Raf Simons “hậu” Calvin Klein: “Tôi chưa bao giờ định nghĩa bản thân là một nhà thiết kế thời trang”
Ngày đăng: 17/04/19
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ ngày rời khỏi thương hiệu thời trang đình đám New York – Calvin Klein, NTK người Bỉ chia sẻ niềm vui trong quá trình thiết kế chất liệu cho công ty textile Đan Mạch – Kvadrat và kế hoạch xây dựng một nền tảng nghệ thuật (art foundation).
Năm 2018 đã kết thúc không mấy êm đẹp với Raf Simons khi phải rời khỏi cương vị giám đốc sáng tạo của Calvin Klein – nơi ông được mời đến cách đó hai năm với sứ mệnh phục hưng thương hiệu thời trang nổi tiếng, song tốc độ tăng trưởng không mấy ấn tượng. Tại Calvin Klein, Raf Simons phải đảm nhận trọng trách nặng nề trong việc xây dựng ý tưởng sáng tạo cho mọi thứ: từ những chiếc quần jeans, đồ lót cho tới những chiếc đầm dạ hội và thậm chí cả quảng bá thương hiệu. Sau khi Raf ra đi, Calvin Klein cũng ngừng luôn việc sản xuất những BST ở phân khúc xa xỉ để tập trung vào đồ denim và underwear.
Vào thời điểm cuối tháng Hai vừa rồi, Raf gần như không thể gượng dậy sau 6 ngày nằm trên giường bệnh bởi một cơn cảm cúm nghiêm trọng. “Chỉ vài ngày sau khi rời khỏi studio mà tôi gần như không thể bắt kịp. Tất cả mọi người đều cố liên lạc với tôi.” Dù không còn làm việc cho Calvin Klein thì Raf Simons vẫn còn nhiều những công việc bận rộn khác.
Thương hiệu thời trang nam giới của Raf Simons – tuy chọn thị trường khá ngách nhưng vẫn có thành công và sức ảnh hưởng nhất định kể từ khi ra mắt vào năm 1995, là một sự pha trộn giữa phong cách đường phố và kỹ thuật may đo.
Thương hiệu thời trang nam giới của riêng ông – tuy chọn thị trường khá ngách nhưng vẫn có thành công và sức ảnh hưởng nhất định kể từ khi ra mắt vào năm 1995, là một sự pha trộn giữa phong cách đường phố và kỹ thuật may đo. “Do vậy, tôi chẳng bao giờ thiếu việc,” ông cười lớn. Và sau đó là dự án cộng tác liên tục cùng Kvadrat – một công ty dệt may Đan Mạch, cho phép Raf được thực hiện những sáng tạo tân tiến nhất. Một trong những thiết kế chất liệu của ông cho Kvadrat sẽ được trưng bày tại Milan trong suốt tuần lễ thiết kế Salone Internazionale del Mobile, trong một không gian bài trí rộng lớn, nơi từng là một xưởng cơ khí và giờ đây được gọi với cái tên Garage 21.
Tuần lễ thiết kế Milan sẽ tập trung tại ba ngôi nhà có thể tháo dỡ được thực hiện bởi kiến trúc sư Jean Prouvé có tên gọi La Maison Tropicale – một thiết kế gồm các mảnh nguyên liệu rời rạc phát triển bởi người Pháp vào những năm 40 để giải quyết vấn nạn bùng phát nhà ở trên cả mẫu quốc lẫn các nước thuộc địa. Raf đã lên kế hoạch sắp đặt chúng bên trong một khu vườn đầy hoa được kiến tạo bởi chuyên gia đến từ Bỉ – Mark Colle, để kể câu chuyện về ba chất liệu mới mà Raf đã tạo ra. “Chúng tôi sẽ có khu vực cà phê, và một không gian để trao đổi bàn luận. Nó không phải là một showroom thông thường mà là một môi trường, một nơi đầy cảm hứng”, ông tiếp tục chia sẻ, trước khi dừng lại một cách đột ngột. “Tôi mong rằng nó sẽ hay ho đúng như lời kể. Đây là dự án vĩ đại hơn bất cứ thứ gì chúng tôi từng làm trước đây.”
“Tôi mong rằng nó sẽ hay ho đúng như lời kể. Đây là dự án vĩ đại hơn bất cứ thứ gì chúng tôi từng làm trước đây.”
