Nike, Skechers “hồi hộp” theo dõi mức thuế quan Mỹ áp lên Việt Nam
Ngày đăng: 20/03/25
Khả năng áp thuế quan lên hàng xuất khẩu Việt Nam khiến các “ông lớn” như Nike, Skechers cùng nhiều thương hiệu thời trang khác đang “hồi hộp” chờ đợi và chuẩn bị kịch bản ứng phó.
“Chúng tôi đều lo lắng về Việt Nam” – Nasim Fussell, phó chủ tịch cấp cao của Lot Sixteen, một công ty truyền thông và vận động hành lang có trụ sở tại Washington cho biết.
Việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ngành công nghiệp thời trang và giày dép toàn cầu lo ngại về khả năng áp thuế quan mới lên hàng xuất khẩu Việt Nam – một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới. Điều này khiến các “ông lớn” như Nike, Skechers cùng nhiều thương hiệu thời trang khác đang phải “nín thở” chờ đợi và chuẩn bị kịch bản ứng phó.

Việt Nam – Trung tâm sản xuất thời trang toàn cầu
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nguồn cung cấp chính cho ngành may mặc và giày dép toàn cầu. Theo số liệu mới nhất, Việt Nam hiện là nước cung cấp hàng may mặc và giày dép lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Với lợi thế giá nhân công cạnh tranh, Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và nhiều nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc, quyết định chuyển sang mở nhà máy tại đây. Trong 10 năm qua, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc khiến nhiều thương hiệu lớn như Nike, Sketchers, On,… lựa chọn Việt Nam thành địa điểm cung ứng chính.

“Nín thở” chờ chính sách thuế quan mới
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu chính quyền Trump sẽ áp dụng cách tiếp cận thuế quan nào với Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà phân tích từ Morgan Stanley – một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, đã cảnh báo rủi ro thuế quan của Việt Nam là một lực cản tiềm tàng có thể tác động nghiêm trọng đến ngành thời trang.
“Việc chính quyền Tổng thống Trump tập trung nhiều hơn vào thâm hụt thương mại có nghĩa là Việt Nam có thể nằm trong danh sách ‘đáng chú ý’ về thuế quan”, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Việt Nam là một trong những quốc gia có thâm hụt thương mại cao nhất với Hoa Kỳ.
Những “ông lớn” chịu tác động mạnh nhất
Theo phân tích của Morgan Stanley, thuế quan mới nếu được áp dụng sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các thương hiệu lớn có nguồn cung chủ yếu tại Việt Nam như Allbirds, Nike, On và Skechers,…
Sự phụ thuộc này đã được chứng minh vào năm 2021, khi đại dịch Covid-19 buộc các nhà máy tại Việt Nam phải đóng cửa, khiến Nike và nhiều công ty khác bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này cho thấy vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành thời trang toàn cầu và những hệ lụy tiềm tàng từ một chính sách thuế ngặt nghèo.

Tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng và doanh nghiệp
“Bất kỳ việc gia hạn thuế quan nào đối với hàng nhập khẩu may mặc và giày dép đều sẽ khiến giá cả tăng cao hơn đối với người tiêu dùng và có thể làm giảm doanh số và lợi nhuận”, chuyên gia Swartz của công ty nghiên cứu thị trường Morningstar Research Services nhận xét.
Đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước, tác động còn nghiêm trọng hơn. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc vào đơn hàng từ các thương hiệu lớn phải đối mặt với việc cắt giảm đơn hàng, dẫn đến cắt giảm lao động và thu hẹp sản xuất.
Kịch bản ứng phó cho doanh nghiệp dệt may và thời trang Việt Nam
Trước những thách thức trên, các doanh nghiệp dệt may – thời trang Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó:
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Thay vì phụ thuộc vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Các khu vực như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu lớn về hàng dệt may chất lượng cao và nhờ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP,… doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa với 100 triệu dân vô cùng tiềm năng, với lợi thế “sân nhà”, các doanh nghiệp nên tập trung xây dựng thương hiệu và phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng trong nước, để giúp giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và tạo nền tảng phát triển bền vững.

Tập trung phát triển và tận dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước
Với local brand Việt, phụ thuộcvào nguyên liệu nhập khẩu là điểm yếu cần khắc phục. Hiện nay, khoảng 70-80% nguyên phụ liệu dệt may vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên cao và thời gian sản xuất kéo dài.
Thay vì tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, các thương hiệu nội địa cần chủ động tìm kiếm và hợp tác với các nhà cung cấp trong nước. Những năm gần đây, nhiều làng nghề dệt truyền thống tại các tỉnh như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình đã phục hồi và nâng cấp trong việc cung cấp các loại vải cotton, linen, lụa tự nhiên, với chất lượng ngày càng cải thiện.


Đầu tư vào sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn
Trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng bền vững, đầu tư vào công nghệ à mô hình sản xuất tuần hoàn không là lựa chọn mang tính trách nhiệm, mà là lợi thế cạnh tranh quan trọng. Ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nguyên liệu và tối ưu quy trình giúp doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thị trường về tính minh bạch trong trách nhiệm với môi trường. Hơn thế nữa, sản xuất tuần hoàn mở ra cơ hội khai thác tài nguyên hiệu quả, từ đó giúp gia tăng giá trị bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Thực hiện: Thảo Mèo