Những lần thay đổi người kế vị của triều đại Gucci và đã đến lúc Alessandro Michele nói lời tạm biệt (Phần 2)
Ngày đăng: 25/11/22
Tồn tại và phát triển trong thế giới thời trang suốt một thế kỷ, nhà mốt Ý hàng đầu – Gucci đã không ít lần “thay máu”, đổi người kế vị để tiếp tục cai quản di sản. Tuy nhiên, vương triều Gucci có lẽ rực rỡ nhất là khi được Alessandro Michele tiếp quản.
Alessandro Michele là Gucci và Gucci chính là Alessandro Michele
Vào cuối năm 2014, khi Giannini và CEO Patrizio Di Marco đều đột ngột nói lời tạm biệt với Gucci. Alessandro Michele, người đã cống hiến 12 năm cho thương hiệu, chính thức là người kế vị tiếp theo của nhà mốt Ý. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm một nhà thiết kế phụ kiện thành một GDST là một điều tương đối xa lạ thậm chí còn gây sốc cho ngành thời trang vào thời điểm này.
Alessandro Michele đã bắt đầu những ngày đầu của ngôi vị quốc vương tại Gucci với những ý tưởng trái chiều, đi ngược lại hoàn toàn thị hiếu của số đông khán giả và thậm chí chống đối lại giới chuyên môn. BST đầu tiên của ông đã khiến cả cộng đồng thời trang suy nghĩ lại cách ăn mặc của nam giới. Tiếp đó là sự thành công của ông trong các bộ sưu tập dành cho nữ. Sự thành công rực rỡ của vương triều Gucci không thể không nhắc đến sự phối hợp ăn ý giữa cặp đôi Alessandro Michele và Marco Bizzarri – người được bổ nhiệm làm chủ tịch và giám đốc điều hành mới của Gucci sau khi Di Marco ra đi.
Gucci thời Alessandro Michele đã hoàn toàn biến căn phòng của mình trở thành phòng thí nghiệm cho thế giới thời trang đậm chất kịch nghệ. Tư tưởng thời trang của ông mộng mơ, hoài niệm, nhưng cũng dị biệt, gợi tình và bí ẩn một cách khó cưỡng. Thời đại quyến rũ, tối giản của Tom Ford, tinh tế thanh lịch của Giannini nay đã bị hoán đổi thành một thế giới rực rỡ và sôi động hơn – thế giới của một chủ nghĩa tối đa độc đáo. Khi Michele giữ vị trí cao nhất của nhà mốt, những đường cắt xẻ “nóng mắt” cùng gam màu trung tính nhưng gợi cảm của Tom Ford cũng đổi thành những bản phối hoa hòe, rực rỡ, vừa rối mắt nhưng lại vừa hòa hợp một cách đặc biệt, “vườn hoa” đầy tính nữa cũng những chiếc áo choàng lông quyền lực của Gianini cũng được Michele biến hóa tài tình thành những dấu ấn thời trang khiến nhiều người phải suy ngẫm. Xuất thân từ một nhà thiết kế phụ kiện, từ khi làm GDST chịu trách nhiệm cho toàn bộ BST và campaign của Gucci, Michele cũng đã cho giới mộ điệu thấy được sức mạnh của những lớp phụ kiện, của những lớp trang sức “chằng chịt” và cả những chi tiết nhỏ được “đầu tư” tỉ mỉ. Hầu hết “chiếc rương” trang sức Gucci từ những chiếc túi, thắt lưng, khăn lụa, vòng ngọc trai, mũ trùm đầu, găng tay, hay kính râm,… dưới thời của Michele đều để lại những dấu ấn gây ấn tượng sâu sắc không riêng gì quần áo.
Michele học tại Học viện Trang phục & Thời trang ở Rome, đây cũng nơi anh lớn lên. Cha ông là một nhạc sĩ yêu thiên nhiên, làm việc tại sân bay Fiumicino với tư cách là kỹ thuật viên cho Alitalia, còn mẹ anh là trợ lý của một công ty sản xuất phim. Đây cũng là lý do vì sao những thiết kế của ông luôn mang âm hưởng của điện ảnh. Michele bị thời trang mê hoặc không phải bởi óc sáng tạo cao siêu của Yves Saint Laurent hay chuyên môn kỹ thuật của Christian Dior, mà có lẽ bởi sự phá cách lôi cuốn của Gianni Versace – một nhà thiết kế cũng hòa mình vào văn hóa đại chúng. Và trong suốt thời gian làm việc tại Fendi vào cuối những năm 1990 đã để lại dấu ấn quan trọng nhất trong suốt sự nghiệp của chính ông.
