Ông Trump và cú “make fashion less tempting again”
Ngày đăng: 03/05/25
Ngành công nghiệp thời trang đã trải qua 18 tháng ảm đạm. Doanh số mặt hàng xa xỉ giảm 2% trong năm 2024, còn thị trường giày thể thao lao dốc 5,8%. Rõ ràng, người tiêu dùng đang dần kiệt sức giữa những biến động không ngừng. Lúc đó, Tổng thống Donald Trump với chính sách áp thuế mới lại càng “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến triển vọng của ngành thêm phần ảm đạm.
Ngày 02/04, Tổng thống Trump áp đặt loạt thuế đối ứng nặng nề lên hàng chục quốc gia, trước khi tạm hoãn phần lớn trong số đó trong 90 ngày. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất: Trung Quốc (145%), Việt Nam (46%), Bangladesh (37%) và Indonesia (32%) Nhật Bản, nhà cung cấp nhiều sản phẩm thời trang nam giới của Mỹ, bị đánh thuế 24%, trong khi Liên minh châu Âu – nơi sản xuất phần lớn thời trang xa xỉ đối mặt với mức tăng thuế 20%. Thuế được áp trên giá bán sỉ, nên giá bán lẻ sẽ không lập tức tăng theo tỷ lệ tương ứng, nhưng việc giá cả leo thang là điều không thể tránh khỏi.
Ngành hàng xa xỉ vốn nổi bật với biên lợi nhuận cao và nhóm khách hàng giàu có, ít bị chi phối bởi giá cả. Thế nhưng ngày nay, doanh thu còn đến từ số lượng lớn những người tiêu dùng trung lưu có khát vọng nâng tầm phong cách sống.
Theo The Economist, những khách hàng chi dưới 2.000 USD mỗi năm đóng góp tới hai phần ba doanh số của ngành xa xỉ. “Nếu mức thuế mới được thực thi, chúng tôi dự báo giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 12% đến 13%” chia sẻ Christophe Desmaison từ CD Network – đơn vị phân phối các thương hiệu như Lemaire, C.P. Company và Golden Goose tại thị trường Bắc Mỹ.
Mức tăng đó có thể không làm khó người giàu, nhưng với số đông người tiêu dùng đang ngày càng cảm thấy mệt mỏi trước những lần tăng giá sau đại dịch, thì đây sẽ là một cú đòn mạnh. Theo nghiên cứu từ McKinsey, 80% mức tăng trưởng hậu đại dịch của thị trường xa xỉ đến từ việc tăng giá, chỉ 20% đến từ việc tăng khối lượng hàng hóa bán ra. Điều đó cho thấy, nếu tiếp tục nâng giá, ngành hàng xa xỉ có thể sẽ tự đẩy nhiều khách hàng ra khỏi cuộc chơi. Với một số người, chỉ cần một món hàng xa xỉ đã là toàn bộ chi tiêu tùy ý của họ trong năm, và nếu giá còn tăng nữa, họ sẽ phải dừng lại.
Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa người giàu sẽ ngừng tiêu xài. Theo The Wall Street Journal, 10% người Mỹ giàu nhất hiện chiếm đến một nửa tổng mức tiêu dùng của cả nước. Tuy nhiên, phần lớn việc mua sắm này diễn ra trong những chuyến du lịch đến Paris hay Milan, nơi hàng hóa sản xuất tại châu Âu vốn đã rẻ hơn, lại càng tiết kiệm hơn nhờ hoàn thuế.
Desmaison hình dung viễn cảnh người Mỹ có điều kiện sẽ ngày càng mua sắm nhiều hơn khi đi du lịch nước ngoài. Nhưng ngay cả những khoản mua sắm ấy cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng: chính sách mới của ông Trump đã khiến đồng USD suy yếu, điều từng trái ngược hoàn toàn với năm 2024, khi đồng bạc xanh lên giá mạnh. Việc đồng USD yếu hơn đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ Mỹ sẽ phải chi nhiều hơn để nhập hàng khi thanh toán bằng đồng nội tệ của nước sản xuất.

Như thường lệ, các doanh nghiệp nhỏ sẽ là những bên chịu ảnh hưởng đầu tiên.
“Giá của chúng tôi hiện đã chạm trần” Kiya Babzani – chủ cửa hàng Self-Edge, một boutique chuyên về denim Nhật Bản với vài chi nhánh tại Mỹ chia sẻ. “Chúng tôi đã may mắn khi đồng đô la mạnh giúp bù đắp phần nào chi phí sản xuất đang tăng nhanh tại Nhật, nhưng nếu thuế quan được áp dụng thêm, chúng tôi buộc phải tăng giá”. Babzani cho rằng trong phân khúc thị trường của anh, tác động từ thuế sẽ phải được chia đều cho ba bên trong chu trình tiêu dùng: thương hiệu, cửa hàng và người mua. Với những cửa hàng hoạt động theo mùa vụ, ảnh hưởng của thuế quan tạm thời vẫn còn mơ hồ, bởi phần lớn hàng hóa mùa xuân đã lên kệ từ trước.
