Những biểu tượng thời trang trong The Devil Wears Prada

Ngày đăng: 20/03/25

Gần hai thập kỷ từ khi The Devil Wears Prada ra mắt vào 2006, bộ phim vẫn là cuốn từ điển sống động về phong cách đầu những năm 2000. Hơn cả một tác phẩm điện ảnh sở hữu dàn diễn viên xuất sắc và kịch bản lôi cuốn, The Devil Wears Prada đã khắc sâu vào lịch sử thời trang, trở thành một di sản bất hủ.

The Devil Wears Prada mang đến những  trang phục lộng lẫy, những bối cảnh thời trang hào nhoáng. Gần 2 thập kỷ trôi qua, bộ phim vẫn luôn nằm trong top những phim thời trang được đề cử Oscar (giải thưởng Viện hàn lâm) cho màn diễn xuất hay nhất của Meryl Streep và trang phục đẹp nhất, được phát lại nhiều lần và trở thành cuốn phim gối đầu giường của bất cứ ai đam mê và theo đuổi thời trang.

Như Abbey Bender từng nhận xét: “Đây chính là kinh thánh thời trang của thập niên 2000, là tác phẩm bắt trọn mọi xu hướng và tinh hoa từ các nhà thiết kế danh giá, tất cả được đóng gói hoàn hảo trong một câu chuyện hài lãng mạn và duyên dáng”.

Ảnh hưởng của thời trang trong phim

Gần hai thập kỷ trôi qua, The Devil Wears Prada vẫn giữ nguyên sức nóng. Minh chứng rõ nét nhất là cơn sốt dư luận bùng nổ khi phần hai chính thức được xác nhận. Bộ phim không chỉ bóc tách thế giới thời trang cao cấp đầu những năm 2000 mà còn khắc hoạ một thời khắc chuyển giao quan trọng – khi báo in vẫn là đế chế quyền lực, nhưng những blog thời trang manh nha trỗi dậy, mở ra kỷ nguyên nơi dấu ấn cá nhân dần tìm được chỗ đứng trên nền tảng trực tuyến.

Hơn cả một câu chuyện về sự thăng trầm của những kẻ dấn thân vào thế giới xa hoa, bộ phim khắc họa chân dung người phụ nữ mạnh mẽ thông qua ngôn ngữ của trang phục. Mỗi bộ cánh là vải vóc xa xỉ, là tấm áo giáp của quyền lực, là tuyên ngôn về địa vị và bản sắc.

Đứng sau thành công của “bộ phim gối đầu giường” này phải kể đến nhà thiết kế trang phục Patricia Field. Sau thành công Sex and the City, Patricia Field tiếp tục chứng minh tầm nhìn với The Devil Wears Prada. Từ Prada, Valentino, Chanel đến Galliano, từ Donna Karan đến Bill Blass, hàng loạt nhà mốt danh giá xuất hiện không chỉ để phô bày sự xa hoa mà còn để thể hiện sự chuyển động của thời đại.

Đáng nói hơn cả, Patricia Field không tuân theo triết lý “less is more” của Coco Chanel, cô tán dương chủ nghĩa thời trang đối lập: “more is more”. Newsboy cap, statement necklace, găng tay da… tất cả cùng hiện diện trong một tổng thể tưởng chừng hỗn loạn nhưng lại hòa quyện một cách hoàn mỹ.

“This… stuff?” – “Những thứ này?”

Những câu thoại kinh điển cũng là một trong những biểu tượng mang tính thời trang. Đắt giá nhất chính là khi Miranda Priestly, bằng giọng điệu sắc lạnh và uy quyền, bóc trần sự ngây thơ và  xem nhẹ của Andy Sachs đối với ngành công nghiệp cô cho là phù phiếm.

“This… stuff?” – “Những thứ này?” – câu thoại kinh điển của tổng biên tập Miranda Priestly.

