Personalized Marketing: Xu hướng tất yếu cho thành công của thương hiệu thời trang trong kỷ nguyên số

Ngày đăng: 09/10/24

Personalized Marketing (Tiếp thị cá nhân hóa) là cơ hội và thách thức mà thương hiệu thời trang nào cũng muốn chinh phục để không bị bỏ lại.

Khách hàng ngày nay không còn dễ dàng bị thuyết phục bởi những chiến dịch marketing rập khuôn, đại trà. Họ thông minh hơn, yêu cầu cao hơn, khao khát được trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ được thiết kế riêng, đáp ứng đúng sở thích và nhu cầu cá nhân. Do đó, Personalized Marketing (Tiếp thị cá nhân hóa) là cơ hội và thách thức mà thương hiệu thời trang nào cũng muốn chinh phục để không bị bỏ lại.

Lợi ích không ngờ tới của Personalized Marketing

Tăng cường tương tác người dùng

Việc cá nhân hóa nội dung, từ gợi ý sản phẩm đến các chiến dịch truyền thông được thiết kế riêng cho từng khách hàng, giúp thương hiệu gây dựng lòng trung thành và tạo cảm giác khách hàng được “lắng nghe”.

Ví dụ, khi mua sắm trên website hoặc ứng dụng của Zara, hệ thống được tùy chỉnh ngôn ngữ và nội dung phù hợp với từng khu vực địa lý, sở thích mua sắm và lịch sử duyệt web của người dùng. Kết hợp cùng trải nghiệm trực tuyến liền mạch với hệ thống theo dõi đơn hàng và hỗ trợ khách hàng, chiến lược này đã góp phần lớn vào sự tăng trưởng kỷ lục của ông trùm thời trang nhanh trong những năm gần đây.

Zara — Benedict Blyth

Cải thiện tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate)

Trong thời đại mà sự nhanh gọn đang trở thành tiêu chuẩn trong trải nghiệm mua sắm, việc tạo ra nội dung phù hợp với từng khách hàng không chỉ là một lựa chọn, mà là yếu tố quyết định sự thành công của thương hiệu.

ASOS, nhà bán lẻ mỹ phẩm và thời trang nhanh trực tuyến đến từ Anh, đã ứng dụng cá nhân hóa không chỉ trong sản phẩm mà còn qua email và video quảng bá. Điều này đã giúp ASOS tăng tỷ lệ nhấp chuột lên gấp 5 lần so với các chiến dịch thông thường không có yếu tố cá nhân hóa.

ASOS Email Newsletters

Nâng cao mức độ hài lòng 

Khi khách hàng cảm thấy thương hiệu thực sự thấu hiểu nhu cầu và sở thích cá nhân, trải nghiệm mua sắm của họ sẽ trở nên ý nghĩa hơn và mức độ hài lòng cũng tăng cao. Hiểu rõ điều này, Nike và Adidas đã tinh tế khai thác cá nhân hóa khi cho phép người tiêu dùng tạo ra những thiết kế độc bản của riêng mình, từ màu sắc, chất liệu đến các chi tiết trên từng sản phẩm. Bằng cách này, mỗi đôi giày trở thành một tuyên ngôn cá nhân, tạo ra trải nghiệm mua sắm “có một không hai” – sợi dây gắn kết mạnh mẽ khách hàng và thương hiệu.

Nike By You Custom Shoes. Nike VN

Mở rộng nhóm khách hàng trung thành

Cá nhân hóa không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng mới mà còn là chìa khóa để giữ chân khách hàng trung thành và xây dựng mối quan hệ sâu sắc với họ. Thương hiệu làm đẹp Sephora đã tận dụng dữ liệu khách hàng để gửi các ưu đãi độc quyền, lời mời sự kiện và quà tặng sinh nhật đến từng khách hàng thân thiết, với gợi ý các mặt hàng giới hạn dựa trên sở thích và hành vi mua sắm. Kết quả là, Sephora đã thành công thuyết phục họ quay lại mua nhiều lần, mang lại sự tăng trưởng ấn tượng với hơn 80% tổng doanh thu mỗi năm đến từ nhóm khách hàng này.

What We Learned From the Sephora Beauty Insider Program

Bắt đầu chiến lược cá nhân hóa như thế nào?

Thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng

Cá nhân hóa bắt đầu với việc thu thập dữ liệu từ hành vi mua sắm, sở thích và thói quen của khách hàng để có cái nhìn trực quan và chính xác nhất. Thương hiệu có thể khai thác những “insight” quý giá này từ các khảo sát trực tuyến, phân tích hành vi trên website và các nền tảng mạng xã hội bằng cách sử dụng các công cụ phân tích như Google Analytics, Meta Business Suite, YouTube Studio hay các báo cáo thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc thu thập dữ liệu phải tuân thủ các quy định về quyền riêng tư của khách hàng.

Xác định phân khúc khách hàng trọng tâm

15 luxury fashion sales to shop this Black Friday and Cyber Monday | The Australian

Đây là phương pháp cá nhân hóa được xem là dễ dàng thực hiện nhất. Thương hiệu dựa vào các thông tin như ngành nghề, tần suất mua sắm và mức thu nhập để phân loại khách hàng, từ đó xây dựng các chiến lược nội dung phù hợp với từng nhóm khách hàng khác nhau.

Ví dụ, một thương hiệu thời trang cao cấp có thể nhắm đến nhóm khách hàng là những người trưởng thành có thu nhập cao, trong khi một thương hiệu thời trang nhanh có thể tập trung vào giới trẻ yêu thích các xu hướng mới và giá cả phải chăng.

Tự động hóa tin nhắn tiếp thị và quảng cáo

Bằng việc ứng dụng các nền tảng quản lý email marketing, phần mềm CRM và các công cụ tự động hóa trên mạng xã hội như Mailchimp và HubSpot, thương hiệu có thể gửi các thông báo, tin nhắn tùy chỉnh tới đúng khách hàng vào đúng thời điểm, giúp tối ưu hóa hiệu quả truyền thông đồng thời tiết kiệm thời gian và nhân lực.

H&M là một ví dụ thành công điển hình cho chiến lược này. Nếu một khách hàng thường xuyên xem các sản phẩm mùa hè, H&M sẽ gửi email hoặc tin nhắn thông báo về bộ sưu tập hè mới nhất hoặc mã giảm giá đặc biệt cho những sản phẩm đó. Tuy nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế đây lại là một cách “up sale” rất hiệu quả khi gợi ý cho khách hàng về các sản phẩm nên mua, giúp gia tăng khả năng chốt đơn của họ.

HM-last-day-20-off-free-shipping

Đo lường hiệu quả từ những hoạt động cá nhân hóa ra sao?

Để đánh giá hiệu quả của các chiến lược trên, thương hiệu cần làm quen với các phép tính chuyên môn như giá trị vòng đời khách hàng (CLV) hoặc tỷ lệ hoàn vốn quảng cáo (ROAS). Quá trình đo lường này không chỉ giúp chỉ ra những sai sót để kịp thời sửa chữa mà còn cho thấy những điểm mà thương hiệu có thể cải thiện để làm tốt hơn trong tương lai.

Tóm lại, cá nhân hóa không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố cần thiết để thương hiệu thời trang tồn tại và phát triển trong cuộc chiến thương mại điện tử khốc liệt. Việc hiểu và áp dụng cá nhân hóa một cách bài bản, có chiến lược là kim chỉ nam để thương hiệu thu hút khách hàng và giữ chân họ về lâu dài.

Chuyển ngữ: Thanh Mai

Theo E-commerce Germany News