Nhu cầu tiêu dùng gặp khó khăn trong bối cảnh giá cả lĩnh vực xa xỉ tăng vọt

Ngày đăng: 15/06/24

Sự rời đi của Virginie Viard tại nhà mốt Pháp Chanel đã làm rung chuyển sâu sắc ngành công nghiệp xa xỉ, nhấn mạnh tình trạng khó khăn hiện tại giữa giá cả và nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Các hãng thời trang lớn như Chanel, Louis Vuitton và Dior (LVMH) phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của giám đốc sáng tạo để tiếp thị các thiết kế mới và tăng giá bán lẻ đáng kể.

Kể từ năm 2019, các thương hiệu xa xỉ hàng đầu đã tăng giá sản phẩm trung bình 33%. Theo các nhà phân tích của RBC, điều này chiếm một nửa mức tăng trưởng doanh số hữu cơ của ngành trong hai năm qua. Tuy nhiên, khi chi phí sinh hoạt toàn cầu tăng vọt, người tiêu dùng trở nên sáng suốt hơn, thách thức các chiến lược định giá này.

Chanel, hiện đang bán chiếc túi chần bông mang tính biểu tượng của mình với giá hơn 10.000 euro, thừa nhận rằng môi trường thị trường ngày càng thách thức, đòi hỏi phải có lý do chính đáng hơn cho mức giá cao.

Erwan Rambourg, nhà phân tích tại HSBC cho biết : “Tôi nghĩ toàn bộ lĩnh vực này đã đẩy giá đi quá xa”. Monika Arora, người sáng lập trang web thời trang PurseBop.com, đồng tình: “Ngay cả những người hâm mộ cuồng nhiệt của Chanel cũng chỉ trích việc túi xách của thương hiệu này tăng giá nhiều năm qua”.

Nhiều nhà đầu tư vào các đối thủ được giao dịch công khai của Chanel cũng đang đặt câu hỏi liệu việc tăng giá mạnh có phải là dấu hiệu của thực tế thiếu ý tưởng mới hay không. Theo Carole Madjo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ châu Âu tại Barclays chia sẻ: “Nhà đầu tư lo ngại rằng việc tăng giá đã loại trừ một bộ phận người tiêu dùng và các thương hiệu đã hạn chế đòn bẩy tăng trưởng ngắn hạn.”

Các nhà lãnh đạo ngành gần đây mới bắt đầu thừa nhận cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã làm giảm đáng kể sức mua của khách hàng.

Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault, đã nói với các nhà phân tích vào tháng Giêng rằng: “Khi bạn tăng giá, phải có lý do đằng sau việc đó và sản phẩm phải “biện minh” cho điều đó.”

Gần đây Saint Laurent đã hạ giá dòng túi Loulou và dây chuyền Cassandre Classic, nhà mốt Gucci thì lại tăng số lượng các mặt hàng giá cao trong BST của mình nhưng đồng thời cũng cung cấp những mặt hàng cơ bản, chẳng hạn như những đôi tất với giá 200 USD để thu hút những người mua ở phân khúc thấp hơn.

Erwan Rambourg tại HSBC cũng lưu ý tầm quan trọng của việc các thương hiệu xa xỉ phải đồng thời hướng đến thế hệ trẻ và tệp khách hàng giàu có bền vững. “Đối với các thương hiệu tạo ra hơn 10 tỷ euro doanh thu hàng năm, đây không phải là sự lựa chọn mà là điều cần thiết.”

Thực hiện: Elio

Theo Fashion Network