Chiếc nút áo và quyền năng làm nên thương hiệu
Ngày đăng: 14/04/25
Chiếc nút áo – từ vật dụng nhỏ bé trở thành chi tiết đắt giá giúp định hình thương hiệu, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong ngành thời trang xa xỉ.
Trong thế giới thời trang xa xỉ, mỗi đường kim mũi chỉ đều được cân nhắc như lời tuyên ngôn ý nhị. Với những ai thật sự thấu cảm ngôn ngữ thời trang, chính chi tiết nhỏ nhất lại thường mang nặng ý nghĩa nhất. Gác lại sự tập trung về những cơn sóng xu hướng, những bộ sưu tập bùng nổ hay gương mặt nổi bật trên sàn diễn và front row, cùng nhìn về một chi tiết thầm lặng hơn, nhưng không kém phần quan trọng: chiếc nút áo.
Thoạt nhìn qua, nút áo có thể là một phụ kiện vô danh. Nhưng trong giới thời trang cao cấp, nó lại là “anh hùng thầm lặng”, đóng vai trò định hình bản sắc, thể hiện tinh thần thương hiệu và khơi dậy khao khát sở hữu từ những khách hàng khó tính nhất. Không ồn ào, nhưng âm thầm, Việt Nam từ lâu đã là nơi sản sinh ra những chiếc nút tinh xảo góp mặt trong các thiết kế của Chanel, Dior, Burberry, Ralph Lauren và nhiều thương hiệu lớn khác.

Vậy hành trình của một chiếc nút, đặc biệt khi được làm nên từ bàn tay người Việt đã góp phần vào ngôn ngữ thiết kế của thời trang xa xỉ như thế nào? Hãy cùng bước vào hậu trường của các nhà mốt để khám phá câu chuyện từ chi tiết nhất, nhưng không hề tầm thường này.
Nút áo: Khi tiểu tiết định nghĩa sự xa xỉ
Khoảng 5.000 năm trước, trong nền văn minh Thung lũng Indus, những chiếc nút đầu tiên được làm từ vỏ sò. Tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cúc áo xuất hiện từ thời đại đồ đồng. Những chiếc cúc áo thuở sơ khai này đơn thuần chỉ mang tính trang trí. Phải đến thế kỷ 13, khi khuyết áo được phát minh, chiếc nút mới bước vào vai trò thiết thự, giúp định hình các thiết kế trang phục ôm sát. Đến thế kỷ 14, ở châu Âu, nút áo bằng vàng, bạc, ngọc trai hay ngà voi dần trở thành dấu hiệu thể hiện địa vị xã hội.
Trong thời trang, đặc biệt là giới couture, một bộ suit cao cấp không chỉ được nhận diện qua đường cắt mà còn bởi chiếc nút nơi cổ tay áo. Logo, chất liệu, kết cấu, màu sắc – mọi yếu tố trên chiếc nút đều là cách thương hiệu gửi gắm thông điệp riêng.
Nhắc đến nhà mốt “điêu luyện” trong ngôn ngữ của những chiếc cúc, không thể không nhắc đến Chanel. Nhà mốt Pháp luôn trung thành với nút khắc nổi biểu tượng double-C mạ vàng hay ngọc trai. Bên cạnh đó, Dior lại chọn nút khảm kim loại với logo CD khi rõ ràng, khi ẩn hiện đầy duyên dáng. Gucci thì đưa dấu ấn GG cổ điển lên cả nút được đẽo từ sừng; Schiaparelli biến nút áo thành những mẫu trang sức siêu thực. Mỗi thương hiệu xa xỉ đều có cách riêng để “giao tiếp” với khách hàng và khẳng định vị thế qua chiếc nút.
Không dừng lại ở tính năng đóng – mở, những chiếc nút này trở thành điểm nhấn thiết kế mang tính biểu tượng. Chúng giúp nhà thiết kế tạo nhịp điệu thị giác, thêm chiều sâu cảm xúc và tăng tính cá nhân hoá cho sản phẩm.
