Pieter Mulier – Làn gió tươi trẻ thổi vào ngôi đền Maison Alaïa
Ngày đăng: 04/03/21
Nội giới thời trang vẫn chưa hết ngạc nhiên và vui mừng sau công bố của Maison Alaïa (Azzedine Alaïa): nhà thiết kế Pieter Mulier sẽ trở thành Giám đốc sáng tạo của thương hiệu. Từ anh chàng thực tập tại Raf Simons đến vị trí cao nhất tại một trong những nhà mốt huyền thoại của Paris, câu chuyện về Pieter Mulier đã truyền tải một thông điệp đầy cảm hứng.
Đầu tháng Hai vừa qua, thương hiệu Azzedine Alaïa đã thông báo Pieter Mulier sẽ trở thành Giám đốc sáng tạo mới kể từ sau bi kịch ra đi của nhà sáng lập. Đối với những người yêu mến các thương hiệu Raf Simons, Jil Sander, Dior và Calvin Klein, chúng ta đều biết đến Pieter Mulier, hoặc chí ít là nhìn thấy anh luôn sóng đôi cùng Raf Simons qua bộ phim “Dior and I”.
Pieter Mulier là ai?
Sinh ra ở Bỉ, Mulier vốn không phải là sinh viên thiết kế thời trang, mà theo học tại Institut Saint-Luca ở Brussels, một trường đại học đã đào tạo ra rất nhiều các họa sĩ truyện tranh và họa sĩ minh họa nổi tiếng. Nhưng Mulier không theo học các ngành đồ họa hay minh họa. Thay vào đó, anh chọn nghiên cứu về kiến trúc, trong khi Raf Simons học ngành thiết kế công nghiệp tại LUCA School of Arts.
Mulier bắt đầu thực tập tại Raf Simons trong quá trình tạo ra bộ sưu tập Virginia Creeper mùa Thu năm 2002. Kể từ đó, Mulier thường xuyên hiện diện bên cạnh Simons. Anh trở thành nhà thiết kế chính của thương hiệu vào năm 2003, giám sát các bộ sưu tập menswear của hãng cho đến năm 2010. Từ năm 2006 đến năm 2009, anh đảm nhiệm vai trò cố vấn tại Jil Sander, nơi Raf Simons là Giám đốc sáng tạo, và trở thành thành viên chính thức vào năm 2010. Khi Simons rời Jil Sander vào năm 2012, Mulier đã đi cùng anh; họ trở lại với thời trang cao cấp chưa đầy một năm sau đó sau khi được bổ nhiệm tại Christian Dior.
“Nó phát triển từ tình đồng nghiệp thành tình bạn” – Mulier nói với tạp chí Another vào năm 2015 về mối quan hệ của anh với Simons. “Anh ấy đã dạy tôi rất nhiều về nghệ thuật – tài liệu tham khảo của anh ấy có rất nhiều về nghệ thuật và kiến trúc. Tôi cảm thấy thật may mắn vì điều này sẽ hữu ích đối với tôi.”
Khi thời gian làm việc của cả hai tại Calvin Klein kết thúc vào năm 2018, họ quay trở lại Antwerp, Bỉ. Nhưng trong khi Simons tiếp tục làm việc tại thương hiệu cùng tên của mình, Mulier như đang tìm kiếm một lối đi riêng. Tuy đã có sự tái xuất tuyệt vời với màn ra mắt tại Prada mùa Xuân-Hè 2021, Raf Simons đã không thể cùng bước đi với Mulier trước sự tiếc nuối của người hâm mộ bộ đôi này. Nhiều người cho rằng có thể anh đang chờ đợi một vị trí xứng đáng hơn cái danh “cánh tay phải của Raf Simons”.
Làn gió tươi mát thổi vào ngôi đền cổ kính của Paris
Vượt ra khỏi định nghĩa của một nhà thiết kế thời trang, Azzedine Alaïa được ví như “nhà điêu khắc cơ thể”, sánh ngang với những công trình của Rodin và Michelangelo. Ông là người tạo nên những mẫu đầm ôm sát, lột tả vẻ đẹp của những đường cong trên cơ thể, đồng thời thách thức quan niệm về sự nữ tính. Là một nhà sáng tạo, Alaïa không ngừng phát triển các thiết kế của bản thân. Ông cũng là nhà thiết kế đầu tiên tháo cởi mình khỏi những quy tắc và lịch trình của tuần lễ thời trang truyền thống năm 1992 để chỉ ra mắt các bộ sưu tập khi ông cảm thấy đã sẵn sàng. Với những mối quan hệ thân thiết nổi tiếng với các siêu mẫu như Naomi Campbell, Claudia Schiffer và Stephanie Seymour, Alaïa đã trở thành ông vua của sự quyến rũ và tinh thần sang trọng thập niên 80.
Mặc dù Maison Alaïa chưa bao giờ phải đóng cửa, nhưng nó đã chìm trong sự im lặng đủ lâu để tìm lại ánh hào quang như khi đấng sáng lập còn lèo lái thương hiệu. Các bộ sưu tập gần nhất của Maison Alaïa thường được ra mắt với dạng lookbook. DNA của Alaïa vẫn được gìn giữ trọn vẹn và được pha trộn với thẩm mỹ đương đại để phù hợp với khách hàng ngày nay hơn.
Gần đây, thương hiệu đã gây nên hiệu ứng truyền thông với sản phẩm âm nhạc mới của Normani. Trong bài hát “WAP”, Normani mặc một bộ quần áo houndstooth đen trắng với một chiếc mũ nồi, găng tay và giày cao gót. Bộ trang phục là thiết kế nổi bật trong bộ sưu tập Tati năm 1991 của nhà thiết kế Azzedine Alaïa.
Một “phát ngôn viên” khác của thương hiệu không ai khác chính là Kim Kardashian. Cô đã mặc các thiết kế của Alaïa rất nhiều lần, đáng chú ý nhất là bộ quần áo da báo từ bộ sưu tập Thu-Đông 1991.
Trong một tuyên bố trước báo giới, Mulier nói rằng “luôn đi trước thời đại và cởi mở với mọi nền văn hóa và nghệ thuật, tầm nhìn mạnh mẽ của Azzedine Alaïa đã trở thành nguồn cảm hứng, vì ông luôn tìm cách dành thời gian cần thiết cho những sáng tạo đổi mới và trường tồn với thời gian”.
Sự ra đi của Azzedine Alaïa vào năm 2017 phủ lên thương hiệu và những hâm mộ một tấm bi kịch, người ta cứ mãi suy đoán về tương lai của thương hiệu: sẽ bị phân chia, phá sản rồi chìm vào quên lãng hay hồi sinh đầy rực rỡ như Dior, Chanel hay Thierry Mugler?
Có vẻ như Pieter sẽ là người cho ta câu trả lời. Gần ba năm sau khi Alaïa qua đời, quyết định bổ nhiệm Mulier để làm rung chuyển ngành công nghiệp thời trang với những thiết kế của anh cho thương hiệu đang được tất cả kỳ vọng vô cùng lớn. Với nền tảng kiến thức được tích lũy từ rất nhiều nhà thiết kế lớn hiện nay, Mulier chắc chắn sẽ tiếp tục hình ảnh của một Maison Alaïa bóng bẩy, gợi cảm mà chúng ta đã yêu thích.
Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: Sưu tầm