Raf Simons trở thành đồng giám đốc sáng tạo thương hiệu Prada
Ngày đăng: 24/02/20
Từng nắm cương vị giám đốc sáng tạo cho Jil Sander, Christian Dior và Calvin Klein, nhà thiết kế của chủ nghĩa tối giản, Raf Simons sẽ đảm nhận vai trò đồng sáng tạo với Miuccia Prada khi có trách nhiệm và quyền hạn ngang nhau trong việc đưa ra quyết định sáng tạo các bộ sưu tập.
Hợp đồng sẽ có hiệu lực từ ngày 02 tháng 04 năm 2020. Buổi ra mắt bộ sưu tập đầu tiên, đánh dấu cho vai trò của Raf Simons tại Prada, sẽ được trình diễn tại tuần lễ thời trang Xuân-Hè 2021 tại Milan vào tháng 9 tới. Bên cạnh đó, Raf Simons vẫn sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu menswear mang tên mình.
Đây cũng là lần đầu tiên một kẻ ngoại đạo nắm quyền thiết kế chính tại gia đình Prada kể từ ngày thương hiệu thành lập. Năm 1978 Miuccia Prada được thừa hưởng nhãn hiệu là nhà sản xuất hành lý và biến nó thành thương hiệu thời trang toàn cầu với các thiết kế đầy tính sáng tạo của mình, bắt đầu bằng việc ra mắt chiếc túi xách thành công đầu tiên của công ty – được làm bằng nylon đen – vào năm 1985. Sau đó quần áo may sẵn (Ready-To-Wear) cũng ra đời vào năm 1989.
Kể từ khi Simons đột ngột rời khỏi Calvin Klein, nơi ông là giám đốc sáng tạo, vào tháng 12 năm 2018, Simons đã tập trung vào dòng sản phẩm nam giới của mình, nhưng những đồn đoán về việc có thể ông với Prada đang bàn bạc điều gì đó đã xuất hiện trong những tháng gần đây.
“Prada là một thương hiệu mà tôi luôn dõi theo trong suốt cuộc đời mình. Tôi không thể chờ để cho tất cả các bạn thấy những gì tôi cùng với Miuccia và đội ngũ của bà sẽ làm.” Simons hào hứng chia sẻ trong buổi thông cáo báo chí tổ chức tại trụ sở công ty sau hai ngày bộ sưu tập với tư cách cá nhân cuối cùng của Miuccia diễn ra. “Thật lòng mà nói, ngài Bertelli (CEO của Prada) đã trao đổi với tôi ngay sau khi tôi rời khỏi Calvin Klein,” ông nói tiếp “Bà Miuccia và tôi đã có một cuộc trò chuyện về sự sáng tạo trong hệ thống ngành thời trang hiện nay. Điều đó mang lại cho tôi sự cởi mở với nhiều nhà thiết kế, chứ không chỉ có Miuccia Prada. Chúng ta cần phải nhìn lại cách mà sự sáng tạo có thể phát triển trong hệ thống thời trang hiện nay.”
Simons là một trong những nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất trong ngành và đã có mối quan hệ gắn bó với Tập đoàn Prada. Miuccia Prada và Patrizio Bertelli đã thuê Simons làm giám đốc sáng tạo của Jil Sander vào năm 2005 khi họ vẫn kiểm soát thương hiệu và đang tìm ai đó để lấp đầy chỗ trống của giám đốc sáng tạo. Nhiệm kỳ bảy năm của Simons tại thương hiệu là một thành công quan trọng cả về mặt thương mại, và Tập đoàn Prada đã bán nó cho một công ty cổ phần tư nhân tại London vào năm 2006.
“Chúng tôi đã quen biết nhau được một thời gian rất dài, nhớ lại những năm 2005, khi lần đầu tiên tôi gặp anh ấy (Simons) ở Antwerp.” Ngài Patrizio Bertelli nói “Bên cạnh công việc tham gia sáng tạo thời trang, thật sự nó không chỉ là vấn đề nghề nghiệp mà còn là mối quan hệ giữa con người với nhau mà chúng ta cùng chia sẻ.”
Simons đã mô tả Miuccia Prada là một người “tiên phong thực sự” trong thời trang và thừa nhận tầm ảnh hưởng của bà đối với sự lao động của mình. “Trên tất cả các cấp độ, tôi có thể cảm nhận được tầm nhìn rất rõ ràng của Miuccia, suy nghĩ của cô ấy, quan điểm của cô ấy về thế giới, quan điểm của cô ấy về nghệ thuật, quan điểm chính trị của cô ấy,” Simons chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với Miuccia cho tạp chí System. “Và cô là một người có thể xây dựng và chia sẻ điều đó với quy mô lớn như vậy. Tôi thấy điều đó thật tuyệt vời.”
