Những sàn diễn thời trang quốc tế ấn tượng nhất những năm 90

Ngày đăng: 21/03/22

Dù thập niên 90 không phải là mốc thời gian tạo ra nhiều cuộc cách mạng trong thời trang nhưng đây có lẽ là cột mốc quan trọng, thời điểm vàng son của nhiều nhà mốt, chân dài trong suốt dòng lịch sử của thời trang.

Cùng Style Republik điểm lại những sàn diễn ấn tượng sâu sắc những năm 90 của thế giới thời trang lộng lẫy nhé!

Perry Ellis Xuân Hè 1993: Bộ sưu tập Grunge chấn động làng mốt

Một trong những sàn runway để lại dấu ấn trong sự nghiệp của Marc Jacobs đó chính là BST Xuân Hè 1993 cho nhà mốt Perry Ellis. Vì đây là BST khiến anh bị Perry Ellis sa thải và cũng chính là điểm nhấn làm nên tên tuổi của Marc Jacobs. Năm 29 tuổi, Jacobs đã mạnh dạn gửi áo sơ mi flannel, váy “bà già” in hình, Dr.Martens và mũ len dệt kim xuống đường băng. “Grunge thật kinh khủng” Suzy Menkes tuyên bố, và từ đó Jacobs cũng mất việc. Nhưng đây thực sự là một lời nhận định, tuyên bố và quyết định sai lầm của họ. Bộ sưu tập chính nó đã trở thành một biểu tượng của sự thú vị, hội tụ đầy đủ sự hiểu biết về văn hóa của NTK và là nền tảng vững chắc cho những BST sau này của thương hiệu mang tên ông.

Versace Thu Đông 1991: Freedom và “khoảnh khắc thời trang đáng ghi vào thánh kinh”

Đây ắt hẳn là sàn diễn đáng nhớ trong sự nghiệp của các nàng siêu mẫu. Vào đầu thập niên 90, khái niệm siêu mẫu chỉ mới ở giai đoạn hình thành và chính nhà mốt Ý lừng danh Versace đã định nghĩa nó một cách hoàn toàn khác biệt để có thể đưa nó ra thế giới, biến nó thành hiện tượng như ngày nay. Khoảnh khắc Big 4: Linda Evangelista, Cindy Crawford, Naomi Campbell và Christy Turlington khoác tay nhau, ngân nga bài hát Freedom và sải bước đóng màn cho show diễn Versace Thu Đông 1991 chính là cột mốc thời trang đấy. Khoác trên người những chiếc váy cocktail đỏ, vàng, đen, các chân dài cũng như Versace đã tặng cho nữ giới, đặc biệt là thời trang một món quà vô giá. 

Prada Xuân Hè 1996: “Vẻ đẹp ẩn mình trong sự xấu xí”

Với đường băng Xuân Hè 1996, Prada đã thách thức làng mốt bằng việc “can đảm” đem những gam màu “kém hấp dẫn” và “lỗi thời” từ những năm 70 như xanh bơ và nâu bùn lên sàn diễn. Tiếp đó là những bản in họa tiết “lộn xộn”, thậm chí là hình vẽ tay. BST còn được đánh giá là “vụng về” bởi những đôi dép xuề xòa. Mặc dù nhanh chóng được giới thời trang ưa chuộng, nhưng đây là BST mà Prada chống lại những tiêu chuẩn thông thường, hoàn hảo về vẻ đẹp của Barbie, để đi tìm vẻ đẹp độc đáo ẩn mình trong sự xấu xí. 

Gucci Thu Đông 1995: Tom Ford khám phá vẻ đẹp quyến rũ độc đáo của Gucci

Mặc dù sàn diễn Thu Đông 1995 không phải BST đầu tiên của Tom Ford khi làm việc ở Gucci, nhưng đây là BST làm nên tên tuổi của NTK, không những thế đã đặt nền tảng vững chắc cho phong cách cốt lõi cho nhà mốt đến tận ngày nay. Những chiếc áo sơ mi satin màu ngọc hở ngực, những chiếc quần nhung ôm hông gợi cảm, giày loafer da,… tất cả thiết kế được nhuộm bảng màu sặc sỡ đậm chất 70 của Tom Ford đã vạch hướng mới đầy quyến rũ cho Gucci sau một thời gian chôn vùi trong sự “nghiêm túc lỗi thời”, đồng thời khiến NTK trở thành cái tên nổi tiếng trong làng mốt, vận may cũng Gucci cũng trở lại.

Chanel Xuân Hè 1994: Những quý cô mặc vải tweed thời thượng xuống đường phố

Thời trang ngày nay không chỉ đơn thuần là sự phô diễn vẻ đẹp hoàn mỹ, tỉ mỉ của những phom dáng, chi tiết của loạt thiết kế mà còn thể hiện một thông điệp ý nghĩa hay thái độ sống cụ thể. Tuy nhiên, “bố già thời trang” Karl Lagerfeld đã thể hiện điều này vào cuối năm 1993, cụ thể là đường băng Chanel Xuân Hè 1994. Với BST đấy, ông đã thổi luồng gió bụi băm, gai góc nhưng không kém thú vị của đường phố vào các thiết kế, bằng việc kết hợp những chiếc thắt lưng to bản tựa như trang sức hầm hố của rapper với những bộ suit vải tweed “cộp mác” nhà mốt, pha trộn bảng màu ngọt ngào, sang trọng của pastel với sắc màu của cuộc sống đường phố và những chiếc quần short rộng thùng thình cùng đôi giày trượt patin đính biểu tượng double C lừng danh.

