“Non-human” Aesthetic: Khi sáng tạo vượt ngưỡng giới hạn của loài người
Ngày đăng: 22/02/25
Có lẽ chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà thế giới làm đẹp không còn hứng thú với sự hoàn hảo hay những tiêu chuẩn truyền thống; thay vào đó là cuồng si với vẻ ngoài “đột biến”, vượt ngưỡng sáng tạo, thậm chí là giới hạn của loài người.
Từ cuộc trỗi dậy của nhan sắc kỳ diệu từ “đế chế” mỹ nhân ngư, màn “hóa thú” của hàng loạt ngôi sao ở mùa Halloween năm ngoái, cho đến những diện mạo lai giữa người và động vật của hàng loạt nghệ sĩ nhạc Pop gần đây như SZA, Melanie Martinez; có lẽ thế giới làm đẹp đang ám ảnh với sự lai tạo – vượt giới hạn của loài người.
Trước khi nỗi sợ đến, con người bị sự tò mò dẫn dắt mà thích thú những vẻ ngoài đột biến hay dáng vẻ lai tạo khác loài. Và khi vượt qua được nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ bị rơi vào “lưới tình” mê hoặc của nét đẹp không “chính thống” này; và bắt đầu để bản thân giải phóng bằng cách trở thành những hình hài kỳ lạ đó.
Dáng vẻ lai tạo, nửa người nửa thú này được biết với tên gọi “non-human aesthetic”. Trong thời đại tôn vinh sự thể hiện cái tôi, nét thẩm mỹ này không đơn thuần là phục vụ cho mục đích biểu diễn hay thuộc các văn hóa hóa trang truyền thống nữa, mà trở thành sự bày tỏ và bộc lộ bản sắc một cách tự do.
Với sự phát triển với tốc độ chóng mặt của trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây, các biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo cũng được nâng cấp và trở nên cấp tiến một cách đáng kể. Các phần mềm như Adobe Photoshop cho phép người dùng sử dụng ảnh của riêng họ để tạo ra các biến thể có 1-0-2, mang đến cơ hội thử nghiệm kỹ thuật số với các tưởng tượng trên chính ngoại hình của mình, mở mang tâm trí của họ đến với những thế giới “không-có-thật”.
Tuy ngày nay được yêu thích và phổ biến như những xu hướng thẩm mỹ đương đại, nhưng khi nhìn lại, sự hấp dẫn với vẻ ngoài “phi nhân tính” (non-human aesthetic) luôn tồn tại. Nó phản ánh sự thu hút của loài người đối với một vũ trụ huyền bí, thiêng liêng và mang tính tương lai. Trong các nền văn hóa cổ đại, hình ảnh của các vị thần thường được phóng đại hoặc siêu nhiên hóa để tượng trưng cho sức mạnh và sự vượt trội của họ so với loài người bình thường. Các nghi lễ và nhiều loại hình ca múa nhạc, chẳng hạn như ở Hy Lạp cổ đại hoặc Noh – loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản, sử dụng mặt nạ và trang phục để biến con người thành các linh vật hoặc sinh vật siêu nhiên, khiến các câu chuyện trở nên kỳ diệu hơn. Ngay cả trong thời Phục hưng, các nghệ sĩ như Hieronymus Bosch đã tạo ra những sinh vật kỳ lạ và siêu thực để khám phá các chủ đề về đạo đức.
Theo dòng chảy thời gian biến đổi liên tục, đến với kỷ nguyên hiện đại, vẻ ngoài “non-human” đã trở thành biểu tượng của sự nổi loạn, tự do sáng tạo và thể hiện bản thân. Khi đặt sự độc bản lên hàng đầu, trào lưu ngụy trang trong những hình hài “phi nhân loại” được xem là cách để con người thoát khỏi chuẩn mực cứng nhắc, vượt qua rào cản định kiến cũng như nhấn mạnh chủ nghĩa thoát ly.


Non-human aesthetic đặc biệt phổ biến trong văn hóa đại chúng. Trong suốt lịch sử, các nghệ sĩ đã sử dụng tính thẩm mỹ siêu thực và “phi nhân loại” để mở rộng ranh giới của sự sáng tạo. Vào những năm 1970, David Bowie là cái tên tiên phong khi ra mắt bản ngã ngoài hành tinh – Ziggy Stardust. Ziggy Stardust là một nhân vật “rock star” giả tưởng, mang tính cách lập dị, phi giới tính, sở hữu phong cách thời trang độc đáo, đặc trưng với những nét đặc trưng về thần thoại và khoa học viễn tưởng.
Bản ngã của David Bowie được ra đời như một lời đáp trả với các chuẩn mực xã hội và âm nhạc thời kỳ đó. Vào những năm 1980, Grace Jones giới thiệu hàng loạt diện mạo tiên phong, như thể bước ra từ những câu chuyện viễn tưởng. Gần đây hơn, Melanie Martinez cũng đã bắt đầu kỷ nguyên mới trong sự nghiệp âm nhạc của mình, với album “Portals” cùng một bản ngã mới. “Portals” mang đến thông điệp về sự tái sinh và thay đổi, điều này không chỉ được thể hiện qua phần lời ở từng ca khúc mà còn là diện mạo siêu thực của chính nữ ca sĩ. Đó là một chú bướm màu hồng kỳ lạ, như thể được phác họa từ trang truyện viễn tưởng. Doja Cat cũng từng theo đuổi nét thẩm mỹ “non-human” khi tham dự thảm đỏ Met Gala 2023 với vẻ ngoài là chú mèo trắng nổi tiếng của NTK quá cố Karl Lagerfeld. Nữ ca sĩ SZA cũng khiến người hâm mộ thích thú với lớp ngụy trang thành một chú bọ quyến rũ trong album SOS deluxe.
Trong cuộc phỏng vấn, giọng hát của bản hit “Kill Bill” đã không ngần ngại bày tỏ sự thích thú về quá trình biến thành một con bọ của mình: “Sự biến đổi này mang lại cho tôi sự bình yên để tồn tại trong thế giới ngột ngạt hiện tại. Có lẽ, việc làm người trở nên quá sức với tôi,” cô thú nhận.
Instagram पर यह पोस्ट देखें
Non-human aesthetic không chỉ giới hạn ở trang điểm, hóa trang, phục trang, hay các phụ kiện làm giả bộ phận cơ thể,… mà còn được biểu thị bằng nhiều hình thức mới, đa phần nhờ công nghệ tiên tiến. Isamaya Ffrench có lẽ một trong những “bậc thầy” trong công cuộc phá vỡ tiêu chuẩn cái đẹp bằng các diện mạo siêu thực.


Ngoại hình và cái đẹp là một trong những điều quan trọng nhất trong xã hội của chúng ta. Nhưng tại sao ngày nay thế giới làm đẹp lại thích thú các màn thử nghiệm lập dị, vượt giới hạn sáng tạo, thậm chí phá vỡ cả kiến thức sinh học? Có phải là vì chúng ta đang muốn thoát khỏi những “thuật toán” lập trình khiến chúng ta đều giống nhau? Trong một thế giới được đồng bộ, những chuyển đổi về mặt thị giác đầy bứt phá này nhắc nhở chúng ta rằng trí tưởng tượng và khả năng thể hiện bản thân luôn là cách mạnh mẽ để xác định lại bản sắc và những gì chúng ta có thể trở thành trong tương lai, thay vì bị đóng khuôn trong những quy chuẩn sẵn có.
Thực hiện Dory
Theo NSS Magazine