Câu nói nghe đơn giản nhưng mở màn cho một bài giảng sâu cay về cách mà thời trang định hình thế giới, ngay cả với những người không quan tâm. Qua một phân cảnh, Miranda bình thản chỉ ra rằng chiếc áo len xanh mà Andy mặc không ngẫu nhiên, mà là cerulean – sắc xanh từng được Oscar de la Renta chọn cho BST 2002, Yves Saint Laurent cũng ứng dụng vào thiết kế áo khoác quân đội. Từ sàn diễn đến đời sống, màu sắc này dần dần len lỏi vào thị trường may mặc phổ thông, và xuất hiện trên trang phục Andy đang mặc mà không biết về hành trình của nó.

Trong một thế giới mà mỗi đường kim, mỗi sắc màu đều là kết tinh của hàng thập kỷ sáng tạo, không ai có thể đứng ngoài guồng quay đó. Những gì tưởng như vô nghĩa, bị gọi là “stuff”  là kết quả được tính toán, là sản phẩm của cả nền công nghiệp khổng lồ, nơi từng chi tiết nhỏ đều có giá trị và tác động đến hàng triệu con người.

Bằng một cảnh phim vỏn vẹn vài phút, The Devil Wears Prada đã thành công khẳng định một chân lý: thời trang không chỉ là quần áo, mà là tuyên ngôn, là quyền lực, là dòng chảy vô hình len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Trang phục quyền lực của Miranda Priestly

Miranda Priestly là tổng biên tập của Runway. Ngay từ phút đầu tiên, bộ phim đã khắc họa rõ nét tầm vóc của bà: Runway không chỉ là một tạp chí thời trang, mà còn là bệ phóng cho những nhà thiết kế lừng danh như Halston hay Oscar de la Renta. Một biểu cảm nhỏ của Miranda có thể quyết định số phận của một bộ sưu tập, đẩy một bản thảo vào thùng rác, hay định hình toàn bộ xu hướng thời trang trong một mùa tới.

Diện mạo của Miranda Priestly  là minh chứng hoàn hảo cho quyền lực tuyệt đối. Qua từng bộ váy thanh lịch Chanel, những chiếc áo khoác lông xa hoa, hay đôi giày cao gót đanh thép, là lựa chọn được tính toán kỹ lưỡng. Một trong những khoảnh khắc đắt giá nhất là khi bà bước vào văn phòng, tháo chiếc áo khoác lông trắng và thản nhiên ném nó lên bàn, hành động nhỏ nhưng toát lên quyền lực tuyệt đối.

Phong cách của Miranda không đơn thuần là thời trang, mà là ngôn ngữ của quyền lực. Sự hiện diện của bà định nghĩa hình mẫu người phụ nữ lãnh đạo trong ngành công nghiệp sáng tạo: mạnh mẽ, tinh tế và không khoan nhượng.

Cuộc lột xác của Andy Sachs: vịt hóa thiên nga

Hành trình của Andrea Sachs (Anne Hathaway) trong The Devil Wears Prada  là câu chuyện về một cô gái tỉnh lẻ bước vào thế giới thời trang xa hoa,là sự chuyển mình từ một kẻ đứng ngoài cuộc đến một người thấu hiểu sức mạnh của diện mạo.

Từ những ngày đầu còn lóng ngóng trong chiếc áo len cổ lọ và chân váy ca rô, Andy dần biến đổi thành một biểu tượng thời trang với những bộ cánh tinh tế, bốt Chanel cao quá gối, trench coat thanh lịch, những chiếc túi It bag xa xỉ. Đó không chỉ là sự thay đổi về phong cách mà còn là dấu ấn của quá trình thích nghi, nơi thời trang trở thành ngôn ngữ giúp cô khẳng định bản thân.