Azzedine Alaïa Thu Đông 1991: Họa tiết và phom dáng thiết kế “khơi gợi” thú tính trong con người

Azzedine Alaïa vốn nổi tiếng với những thiết kế dệt kim quyến rũ. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy chúng trong bộ sưu tập mùa thu năm 1991 của anh ấy, nhưng phản ứng dành cho buổi trình diễn đã rất ấn tượng. Điều khiến show diễn trở nên đặc biệt nữa đấy là: đây là buổi biểu diễn được trình làng sau khoảng một tháng từ khi tuần lễ thời trang kết thúc. Azzedine Alaïa chia sẻ “Khi bộ sưu tập đã sẵn sàng, thì nó sẽ diễn ra,” Họa tiết da báo, hình bướm cùng những thiết kế bodycon sở trường của nhà mốt cũng là những điểm nhấn của BST, đồng thời “khai phá” vẻ đẹp quyến rũ “thú tính” của nhân loại. 

Alexander McQueen Xuân Hè 1999: Cuộc gặp gỡ của công nghệ và thời trang

Không một ai có thể phủ nhận tài năng cũng như những giây phút xuất sắc trên sàn diễn của Alexander McQueen. Sẽ vô cùng khó khăn cho chúng ta nếu buộc phải chọn ra một đường băng xuất sắc của NTK vì mọi show diễn mà McQueen đem lại đều để lại ấn tượng khó phai cho người thưởng thức. Một trong số đó phải kể đến BST Xuân Hè 1991, dù mọi thiết kế đều được tinh giản, nhẹ nhàng và gợi cảm hóa hơn so với các thiết kế trước đây của anh nhưng Alexander McQueen đã một phần chứng tỏ cho làng mốt thấy kết quả không ngờ khi thời trang được hỗ trợ bởi công nghệ. Từ một chiếc đầm quây trắng đơn giản với dây thắt lưng da buộc quanh ngực và tùng váy bồng bềnh, thiết kế của nhà mốt trong phút chốc nhận được vô vàn sự thán phục của người xem với những nét màu lộn xộn do chính hai con rô bốt tạo ra.

Christian Dior Haute Couture Thu Đông 1998: Nhà hát Opera lộng lẫy của John Galliano

Không lâu sau khi đến với nhà mốt Christian Dior, John Galliano đã mời giới mộ điệu đến tham dự Nhà hát Opera Garnier của Paris, nơi anh ấy đã tạo nên một cảnh tượng xa hoa nhất trong ngôi nhà và trên những bậc thang đá cẩm thạch lớn. BST tràn ngập những bộ váy  của một tiệm làm đẹp đầu thế kỷ 20 hoặc một đêm vũ hội, có những chiếc áo choàng nhung hở lưng in hình Art Nouveau, áo khoác opera với đường viền lông chồn sâu, áo choàng cùng váy ren, và những chiếc mũ hình hoa hồng. 

Yohji Yamamoto Xuân Hè 1999: Những thiết kế đồ cưới đồ sộ

Vào cuối thập niên 90, Yohji Yamamoto đã làm cả giới mộ điệu chiêm ngưỡng hai bộ sưu tập theo chủ đề đồ cưới vô cùng đồ sộ. Thật khó để đội một chiếc mũ cô dâu kéo dài trên đường băng, đòi hỏi bốn người hỗ trợ. “Đằng sau chiếc váy cưới phải có nhiều câu chuyện,” NTK chia sẻ. Đây cũng là đường băng làm nên tên tuổi sự nghiệp của Yohji Yamamoto.

Thierry Mugler Haute Couture Xuân Hè 1995: Le Cirque – Trước Alexander McQueen, Thierry Mugler đã mang “người máy” lên đường băng thời trang

Thierry Mugler đã chọn sàn catwalk làm nơi tổ chức bữa tiệc kỷ niệm 20 năm thành lập tại Cirque d’Hiver. Tất nhiên, NTK vĩ đại này chưa bao giờ làm giới mộ điệu phải thất vọng với mỗi sàn diễn ra mắt. Không đơn thuần là một nhà thiết kế đem lại những thiết kế kỳ vĩ chỉ có thể xuất hiện trên những bộ phim viễn tưởng mà “gã đàn ông bán thịt heo biết may vá” (biệt danh mà mọi người thường gọi NTK vì vẻ ngoài của Thierry Mugler luôn trái ngược với những thiết kế của ông) còn là một nghệ sĩ trình diễn luôn đem lại những buổi biểu diễn giá trị phải khiến người xem phải đứng lên khen ngợi không ngưng. Ở Haute Couture Xuân Hè 1995, NTK vẫn gây ấn tượng với những đường nét, phom dáng khó tưởng, thách thức giới mộ điệu, các đường cắt bằng “dao mổ”, các chi tiết “khí động học” và xử lý chất latex phức tạp khá tự do. Và sau khi nàng mẫu bỏ chiếc áo khoác ra khỏi người, thì cả làng thời trang phải thán phục với “tuyệt tác” đi trước thời đại – một bộ suit “người máy” đầy kinh ngạc, một thành tựu vào những thời điểm đầu của thời đại được thống trị bởi Internet. 

Thực hiện: Huỳnh Trân