Nhìn lại nửa năm 2024 ảm đạm của ngành thời trang Việt

Ngày đăng: 01/08/24

Các thương hiệu lớn và nổi tiếng vẫn có doanh thu, nhưng ít hơn nhiều so với trước. Thậm chí một số thương hiệu nhỏ và mới ra đời đã phải tạm ngừng kinh doanh.

Cùng Style-Republik nhìn lại nửa năm 2024 tương đối ảm đạm của ngành thời trang Việt.

Suy thoái kéo dài khiến nhiều thương hiệu “kiệt sức”

Doanh nghiệp cạn vốn: Nợ chồng nợ, đẩy nhau vào chỗ khó

Sau 3 năm trải qua đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam tuy có tăng trưởng nhưng với tốc độ khá chậm. Hàng loạt “cơn sóng dữ” như chiến tranh Nga – Ukraine, lạm phát kéo dài ở các nước Mỹ và EU… đã làm chao đảo thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các thương hiệu thời trang nội địa, đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, chi phí sản xuất và vận hành tăng cao đã khiến nhiều thương hiệu phải cắt giảm nhân sự và thu hẹp quy mô hoạt động. Hơn nữa, sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu quốc tế và các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc càng làm tình hình trở nên khó khăn hơn.

Đáng chú ý, theo báo cáo từ cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp đang “quá sức chống chọi với thị trường” trong thời gian này có quy mô nhỏ với nguồn vốn dưới 10 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ từ 85-90%.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp thời trang nhỏ điêu đứng

COVID-19 Recovery Scenarios for Fashion and Luxury Brands

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ Việt Nam cho biết 50% người tiêu dùng tham gia khảo sát đã dừng mua hàng xa xỉ, tăng 8% so với quý 3 năm ngoái.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ đã nhận thấy rõ ràng sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam trong sáu tháng qua. Han Sovy, Giám đốc Đối ngoại của Cosmodern – nền tảng thương mại điện tử chuyên thời trang thiết kế trong nước (local brand), thừa nhận rằng sức mua đã bắt đầu giảm sút từ giữa năm ngoái.

Anh chia sẻ: “Các thương hiệu lớn và nổi tiếng vẫn có doanh thu, nhưng ít hơn nhiều so với trước. Thậm chí một số thương hiệu nhỏ và mới ra đời đã phải tạm ngừng kinh doanh.”

Gần đây, người tiêu dùng ngỡ ngàng khi thương hiệu thời trang thiết kế nội địa ELPIS thông báo tạm dừng kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Chương trình Mega Clear Stock sale tới 90%, cùng với việc đóng cửa cửa hàng khép lại hành trình 10 năm hoạt động.

Theo báo cáo khảo sát quý II của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) công bố đầu tháng này, số công ty giảm doanh thu đã tăng vọt lên mức 30,4%. Lượng hàng tồn kho tăng lên 34% và số dư nợ tăng lên 42%.

Các khó khăn nổi bật được chỉ ra là “thiếu đơn hàng mới” và “nhu cầu tiêu dùng giảm”, với lần lượt 50% và 64% thương hiệu đồng tình. Điều này phản ánh thị trường tiêu dùng không mấy khả quan.

Tham khảo kết quả khảo sát của NielsenIQ, 41% người tiêu dùng cho biết sẽ tiết kiệm bằng cách giảm chi tiêu cho việc mua quần áo, đặc biệt 50% hạn chế mua hàng xa xỉ.

Thương hiệu nội địa nên làm gì để cải thiện tình hình nửa cuối năm 2024?

Women Lag Men in Pandemic Economic Recovery - Indeed Hiring Lab

Chi tiêu của người Việt được kỳ vọng sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm nhưng đòi hỏi các thương hiệu phải thích ứng và kích cầu.

Han Sovy cho biết các thương hiệu trên sàn Cosmodern trước đây thường có mức giá phổ biến trên dưới một triệu đồng cho mỗi sản phẩm. Hiện nay, một số thương hiệu dự định ra mắt các bộ sưu tập với giá cả hợp lý hơn, kết hợp với khuyến mại và bán offline tại các sự kiện.

Theo NielsenIQ, người tiêu dùng Việt đã quen với sự có mặt của các thương hiệu và sản phẩm mới, nhưng không mấy háo hức trải nghiệm như trước. Ngược lại, họ quan tâm hơn đến giá cả và sự thay đổi giá của các sản phẩm chọn mua.

Nắm bắt được tâm lý này, thương hiệu nên đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi nhưng vẫn phải giữ được chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung vào dịch vụ chăm sóc khách hàng và chương trình khách hàng thân thiết sẽ giúp duy trì sự tin tưởng và ủng hộ của người tiêu dùng trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng” như hiện tại.

Thực hiện: Thanh Mai

Nguồn tham khảo: VNExpress