gia tộc. Ảnh: Harper’s Bazaar Việt Nam
Ảnh: Harper’s Bazaar Việt Nam

Cũng là bối cảnh Bắc Bộ, nhưng Kẻ ăn hồn chọn một không khí hoàn toàn khác: rùng rợn, mơ hồ, thấm đẫm huyền thoại dân gian.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Với tôi, dù là làm phim kinh dị, vẫn phải thể hiện tình yêu văn hoá tôn vinh văn hoá trong tác phẩm. Ở “Kẻ ăn hồn”, tôi gửi gắm sự biết ơn và tình yêu dành cho văn hoá bản địa qua phục trang của phim. Đề bài tôi đặt ra cho ê kíp mình chính là làm mọi thứ phải thuần Việt nhất trong khả năng. Vì vậy các bộ áo đều dựa trên nền Việt phục của chúng ta”. (theo VOV)

Phân cảnh “Đám cưới chuột” mở màn cho bộ phim mang nhiều tầng ý nghĩa xen lẫn. Dù đám cưới là dịp của hi vọng mới nhưng người dân làng Địa Ngục vẫn mang trong mình “nỗi ám ảnh” sâu sắc từ quá khứ thể hiện qua hình ảnh loài chuột trên chiếc mặt nạ mà họ đeo. Trang phục của tân lang và tân nương là kiểu áo ngũ thân, kèm theo bộ trang sức cưới bao gồm kim khánh, kim bài, kiềng, chuỗi hạt,…đúng theo quy tắc khi mặc lễ phục thời xưa. Ảnh: cảnh phim “Kẻ ăn hồn”

Trong âm nhạc – nơi Việt phục “nhảy múa” trên nhịp phách thời đại

Nếu bạn từng xem Bắc Bling, hẳn khó quên được cảm giác vừa lạ lẫm vừa thân thuộc khi làn điệu quan họ truyền thống hòa quyện cùng nhịp điệu âm nhạc đương đại. Hình ảnh Hoà Minzy trong chiếc áo yếm bện thừng, đội nón quai thao, lững thững bước giữa khung cảnh làng quê xưa đã khiến nhiều khán giả ấn tượng.  Bởi truyền thống cũng có thể cool, cũng có thể sống động và đầy phong vị như thế. Trong MV này, Việt phục không chỉ là lớp áo minh họa cho một bối cảnh xưa cũ mà trở thành điểm tựa vững chắc, để cái tôi nghệ sĩ được bay lên mà không hề lạc lõng giữa thời hiện đại.

Ảnh: MV Bắc Bling | HOÀ MINZY ft NS XUÂN HINH x MASEW x TUẤN CRY

Tương tự, trong Anh trai vượt ngàn chông gai, Việt phục được khoác lên người những nghệ sĩ trẻ như bảo chứng cho một tương lai rực rỡ của văn hóa Việt. Những chiếc áo dài nam, khăn vấn, áo tấc được biến tấu nhẹ nhàng để phù hợp với trình diễn, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần trang trọng. 

Ảnh: OGN Media/ Anh trai vượt ngàn chông gai
Ảnh: Anh trai vượt ngàn chông gai

Trên những bước chân diễu hành – nơi Việt phục được thở, bước và sống giữa phố phường

Khác với hình ảnh thường thấy trong phim ảnh hay các MV ca nhạc, nơi Việt phục xuất hiện chủ yếu trong những bối cảnh mang tính hoài niệm lịch sử, tại sự kiện “Bách Hoa Bộ Hành”, trang phục truyền thống đã bước khỏi không gian dĩ vãng để hòa mình vào nhịp sống hiện đại.

Những bộ áo nhật bình, áo ngũ thân, khăn vấn, hài thêu…được phục dựng tinh xảo, trở thành những “bộ cánh xuống phố” mang đậm bản sắc, đồng thời thể hiện tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ hôm nay.

Hàng ngàn người tham gia chương trình diễu hành nằm trong khuôn khổ concert Anh trai vượt ngàn chông gai đã diện Việt phục lập kỷ lục Guiness về trang phục truyền thống. Ngoài áo dài ngũ thân, nhật bình, giao lĩnh, viên lĩnh,…đoàn người diễu hành còn tái hiện hình ảnh quan viên qua những bộ trang phục đại triều, phẩm phục quan văn, quan võ với chi tiết thêu rồng, phượng tinh xảo, uy nghiêm.