Tất nhiên, nói như vậy thì có chút khiêm tốn bởi Raf Simons là một nhà thiết kế thời trang không còn lạ lẫm với những dự án lớn. Show diễn thời trang gần đây nhất của thương hiệu cá nhân Raf Simons diễn ra vào tháng Một, trong phòng khiêu vũ của khách sạn Shangri-La, một trong những nơi chốn sang trọng nhất nhì Paris.
Tại Jil Sander, khi ông làm việc với vai trò giám đốc sáng tạo từ 2005-2012, Raf đã đem đến những màu sắc rực rỡ vào các BST từng chỉ duy trì hai màu truyền thống là be và xanh hải quân, đồng thời cũng đưa vào một loạt những thiết kế mang tính đột phá cho các cửa hàng của thương hiệu. Trong showroom của Jil Sander ở New York, tầng trệt không có lấy một mảnh trang phục nào mà chỉ toàn là những tấm cửa chớp điêu khắc bằng đá cẩm thạch xoay liên tục. Bước chân vào cánh cửa nhà mốt Dior vào cuối 2012, lần đầu tiên ông đưa ra sự thay đổi không gian trình diễn các thiết kế couture, biến các bức tường thành những cánh đồng đầy màu sắc xanh lam, trắng và vàng, nhờ hàng triệu bông hoa. “Đó là tác phẩm của Mark Colle”, ông nói.
Một trong những thiết kế của Raf cho Dior – chiếc áo khoác màu đỏ đẹp tuyệt vời với chiếc thắt lưng vàng kim; một chiếc đầm dạ hội tulle mini màu hồng baby – gần đây được trưng bày ở London, tại triển lãm V&A phục vụ cho hoạt động kỷ niệm sự thành lập của nhà mốt. “Ông ấy đã diễn dịch lại mật mã của Dior – phom dáng đồng hồ cát – rất tốt và khiến người ta muốn mặc nó một lần nữa,” Oriole Cullen – người phụ trách điều phối triển lãm, nơi những thiết kế của Raf Simons bị cho là trái ngược phong cách thiết kế điên rồ lấy cảm hứng từ những câu chuyện giả tưởng có yếu tố lịch sử của người tiền nhiệm John Galliano, hay cách thể hiện đầy trẻ trung nữ tính của người kế nhiệm Maria Grazia Chiuri, cho biết: “Nhưng con mắt nhìn màu sắc của Raf thì thực sự đi trước.”
Vào năm 2016, khi làm việc tại Calvin Klein, Raf đã khiến các fashionista bất ngờ với mẫu áo len in hình Road Runner và quần thể dục (marching band pant).
Raf Simons rời khỏi Dior sau 3 năm, có lẽ về kiến thức, những gì ông có không thực sự ăn khớp để tạo nên DNA quý phái nữ tính của thương hiệu trong một tiến trình phát triển. Tuy nhiên, với thương hiệu cá nhân của Raf lại khá thành công, đặc biệt là trong cộng đồng hip hop với A$AP Rocky là một fan cứng của thương hiệu. Điều này đã đưa một số ý tưởng mang khuynh hướng tự nhiên. Cụ thể là vào năm 2016, khi làm việc tại Calvin Klein, Raf đã khiến các fashionista bất ngờ với mẫu áo len in hình Road Runner và quần thể dục (marching band pant).
Với những nội dung về bảo hộ thương hiệu đã ký, Raf không được phép chia sẻ nhiều về cuộc hợp tác giữa Raf Simons và Calvin Klein. “Nhưng tin tức mà bạn đọc được và những gì thực sự xảy ra không phải lúc nào cũng là một,” ông chia sẻ một cách kín đáo. Và dù thế nào đi nữa, ông cũng thấy hạnh phúc vì được trở về nhà: “Tôi yêu những thứ nhỏ nhặt của Antwerp.” Là một nhà sưu tập nghệ thuật, ông bắt đầu tìm kiếm tại địa phương những không gian mà ông thực sự có thể biến chúng thành một bảo tàng. “Tôi muốn tạo ra những thứ có thể chia sẻ một cách công khai. Tôi không mấy hứng thú với việc set up một nền tảng có tính riêng tư,” Raf nói. “Thà là thứ gì đó có tính giáo dục và có thể cộng tác để xây dựng.”
