Phim ảnh đang thổi bùng sự cuốn hút của những món đồ thời trang vintage

Ngày đăng: 01/06/22

Các chương trình truyền hình như “Euphoria” và “And Just Like That” đang tận dụng thời trang secondhand để xây dựng hình tượng cho các nhân vật trong phim. 

Tóm tắt nội dung

Cũng như giày cao gót Manolo Blahnik và túi xách Fendi, thời trang cổ điển đã trở thành một phần DNA của “Sex and the City” kể từ khi bộ phim được phát sóng lần đầu tiên hơn hai thập kỷ trước. Vì vậy, khi sản xuất bản reboot “And Just Like That”, các nhà thiết kế trang phục Molly Rogers và Danny Santiago đã dành cả đêm và cuối tuần lùng sục các cửa hàng cổ điển ở Miami, tủ đựng đồ ở Manhattan và những căn gác xép đầy bụi bặm để tìm bằng được những bộ trang phục nguyên mẫu nổi bật đã khiến Carrie (Sarah Jessica Parker) trở thành biểu tượng phong cách vào cuối thập niên 90.

Đôi khi, lựa chọn của họ lại gây ra ý kiến trái chiều – chẳng hạn như một số nhà phê bình trên mạng xã hội đã so sánh bộ jumpsuit Jean Paul Gaultier năm 1997 cùng áo blazer màu tím giống như vẻ ngoài đặc trưng của The Joker – nhưng không bao giờ nhàm chán. Sẽ không bao giờ có chuyện nàng Parker được so sánh với ba ngôi sao khác trong chuyên mục “Ai mặc đẹp hơn” vì phong cách này chỉ có thể ở trên truyền hình. Không ai có đủ can đảm để mặc bộ đồ như thế dạo phố.

Sarah Jessica Parker trong bộ jumpsuit của Jean Paul Gartier kết hợp cùng blazer màu tím

Bộ jumpsuit đó có thể là tinh túy thời trang của Carrie, nhưng trong những năm gần đây, quần áo vintage đã luôn là phong cách chủ đạo không chỉ ở trong vũ trụ “Sex and the City”. Trong mùa gần đây nhất của “Insecure”, Molly (Yvonne Orji) bị cướp bằng súng trong chiếc váy lệch vai kiểu của thập niên 1980 của Patrick Kelly. Trong “Euphoria”, các thiếu nữ mặc trang phục Y2K được giới trẻ săn lùng qua các ứng dụng bán lại. Và trong “Gossip Girl” bản reboot, các ngôi sao Gen-Z mang túi Fendi Baguettes và Dior Saddle – những chiếc túi đã từng làm mưa làm gió ở thập kỷ khi các diễn viên chào đời.

Bộ phim Euphoria đình đám tái hiện thời trang Y2K
Maddy và Cassie trong Bộ phim Euphoria

Theo truyền thống, các nhà thiết kế trang phục sử dụng phục trang từ nhiều thập kỷ trước để tạo hình nhân vật trong một thời đại cụ thể, sử dụng đường viền và phom dáng để đưa khán giả đến văn phòng theo phong cách mid-century của “Mad Men” hoặc phòng vẽ thời hậu Edwardian ở “Downtown Abbey”. Tuy nhiên, ngày nay khi ngày càng nhiều người tiêu dùng đón nhận đồ second-hand, nhiều người nhận thức tốt hơn về tác động của thời trang đến môi trường của quần áo, các buổi trình diễn đương đại đang chuyển sang hướng cổ điển để phản ánh phong cách hiện đại.

Động thái này có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ cũng như môi trường. Theo ước tính của Hiệp hội các nhà thiết kế trang phục, Hollywood hiện chi hơn 900 triệu đô la mỗi năm cho tủ quần áo phim ảnh và truyền hình. Các nhà thiết kế trang phục và các công ty bán lại đang tạo dựng quan hệ đối tác bên ngoài New York và Los Angeles để quá trình tìm nguồn cung ứng đồ cũ dễ dàng hơn, đồng thời thúc đẩy các hãng phim và công ty sản xuất ở Hollywood ưu tiên các nguồn hàng cũ khi dự chi ngân sách quần áo.

