Phản ứng của H&M trước cáo buộc thu gom đồ cũ rồi vứt bỏ ở Nam bán cầu
Ngày đăng: 30/06/23
Năm 2013, H&M là nhà bán lẻ thời trang đầu tiên tung ra chiến dịch thu thập lại quần áo đã qua sử dụng. Cho đến ngày nay, khách hàng có thể tìm thấy những địa điểm thu gom tại các cửa hàng bán lẻ của các thương hiệu khác thuộc Tập đoàn H&M như Monki, Weekday, Cos, Arket và & Other Stories. Vào thời điểm đó, công ty đã hứa rằng 95% trong số hàng nghìn tấn hàng dệt may bị vứt bỏ mỗi năm có thể được mặc lại hoặc tái chế.
Trong bức ảnh “Close the loop” của H&M được sử dụng vào thời điểm đó, người tiêu dùng thậm chí còn tin rằng thời trang nhanh có thể trải qua một quá trình đổi mới. Tuy nhiên mười năm sau, người tiêu dùng biết rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy: hàng dệt (vẫn) khó tái chế thành hàng dệt mới vì chúng được làm từ hỗn hợp các nguyên liệu thô khác nhau, thường là bông và polyester. Điều này vẫn đặt ra một thách thức đối với ngành công nghiệp ngày nay và về mặt cụ thể, chỉ một phần trăm trong số đó mới được tái chế thành quần áo mới.
H&M và các công ty thời trang khác không thể bị chỉ trích trong trường hợp này bởi vì muốn phát triển một quá trình như vậy cần có công nghệ tiên tiến và thời gian, đặc biệt là công nghệ có khả năng mở rộng về mặt thương mại.
Vậy điều gì sẽ xảy ra với những núi vải cũ khổng lồ này, mà H&M đã mô tả vào thời điểm đó là “hàng nghìn tấn”? Một số bị thiêu hủy, một số đã kết thúc vòng đời của mình ở bãi rác và số khác được đem đến các chợ đồ cũ của Nam bán cầu. Nhưng phương pháp này càng ngày càng ít phổ biến bởi vì khi vận chuyển hàng nghìn km để đến đích, chất lượng của chúng lại giảm và lại bị đưa vào bãi rác một lần nữa.
Nhật báo Aftonbladet của Thụy Điển và tờ báo của Đức Bild gần đây đã điều tra nơi quần áo của H&M được “tái chế” theo cách họ định nghĩa. Họ đã sử dụng thiết bị theo dõi địa lý để tìm hiểu xem thực hư như thế nào và phát hiện của hai hãng đều đem đến một kết quả giống nhau. Thay vì giải quyết vấn đề tại địa phương với các đối tác tái chế, quần áo cũ được gửi đi nửa vòng trái đất: kết quả y như những gì đã phân tích. Và điều này đã khiến các công ty thời trang như H&M bị chỉ trích nặng nề. Bây giờ họ hoàn toàn biết rõ việc tái chế quần áo cũ khó khăn như thế nào và nên “thu hồi” những lời hứa mà họ không thể thực hiện.
H&M trả lời các cáo buộc
Trước sự cáo buộc này, H&M đã lên tiếng trong một lần được yêu cầu xuất hiện trước truyền thông. Họ đã phải cẩn thận trong từng câu từ: “Tập đoàn H&M cực lực phản đối việc quần áo trở thành rác thải. Chúng tôi rất coi trọng các phát hiện của hai tờ báo và khách hàng khi tham gia chiến dịch của chúng tôi có thể chắc chắn rằng quần áo họ để trong thùng thu gom hàng dệt may sẽ được xử lý một cách có trách nhiệm”.
Ngoài ra, công ty cũng cho biết thêm rằng “những nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn sẽ được tăng cường” và mục tiêu này đánh dấu màn hợp tác với công ty tái chế Remondis của Đức, thay vì lựa chọn I:CO. “Chúng tôi đã thay đổi đối tác cho sáng kiến bền vững của mình vào đầu năm và đã ngừng hợp tác với I:CO kể từ đó. Thật không may, thông tin này không được cập nhật chính xác trên trang web Thụy Điển Schysstmode.hm.com của chúng tôi. Lỗi này sẽ được khắc phục nhanh chóng” – đại diện công ty đã chia sẻ trong một tuyên bố từ trụ sở chính của H&M ở Đức tại Hamburg để trả lời câu hỏi từ tạp chí công nghiệp Textilwirtschaft của Đức.
Thực hư lời phản hồi: liệu rằng họ đã nói đúng trọng tâm?
Nhà bán lẻ thời trang nhanh không những không đề cập đến việc quần áo sẽ được đưa đến các điểm thu gom cách xa hàng nghìn km mà chỉ nói về vấn đề chúng đã đến điểm tập hợp thành công: “Đúng như trong bài viết cho thấy tất cả các sản phẩm may mặc cuối cùng đều đến tay các công ty tái chế hoặc đồ cũ và cuộc điều tra riêng của Remondis đã xác nhận rằng hàng may mặc đã đến tay các đối tác phù hợp và có uy tín” – là phản hồi mà H&M đã chia sẻ cho FashionUnited.
