Nỗ lực không đúng chỗ, khách hàng dần thờ ơ với thương hiệu
Ngày đăng: 11/06/21
Ngoài nỗ lực thúc đẩy các chiến dịch quảng cáo toàn cầu, một trong những thử thách lớn nhất mà các thương hiệu xa xỉ đang phải đối mặt chính là làm sao tiếp cận gen Z – tệp khách hàng mới nổi đầy tiềm năng trong phân khúc thời trang cao cấp.
Không thể phủ nhận, livestream (phát trực tiếp) trên các mạng xã hội đang là cách phổ biến nhất để “chạm” đến giới trẻ, tạo sự ảnh hưởng và thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng. Theo một báo cáo gần đây của Coresight Research, thị trường livestream đạt giá trị lên đến 6 tỷ USD trong năm 2021 và còn có thể tăng gấp bốn lần trong vòng hai năm tới.
“Livestream – Miếng bánh ngon không dành cho tất cả”
Tuy nhiên, livestream có vẻ không phải là miếng bánh béo bở dành cho các thương hiệu cao cấp. Còn nhớ vào năm ngoái, truyền thông đã tốn biết bao giấy mực khi hai cái tên lẫy lừng trong làng thời trang thế giới bắt đầu “tập tành” livestream, với kết quả không biết nên đánh giá thế nào: buổi livestream trên Xiaohongshu của Louis Vuitton tại Trung Quốc nhận về không ít ý kiến trái chiều của giới mộ điệu, trong khi buổi trình diễn của Dior bị đánh giá là đơn điệu và nhàm chán.
Vì không muốn trở nên “nhàm chán”, các thương hiệu dần bị “dắt mũi” và dễ dàng chạy theo những xu hướng tiếp thị mới trên thị trường. Như một con dao hai lưỡi, đâm đầu tham gia vào một xu hướng mới mà không có phân tích, xem xét, chỉ khiến tình hình tồi tệ đi. Bài toán đặt ra cho các thương hiệu xa xỉ là phải biết chắt lọc những đặc điểm phù hợp của xu hướng mới, kết hợp với thế mạnh có sẵn của thương hiệu thì mới bứt phá được.
Mặt khác, việc các thương hiệu bất chấp đổ xô vào livestream và xuất hiện trên sóng trực tiếp ngày càng dày đặc đã tạo ra một kết quả: khán giả ngày càng nhàm chán và thờ ơ với những nội dung như vậy. Ở thị trường Trung Quốc, khởi đầu thất bại của các thương hiệu xa xỉ đã phần nào nói lên thực trạng này.
Một trong những khó khăn khác của thị trường xa xỉ ngày nay là sự mâu thuẫn giữa những nhu cầu khác nhau từ những phân khúc khách hàng khác nhau. Các thương hiệu cần phải cân bằng cán cân giữa tệp khách hàng mới và cũ: tiếp cận và chiều chuộng tệp khách hàng mới (là những khách hàng trẻ tuổi, nhiệt tình và sẵn sàng chi tiêu, nhưng thường là ít giàu hơn), nhưng không làm “chạnh lòng” những khách hàng cốt lõi (lớn tuổi, trung thành với thương hiệu và giàu có)
“Biết người biết ta – Trăm trận trăm thắng”
Một số thương hiệu đang dần thành công nhờ vào cách tiếp cận đột phá, biến tấu các giải pháp công nghệ sao cho phù hợp hơn với đặc tính của thương hiệu.
Những động thái gần đây nhất của Gucci khiến giới mộ điệu dần trở nên “phát cuồng” và khó lòng đoán được nhà mốt nước Ý này sẽ làm gì tiếp theo. Từ việc tung sản phẩm NFT đầu tiên, những đôi giày thể thao và túi xách ảo, cho đến màn hợp tác thế kỷ với Balenciaga, chiêu mộ MC đình đám James Corden cho talkshow Gucci Beloved và những bộ sưu tập giới hạn với The North Face hay lấy cảm hứng từ những nhân vật Doraemon, Pokémon Go .
Trong một môi trường phụ thuộc quá nhiều vào thuật toán và AI đang dần định hình và chi phối quyết định mua hàng của người trẻ tuổi, các thương hiệu cần phải tư duy cởi mở và táo bạo hơn để có thể chinh phục phân khúc khách hàng này.
“Các thương hiệu nếu không muốn chìm dần vào quên lãng, cần phải thay đổi và làm mới mình liên tục. Nếu không, cái kết bị khách hàng thờ ơ và lạnh nhạt là điều không thể tránh khỏi”
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Jing Daily