Sọc đỏ, kẻ trắng, và những ngôi sao – quốc kỳ Anh Quốc và Hoa Kỳ nhưng dưới lăng kính sáng tạo của các nhà thiết kế thời trang

Ngày đăng: 22/08/24

Đôi khi thể hiện lòng yêu nước, đôi lúc lại ẩn giấu tinh thần phản kháng, trong vũ trụ thời trang, quốc kỳ của Anh Quốc và Hoa Kỳ từ lâu đã trở thành một xu hướng phổ biến cùng tầng ý nghĩa sâu sắc đằng sau. 

Đằng sau những lá cờ bằng vải, quốc kỳ của mỗi quốc gia được xem là một biểu tượng cho lòng tự tôn dân tộc, cho bản sắc, con người và văn hóa. Trong “sàn đấu” Olympic Paris 2024 vừa qua, làng mốt được chiêm ngưỡng những lá cờ nước được lồng ghép tinh tế trên đồng phục thi đấu, xuất hiện như một chi tiết tinh tế (nhưng lại ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc) trên móng tay, cũng như màu tóc. Tuy nhiên, vượt khỏi đồng phục của các đội tuyển trong nhiều cuộc thi thể thao, quốc kỳ vốn là một họa tiết phổ biến và có bề dày phát triển đặc sắc trong tích sử thời trang. 

Khi phong trào thời trang Indie Sleaze – trào lưu phổ biến từ những năm 2000 đến 2010, bỗng được tái sinh vào đầu mùa thu năm ngoái, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất bởi các tín đồ đam mê thẩm mỹ này chính là: “vậy điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bắt đầu mặc lại những chiếc quần, cái áo có họa tiết quốc kỳ Anh và cờ nước Mỹ chứ?”

Indie Sleaze được đặt tên từ dòng nhạc indie, phát triển mạnh mẽ ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cũng nhờ vào  các ban nhạc phổ biến từ Strokes, Arctic Monkeys đến Libertines. Dưới sân khấu trình diễn của họ là đám đông người hâm mộ mặc áo phông, mũ và túi – tất cả đều có họa tiết lá cờ của Liên hiệp Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lá cờ đó không tượng trưng cho lòng yêu nước, thay vào đó là “tiếng nói” của sự nổi loạn từ một cộng đồng nhỏ bé trong xã hội. Họa tiết quốc kỳ trong tủ quần áo Indie Sleaze còn là cách để người mặc thu hút sự chú ý của những người có quyền lực, đặc biệt là trong thời kỳ đen tối năm ấy. 

Ở Anh Quốc, họa tiết quốc kỳ đã xuất hiện từ những năm bảy mươi, bắt đầu là một biểu tượng của văn hóa thanh thiếu niên trong kỷ nguyên Punk. Nó còn xuất hiện phổ biến từ đường phố và sân khấu của các ban nhạc cá tính như Who hay Rolling Stones, và trở thành mảnh ghép thời trang không thể thiếu của những người theo chủ nghĩa Punk, đặc biệt là nhóm nhạc Sex Pistols.

Sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến Punk mà bỏ qua mọi cống hiến của “nữ hoàng tóc đỏ”. Đúng như dự đoán, vì là người đóng góp cho phong trào và thành công của ban nhạc Sid Vicious cùng với Malcolm McLaren, chính Vivienne Westwood là nhà thiết kế thời trang đưa lá cờ Liên hiệp Vương quốc Anh lên sàn diễn. Đối với một người theo chủ nghĩa Punk, việc mặc lá cờ Anh là đỉnh cao của sự châm biếm, một trò đùa, mỉa mai và thiếu tôn trọng nặng nề với một quốc gia, đặc biệt là nó được in trên những thiết kế DIY rách rưới hay được cố định bằng nhiều chiếc ghim băng. Đó là một xu hướng khiêu khích cho đến khi Westwood mang nó đến Tuần lễ thời trang cùng ngôn ngữ của phong cách rococo, mặc dù bản thân bà là một phần của nền văn hóa phụ. 

Nhưng phải đến những năm 90, họa tiết quốc kỳ Anh mới thực sự khẳng định vị thế của nó, trở thành hình ảnh chủ chốt của bối cảnh nhạc Britpop, thâm nhập vào cả văn hóa nhạc pop và bối cảnh thời trang chính thống. Ginger Spice đã cùng các bạn trong ban nhạc của mình lên sân khấu tại Giải thưởng Brit năm 1997 trong chiếc váy Union Jack, do chính nữ ca sĩ tự may từ khăn trải bàn uống trà. Thiết kế không chính thống này đã đi vào lịch sử như một trong những khoảnh khắc thời trang đáng nhớ nhất mọi thời đại.

Dua Lipa đã sao chép vẻ ngoài mang tính biểu tượng này cho màn trình diễn năm 2021 của cô. Nó được các ban nhạc như Oasis đưa trở lại sân khấu, và sau đó là Kate Moss trong kỷ nguyên Indie Sleaze. Không có gì ngạc nhiên khi diện mạo mang tính biểu tượng của Geri đã ngay lập tức truyền cảm hứng cho các sàn diễn, với Naomi Campbell bước lên sàn diễn Tuần lễ thời trang London cùng năm đó trong chiếc áo len Union Jack của Clements Riberio.