Điều đó khó có thể “trấn an công chúng” và còn có một thực tế là mặc dù H&M nhấn mạnh đây là “các đối tác lâu dài” nhưng Remondis chỉ mới hợp tác với H&M vào đầu năm nay nên tương lai như thế nào vẫn chưa thể dự đoán được.
Phân phối phế liệu dệt may một cách có chiến lược
Bên cạnh đó vẫn còn vài điểm nghi vấn trong tuyên bố tiếp theo của H&M: “Chúng tôi yêu cầu các đối tác của mình phải có các quy trình để đảm bảo rằng hàng may mặc và hàng dệt đã thu gom phải được phân loại một cách có trách nhiệm. Tất cả các rác thải phải được sử dụng tiếp như một sản phẩm mới hoặc dưới dạng đồ cũ và tái chế để đảm bảo rằng không có cái gì được lãng phí”.
Nói cách khác, vấn đề của công ty sẽ là trách nhiệm của bên thứ ba. Do đó, rác thải dệt may được “phân loại” cẩn thận sẽ được chuyển đến công ty tái chế rồi bán lại cho thị trường đồ cũ hoặc được bán ở đâu hoặc đâu đó.
Để xoa dịu những người tiêu dùng lo lắng về nơi “ đáp đất” cuối cùng của quần áo cũ, H&M bổ sung thêm: “Chúng tôi biết rằng việc phân loại và tái chế quần áo và hàng dệt may vẫn là một thách thức, bất kể là thương hiệu hay tổ chức từ thiện nào. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng ngày càng có nhiều giải pháp tái chế hàng dệt đang được phát triển. Tập đoàn H&M đang tích cực giải quyết vấn đề này đồng thời đầu tư vào các giải pháp mở rộng trong tái chế hàng dệt may”.
Có thể nhiều người cảm thấy rằng tuyên bố này khá mơ hồ cần tham khảo một trang web nội bộ về tái chế để biết chi tiết. Tương tự các vật liệu tái chế như Infinna và Circulose, mặc dù “bề ngoài” nghe có vẻ tốt nhưng phương pháp chỉ phục vụ một phần trong tất cả các sản phẩm mới. Hay công ty HKRITA đã cho ra mắt “Green Machine” để phân tách các hỗn hợp dệt may. Đây có thể xem là một cách tiếp cận đáng khen ngợi, nhưng chưa hoạt động ở quy mô công nghiệp và có thể không bao giờ hoạt động ở quy mô mà H&M cần do khối lượng quần áo và trang phục hàng năm rất lớn. Vì vậy có thể thấy rằng cho dù dùng phương pháp tái chế nào hiện nay trên thế giới cũng không thể ngăn chặn sự kết thúc vòng tuần hoàn của quần áo may mặc.
Có thể giảm khối lượng sản xuất bằng cách cắt giảm cung cấp và nhu cầu khách hàng hay không?
Một giải pháp đơn giản mà độc giả có thể nghĩ đến là sẽ bắt đầu từ nguồn và ngăn chặn quá trình sản xuất hàng loạt. Nhưng điều này không phù hợp với các mô hình kinh doanh thời trang nhanh của H&M và Co.
Người tiêu dùng cũng biết điều này, nhưng họ lại đồng ý nhiều hơn với các sáng kiến như “Close the Loop”, thu gom “có ý thức”, tuần lễ tái chế và tái chế tại cửa hàng bởi vì điều này cho phép họ tiếp tục mua sắm thời trang nhanh mà “không thẹn với đáy lòng”. Thực tế là các sáng kiến này đều có một điểm chung: chúng thúc đẩy tốc độ tiêu dùng hơn nữa thông qua các khoản tín dụng chỉ áp dụng cho các sản phẩm mới. Doanh thu tăng lên và cùng với đó là hàng núi hàng dệt may bị đưa đến bãi rác.
Phải chăng thời trang nhanh chỉ đơn giản là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng?
Một lập luận yêu thích của các nhà cung cấp thời trang nhanh như H&M, Zara, Forever 21 và thời trang cực nhanh như Shein là họ chỉ đang đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khách hàng cần sự đổi mới và các ông lớn ấy cung cấp thứ gọi là “giải pháp” – bất kì ai cũng đều yêu thích những thứ bóng bẩy, đẹp đẽ và trên hết là ‘mới’. Tuy nhiên, điều mà các công ty này đang thiếu là sự tương đối và linh hoạt trong định nghĩa ‘mới’ của họ. Nó có thể là một món đồ đã qua sử dụng, một món đồ đã được tái thiết kế hoặc được may lại và tái chế, hay một thứ gì đó được làm từ hàng tồn kho. Bằng cách này, các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ thực sự có thể luôn cung cấp một cái gì đó ‘mới’ bởi vì sáng tạo không bao giờ bị giới hạn.
Thực hiện: Mỹ Tâm
Theo Fashion United