Những yếu tố hình thành nên “ngôn ngữ” nút áo
Từ xà cừ vùng Tahiti, sừng trâu châu Phi đến kim loại mạ vàng, ngọc trai hay đá bán quý như thạch anh tím, mắt hổ, ngọc bích… những chất liệu quý giá này không chỉ tạo nên vẻ đẹp thị giác, mà còn phản ánh văn hóa, vùng miền và tinh thần bộ sưu tập. Dior thường chọn nút bọc vải tweed đồng điệu với thiết kế để khơi gợi vẻ thanh lịch cổ điển, trong khi Loewe sử dụng đồng đỏ đúc thủ công để gợi sự mộc mạc duy mỹ. Mỗi nhà mốt đều chọn chất liệu không chỉ vì độ hiếm, mà vì cách chúng đồng điệu với câu chuyện thương hiệu.
Chất liệu: Khi vẻ đẹp bắt đầu từ gốc rễ
Đầu tiên, cùng bàn về chất liệu. Chất liệu quý hiếm và phong phú như xà cừ từ vùng Tahiti, sừng trâu châu Phi, kim loại mạ vàng, ngọc trai hay thậm chí là đá bán quý (semi-precious stones – ví dụ như thạch anh tím, mắt hổ, ngọc bích…) là những lựa chọn để làm nút áo, cao cấp, có tính thẩm mỹ, và mang dấu ấn văn hóa và địa phương. Các nhà mốt như Dior và Louis Vuitton thường chọn chất liệu phù hợp với tinh thần của BST, như Dior dùng nút bọc vải tweed đồng bộ để gợi cảm giác thanh lịch cổ điển, hay Loewe dùng nút đúc thủ công trên chất liệu đồng đỏ để truyền tải tinh thần mộc mạc mà duy mỹ.
Thiết kế của cúc áo
Nút áo, tuy nhỏ, lại là nơi nhà thiết kế gửi gắm tinh thần sáng tạo. Chanel từng sử dụng nút khảm đá hình ngôi sao để tôn vinh biểu tượng của Coco Chanel trong BST Couture Thu Đông 2023. Với Schiaparelli, nút áo không đơn thuần là chi tiết mà là một vật thể siêu thực – đôi khi là chiếc tai, con mắt hay một tác phẩm điêu khắc thu nhỏ mang đậm phong cách Elsa Schiaparelli.
Cá nhân hoá và nghệ nhân
Ngoài các tiêu chuẩn của nhà mốt, tính cá nhân hóa cũng là yếu tố quan trọng. Trong thế giới thời trang ca cấp, chiếc nút được thiết kế riêng với số lượng có hạn trở thành “chữ ký” riêng biệt trong haute couture cho từng khách hàng. Ở một số bộ sưu tập đặc biệt, khách hàng có thể yêu cầu khắc tên, cung hoàng đạo, biểu tượng riêng lên nút.
Sự song hành cùng thợ thủ công phản ánh vai trò đặc biệt của nghệ nhân làm nút – những người được đào tạo với tay nghề cao không kém gì thợ may trong các nhà mốt lớn như Hermès, Chanel hay Givenchy. Có những chiếc nút mất 6 tiếng để hoàn thiện – chỉ để làm nổi bật duy nhất một chiếc khuy cổ tay.
Màu sắc và xúc cảm: Khi chi tiết chạm đến giác quan
Nút đen trên nền vải trắng tạo tương phản rõ ràng như ở show của Comme des Garçons; nút khảm ánh kim dưới ánh đèn catwalk trở nên lấp lánh như nữ trang. Đến đây, nút áo đang phát huy hết tác dụng trang trí của nó, có một khái niệm trong Haute Couture là “nút áo trang sức” (jewelry button). Chúng đóng vai trò gợi cảm giác xa hoa “thầm lặng”. Một chiếc nút đảm bảo tiêu chuẩn nhà mốt và đặt đúng vị trí là đủ để thể hiện thẩm mỹ và quyền lực của người mặc.