Không diễn ra trong một sớm một chiều. Sau một thời gian làm việc dưới trướng “bà đầm thép” Miranda, cô nhận ra rằng quần áo không chỉ là quần áo, chúng phản ánh tư duy, vị thế và sự chuyên nghiệp. Với sự giúp đỡ của Nigel, cô bước vào văn phòng với bộ trang phục từ Chanel: áo khoác tweed, bốt cao cổ, túi xách 2.55.

Andy dần trở nên bản lĩnh hơn trong công việc. Từ cô gái nhút nhát, vụng về, cô trở thành người có thể xử lý mọi tình huống với sự tự tin. Thời trang trong phim không chỉ là lớp vỏ bọc, mà là dấu hiệu của sự trưởng thành – phép ẩn dụ tinh tế cho hành trình khám phá bản thân.

Emily Charlton – nàng black cat sắc sảo

Nếu Miranda Priestly là nữ hoàng băng giá quyền lực, thì Emily Charlton chính là black cat của Runway – sắc bén, kiêu kỳ và không khoan nhượng. Là trợ lý cấp cao của Miranda, Emily luôn xuất hiện với diện mạo hoàn hảo, toát lên khí chất của một người phụ nữ tham vọng. Những bộ váy ôm sát, quần skinny kết hợp với giày cao gót mũi nhọn làm nổi bật vóc dáng thanh mảnh mà còn khẳng định tính cách sắc sảo, không dễ bị khuất phục.

Phong cách của Emily là sự pha trộn giữa những nhà mốt đỉnh cao: áo khoác tweed từ Chanel, thiết kế mạnh mẽ của Dolce & Gabbana, nét phá cách của Vivienne Westwood, cùng những bộ cánh editorial của John Galliano thời còn tại vị ở Dior. Cô là hiện thân của những gì sành điệu nhất, luôn bước đi trên ranh giới giữa thanh lịch và nổi loạn.

Nhưng thời trang không chỉ phản ánh cá tính, mà còn bộc lộ vị thế trong cuộc chiến ngầm nơi tòa soạn. Emily là người đầu tiên chê bai phong cách của Andy, thậm chí xem cô như một trò đùa của phòng nhân sự. Ban đầu, cô là hình mẫu của Andy, nhưng chính sự lột xác của Andy lại khiến Emily ngầm khó chịu – bởi không chỉ trang phục, mà cả vị trí trong lòng Miranda cũng dần nghiêng về kẻ mà cô từng xem thường.

Trong phim, Emily Blunt mang đến một Emily Charlton vừa chua cay, vừa bi hài. Đó cũng là điểm khiến Emily là nhân vật đáng nhớ: không phải phản diện, cũng chẳng phải bạn thân, mà là con mèo đen kiêu hãnh trong cuộc đua sinh tồn của thế giới thời trang.

Khán giả mong chờ gì ở phần 2 của “Yêu nữ thích hàng hiệu”?

Với doanh thu phòng vé ấn tượng (hơn 326 triệu USD toàn cầu), The Devil Wears Prada đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa đại chúng. Phim được chuyển thể thành vở nhạc kịch tại West End London với những suất diễn sold-out toàn bộ, và sự tái hợp của dàn diễn viên chính tại Giải thưởng SAG năm 2024 đã làm dấy lên đồn đoán về phần tiếp theo.

Everything We Know About the 'Devil Wears Prada' Sequel
Bộ ba The Devil Wears Prada tái hợp sau 18 năm tại SAG Awards 2024.

Với sự trở lại của The Devil Wears Prada, người hâm mộ đang háo hức chờ đợi sự phát triển của tuyến nhân vật cùng những xu hướng thời trang mới sẽ được định hình trong phim. Liệu Miranda Priestly có còn là “ác quỷ” thời trang quyền lực trong thời đại số hóa, hay thế giới thời trang đã thay đổi quá nhiều để bà buộc phải thích nghi? Câu trả lời sẽ được hé lộ khi phần 2 chính thức ra mắt.

Thực hiện: Lenna + Thanh Mai