Phụ nữ Pháp nghĩ gì về thời trang trong phim “Emily in Paris”?
Ngày đăng: 28/10/20
Khi nhắc đến nước Pháp, chúng ta thường nhắc đến kinh đô thời trang Paris, truyền tai nhau về những cô nàng “Parisian chic” luôn bước ra đường với một đôi môi đỏ quyến rũ, lông mi cong vút và mái tóc rối tự nhiên – một vẻ đẹp rất Pháp mà không “cố” quá. Rồi họ lại thủ thỉ cho nhau nghe về những chàng trai Pháp lãng tử, lịch thiệp túa ra đầy đường cứ như một đoàn diễu hành. Và rồi giờ đây, chúng ta có thêm hình tượng mới: búp bê Barbie nước Mỹ đặt chân lên đất Pháp.
Với những cô nàng chưa từng đến hay thậm chí ở đủ lâu tại Paris, hẳn các cô phải nghiến răng nghiến lợi trầm trồ và khao khát những món đồ thời trang trong “Emily in Paris”. Thế nhưng đối với phụ nữ Pháp, họ chưa từng chứng kiến một cô gái nào ăn mặc như Emily trên đường phố của Paris, chưa nói gì đến chốn văn phòng công sở (riêng Tuần lễ thời trang Paris mới là ngoại lệ).
Thói quen của phụ nữ Pháp là tuân theo nguyên tắc “cộp mác” Coco Chanel: “Trước khi ra đường, hãy nhìn vào gương và bỏ bớt một thứ đồ ra khỏi người.” Emily chưa từng bỏ cái gì ra khỏi người trước khi ra đường. Thay vào đó, cô ấy móc lên người nào là găng tay, mũ beret, bốt trắng cao cổ… hệt như một cây sào đồ.
Stéphanie Delpon – Đồng sáng lập của agency Pictoresq, một cô gái Pháp chia sẻ: “Nói ngắn gọn, Emily không phải style của tôi. Không phải đồ cô ấy mặc không đẹp hay tôi không thích, mà là sự kết hợp của tất cả những món đó cùng nhau: chiếc khăn lụa hồng, rồi chiếc mũ hồng tím, mái tóc uốn xoăn và những họa tiết rực rỡ diêm dúa chồng chéo lên nhau.” Thế nhưng, Stéphanie rất sẵn lòng bổ sung một vài trong số những món đồ đó của Emily vào tủ đồ của mình, nhất là chiếc túi màu sắc nổi bật của Chanel (chắc là được tài trợ bởi một quý nhân bí ẩn nào đó, motif điển hình trong phim của Darren Star). Như mọi cô gái Pháp điển hình, họ sẽ kết hợp món đồ nổi bật đó với một set đồ đơn giản hơn thay vì trở thành một chiếc kính vạn hoa di động. “Một điểm đáng nói trong phong cách Pháp đó là tạo khoảng trống để thở, để cho nét đẹp tự nhiên có thể bộc lộ.”
Mathilde Carton, tổng biên tập của tờ tạp chí Pháp Grazia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, phong cách của “Emily in Paris” rất xa rời thực tế, từ phương diện thời trang lẫn phương diện ứng dụng. “Với góc độ thời trang, phong cách của Emily quá nổi bật, quá phô trương và không linh hoạt để mặc được cả ngày.” Đôi giày cao gót lêu khêu mà Emily mang không phù hợp để đi lại trên đường phố Paris mỗi ngày khi mà tình trạng kẹt xe và đông đúc luôn diễn ra hằng ngày.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng thời trang của Emily in Paris khác biệt đến vậy là để nhấn mạnh sự khác biệt giữa cô và những cô gái Pháp. “Quần áo của cô ấy chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh xung quanh, hệt như tính cách không muốn hòa nhập của cô ấy.”
Còn sếp của Emily, bà Sylvie ngoại trừ việc bị nhận nhiều lời chê bai về những chiếc đầm quá quyển rũ, trang sức lồng lộn và tính cách hống hách thì nhìn chung phong cách cũng có thể chấp nhận được. Nhiều chỉ trích tập trung về cách mà hình tượng của người Pháp được xây dựng trong “Emily in Paris”: ngớ ngẩn, ngu dốt và phân biệt chủng tộc. Và nó khiến người Pháp khi xem “Emily in Paris” phải tức giận.
Tuy nhiên, series “Emily in Paris” cũng phác họa đúng nhiều thực trạng trong ngành công nghiệp thời trang xa hoa này. Đó là sự căng thẳng giữa thế hệ người dùng mạng xã hội với cánh báo chí truyền thống, những cuộc họp ồn ào khi phải đấu tranh như Emily chống lại những ảo tưởng lẫn phân biệt giới tính mà đàn ông áp đặt lên phụ nữ, vẽ vời lên những chiến dịch quảng bá mà phụ nữ chẳng hề cảm thấy liên quan hay đồng cảm.
Thế nhưng, nhiệt huyết và cách làm việc của Emily in Paris có thực sự đáng để làm theo? Ở Pháp, người ta không chân ướt chân ráo bước đến nơi làm việc và phê bình tất cả mọi thứ ở đây trước khi thực sự tìm hiểu cách vận hành của nơi đó. Điều đó là ngạo mạn với cái tôi quá cao. Thế nhưng, thái độ không từ bỏ, đấu tranh đến cùng cho điều cô tin tưởng cũng là một cảm hứng to lớn dành cho các cô gái Pháp, vốn sẽ rút lui, từ bỏ vì thiếu sự tự tin, sự táo bạo và nhiệt huyết rất Mỹ đó.
Tựu chung, “Emily in Paris” vẫn là một cô gái thú vị, một hình tượng điện ảnh được phác họa có phần hơi màu mè nhưng vẫn chứa đựng những thông điệp ý nghĩa, đầy cảm hứng dành cho những cô gái không chỉ ở Paris hoa lệ, New York phồn hoa mà là trên toàn thế giới.
Lược dịch: Đỗ Mỹ
Theo bài viết How the French Really Feel About Emily in Paris’s Style của Marina Khorosh, tác giả cuốn hồi ký Love in Translation đăng trên Vogue.