Nhưng điều đó lại không đúng với thị trường đại chúng, nơi phụ thuộc vào việc xoay vòng hàng hóa liên tục. Phần lớn sản phẩm thuộc phân khúc này, bao gồm cả nhiều mặt hàng thời trang đường phố được sản xuất tại châu Á, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi thuế quan. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia ước tính rằng lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ giảm 20% vào cuối năm 2025, và một nghiên cứu khác dự đoán rằng một số mặt hàng có thể tăng giá tới 40%. Trong khi ông Trump miễn thuế cho máy tính và một số thiết bị điện tử tiêu dùng, thì ngành thời trang lại không được ưu ái như vậy.
Riêng tại thị trường Việt Nam, hiện mức thuế đối ứng mới chỉ ở mức 10% nhưng không có nghĩa con số này không thể tăng lên chạm ngưỡng 46% như ông Trump đã đưa ra từ trước nếu các vấn đề chẳng hạn như xuất xứ hàng hóa chưa được giải quyết rõ ràng.
Một số khó khăn trước mắt có thể nhận thấy như việc các doanh nghiệp may mặc Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro cắt giảm đơn hàng từ các đối tác Mỹ đồng thời buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động khiến nguy cơ thất nghiệp gia tăng. Đứng giữa “2 làn đạn”, Việt Nam có lẽ đang mắc ở thế “trung lập chiến lược” khi Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu còn Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Việc gia tăng mức thuế quan có thể dẫn đến sự rút lui của các tập đoàn, nhà máy quốc tế tại Việt Nam.
Nhiều người đang chờ đợi kết khả quan của những cuộc đàm phán giữa 2 nước trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trước hiện thực đầy thách thức, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận rằng thị trường Việt vẫn “nhìn thấy ánh sáng” trong đợt áp thuế khắc nghiệt lần này của Mỹ. Khi mà xu hướng chuyển dịch thị hiếu tiêu dùng và tìm kiếm những lựa chọn dễ tiếp cận hơn, các chiến lược như dịch chuyển sự tập trung vào thời trang nội địa, phát triển bản sắc riêng, xây dựng cộng đồng trung thành,…được đưa ra gần như trở thành những gạch đầu dòng cần phải có trong nội dung chiến lược xây dựng thương hiệu tại thị trường trong nước, dù cho mức thuế có thay đổi thời gian tới hay không thì những chiến lược trên vẫn nên duy trì như một trong những “trụ cột” của các thương hiệu.

Mục tiêu mà ông Trump đặt ra cho loạt thuế quan khắc nghiệt này là phục hồi ngành sản xuất trong nước. Nhưng với ngành thời trang, đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Sau nhiều thập kỷ đẩy mạnh gia công ra nước ngoài, nước Mỹ đã tự làm suy yếu hệ thống sản xuất nội địa và khiến lực lượng lao động mất đi kỹ năng nghề căn bản, hơn 97% quần áo trên thị trường Mỹ hiện nay là hàng nhập khẩu.
Bình luận viên thời trang nam Derek Guy cho rằng việc “đưa sản xuất trở lại” chỉ là một giấc mơ viển vông. “Tôi không nghĩ mọi người hiểu rằng để xây dựng lại ngành may mặc, chúng ta cần đầu tư một khoản tiền khổng lồ” – anh nói. “Nếu muốn xây dựng các nhà máy, chính phủ phải hỗ trợ một phần chi phí và tìm cách đào tạo lại người lao động để họ có thể thực hiện được những kỹ thuật may cơ bản”. Guy cũng dự đoán rằng các doanh nghiệp nhỏ sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên từ thuế quan, vì các thương hiệu lớn có khả năng xoay chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất tốt hơn nhiều.
Ngay cả khi ông Trump rút lại một số chính sách thuế hoặc mức tăng giá cuối cùng không nghiêm trọng như dự báo, thì điều then chốt vẫn là tâm lý người tiêu dùng hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, người tiêu dùng (đặc biệt là người Mỹ) đang ưu tiên tiết kiệm và chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, thời trang không còn là mối quan tâm hàng đầu.
“Các nhà bán lẻ dự đoán rằng người tiêu dùng sẽ mua ít đi, nhưng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho mỗi sản phẩm” ông Desmaison từ CD Network cho biết. Với ngành thời trang, tâm lý tiêu dùng này sẽ ảnh hưởng trên diện rộng, điều đó chưa chắc đã là điều tệ.
Khi tủ quần áo của chúng ta “co lại’” liệu môi trường có “dễ thở” hơn?
Theo Highsnobitey, VnExpress
Thực hiện: Elio