Nhưng cùng lúc, khi hoạt động sưu tập của ông trở nên đầy tham vọng (chẳng hạn như một tác phẩm thuỷ sinh của nghệ sĩ người Pháp Pierre Huyghe mới được mua lại gần đây), Raf cần cân nhắc kỹ hơn về những gì cần làm với tác phẩm kiểu này. “Nó gần như là một loại trách nhiệm. Tôi không mua chính xác những thứ mà bạn có thể gửi đến trong một cái thùng carton và treo nó lên tường.”
Giám đốc điều hành của Kvadrat – Anders Byriel cũng đam mê nghệ thuật đương đại như Raf. “Điều đó và thực tế là chúng tôi cùng thuộc thế hệ tiền punk. Chúng tôi cũng thích những kiểu club, một kiểu âm nhạc,” Byriel chia sẻ. Raf đã khám phá ra Kvadrat từ khi làm tại Jil Sander, nhằm tìm kiếm những chất liệu thật cứng, đủ để trang phục có thể tự đứng. Mối duyên giữa đôi bên có lẽ đã bắt đầu từ khi đó.
Byriel là con trai của người đồng sáng lập Poul Byriel, người đã xây dựng công ty vào năm 1968 cùng với Erling Rasmussen. Trụ sở vẫn được đặt tại Ebeltoft, một cảng cũ nhỏ xinh ở bờ đông Đan Mạch. Chất liệu mà công ty sản xuất được sử dụng với mục đích chính như một loại vải bọc các vật dụng nội thất, đang từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng. Bạn có thể sẽ bắt gặp chúng trong các rạp hát, bảo tàng, ngân hàng hay bệnh viện ở khắp nơi trên thế giới, có màu sắc ngọt sánh và các sợi được dệt dày đặc để kéo dài tuổi thọ tới mức tối đa. Byriel luôn chọn lựa những nghệ sĩ cộng tác một cách cẩn trọng, chẳng hạn như kiến trúc sư David Adjaye thiết kế showroom cho Kvadrat tại London 2009 hay mời ngôi sao đồ hoạ maverick Peter Saville là một trong những bước đi của thương hiệu.
Năm 2011, Fanny Aronsen – senior designer và đồng thời là một nhà thiết kế kiêm phụ trách học thuật của Kvadrat bất ngờ qua đời ở tuổi chớm 50. “Chúng tôi đã có chút tê liệt bởi sự ra đi của bà ấy,” Byriel nói. “Phải mất vài năm để phục hồi. Sau đó chúng tôi nhận ra rằng Raf đã làm việc với chúng tôi, theo một cách nào đó và chúng tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội để tạo ra sự kết nối với thời trang.” Raf mất gần hai năm để phát triển thành công mẫu thiết kế đầu tiên cho Kvadrat, kiểm tra những đường phối màu và quá trình dệt của vải thời trang, đưa ra điều chỉnh phù hợp với loại sợi vải dùng để bọc nội thất nhằm tạo ra hiệu ứng tương tự.
Kết quả bao gồm Argo, một loại sợi mohair có sợi xơ dài, đem lại cảm giác tương tự như da cừu, và Noise, một chất liệu vải có bề mặt sần được tạo nên bởi những sợi màu đối lập đan chéo. Ông ấy đã đem đến một đối tượng khách hàng hoàn toàn mới, đặc biệt là trong thị trường nội thất. Tôi không nghĩ rằng tôi đã đến thăm ngôi nhà của một nhà sưu tầm nghệ thuật nào gần đây mà không thấy những chất liệu do Raf Simon tạo ra ở đâu đó,” Byriel cho biết.
Với Raf Simons, sự hợp tác cùng Kvadrat là một khía cạnh khác trong sự nghiệp đã đứt đoạn bởi các dự án phụ trợ – từ giám tuyển chương trình nghệ thuật đến làm sách ảnh và giảng dạy nhiều năm tại Đại học Nghệ thuật Ứng dụng (University of Applied Art) ở Vienna. “Bạn sẽ cảm thấy tự do nếu đi ra ngoài và làm điều gì đó khác biệt”, ông nói. “Ngoài ra, tôi cũng không bao giờ chính thức xác định mình là một nhà thiết kế thời trang, có lẽ vì tôi đã không theo học ngành này.”
Tôi cũng không bao giờ chính thức xác định mình là một nhà thiết kế thời trang, có lẽ vì tôi đã không theo học ngành này.