Quay lại bộ sưu tập Gucci đầu tiên của Michele, đó là bộ sưu tập được hoàn thành chỉ trong năm ngày. Trên thực tế, lúc này Michele chưa là được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo cho nhà mốt, chỉ là hoàn thành một thử thách của Bizzarri. Dù vậy, bộ sưu tập đã thật sự gây tiếng vang, làm mọi người nhớ lại thời khắc bùng nổ lúc đấy giống như show diễn debut của Tom Ford. Từ thời khắc một người mẫu nam trẻ tuổi bước ra sàn catwalk với mái tóc màu lanh khoác ngoài một chiếc áo blouse bồng bềnh màu đỏ có nơ và những ngón tay đeo đầy nhẫn, thời trang đã chính thức thay đổi ngay lập tức. Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn là khi Bizzarri bổ nhiệm Michele vào vị trí cao nhất của thương hiệu vài ngày sau đó, thì phản ứng của số đông lúc này chính là, “Anh ta là ai?”
Đúng thế, ắt hẳn Alessandro Michele chẳng tha thiết phải khẳng định mình là ai mà thay vào đó là nhường cơ hội lại cho những thiết kế của mình cất lên tiếng nói – đó là những bộ quần áo đẹp rực rỡ, thách thức các chuẩn mực giới tính, đó là bản giao thoa giữa hai vẻ đẹp khác biệt từ hai giới,… tạo bước đà cho cá tính bên trong của mỗi cá thể lộ diện. Nếu nhìn xa, “bức tranh thời trang” của Michele dưới thời Gucci có lẽ là một tác phẩm “vụng về” với những nét vẽ cẩu thả, thô kệch, lại vô cùng kỳ quặc và vô cùng kén thị giác nhưng khi quan sát tiểu tiết chúng ta sẽ bất ngờ với nét duyên dáng và tinh tế từng những thước lụa, hay sự mềm mại, uyển chuyển của dệt kim và lớp lông vũ. Tuy có kén người mặc, người nhìn nhưng suy xét lại chúng ta sẽ nhận ra Gucci dành cho tất cả mọi người, dù bạn là nam hay nữ là giáo viên hay công dân dù già hay trẻ,… Tựu trung, Gucci không phải là sự phản ánh của một chủ nghĩa tư tưởng nào; đó là hệ tư tưởng. Nếu so sánh những chiến lược quảng cáo dưới những đời GDST trước thì những hình ảnh và chất nghệ thuật mà Michele đưa vào những campaign đó lại vô cùng khác biệt – vui nhộn, đông đúc, dị biệt, và “đời thường” hơn.
Cũng chính Alessandro Michele là người tiếp tục giúp Gucci mở rộng mối quan hệ giữa thương hiệu và những ngôi sao nổi tiếng. Có thể đồ của Michele kén người mặc nhưng nêu điểm lại các thảm đỏ sự kiện trong thời gian gần đây hay các buổi ra mắt phim nổi tiếng, sân khấu biểu diễn concert của các ngôi sao nổi tiếng, Gucci chính là “vị khách” không bao giờ vắng mặt.
Suốt nhiệm kỳ trị vì của mình, Achele đã để lại không ít những bộ sưu tập không chỉ thúc đẩy doanh số thương hiệu, tạo dấu ấn cho sự nghiệp mà còn để lại cho ngành thời trang những giá trị sáng tạo “độc nhất vô nhị”. Từ tư tưởng thời trang dị biệt của mùa Thu/đông 2018 và Cruise 2019 – một tư tưởng cho khoảng không vô định giữa thời công nghệ, và một tư tưởng khác nồng đậm bóng tối của nghệ thuật Gothic đến, màn bắt tay với Balenciaga mang tên “Gucci Aria”, rồi đến “Love Parade” và đặt dấu chấm hết bằng “Welcome to Twinsburg”,… và hàng loạt những chiến dịch quảng cáo hay những lần hợp tác với ngôi sao nổi tiếng táo bạo khác nữa.
