Tôn vinh tinh thần thể thao với 6 bộ phim “kinh điển” về Olympic
Ngày đăng: 02/08/24
Sáu bộ phim đa thể loại về Olympic sau đây thể hiện những góc nhìn rất riêng, từ truyền cảm hứng đến tái hiện lịch sử, nhưng tất cả đều mang đến những dư vị “nhân sinh” sâu sắc.
Olympic là cuộc thi thể thao lớn nhất hành tinh với mục đích tôn vinh tinh thần thể thao, sự nỗ lực không ngừng nghỉ và sức mạnh phi thường của con người. Để hòa nhịp cùng mùa Thế vận hội hừng hực, cùng khám phá 6 bộ phim “kinh điển” đa thể loại về đề tài Olympic sau đây.
Chariots of Fire (1981)
Dùng ngôn ngữ thể thao để truyền cảm hứng và thể hiện những góc nhìn sâu sắc, Chariots of Fire vươn lên hàng kinh điển khi được đề cử bảy giải Oscar và chiến thắng bốn hạng mục bao gồm cả “Phim hay nhất”. Kinh điển điện ảnh năm 1981 là bộ phim chính kịch thể thao lịch sử do Hugh Hudson đạo diễn.
Bộ phim khai thác đề tài điền kinh, kể câu chuyện có thật về Harold Abrahams và Erick Liddell, đại diện cho đội tuyển điền kinh Vương quốc Anh tham gia Olympic 1924. Hai vận động viên cùng chia sẻ chung tình yêu dành cho chạy bộ, song lý do để chạy của họ thì khác nhau. Bộ phim còn trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng, ngay cả với những người không say mê điện ảnh, nhờ vào bản nhạc nền bất hủ của Vangelis.
The Cutting Edge (1992)
Dành cho những ai yêu thích dòng phim thể thao và lãng mạn, “The Cutting Edge” là một bộ phim ra mắt năm 1992 do Paul Michael Glaser đạo diễn. Phim kể về mối quan hệ giữa Kate Moseley, một vận động viên trượt băng nghệ thuật giàu có với tính tình khó ưa, và Doug Dorsey, một cựu vận động viên khúc côn cầu chuyên nghiệp, phải giải nghệ sau một chấn thương không mong muốn.
Cả hai gặp nhau và trở thành bạn đồng hành trong bộ môn trượt băng nghệ thuật. Bộ phim khắc họa tinh thần thể thao mãnh liệt và câu chuyện lãng mạn về sự kết nối sâu sắc trong thế giới nội tâm của cả hai. Bất chấp những khác biệt kéo họ về hai cực lúc ban đầu, những thử thách và đam mê dành cho thể thao đã kết dính hai tâm hồn lại với nhau.
Eddie the Eagle (2016)
“Tôi đã luôn bị xua đuổi trước khi tôi có cơ hội được thể hiện bản thân” – trích từ lời thoại trong phim, Eddie Edwards.
Eddie the Eagle (2016) là câu chuyện có thật về cuộc đời truyền cảm hứng của “kẻ yếu thế” Eddie. Tuy sinh ra với chứng khó đi lại, và phải điều trị y tế trong thời gian dài nhưng từ khi còn nhỏ, Eddie đã luôn khao khát về giấc mơ Olympic. Với điều kiện sức khỏe bẩm sinh, “giấc mơ bong bóng” này tưởng chừng như tan vỡ, đặc biệt khi mọi người xung quanh đều phản đối. Bất chấp, Eddie vẫn nuôi lớn tình yêu dành cho thể thao từng ngày bằng niềm tin và đam mê bất diệt của mình. Liệu “chú chim non” Eddie có thể hóa thành đại bàng, sải cánh trên bầu trời tự do của giấc mơ thành hiện thực, hay giấc mơ chỉ mãi là giấc mơ?
Foxcatcher (2014)
Foxcatcher (2014) là bộ phim tâm lý hư cấu dựa trên sự kiện và nhân vật có thật. Đây là câu chuyện ly kỳ về vụ án tỷ phú John du Pont sát hại đô vật Dave Schultz, gây chấn động nước Mỹ năm 1996. Xoay quanh ba nhân vật: tỷ phú John du Pont, hai anh em cựu đô vật Mark Schultz và Dave Schultz. Chuỗi sự kiện khởi đầu bằng việc đô vật Olympic Mark Schultz tham gia vào viện đào tạo tư nhân của tay tỷ phú, sau khi nghe những hứa hẹn “có cánh” về một tương lai giàu có và nổi danh thế giới.
Đi ngược với hy vọng tươi sáng của Mark là kết cục bi thảm của người anh trai Dave khi bị sát hại bởi kẻ mà anh cho là “ân nhân”, tỷ phú John du Pont. Phim khai thác góc nhìn tâm lý căng thẳng thông qua ba nhân vật trung tâm, qua những cảnh phim nhuốm màu sắc tăm tối, đạo diễn thành công thể hiện những lát cắt đa chiều về sự kiểm soát, tham vọng thông qua câu chuyện thể thao.
I, Tonya (2017)
I, Tonya là bộ phim tiểu sử, hài châm biếm do Craig Gillespie đạo diễn. Cũng chính vai diễn Tonya lần này đã giúp Margot Robbie lần đầu tiên được đề cử giải Oscar và mở đầu cho những thành công sau này của nữ diễn viên. Phim kể lại câu chuyện cuộc đời của cựu vận động viên trượt băng nghệ thuật Tonya Harding và mối liên hệ của cô với cuộc tấn công đối thủ Nancy Kerrigan năm 1994.
Tái hiện xuất sắc những góc khuất và câu chuyện đằng sau vụ bê bối chấn động, Margot Robbie đã lột tả xuất thần một Tonya với những lát cắt rất “con người” với nhiều cảm xúc hỗn tạp đan xen. Những cảnh phim dồn dập cung bậc cảm xúc, mang đến cái nhìn mở và sâu hơn cho khán giả đối với sự kiện đã khiến cả sự nghiệp của nữ vận động viên sụp đổ.
Munich (2005)
Vượt ra ngoài tinh thần thể thao, Munich 2015 là bộ phim sử thi lịch sử (epic historical drama film) về sự kiện khủng bố đau thương nhất lịch sử Olympic. Tại Thế vận hội Olympic 1972 ở Munich, 11 vận động viên người Israel đã bị bắt cóc và sát hạt bởi một nhóm khủng bố người Palestine có tên là Black September nhằm đổi lấy sự tự do cho 234 tù nhân đồng hương. Giận dữ trước sự kiện này, chính phủ Israel tuyển dụng một nhóm đặc vụ Mossad để truy lùng và trừng phạt những kẻ liên quan đến Black September.
Sau những khung hình chân thực và đen tối, bộ phim chính là lời cầu nguyện cho hòa bình khi lột tả sự tàn nhẫn của chiến tranh và khủng bố. Để cuối cùng, chúng ta nhận ra rằng trả thù và bạo lực chỉ là một vòng luẩn quẩn vô nghĩa. Những gì nó đem lại không phải là sự hả hê chiến thắng, mà chỉ là sự hủy diệt, cho tất cả những người liên quan.
Thực hiện: Lenna