Jordan Alexander trong “Gossip Girl” bản reboot với chiếc túi Dior saddle bag
Savannah Smith trong “Gossip Girl” bản reboot với túi Ferragamo

Vì sao quần áo secondhand trở nên thịnh hành?

Cách đây không lâu, quần áo cũ vẫn mang một yếu tố “khó ưa” đối với nhiều người tiêu dùng. “Tôi cảm thấy như thể nếu Blair Waldorf nhìn thấy thứ gì đó cổ điển… cô ấy sẽ khịt mũi và quay sang hướng khác,” nhà thiết kế trang phục Eric Daman, người đã làm việc cho cả bản gốc và bản reboot của Gossip Girl chia sẻ. “Đó vẫn là thời đại của phong cách thời trang ‘càng nhiều càng tốt’, đặc biệt là những gì chúng tôi đang làm trên ‘Gossip Girl’, vì vậy cổ điển gần như không phù hợp hoặc được xem trọng như bây giờ.”


Tuy nhiên, đối với thanh thiếu niên 2022, mua sắm đồ secondhand thực tế lại rất phổ biến. Trên ứng dụng bán lại Depop được Etsy mua lại vào năm ngoái với giá 1,6 tỷ USD, 90% người dùng đang hoạt động dưới 26 tuổi. ThredUp dự đoán rằng thị trường đồ cũ toàn cầu sẽ trị giá 77 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 36 tỷ USD so với năm 2021.

ThredUp dự đoán rằng thị trường đồ cũ toàn cầu sẽ trị giá 77 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 36 tỷ USD so với năm 2021.

Khi thiết kế trang phục mùa thứ hai của “Euphoria”, nhà thiết kế trang phục Heidi Bivens cho biết cô không muốn người xem nhận ra một chiếc váy hoặc áo khoác từ cửa hàng cũ tại Nordstrom. Thay vào đó, có một nhóm nghiên cứu về các cửa hàng chuyên cho thuê trang phục, cửa hàng bán đồ vintage… để xây dựng hình tượng phù hợp với thời đại, vượt qua xu hướng hiện tại và phản ánh cá tính riêng của từng nhân vật.

Cơ hội cho thời trang vintage & secondhand

Có nhiều các hoạt động quy mô lớn đang khởi động để mang quần áo vintage và secondhand từ các khu chợ truyền thống bên ngoài đến trường quay Hollywood.

Vừa qua, trang thương mại trực tuyến trang phục Thrilling hợp tác với nhà thiết kế trang phục “Yellowstone” Ruth E. Carter đã công bố chương trình Studio Service mới nhằm kết nối các chuyên gia điện ảnh và truyền hình với gần 1.000 cửa hàng đồ vintage trên khắp cả nước. Các nhà thiết kế trang phục và nhà tạo mẫu phác thảo nhu cầu của họ cho một cộng sự tìm nguồn cung ứng tại Thrilling. Sau đó, người này sẽ gửi bản tin đến các cửa hàng trong mạng lưới của Thrilling, có thể gửi kèm các tùy chọn từ cả hàng tồn kho trực tuyến và ngoại tuyến của họ. Cuối cùng, Thrilling sẽ biên soạn một danh mục kỹ thuật số để nhà thiết kế hoặc nhà tạo mẫu xem xét đặt hàng.

“Hầu hết các nhà thiết kế trang phục không thể đi xa đến vậy,” Shilla Kim-Parker, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Thrilling cho biết. “Thông thường, họ tìm nguồn cung nơi chương trình đang quay. Chúng tôi lấy nguồn từ hơn 200 thành phố trên khắp Hoa Kỳ, vì vậy chúng tôi có thể lấy hàng từ một phạm vi sâu rộng hơn nhiều so với thực tế mà họ có thể tiếp cận.”

Sáng kiến ​​này cũng cung cấp cho các cửa hàng đồ cũ một nguồn doanh thu từ các trung tâm quay phim như New York và Los Angeles. Theo NARTS: The Association of Resale Professionals, có hơn 25.000 cửa hàng bán lại và ký gửi trên khắp Hoa Kỳ, nhiều hơn cả các cửa hàng của McDonald’s và Starbucks cộng lại. Hàng tồn kho ở ngoài kia khắp mọi nơi, nó chỉ cần được chỉ đường đến với bộ phận phục trang mà thôi.