Bộ sưu tập Aria kết hợp cùng Balenciaga năm đấy chính là một ví dụ về sự phát triển không ngừng của thương hiệu. Đây cũng là bộ sưu tập đầu tiên trong hành trình kỷ niệm 100 năm lịch sử của Gucci. Tại đây, Michele đã đưa ra những vẻ ngoài yên tĩn hơn, lãng mạn hơn và ít hỗn loạn hơn nếu so với vẻ đẹp hỗn loạn và phức tạp và anh vô địch từ lâu. Michele nói: “Thời trang phải thay đổi vì cuộc sống đang thay đổi. Bộ sưu tập mới của anh ấy làm mãn nhãn người nhìn bằng ánh sáng lấp lánh và lông vũ nhưng không bỏ qua nhu cầu sâu sắc về sự thoải mái, dễ chịu và cảm xúc của con người trong cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh. Những bộ quần áo mang tính chiết trung không quá kỳ lạ – một sự cải tiến vĩ đại của Michele.
Sau khi đại dịch bắt đầu, Michele đã đưa công ty thoát khỏi sự thống trị của lịch trình thời trang mệt mỏi mà toàn bộ ngành công nghiệp đều ghét bỏ mặc dù nó do chính họ tạo ra – không tổ chức show diễn thuộc khuôn khổ các tuần lễ thời thời trang. Từ đây các bộ sưu tập của Gucci không còn được dán nhãn mùa xuân hay mùa thu nữa. Michele và Gucci đã làm việc theo lịch trình của riêng mình. Love Parade chính là show diễn nổi bật đánh dấu sự thành công của thương hiệu trong khoảng thời gian này.
Trên Đại lộ Hollywood, với bối cảnh là thành phố và Đại lộ Danh vọng là đường băng, Gucci và Michele khiến nhiều người tò mò vì lý do lựa chọn địa điểm này. Câu trả lời chẳng có gì khó hiểu khi cửa hàng đầu tiên khai trương tại New York năm 1953, Gucci tạo nên tên tuổi và một làn sóng được yêu thích tại đất Mỹ. Ngoài ra, Gucci còn là thương hiệu tài trợ cho buổi dạ tiệc liên hoan phim LACMA thường niên được tổ chức lại Los Angeles. Còn riêng với giám đốc sáng tạo của Gucci Michele, Hollywood đã gắn bó với cả một tuổi thơ của ông qua những lời kể của người mẹ từng làm việc trong một công ty sản xuất phim. Thế giới trước máy quay theo lời kể của mẹ Michele tràn ngập vẻ đẹp hào nhoáng và nét đẹp lộng lẫy của những minh tinh màn bạc khoác trên người hàng loạt bộ cánh huyền thoại. Chiếc đầm ánh bạc xếp ly của mỹ nhân Marilyn Monroe, chiếc váy ngủ bằng ren của Rita Hayworth, hay những chiếc cầu vai của Joan Crawford,… luôn nằm trong tiềm thức và ảnh hưởng đến lăng kính sáng tạo cũng như cảm hứng thời trang của chính Michele. Những lời kể của mẹ ông cũng không bỏ qua những câu truyện thần thoại Ai Cập gắn liền với chiếc áo choàng đặc trưng của nữ thần Elizabeth Taylor Cleopatra. “Thành phố của những Thiên thần” cũng không thể thiếu nét hoang dã phóng khoáng và đúng chất “Mỹ” của mũ cao bồi, những họa tiết cây cọ và bãi cỏ bông trên những chiếc áo hàng lưu niệm.
Chính những dòng chảy ký ức đấy đã được Michele tái hiện trọn vẹn và xuất sắc trên đường băng Gucci Love Parade. Không chỉ thể hiện được nét đẹp cổ điển và đầy tinh tế, chuẩn “old Hollywood” mà trong “cuộc diễu hành tình yêu” lần này còn có những màn kết hợp độc đáo giữa cái đẹp xưa cũ và hiện đại với những item táo bạo đậm chất thể thao như quần legging, sport top, catsuit hay những đôi giày thể thao, năng động,… được mix&match trong những set đồ lịch lãm, thời thượng. Thoạt đầu nhìn có thể khá “kỳ quặc” nhưng lại vô cùng phù hợp với tinh thần cũng như tư duy thời trang hiện đại của các tín đồ thời trang trẻ ngày nay. Ai bảo áo blazer không phối được với quần biker hay ai không cho phép bạn diện một chiếc áo lông to đùng với một chiếc mặt nạ đính cườm xuống phố? “Tôi thực sự muốn nó ở trên đường phố vì mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều đến từ đường phố. Tôi lấy cảm hứng từ đường phố, những người thực sự đang sống đang làm việc trên đường phố.” – Michele từng chia sẻ. Sự kiện này nhằm tôn vinh tình cảm lâu dài của Gucci đối với nước Mỹ và những người nổi tiếng của nước này, đồng thời công ty cũng tài trợ cho Gala Nghệ thuật và Phim hàng năm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles.