Chiếc nút còn là nơi bàn tay chạm vào nhiều nhất. Hành động cài – mở khuy áo không chỉ mang tính thực dụng mà còn tạo ra sự gắn kết xúc cảm. Hiểu được điều đó, các nhà mốt tính toán từng cảm giác khi chạm vào – sự chắc tay, mượt mà, thậm chí… đôi lúc hồi hộp. Và chính ở đó, chiếc nút trở thành cầu nối cuối cùng giữa thương hiệu và người mặc.
Sản xuất nút áo tại Việt Nam: Khi chi tiết tạo nên cơ hội
Dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong toàn bộ một bộ trang phục, nút áo lại là nơi thể hiện tay nghề, khả năng tùy biến, sự thấu hiểu thiết kế và tính bền vững – những điều mà các thương hiệu thời trang cao cấp đang ngày càng đòi hỏi ở đối tác sản xuất. Với những tiêu chuẩn khắt khe đó, Việt Nam đang từng bước ghi dấu trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực nút áo cao cấp.
Tôn Văn Group
Hiện tại, chỉ có một vài doanh nghiệp Việt Nam đạt được năng lực sản xuất cho các thương hiệu thời trang quốc tế ở phân khúc cao cấp, nổi bật nhất là Tôn Văn Group và Gritti Vietnam. Gritti Vietnam thuộc chi nhánh của tập đoàn Gritti (Ý) đã và đang cung ứng nút áo cho các nhà mốt như Hugo Boss và Zegna nhờ chất lượng đồng bộ theo tiêu chuẩn châu Âu.
Trong khi đó, Tôn Văn Group – một doanh nghiệp nội địa với hơn 20 năm kinh nghiệm và nhà máy đặt tại Long An lại là cái tên được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây. Nhờ việc doanh nghiệp đã cung ứng nút nhựa polyester, corozo và xà cừ cho nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới. Theo báo VTC News, sản phẩm của Tôn Văn đã được lựa chọn cho các BST thời trang cao cấp của châu Âu, cho thấy khả năng đáp ứng không chỉ về kỹ thuật mà còn về thẩm mỹ và độ tinh xảo. Đây là minh chứng cho tiềm năng sản xuất “chuẩn haute couture” ngay tại Việt Nam – nơi kỹ nghệ toàn cầu gặp gỡ tinh thần thủ công Á Đông.
Gritti Vietnam – chi nhánh của tập đoàn Gritti (Ý)
Đây chính là nơi mà kỹ nghệ châu Âu gặp gỡ tinh thần khéo léo, linh hoạt và cần mẫn của người Việt – không cần phô trương nhưng đủ tinh tế để lọt vào mắt xanh của các nhà thiết kế ở Milan, Paris hay New York.
Nhìn lại toàn bộ hành trình của một chiếc nút, ta nhận ra rằng Việt Nam không chỉ đơn thuần là nơi gia công, mà đang trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị thời trang toàn cầu. Đặc biệt, khi Mỹ tuyên bố áp thuế 145% lên một số mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế trong chuỗi cung ứng; Tuy nhiên, chính Việt Nam cũng đang nằm trong danh sách theo dõi, và một số dòng sản phẩm có thể sẽ chịu ảnh hưởng nếu không chủ động nâng tầm chất lượng và minh bạch trong xuất xứ.
Trong bối cảnh ấy, câu hỏi không còn là chúng ta có thể sản xuất được gì, mà là chúng ta có thể kể gì từ những thứ mình làm ra. Nếu một chiếc nút có thể hiện diện trên sàn diễn Milan, thì liệu có thể có một hành trình ngược lại – nơi những nhà thiết kế, truyền thông và nhà máy cùng nhau tạo ra một triển lãm mang tên “From Vietnam to Milan: The Button Journey”? Bạn có nghĩ rằng, đã đến lúc chiếc nút Việt cần được kể bằng chính ngôn ngữ của mình?
Thực hiện: Linh J.
Nguồn tham khảo: Minnie Muse, AP News, Seamwork Magazine, Tuanlouis.vn, WSJ, VTC News