Phân tích MV “Bắc Bling”: Cơ hội cho trang phục truyền thống Việt

Ngày đăng: 23/03/25

MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy là sự giao thoa giữa thời trang truyền thống Việt Nam và âm nhạc hiện đại. Sự kết hợp này không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa mà còn mở ra cơ hội đưa hình ảnh trang phục truyền thống Việt Nam vươn xa trên bản đồ thời trang quốc tế.

Ảnh: MV Bắc Bling

Ra mắt ngày 1/3, MV “Bắc Bling” Hòa Minzy nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng với hơn 70 triệu lượt xem trong 3 tuần. MV kết hợp giữa giai điệu hiện đại và yếu tố văn hóa truyền thống Bắc Ninh. Sự kết hợp giữa giai điệu hiện đại và những giá trị văn hóa truyền thống Bắc Ninh không chỉ tạo nên một sản phẩm âm nhạc ấn tượng mà còn là bước tiến để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. 

Không chỉ mang đến bản phối âm nhạc bắt tai, Bắc Bling còn là bức tranh sống động về trang phục, màu sắc, con người, quang cảnh và ẩm thực đặc trưng của Việt Nam. Những bộ trang phục truyền thống xuất hiện trong MV nhận được nhiều lời khen từ các content creator và reviewer, tạo nên làn sóng quan tâm mạnh mẽ đối với thời trang mang đậm bản sắc dân tộc.

Liệu thành công của Bắc Bling có mở ra cánh cửa mới cho những thương hiệu thời trang Việt đang theo đuổi con đường tôn vinh di sản? Khi sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại ngày càng được công chúng đón nhận, đây là cơ hội để thời trang Việt vươn xa hơn trên bản đồ quốc tế.

Bài học về quảng bá văn hóa qua nghệ thuật và giải trí

Trước khi trả lời câu hỏi trên, ta cần nhìn cách các “nền văn hóa dân tộc” từ các quốc gia khác đã đưa các yếu tố truyền thống trở thành hiện tượng đại chúng như thế nào.

Dior Haute Couture Xuân Hè 2007 bởi John Galliano. Ảnh: Dior

Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã thành công quảng bá văn hóa truyền thống thông qua nghệ thuật và giải trí, đặc biệt là thời trang. Tại Nhật Bản, kimono không chỉ là trang phục truyền thống mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế quốc tế. Dưới thời John Galliano, Dior đã trình làng BST Haute Couture Xuân 2007, trong đó kimono và obi được tái hiện, tạo nên những thiết kế peplum và váy dạ hội tinh tế. Tương tự, thương hiệu LOEWE đã kết hợp với Studio Ghibli, mang các nhân vật kinh điển từ My Neighbor Totoro và Spirited Away lên túi xách, áo khoác và phụ kiện. 

LOEWE đã hợp tác với Studio Ghibli, cho ra mắt các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ anime nổi tiếng như “Spirited Away” và “Howl’s Moving Castle”

Hàn Quốc thành công lan tỏa làn sóng Hallyu ra thế giới qua K-pop, phim truyền hình và thời trang. Hanbok, trang phục truyền thống Hàn Quốc dần trở thành biểu tượng văn hóa. Việc các ngôi sao toàn cầu diện Hanbok giúp trang phục này đến gần hơn với đại chúng, góp phần quảng bá bản sắc Hàn Quốc. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại còn thể hiện qua việc nhiều thần tượng K-pop trở thành đại sứ thương hiệu cho nhiều nhà mốt danh tiếng. Điều này không chỉ nâng tầm vị thế của văn hóa Hàn mà còn chứng minh sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Hallyu, khi thời trang trở thành cầu nối đưa bản sắc dân tộc hòa nhập vào dòng chảy toàn cầu.

Dior đã trình làng bộ sưu tập Haute Couture Xuân 2003. Ảnh Dior

Trung Quốc cũng thành công sử dụng phim ảnh và nghệ thuật để quảng bá sườn xám. Nhiều thương hiệu quốc tế đã lấy cảm hứng từ văn hóa Trung Quốc trong thiết kế. Dưới thời John Galliano, Dior đã trình làng BST Haute Couture Xuân 2003, trong đó màu sắc và họa tiết của trang phục Trung Quốc và Nhật Bản được biến tấu thành những thiết kế độc đáo. ​

Những chiến lược này chứng minh sức mạnh của nghệ thuật và giải trí trong việc quảng bá văn hóa, đồng thời tạo cơ hội cho việc thể hiện sức sáng tạo thời trang mang bản sắc riêng của một đất nước trên thị trường quốc tế.