Miuccia Prada đáp lại sự đánh giá cao ấy trong cuộc phỏng vấn. “Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi đã có một ý tưởng nào đó rất tuyệt vời, và Olivier, người làm việc với tôi hay Fabio, nhân viên trong các show diễn và biết rằng Raf rất giỏi làm việc, đã nói với tôi, “Miuccia à, Raf đã làm điều đó trước đây rồi”. Hai người họ, Miuccia và Simons, có một sự đánh giá cao cho nhau cùng với những chia sẻ sâu sắc cho nghệ thuật đương đại.
“Chúng ta cần phải nhìn lại cách mà sự sáng tạo có thể phát triển trong hệ thống thời trang hiện nay.”
Cách tay phải lâu năm của Simons, Pieter Mulier sẽ không đồng hành cùng nhà thiết kế ở vị trí mới. Mulier đã đăng lời chúc mừng của mình lên Instagram, thêm vào: Chúc may mắn với bước tiến lớn tiếp theo này, dù không còn đi cùng bạn nhưng sẽ luôn là người hâm mộ lớn nhất của bạn!
Về việc liệu hợp đồng của Simons có tương đương với kế hoạch nghỉ hưu cho Miuccia Prada hay không, huyền thoại thiết kế sống chia sẻ, với một tiếng cười khúc khích: “Hoàn toàn không. Tôi thích làm việc, và tôi rất phấn khích, điều này sẽ mang lại luồng gió mới. Làm ơn đừng làm cho tôi già hơn nữa.”
Raf Simons đón nhận Prada trong hoàn cảnh khó khăn, dù từng thành công rực rỡ những năm trước, nhưng từng bước đi sai lầm trong chiến lược giá đã kéo thương hiệu lại phía sau các đối thủ khác. Sự chậm chân khi tiếp cận các nhóm khách hàng trẻ. Dẫu cho đây vẫn là cái tên được yêu thích và mang tính thương hiệu cực kỳ cao, được niêm yết trên sàn chứng khoán Hongkong.
Bên cạnh đó, Prada, công ty sở hữu Miu Miu và Church, đã điều chỉnh kết quả tài chính của mình, vốn đã bị tụt hậu so với các công ty cùng ngành. Tập đoàn Prada báo cáo doanh thu ròng 1,57 tỷ euro trong nửa đầu năm 2019, so với năm trước, mặc dù EBITDA đã tăng, đạt 491 triệu euro (tăng từ 271 triệu euro trong nửa đầu năm 2018).
Trong nhiều năm, Miuccia Prada và Bertelli dường như không có kế hoạch kế nhiệm, làm dấy lên những tin đồn về việc tiếp quản tiềm năng khi miếng bánh công nghiệp xa xỉ được chia nhau bởi ba ông lớn LVMH, Kering và Richemont. Nhưng vào tháng 9 năm 2018, họ đã đưa con trai, Lorenzo Bertelli, vào công ty với tư cách là người đứng đầu truyền thông kỹ thuật số, dường như báo hiệu ý định giữ doanh nghiệp lại trong gia đình.
Tuy nhiên, các đồn đoán lại một lần nữa được đưa ra khi vào tháng 10 năm 2019, Miuccia Prada đã nhượng lại quyền kiểm soát bốn cửa hàng Prada ở Milan – bao gồm cả địa điểm cửa hàng đầu tiên, được mở vào năm 1913 – cho Tập đoàn Prada với giá 66 triệu euro, một dấu hiệu rằng công ty đã sẵn sàng để bán, vì bất kỳ người mua tiềm năng nào chắc chắn sẽ muốn những tài sản có giá trị này. Vào thời điểm đó, tập đoàn cho biết hành động này là một bước quan trọng trong việc phát triển và mở rộng hơn nữa bản sắc thương hiệu của tập đoàn, ông Bertelli phủ nhận rằng công ty đang rao bán.
Một ngày nào đó, có thể Prada sẽ được bán cho một tập đoàn lớn như Kering hoặc LVMH, với quy mô tuyệt đối mang lại cho họ những lợi thế lớn về tài năng, quảng cáo và bất động sản. Nhưng trong ngắn hạn, ít nhất, việc bán thương hiệu dường như khó xảy ra. Công việc kinh doanh mang tính cá nhân vô cùng sâu sắc đối với Prada và Bertelli, những người cùng sở hữu 80% cổ phần của tập đoàn và không phải đối mặt với áp lực thực sự để bán. Hơn nữa, giá cổ phiếu của công ty hiện đang sụt giảm ở mức cao nhất, giảm 35% trong năm năm qua.
Chuyển ngữ: Hiếu Lê
Theo BOF