Đồ vintage cũng lấp đầy khoảng trống của các nhà thiết kế 

Ian Drummond, chủ sở hữu của cửa hàng cho thuê quần áo vintage Ian Drummond Collection cho biết: “Nếu bạn muốn nhân vật của mình có chiều sâu, kết cấu và màu sắc, thì có rất nhiều thứ không còn được sản xuất nữa. Chúng tôi không còn những cửa hàng vải để bạn có thể vào mua 10 thước vải để làm một thứ gì đó tuyệt vời nữa.”

Ngay cả khi có sẵn các nguồn vật liệu, phong cách vintage tạo ra sự lựa chọn hấp dẫn hơn. Trong “Euphoria”, nhân vật Maddy (Alexa Demie) trong khi trông trẻ cho một cặp vợ chồng giàu có, đã chơi trò hóa trang mặc thử bộ sưu tập trong kho lưu trữ của Halston, Chanel và Thierry Mugler. Ban đầu, Bivens dự định gọi các nhà thiết kế cho các trang phục có trong cảnh dựng phim, nhưng trang phục cuối cùng lại đến từ Brynn Jones, chủ sở hữu của Aralda Vintage ở Los Angeles.

Một cảnh trong “Euphoria”, nhân vật Maddy (Alexa Demie) thử những bộ trang phục cao cấp…

“Tôi nghĩ có lẽ nhân vật này sưu tập đồ vintage. Bởi vì nếu cô ấy sưu tập đồ vintage, thì tôi có thể làm bất cứ điều gì,” Bivens cho biết. Tủ quần áo của các nhân vật trong phim rất được những người hâm mộ thời trang Euphoria yêu thích. Chỉ trong vài giờ sau khi phim phát sóng, các tài khoản Instagram của người xem đã theo dõi các bộ đồ tương ứng trên sàn diễn và xuýt xoa không ngớt trước chiếc váy màu tím Norman Norell được mặc bởi Samantha (Minka Kelly).

Maddy thử chiếc váy tím sequin từ Norman Norell trong bộ phim Euphoria

Để trang phục vintage xuất hiện quyến rũ trên màn ảnh 

“Để cho mượn những món đồ tinh tế có một không hai như thế, tôi phải thực sự tin tưởng những người mình đang làm việc cùng,” Jones nói. Các nhà thiết kế trang phục có xu hướng tránh sử dụng đồ vintage cho các cảnh nguy hiểm, diễn viên có thể khóc hay có những động tác có thể làm hỏng nó, đôi khi tai nạn vẫn xảy ra vì diễn viên phải trang điểm đậm và quay lại các cảnh nhiều lần liên tục. Trong những trường hợp khác, một cảnh quay có thể yêu cầu một bộ quần áo giống hệt nhau cho diễn viên chính và người đóng thế, đôi khi đến gần sát giờ mới phát sinh. 

Maddy và Cassie trong Bộ phim Euphoria

Phong cách cổ điển cũng đòi hỏi những cân nhắc đặc biệt. Rogers cười: “Bạn phải rất cẩn thận khi cho một người theo phong cách vintage mặc đồ vintage. Chẳng hạn như một chiếc áo khoác lông trên cơ thể một cô gái trẻ mơ màng sẽ rất quyến rũ. Nhưng nếu nhân vật nữ đó lớn tuổi hơn lại trông giống như đang mắc kẹt ở quá khứ hoặc đại loại như vậy.”

Andrew Bùi, đại lý đồ vintage có trụ sở tại Thành phố New York đã bán cho Rogers và Santiago bộ jumpsuit khét tiếng của Jean Paul Gaultier (cùng với một số mẫu khác trong chương trình), cho biết các nhà thiết kế trang phục chuyển sang các bộ sưu tập giống như của anh ấy vì nhiều lý do giống các nhà thiết kế thời trang đương đại. Ông nói: “Các phong cách đang được tạo ra bây giờ về cơ bản là bản sao của quá khứ. Tôi có thể tự tin nói điều đó vì tôi bán chúng cho các nhà thiết kế mà. Vậy tại sao không lấy bản gốc nổi bật cơ chứ?”

Thực hiện: Bảo Long