“Bách Hoa Bộ Hành” lần thứ V diễn ra vào ngày 8/3/2025 tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP. Hồ Chí Minh đã thu hút hàng ngàn người cùng khoác lên mình Việt phục, sải bước trên các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi… Không đơn thuần là một sự kiện văn hóa, đây còn là một hành trình diễu hành đầy cảm hứng, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc và lan tỏa vẻ đẹp của Việt phục giữa đời sống đô thị đương đại.

Ảnh: DUY DƯƠNG

Thách thức

Tuy có nhiều lần “hồi sinh” ấn tượng như thế, nhưng hành trình đưa Việt phục sống dậy không phải là một đường thẳng trải hoa hồng. Vẫn còn đó những thách thức âm thầm nhưng dai dẳng, đòi hỏi nhiều hơn sự bền bỉ và tỉnh táo từ những người theo đuổi con đường này.

Cân bằng giữa truyền thống và hiện đại

Mỗi lần Việt phục bước ra ánh sáng công chúng, là mỗi lần nó phải trả lời câu hỏi: nên trung thành tuyệt đối với nguyên bản cổ xưa, hay nên “phá cách” để phù hợp hơn với thẩm mỹ và nhu cầu hiện đại? Một chiếc áo nhật bình cách tân với phần cổ thêu đơn giản hơn, một bản hòa phối âm nhạc hiện đại cho cảnh cung đình, hay một sự kiện diễu hành trên phố phường sôi động… liệu có đang phản bội tinh thần nguyên bản? Câu trả lời không bao giờ là dễ dàng. Giữa cái đẹp nguyên thủy và tính ứng dụng, có lẽ chúng ta đang phải chọn cách “đi trên dây”, vừa tôn kính quá khứ, vừa không để mình tụt hậu trong nhịp sống hiện đại.

Ảnh: On Sports Plus cùng các thành viên của Saigon Heat Club Trang phục được thực hiện bởi Hoa Niên

Thực tế, trường hợp này khá tương tự với những local brand Việt hiện đang khai thác yếu tố truyền thống làm “chất niche” riêng cho mình vì không có câu trả lời mẫu hay công thức “bao đúng” nào cả mà chìa khóa nằm ở sự tinh tế  trong việc xoay chuyển, chèo lái vững tay của thương hiệu để cân bằng giữa tính ứng dụng, bản sắc và giá trị truyền thống cốt lõi được khai thác. 

Thiếu hiểu biết về văn hóa bản địa

Việc tái dựng Việt phục không chỉ dừng lại ở chiếc áo. Nó gắn với cả hệ sinh thái văn hóa: nghi lễ, âm nhạc, lễ nghi triều đình, quan niệm thẩm mỹ… Khi các yếu tố này không được tìm hiểu sâu sắc, việc tái hiện có thể trở nên “chơi đồ cổ” một cách hời hợt, đẹp mắt nhưng thiếu hồn. Một cảnh phim có người mặc áo ngũ thân nhưng lại hành xử theo lối sống hiện đại, hay một show diễn cổ phục với nền nhạc không phù hợp, đôi khi khiến người xem “lạc vai” mà không hiểu vì sao.

Ảnh: MV Bắc Bling | HOÀ MINZY ft NS XUÂN HINH x MASEW x TUẤN CRY

Giấc mơ chưa thành về thị trường quốc tế

So với kimono Nhật, hanbok Hàn hay Hán phục Trung Quốc, Việt phục vẫn còn là một khái niệm mới với bạn bè thế giới. Những yếu tố như truyền thông đại chúng, bản sắc thị giác đặc trưng… chưa được định hình rõ rệt. Chưa kể đến rào cản về tư liệu lịch sử, ngôn ngữ chuyên môn và cả nguồn vốn để sản xuất các bộ phim, show diễn hay tư liệu có chất lượng quốc tế. Giấc mơ “đưa Việt phục ra thế giới” vẫn là một ngọn đồi cần nhiều bước chân và sức bền.

Ảnh: hoanien.concept

Rào cản về chi phí và sản xuất

Một bộ Việt phục được làm thủ công, sử dụng chất liệu truyền thống, thêu tay, nhuộm màu thủ công, thường có giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với quần áo may sẵn hiện đại. Điều đó khiến Việt phục chưa thể trở thành trang phục đời thường hay phổ cập. Với phim ảnh, việc dựng lại bối cảnh, đạo cụ, phục trang cổ càng tiêu tốn kinh phí lớn, đặc biệt trong khi thị trường Việt vẫn còn dè dặt với các tác phẩm cổ trang. Khi cái đẹp truyền thống chưa thể “sống” trong đời sống hàng ngày, thì nó vẫn chỉ là một vị khách ghé thăm chốc lát.

Ảnh: hoanien.concept

Thực hiện: Elio