Những gì ta học được từ sự kiện “This is Love” của Calvin Klein
Ngày đăng: 15/07/22
“This is Love (Đây chính là Tình yêu)” là chủ đề chiến dịch quảng cáo mới của Calvin Klein nhân dịp Tháng Tự hào – Pride Month. 3 workshop – từ trải nghiệm Trị liệu nghệ thuật đến trải nghiệm Âm nhạc rồi các lớp học nhảy voguing – và phần trò chuyện bởi Jordan Anderson đã là bằng chứng mạnh mẽ cho việc chứng minh một cộng đồng cần một hình thức đại diện như thế nào.
Chúng tôi đã rút ra năm bài học chính trong cuộc trò chuyện này để tiếp thu, đồng thời để mở ra một cuộc tranh luận thú vị hơn về hòa nhập cộng đồng và thế giới LGBTQIA +.
1. Đó là “Pride”
Cuộc đối thoại mở giữa Jordan Anderson – tổng biên tập tạp chí NSS, Ethan Caspani – một nhà hoạt động xã hội cho cộng đồng LGBTQIA +, và Ella Bottom Rouge (một biểu tượng của burlesque) đã đưa ra một luận điểm rõ ràng: cần nói về Pride (chứ không phải Gay Pride), nhấn mạnh sự phức tạp của bản chất và sự đa dạng của các khuynh hướng tính dục. Cho đến gần đây, từ ngữ phổ biến nhất là Gay Pride, tập trung hoàn toàn vào xu hướng tính dục đồng giới, trong khi thuật ngữ “Pride” bao gồm rất nhiều xu hướng tính dục. Điều này dẫn đến sự suy ngẫm về ý nghĩa của việc “coming out” – sống thật với chính xu hướng tính dục của mình, và ai cũng cần hiểu rõ chính bản thân mình.
2. Đừng đoán mò
Cố gắng đoán mò xu hướng tính dục của ai đó dựa trên những định nghĩa rập khuôn là một điều hoàn toàn sai. Cũng như việc đoán mò dựa trên những hiểu biết của ta về khuynh hướng tính dục sẽ có thể gây hiểu lầm khủng khiếp. Chúng ta cần những câu chuyện thực sự, những người sẵn sàng chia sẻ về xu hướng tính dục của họ, hơn là những giả định hay lầm tưởng về LGBTQIA+ được mô tả qua những bộ phim truyền hình đầy drama.
3. Mỗi bản thể đều độc nhất vô nhị
Xác định bản thân và xu hướng tính dục cụ thể của bản thân có nghĩa là đối mặt với một loạt các định kiến khó loại bỏ. Sự chuyển đổi về giới, hay xu hướng tính dục không thể được coi nhẹ hay hời hợt, và đặc biệt là không ai giống nhau. Mỗi người trong chúng ta đều trên một hành trình tìm kiếm bản thân khác nhau, mỗi giai đoạn, mỗi điểm hay sự bế tắc là một phần của hành trình cá nhân mà không cần gói gọn trong những định nghĩa giới hạn. Vì vậy, trong quá trình tìm kiếm và quyết định sống thật với bản thân, ngoài tham khảo những câu chuyện từ người đi trước, bạn cũng cần lắng nghe thật kỹ xem bản thân muốn gì, và cần gì.
4. Phân biệt đối xử cũng ở trong chính cộng đồng LGBTQIA+
Dù đây là một cộng đồng tích cực, đã cố gắng tạo ra không gian để mọi người cùng tương tác và tự soi chiếu bản thân, thì có những hình thức phân biệt đối xử bắt đầu từ chính thế giới queer: tham gia vào một số hoạt động như bàn tán hay đánh giá người khác, hoặc không tuân theo “các tiêu chuẩn thẩm mỹ” được đặt ra từ một số người bạn queer có thể giữ vững sự căng thẳng trong cộng đồng. Mặt khác, sự phân biệt này có thể xuất phát từ sự thiếu vắng ủng hộ từ gia đình: theo một cuộc khảo sát quốc gia do Dự án Trevor thực hiện vào năm 2021 về sức khỏe tâm thần của thanh niên LGBTQ, chỉ 1/3 thanh niên tìm được sự hỗ trợ từ gia đình.
5. Tình yêu là một câu chuyện nghiêm túc
Sự kiện “This is Love” và chiến dịch quảng cáo của Calvin Klein đã tìm cách làm sáng tỏ một yếu tố của queer thường bị các phương tiện truyền thông chính thống bỏ qua: gia đình mà mọi người lựa chọn. Gia đình, đối với nhiều người, có thể không cùng huyết thống mà đến từ những người lạ, những người ta tin tưởng và sẵn sàng ủng hộ những điều ta làm. Và tình yêu, trong diễn ngôn này, cũng mang những ý nghĩa tương tự: nó thể hiện cảm giác thân thuộc mạnh mẽ đến mức loại bỏ tất cả những gì thừa thãi. Cuối buổi trò chuyện, khán giả còn có cơ hội điểm qua những dấu mốc quan trọng trong hành trình nhận thức xu hướng tính dục của bản thân, bộc lộ những khó khăn và thử thách mà họ đã vượt qua. Và vì vậy mà sắc cầu vồng tươi sáng đó được thể hiện một cách đầy tự hào trên các sản phẩm đồ lót của Calvin Klein, bởi hầu hết các khách mời nhận xét rằng, nó không chỉ đơn thuần là một biểu tượng.
Theo NSS Magazine
Thực hiện: Lexi Han