Năm 1997 cũng chứng kiến ​​Liam Gallagher và vợ Patsy Kensit âu yếm nhau dưới chăn Union Jack trên trang bìa tạp chí Vanity Fair của Hoa Kỳ với tiêu đề: “London Swings Again”. Với họa tiết được cả Spice Girl, các ngôi sao nhạc rock và sàn diễn thời trang chấp thuận, nó đã tạo nên một xu hướng thời trang lớn kéo dài suốt những năm 2000. Jenny Packham đã mang đến cho họa tiết một vẻ ngoài sang trọng, đưa chiếc váy Union Jack thanh lịch xuống sàn diễn tại Tuần lễ Milan Paris năm 2006. Và Alexander McQueen, người bất đồng chính kiến ​​​​lớn của thời trang cao cấp, một nhà thiết kế yêu nước đã in lá cờ của đất nước mình cùng với khuôn mặt của Nữ hoàng Elizabeth II trên một chiếc váy FW09 (nhưng trước đó, vào những năm 90, họa tiết này cũng đã được xuất hiện trên một chiếc áo khoác trong buổi biểu diễn của David Bowie). Trong suốt nhiều năm qua, Jean Paul Gaultier, Moschino, Gucci, Louis Vuitton,…cũng đã không ít lần đem quốc kỳ nước Anh lên sàn diễn cùng hàng loạt cách diễn giải khác nhau. 

Trong suốt nhiều năm qua, Jean Paul Gaultier, Moschino, Gucci, Louis Vuitton,…cũng đã không ít lần đem quốc kỳ nước Anh lên sàn diễn cùng hàng loạt cách diễn giải khác nhau. 

Cho đến ngày nay, trên sàn diễn cũng như trên đường phố London, Union Jack được các nhà thiết kế, người sáng tạo và ca sĩ sử dụng để gửi gắm cũng như truyền tải nhiều thông điệp, từ tôn vinh cho đến chỉ trích. Trong những năm Boris Johnson làm Thủ tướng, rapper Stormzy là người đã xuất hiện trên sân khấu Glastonbury 2019 với chiếc áo chống đạn được trang trí bằng họa tiết màu trắng, đỏ và xanh lam, trong khi vào tháng 9 năm 2022, tại chương trình “No Borders”, nhà thiết kế Dilara Findikoglu đã mang những màu sắc tương tự trên một chiếc váy ngắn corset, theo phong cách Westwood hoàn chỉnh.

 

Điều tương tự cũng diễn ra ở bối cảnh thời trang của Hoa Kỳ. Còn gì mang đậm chất Mỹ hơn những chiếc bánh táo? Đó có lẽ là “Old Glory”, quốc kỳ của “miền đất hứa” này. Với 13 sọc đỏ và trắng cùng 50 ngôi sao trên nền xanh, quốc kỳ Hoa Kỳ là biểu tượng mạnh mẽ, được sử dụng để thể hiện lòng yêu nước và đôi khi là tinh thần phản đối dưới lăng kính thời trang.

Khi nhà thiết kế người Bỉ Raf Simons gia nhập Calvin Klein, ông đã nhìn nhận phong cách Americana bằng con mắt của một “người ngoài cuộc”, khi kết hợp vải quilt truyền thống và tác phẩm của Andy Warhol vào các bộ sưu tập của mình, một trong số đó có một chiếc váy làm từ quốc kỳ nước Mỹ.

Quốc kỳ từ lâu đã trở thành một phần trong vốn từ vựng thiết kế của các nhà thiết kế Mỹ như Ralph Lauren và Tommy Hilfiger, cả hai đều là những người ủng hộ phong cách Ivy League chỉn chu. Khi nhà thiết kế người Bỉ Raf Simons gia nhập Calvin Klein, ông đã nhìn nhận phong cách Americana bằng con mắt của một “người ngoài cuộc”, khi kết hợp vải quilt truyền thống và tác phẩm của Andy Warhol vào các bộ sưu tập của mình, một trong số đó có một chiếc váy làm từ quốc kỳ nước Mỹ. Kerby Jean-Raymond của Pyer Moss sử dụng các bộ sưu tập của mình làm nền tảng để khám phá trải nghiệm của người da đen tại Hoa Kỳ. Bộ sưu tập thời trang haute couture Fall 2021 của ông bao gồm một phong cách lấy cảm hứng từ lá cờ Mỹ gốc Phi màu đỏ, đen và xanh lá cây do nghệ sĩ David Hammons thiết kế.

Trong suốt lịch sử thời trang, lá cờ Hoa Kỳ đã được những người Đảng Cộng hòa bảo thủ nhất coi là một ví dụ về phong cách. Họ “đeo” nó như một họa tiết trên chiếc áo sơ mi rằn ri cùng hình đại bàng – một biểu tượng khác của đất nước. Trong khi đó, những người theo Đảng Dân chủ lại chế giễu họ bằng cách bắt chước lại phong cách này, nhưng với kiểu cắt hơi kỳ quặc và táo bạo hơn một chút. Nó được những người theo chủ nghĩa hippie mặc để phản đối Chiến tranh Việt Nam; trong khi trên sàn diễn, nó được các nhà thiết kế như Miguel Androver, Jeremy Scott và Marc Jacobs sử dụng như những lời “tuyên thệ”. Họa tiết quốc kỳ nước Mỹ còn trở nên nóng bỏng hơn, đặc biệt là nhờ vào cách truyền tải độc đáo của nữ ca sĩ Lana del Rey cùng nét thẩm mỹ cổ điển của cô. 

Họa tiết quốc kỳ nước Mỹ còn trở nên nóng bỏng hơn, đặc biệt là nhờ vào cách truyền tải độc đáo của nữ ca sĩ Lana del Rey cùng nét thẩm mỹ cổ điển của cô.

Thực hiện Dory

Theo NSS Magazine