Bắc Bling và cơ hội cho trang phục truyền thống Việt

Các kiểu trang phục nổi bật gồm cả thiết kế thuần truyền thống lẫn được cách tân tinh tế. 3 thiết kế cách tân bởi NTK Cao Minh Tiến (nguồn: Fb Hòa Minzy)

Điểm sáng của MV còn nằm ở cách xử lý trang phục. Trong MV, Hòa Minzy diện 8 kiểu trang phục, trong đó có cả thiết kế thuần truyền thống lẫn được cách tân tinh tế. Những bộ ấn tượng nhất gồm: bộ hồng fuchsia mở đầu ở cảnh “vinh quy bái tổ” gồm yếm bện thừng thủ công và nón quai thao cách tân; cảnh hầu đồng với bộ hồng nhạt cùng áo dài tay phồng thêu họa tiết thủ công, chân váy và mấn đội đầu ánh kim; bộ yếm đen phối váy đính kim sa trong cảnh làm gốm; hay trang phục tứ thân đi cùng nón quai thao ở phần hội Lim. Cách phối màu trong từng cảnh – từ sắc đỏ rực rỡ đến tông đất trầm ấm – được xử lý tinh tế, vừa gợi nên không gian văn hóa đặc trưng vùng Kinh Bắc, vừa thu hút người xem quốc tế bởi tính mỹ thuật cao và chất “nghệ” của văn hóa bản địa.

Tuấn Cry chụp cùng nghệ sĩ Xuân Hinh tại hậu trường thực hiện MV Bắc Bling. Ảnh: NVCC

Các nghệ sĩ nam trong MV cũng gây ấn tượng không kém. Nghệ sĩ Xuân Hinh diện bộ áo dài truyền thống màu đen thêu hoa kết hợp với khăn xếp và kính đen; trong khi đó, Tuấn Cry khoác lên mình trang phục hiện đại với màu sắc sặc sỡ. Tất cả đại diện cho sự giao thoa giữa văn hóa dân gian và chất hip-hop đường phố. Sự đối lập này không làm mất đi tính thống nhất, ngược lại còn tôn bật tinh thần đa dạng và sức sống của văn hóa Việt hiện đại.

MV không chỉ thu hút hàng triệu lượt xem mà thực sự chạm đến cảm xúc của khán giả – từ “nổi da gà”, “há hốc mồm”, cho đến “muốn xách vali đi Bắc Ninh liền!”. Trên YouTube và TikTok, cư dân mạng Việt Nam đến quốc tế không ngừng bày tỏ sự phấn khích trước cách MV tái hiện những giá trị truyền thống cuốn hút. Từ lễ hội, yếm đào, nón quai thao đến không gian đậm chất Kinh Bắc, tất cả được thể hiện sống động chẳng kém gì thước phim điện ảnh.

@windmusic221

Khán giả quốc tế bị Shock văn hoá khi xem MV Bắc Bling của @Hoà Minzy. Ước được Hoà đăng lại… #windshowbiz #windmusic #hoaminzy #nhachaymoingay #reaction #bacbling #sontungmtp #mtp #xuhuong #tiktok

♬ Bắc Bling (Bắc Ninh) (Prod. by Masew) – Hòa Minzy & NSUT Xuân Hinh & Tuấn Cry

Nam nghệ sĩ người Bỉ Anthony Ray đã dành 24 phút để xem và chia sẻ cảm nhận về MV, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cách sắp đặt hình ảnh và bối cảnh, đồng thời thể hiện mong muốn đến Việt Nam để khám phá văn hóa và ẩm thực. 

Khán giả Hàn Quốc cũng dành nhiều lời khen ngợi cho MV, nhấn mạnh sự kết hợp tự nhiên giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giúp họ dễ dàng hòa nhập và cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam. 

Một YouTuber người Hàn thậm chí thốt lên rằng: “I love the áo dài!”, dù trang phục trong phân cảnh cô đang xem thực chất là áo tứ thân và yếm. Sự nhầm lẫn này cho thấy, với đa số bạn bè quốc tế, áo dài là đại diện duy nhất của thời trang truyền thống Việt Nam, trong khi trên thực tế, di sản trang phục của chúng ta phong phú hơn nhiều. Ngay lập tức, netizen Việt đã nhanh chóng vào “chữa bài”, tận tình giải thích về các loại trang phục truyền thống, từ áo tứ thân đến yếm đào, nón quai thao.

Một YouTuber người Hàn thậm chí thốt lên rằng: “I love the áo dài!”, dù trang phục trong phân cảnh cô đang xem thực chất là áo tứ thân và yếm. Sự nhầm lẫn này cho thấy, với đa số bạn bè quốc tế, áo dài là đại diện duy nhất của thời trang truyền thống Việt Nam, trong khi trên thực tế, di sản trang phục của chúng ta phong phú hơn nhiều.

Còn trong nước thì sao? Từ video “đập hộp concept Bắc Ninh” đến những bản cover, parody, review,… Không cần dài dòng về sức lan tỏa, chỉ cần nhìn vào hàng người nhảy theo trend Bắc Bling là đủ. Khi văn hóa Việt được kể lại bằng ngôn ngữ đậm chất bản địa, với hình ảnh chỉn chu và tràn đầy năng lượng, nó không chỉ chạm đến trái tim người Việt mà còn có sức hút đủ lớn để vươn xa hơn ra bản đồ quốc tế.