Thay vào đó, ông theo học ngành thiết kế công nghiệp tại Trường Nghệ thuật ở thành phố Genk, Bỉ vào giữa những năm 80, bị ám ảnh bởi các nhà thiết kế giữa thế kỷ 20 như Franco Albini, Le Corbusier và nhà thiết kế nội thất Jean Royère, trong khi các đồng nghiệp của anh hào hứng hơn với tác phẩm đương đại của Philippe Starck và sức ảnh hưởng còn sót lại của nhóm The Memphis rực rỡ sắc màu. “Tôi rất thích những người có mối quan hệ mật thiết với trách nhiệm xã hội, như Jean Prouvé và Charlotte Perriand”, Simons nói.
Làm việc với Kvadrat cũng là một liệu pháp “detox” cho Raf Simons khi hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang ngày càng dịch chuyển với tốc độ nhanh và dữ dội hơn, đặc biệt là trong một thập kỷ qua. Simons mô tả sự hợp tác này như là một cách để lấy lại bình tĩnh. Có tính Thời trang, nhưng không quá nhiều. “Một số thứ đã thay đổi từ những năm 90”, Simons, người đã 51 tuổi và đã hoạt động trong lĩnh vực thiết kế 23 năm.
“Một số thứ đã thay đổi từ những năm 90”, Simons, người đã 51 tuổi và đã hoạt động trong lĩnh vực thiết kế 23 năm.
“Trước đây, một nhà thiết kế thực hiện một bộ sưu tập và giới thiệu nó cho một nhóm nhỏ các chuyên gia. Sau đó, một vài bức ảnh xuất hiện trên một tạp chí và vài tháng sau đó, quần áo mới xuất hiện tại các cửa hàng. Ôi Chúa ơi, khát khao mà chúng tạo ra! Bây giờ mọi người đều có thể theo dõi những gì diễn ra trên đường băng ngay ở thời điểm nó được tổ chức, và khi quần áo có sẵn, thì mọi người đã chuyển sang hứng thú với một thứ khác. Cách truyền thông nhanh này rất thú vị nhưng cũng có thể nguy hiểm. Thậm chí gây thiệt hại.”
Tại Kvadrat, Simons có thể dành thời gian bao lâu tùy thích, tạo ra vô số các bản mẫu trước khi đi đến sản phẩm cuối cùng, trong khi Byriel đã quyết định không nhìn vào ngân sách mà chỉ xem xét kết quả cuối cùng. “Raf là một lựa chọn đắt đỏ, nhiều cảm xúc và thậm chí góc cạnh hơn so một nhà thiết kế chất liệu thông thường, và chúng tôi muốn tận dụng tối đa điều đó”, Byriel cho biết. Kvadrat đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong tám năm qua bằng cách mở rộng sang Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, và có đủ khả năng để chấp nhận rủi ro này.
Tại Milan, những sản phẩm mới nhất sẽ xuất hiện dưới dạng ba loại chất liệu vải rất khác nhau, bao gồm một loại vải nhung mới có tên là Phlox, có đường sườn, theo Simons, dày như ngón tay. “Nó được lấy cảm hứng từ những năm 70 nhưng sẽ là một phiên bản hoàn toàn mới”, Raf nhiệt tình chia sẻ, “và nó sẽ không phải là màu nâu hay be.” Chất liệu dày và chắc này sẽ xuất hiện trong những màu sắc yêu thích nhất của Raf: xanh cobalt, hồng sáng và vàng chanh. Novus là một phiên bản nâng cấp của chất liệu lưới phai màu xuất phát từ tình yêu của Raf dành cho Jean Royère và bộ sưu tập Tháp Eiffel của ông. Cuối cùng, Atom, một kỳ tích trong thiết kế chất liệu của Raf khi gần như không thể nhận ra sự lặp lại rõ rệt của hoạ tiết: “Giống như một cánh đồng hoa, trong đó các điểm màu xuất hiện ngẫu nhiên”, Raf nói.
Những mẫu thiết kế này đã được trưng bày tại không gian của Milan Design week với tên gọi No Man’s Land (tạm dịch: Vùng đất không người) – một buổi triển lãm phi thường với phong cách kết hợp giữa kiến trúc Mid-century và không gian quen thuộc của ẩm thực London.
Chuyển ngữ: Nga Nguyễn
Theo BOF