Và rồi đến với “Welcome to Twinburgs”, Michele đã một lần nữa khiến cả làng thời trang bất ngờ và thán phục trước độ điên của mình. Lấy ý tưởng từ song thể, giám đốc sáng tạo của nhà mốt lừng danh đến từ Ý muốn nhấn mạnh và tôn vinh nên sự khác biệt và độc nhất của từng cá thể, bởi vì khi hai người, hai vật giống hệt nhau được đặt cạnh kề nhau thì chúng ta sẽ thường có xu hướng tìm ra sự khác biệt. Tuy nhiên, với Alessandro sự khác biệt giữa hai thứ giống nhau, giữa cặp song sinh không đơn thuần là những sự khác nhau về cách ăn mặc quần áo, màu tóc, hay lớp trang điểm mà còn là những cái tôi độc nhất vô nhị trong mỗi người.
Để thực hiện được điều này được Alessandro khắc hoạ khéo léo và đầy khôn ngoan khi tạo nên một đường băng thời trang đầu tiên và duy tính đến thời điểm hiện tại khi dàn mẫu hoàn toàn là những cặp đôi song sinh. Chưa bàn về những dấu ấn thời trang lần này, “Gucci Twinsburg” đã tạo nên cơn địa chấn truyền thông bằng “sự điên”, dám nghĩ dám làm của vị vua lãnh đạo vương triều Gucci – khi đã đem tổng cộng 68 cặp mẫu song sinh! Với sự giống nhau 100% từ cách trang điểm, bộ nails, kiểu tóc, phụ kiện, cách bố trí những món đồ thời trang, đến kỹ thuật may đo kỹ càng, chính xác tỷ lệ từ đường cắt cổ áo hay từng đường kim mũi chỉ, Alessandro muốn cho làng mốt thấy được cá tôi khác biệt trong từng cá thể, cũng như cách mà thời trang phản ánh được từng bản ngã độc nhất.
Với phong cách thời trang cùng kinh nghiệm, tư duy thời trang của Alessandro, thì 136 bộ quần áo của 68 cặp song sinh không phải là cách mà NTK tạo điểm nhấn. Xuyên suốt bộ sưu tập, Alessandro cho người xem chiêm ngưỡng kỹ thuật cắt may nghiêm ngặt của ông thông qua những bộ suit năng động được thể thao hóa, sự hào nhoáng của Hollywood được biến thành những mảnh sequins lấp lánh nhiều màu, những đường thêu tay từ chinoiserie, sự xa xỉ của những bộ cánh trên thảm đỏ, âm hưởng từ đồng quê với chi tiết chần bông và còn hơn thế nữa.
Bộ sưu tập hoành tráng đến mức tựa như một lời chào tạm biệt, một sự tri ân của GDST dành cho nhà mốt. Và đúng như thế, “Welcome to Twinburgs” chính là bộ sưu tập cuối cùng mà Michele dành cho Gucci cũng như những người đã ủng hộ và yêu quý ông trong suốt 7 năm trị vì vương triều này. Rạng sáng ngày 24/11, Michele đã chính thức tạm biệt Gucci sau 20 năm gắn bó. Sự ra đi này cũng đã khiến biết bao kẻ ngoan đạo của thời trang tiếc nuối. Những thành tựu của Michele để lại cho Gucci chắc chắn không thể kể hết từ các bộ sưu tập tạo dấu ấn đến những lần doanh số vượt ngưỡng, cho đến lời cam kết không sử dụng lông thú và hứa hẹn sẽ giảm tác động đến môi trường đến lần ra mắt lại dòng sản phẩm trang điểm của mình – Gucci Beauty và giới thiệu loại nước hoa unisex đầu tiên vào năm 2019,…
Nói không ngoa, thời đại của Alessandro Michel tại Gucci chắc hẳn là thời đại rực rỡ nhất, ông đã biến những giá trị sáng tạo từ nhà mốt Ý thành kho di sản của chính mình – biến Gucci thành chính Alessandro Michele và Michele cũng chính là Gucci – mộng mơ, hoài cổ và dị biệt. Kho di sản của vị quốc vương vẫn còn đó và đang đợi chờ người tiếp quản kế tiếp bảo tồn và phát triển.
Thực hiện: Huỳnh Trân