Place to go: Khám phá 6 điểm đến lưu giữ ký ức lịch sử tại Sài Gòn

Ngày đăng: 21/04/25

Trước thềm lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, hãy cùng Style-Republik khám phá 6 địa điểm lịch sử cho dịp lễ này nhé!

Năm nay, dịp lễ 30/4 không chỉ là kỳ nghỉ dài ngày mà còn là cột mốc tròn 50 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nơi tổ chức lễ diễu binh vào sáng 30/4, dự kiến diễn ra tại tuyến đường Lê Duẩn và khu vực trước Dinh Độc Lập.

Trước thềm đại lễ là dịp lý tưởng để bạn dạo bước qua những “tọa độ lịch sử” giữa lòng thành phố – nơi thời gian như lắng lại, lưu giữ những ký ức vàng son của dân tộc. Hãy để mỗi bước chân là một lần lắng nghe lịch sử vọng về, để cảm nhận sâu sắc hơn khí thế hào hùng, và nuôi dưỡng niềm tự hào mang tên Việt Nam.

Dinh Độc Lập

Là công trình do viên Thống đốc Pháp La Grandière cho khởi công xây dựng tại miền Nam Việt Nam, tòa dinh thự này là một trong những kiến trúc tiêu biểu và lâu đời nhất của Thành phố Hồ Chí Minh với lịch sử tồn tại hơn 150 năm. Nơi đây từng chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng của đất nước. Trước năm 1975, Dinh là nơi làm việc và sinh sống của Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Đến ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng được cắm lên nóc dinh, đánh dấu thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam – thống nhất đất nước.

Khác với kiến trúc uy nghiêm bên ngoài, bên trong Dinh là những lớp lang trầm tích của lịch sử. Từ hành lang, phòng họp đến hầm trú ẩn và cả những chi tiết nội thất vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn so với trước đây.

  • Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1
  • Giờ mở cửa: 8h00 đến 15h30 (các ngày trong tuần)
dinh độc lập
(Ảnh: @_dawnie.media)
dinh độc lập
(Ảnh: @benowenshat)
dinh độc lập
(Ảnh: @phurret)
dinh độc lập
(Ảnh: @phurret)

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Là một trong những công trình công cộng đầu tiên được xây dựng tại Sài Gòn cuối thế kỷ 19 và là “trung tâm thông tin” lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong suốt thế kỷ 20, Bưu điện Trung tâm đánh dấu bước phát triển của hệ thống liên lạc hiện đại thời Pháp thuộc. Tại đây, những bức điện tín đầu tiên được gửi đi khắp thế giới, kết nối Sài Gòn với các trung tâm thương mại, quân sự và chính trị toàn cầu.

Được thiết kế bởi kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux, tòa nhà Bưu điện Trung Tâm mang phong cách kiến trúc chiết trung, kết hợp giữa nghệ thuật phương Tây và hồn túy phương Đông với mặt tiền màu vàng nhạt, mái vòm cao và các chi tiết sắt uốn cong tinh xảo. Bên trong là trần nhà vòm rộng lớn với các bản đồ viễn thông cổ và quầy dịch vụ được bảo tồn nguyên vẹn, tạo nên một không gian vừa cổ kính vừa hiện đại.​ Việc công trình vẫn hoạt động đến ngày nay là điều đáng tự hào, như một minh chứng sống động cho khả năng gìn giữ di sản đô thị giữa lòng thành phố hiện đại. Tại đây du khách có thể trải nghiệm viết thư tay vô cùng thú vị và gửi đi khắp nơi trên thế giới. 

  • Địa chỉ: 2 Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1
  • Giờ mở cửa: 7h – 19h (thứ 2 – 6) | 7h – 18h (thứ 7) | 8h – 18h (Chủ nhật)
bưu điện trung tâm sài gòn
(Ảnh: @nhan.0205)

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Đây là một trong những công trình tôn giáo đầu tiên và lớn nhất xứ Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không chỉ phản ánh ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo tại Đông Dương mà còn là biểu tượng tinh thần và kiến trúc giữa lòng thành phố. Dưới bàn tay kiến tạo của kiến trúc sư người Pháp J. Bourard, công trình được khởi công năm 1863 và hoàn thiện ba năm sau đó. Toàn bộ công trình được xây dựng theo lối kiến trúc Roman – Gothic với bố cục đối xứng, mái vòm cao vút, những ô cửa sổ kính màu và tháp chuông đôi vươn lên giữa lòng thành phố như hai ngọn giáo linh thiêng. 

Không gian thánh đường bên trong đầy trang nghiêm với thiết kế có thể chịu lực gấp 10 lần toàn bộ khối kiến trúc. Nội thất chia thành một lòng chính, hai lòng phụ và các dãy nhà nguyện, đủ sức chứa đến 1.200 người trong các buổi lễ lớn. Những bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối, cùng 56 ô kính màu nhập từ Pháp được ghép thành những bức tranh thánh sống động. 