Sự lan tỏa mạnh mẽ của Bắc Bling đặt ra câu hỏi: Phải chăng đã đến lúc các thương hiệu thời trang Việt nên mạnh dạn khai thác sâu hơn giá trị văn hóa truyền thống, để chạm đến trái tim người tiêu dùng quốc tế bằng chính bản sắc của mình? Để trả lời, hãy nhìn lại những nỗ lực bền bỉ của các nhà thiết kế – từ người tiên phong đến thế hệ trẻ trong hành trình gìn giữ và sáng tạo với hồn Việt.

Nỗ lực quảng bá của người Việt 

Nhiều nhà thiết kế Việt đã nỗ lực không ngừng đưa trang phục truyền thống vào đời sống đương đại, tạo nên cầu nối giữa bản sắc văn hóa và thời trang hiện đại. Nhà thiết kế Minh Hạnh là người tiên phong đưa áo dài lên sàn diễn thời trang trong nước lẫn quốc tế. Với phong cách thiết kế mang đậm tinh thần dân tộc, bà góp phần định hình áo dài như một biểu tượng văn hóa sống động và đầy tự hào trên bản đồ thời trang thế giới.

Các thiết kế áo dài trên chất liệu thổ cẩm của nhà thiết kế Minh Hạnh được trình diễn tại chương trình Áo Dài – Di sản văn hóa Việt Nam 2020. Ảnh BTC

BARO (thương hiệu do La Quốc Bảo sáng lập) từng ghi dấu ấn với bộ sưu tập Annam Heritage, nơi những đôi Converse khoác lên mình hoa văn Nhật Bình (triều Nguyễn). Nhưng BARO còn ghi dấu với những dự án văn hóa tái hiện hồn cốt Việt xưa bằng ngôn ngữ thời trang. Một trong những dự án tâm huyết là Hoa Quan Lệ Phục – nỗ lực nhiều năm nhằm tái hiện lễ phục triều Nguyễn của anh và Nguyễn Phùng Minh Luân. Mở đầu là chiếc áo Nhật Bình của Nam Phương Hoàng hậu, lấy cảm hứng từ bức ảnh bà khoác chiếc Nhật Bình đỏ tại lầu Công Quán. Tiếp đến là thiết kế tái hiện chiếc áo Nhật Bình dành cho mệnh phụ Thái Thị Huệ Khanh – phu nhân quan đại thần Nguyễn Trừng vào đầu thế kỷ 20, hiện thuộc BST cháu gái bà, GS.TS Thái Kim Lan

Thủy Nguyễn (Thủy Design House), qua các thiết kế mang cảm hứng dân gian, đã ghi dấu với những BST đầy tính nghệ thuật, cho thấy sự kết nối chặt chẽ giữa di sản và sáng tạo.

60 thiết kế trong những bộ sưu tập của Thuy Design House từ năm 2011-2020 và nhiều cổ vật, phụ kiện trong triển lãm 2020. Nguồn ảnh: Thanh Niên

Các thương hiệu đương đại khác như Gia Studios, Subtle Le Nguyen, Kilomet 109, Thome,… mang đến góc nhìn mới mẻ về trang phục truyền thống, kết hợp với phong cách hiện đại để thu hút người yêu thời trang mang thẩm mỹ hiện đại giao thoa với đường nét và tinh thần truyền thống. Sự sáng tạo và táo bạo trong thiết kế giúp họ tạo nên dấu ấn riêng và góp phần bảo tồn, lan tỏa văn hóa dân tộc.​

Không dừng lại ở thời trang thuần túy, tinh thần quảng bá văn hóa còn được thể hiện rõ nét qua các sản phẩm âm nhạc như MV của Hoàng Thùy Linh. Cô đã cách tân trang phục truyền thống, giúp hình ảnh nghệ sĩ thêm phần độc đáo và đồng thời góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt tới khán giả trẻ.

Nhiều BST và thiết kế được thực hiện với mục đích bảo tồn và nuôi dưỡng văn hóa truyền thống thông qua các show diễn và dự án nghệ thuật. Để sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, chúng ta cần nhiều dự án nghệ thuật gây bùng nổ và chỉn chu như “Bắc Bling” để thể hiện trọn vẹn tinh thần văn hóa Việt, và ý thức về vai trò quan trọng của trang phục trong việc kể và lan tỏa hình ảnh dân tộc.​

Trang phục phục vụ cho MV “Bắc Bling” lên tới gần 300 bộ

Mong rằng tương lai không xa, vũ trụ văn hóa Việt sẽ tiếp tục đón thêm nhiều cú nổ truyền thông mang đậm tinh thần dân tộc như “Bắc Bling”, các sản phẩm lấp lánh bản sắc của Hoàng Thùy Linh hay những giai điệu thấm đẫm hồn Việt từ Phương Mỹ Chi. Đến một ngày đẹp trời, áo yếm, khăn mỏ quạ hay áo tứ thân sẽ sải bước tự hào trên sàn runway quốc tế, khiến thế giới vừa tò mò, vừa trầm trồ: “Đây là Việt Nam đấy à?”

Thực hiện: Linh J.