  • Địa chỉ: 1 Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1
  • Giờ mở cửa: Hiện đang trong quá trình trùng tu, không đón khách vào tham quan bên trong. Tuy nhiên, khu vực bên ngoài vẫn là điểm check-in yêu thích của du khách.

nhà thờ đức bà

nhà thờ đức bà
(Ảnh: @_l.stuffs)
nhà thờ đức bà
(Ảnh: @_l.stuffs)

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nằm trong hệ thống Bảo tàng vì hòa bình thế giới và Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM). Ra đời ngay sau năm 1975, ây là nơi lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, hình ảnh, phim ảnh về hậu quả chiến tranh, tội ác diệt chủng, vũ khí và phương tiện chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam,…

Ngoài các không gian trưng bày trong nhà, khu vực ngoài trời bố trí nhiều khí tài quân sự từng được sử dụng trong chiến tranh như máy bay A-37, xe tăng M48, xe thiết giáp M113 và các khẩu pháo lớn. Một số chuyên đề khác như “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến” cũng giới thiệu hơn 100 bức ảnh và hiện vật từ các quốc gia đã đồng hành cùng Việt Nam, bao gồm biểu ngữ, thư từ và áp phích phản đối chiến tranh. Toàn bộ được tổ chức theo hệ thống hiện đại, mang tính nghiên cứu cao, không chỉ tái hiện ký ức lịch sử đầy đau thương về cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà còn tái hiện rõ nét hành trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

  • Địa chỉ: 28 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3
  • Giờ mở cửa: 7h30 – 17h30 (tất cả các ngày trong tuần)
bảo tàng chứng tích chiến tranh
(Ảnh: @chupchoetsaigon)
bảo tàng chứng tích chiến tranh
(Ảnh: @chupchoetsaigon)

Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh

Thành lập năm 1929, tiền thân là Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse, nơi đây là một trong những cơ sở khảo cổ đầu tiên tại Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM được xây dựng theo lối kiến trúc Đông Dương điển hình vào đầu thế kỷ XX. Không gian trưng bày bên trong được tổ chức theo dòng thời gian lịch sử 40.000 hiện vật độc đáo từ thời tiền sử, sơ sử đến các giai đoạn hình thành và phát triển của Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 (1945).

Bên cạnh lịch sử Sài Gòn – Gia Định, bảo tàng còn giới thiệu các nền văn hóa cổ như Sa Huỳnh, Óc Eo, Chămpa và Khmer thông qua hệ thống hiện vật phong phú gồm tượng đá, đồ gốm, trang sức, vũ khí… Các bộ sưu tập được sắp xếp theo chủ đề rõ ràng, giúp người xem dễ dàng hình dung tiến trình lịch sử, từ lớp trầm tích văn hóa bản địa đến những thay đổi dưới sự ảnh hưởng phương Tây. Đây là một trong số ít bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh mang lại cái nhìn toàn diện và có hệ thống về lịch sử – văn hóa của miền Nam Việt Nam.

  • Địa chỉ: 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1
  • Giờ mở cửa: Thứ Ba – Chủ Nhật: 08:00 – 11:30 và 13:00 – 17:00 (đóng cửa thứ Hai)
@tusangtoichieu [Museum Tour Ep. 1] | Bảo tàng lịch sử TPHCM: Nơi lưu giữ di sản văn hóa dân tộc | #baotang #museum #saigon #baotanglichsutphcm #vanhoa #lichsu #fyp #xuhuong ♬ nhạc nền – Từ sáng tới chiều – Từ Sáng Tới Chiều

bảo tàng lịch sử
(Ảnh: @historymuseum.hcmc)
bảo tàng lịch sử
(Ảnh: @historymuseum.hcmc)

Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Nằm trong một dinh thự cổ xây dựng từ thập niên 1920, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí inh là một trong những công trình kiến trúc dân dụng kiểu Pháp hiếm hoi còn nguyên vẹn tại thành phố. Tòa nhà ba tầng với mái ngói Đông Dương, cầu thang gỗ uốn lượn và hệ cửa kính màu nghệ thuật tạo nên không gian vừa cổ kính, vừa trang nhã.

Bên trong bảo tàng là không gian trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng và cổ vật từ nhiều thời kỳ khác nhau, nổi bật là các tác phẩm của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí hay Trần Văn Cẩn. Không gian trưng bày được giữ nguyên kiến trúc biệt thự ban đầu, tạo cảm giác gần gũi, như một cuộc dạo chơi qua các thời đoạn mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Đây cũng là địa điểm thu hút những người yêu nghệ thuật và kiến trúc, đồng thời là nơi lưu giữ những dấu ấn quan trọng của mỹ thuật đô thị Sài Gòn xưa.

  • Địa chỉ: 97A Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1
  • Giờ mở cửa: 08h – 17h (các ngày trong tuần) 
@phutlela Ở SG không biết đi đâu, chơi gì, thì mình thử đổi không khí đi bảo tàng mỹ thuật Tp. HCM đi, trong này cũng có nhiều thứ hay ho lắm, nhiều góc sống ảo nữa #traveltiktok #travel #saigon #baotangmythuat #phutlela ♬ nhạc nền – michavintage

bảo tàng mỹ thuật
(Ảnh: @tnwsr)
(Ảnh: @tnwsr)

Thực hiện: Amelia