“Rùng mình” đêm Halloween với loạt phim kinh dị hay

Ngày đăng: 22/10/24

6 bộ phim kinh dị chất lượng do Style-Republik tuyển chọn, dưới sự dẫn dắt ma mị của những đạo diễn tài năng, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đêm Halloween đầy thú vị!

Halloween gần đến, “trick hay treat” bản thân với 6 bộ phim kinh dị hay được Style-Republik góp nhặt, xin gửi đến bạn. Loạt phim là minh chứng cho những khai thác nỗi sợ thật thà mà không cần đến màn hù dọa. Ở đây, nỗi sợ hãi không đến từ yếu tố tâm linh mà từ lòng người khó đoán hơn cả. Vén màn từng khung ảnh kinh dị khác biệt qua bàn tay những đạo diễn tài hoa, để thấy lấp ló dưới ao tù cá đọng đen ngòm là những thông điệp truyền tải, mà có khi xem đến lần sau mới thấu.

Se7en – David Fincher (1995)

Chìm trong màn mưa dày đặc với bầu không khí tràn ngập tội lỗi. Se7en – 7 tội lỗi chết người là kiệt tác màn ảnh do bậc thầy dòng phim u ám, David Fincher đạo diễn. Bước vào thế giới chết chóc, bạn có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của tên sát nhân “thay trời hành đạo” nếu vi phạm 7 tội sau: Tham Ăn (Gluttony), Ganh Tị (Envy), Dâm Dục (Lust), Kiêu Căng (Pride), Lười Biếng (Sloth), Tham Lam (Greed) và Phẫn Nộ (Wrath).

Trong ánh sáng mờ ảo, đạo diễn không ngần ngại để người xem đối diện khi chiếu lên hình ảnh các thi thể biến dạng, khung cảnh ảm đạm đến khó thở, căng thẳng từ đầu đến cuối. Quá trình phá án và tội ác tiếp diễn, dẫn người xem đến cái kết gây sốc – một trong những cú plot twist bậc nhất làng điện ảnh dù đã ra đời gần 30 năm.

*Phim có nhiều hình ảnh bạo lực, máu, thi thể,… bạn đọc cân nhắc trước khi xem.

Phim tâm lý Se7en - David Fincher

Uncle Boonmee who can recall his past lives – Apichatpong Weerasethakul (2010)

Đây là bộ phim duy nhất của Thái – xứ sở phim kinh dị giành được giải thưởng Cành cọ vàng tại LHP Cannes. Những khung hình rùng rợn xuất hiện chậm rãi, như những trang nhật ký của người đàn ông trong những ngày cuối đời. Chúng khơi dậy sự đồng cảm qua những khung hình huyền ảo, mơ màng.

Một người sắp lìa đời thường nghĩ về điều gì? Về cái chết, về những năm tháng rực rỡ đã qua, hay về nỗi tiếc nuối đọng lại? Để trả lời câu hỏi ấy, hãy nhìn qua lăng kính của nhân vật chính trong phim và bước vào thế giới kinh dị rất khác của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul.

Uncle Boonmee who can recall his past lives - Apichatpong Weerasethakul

Kim Lăng Thập Tam Thoa – Trương Nghệ Mưu (2011)

Kinh dị không phải do “con mả con ma” mà nằm ở lòng người. Kim Lăng Thập Tam Hoa (The Flowers of War) do Trương Nghệ Mưu thực hiện ròng rã 4 năm trời. Tiêu đề phim có “hoa” nhưng chỉ nghe tiếng súng, thấy cảnh thương vong và cảm nhận sự tàn bạo đến cùng cực của con người. Phim kể về cuộc thảm sát có thật diễn ra với 13 cô gái bán hoa tại Nam Kinh vào năm 1937 khi quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc. 

Nói về chiến tranh nhưng không ồn ào pháo lửa, hay đẫm máu thương vong. Kim Lăng Thập Tam Thoa nhìn chiến tranh từ một thánh đường, qua một lỗ đạn. Để từ bờ vực của cái chết khán giả thấy lòng người, cái tốt vẫn hiện hữu, dẫu trong lúc cận kề cửa từ, người ta hay bước lên nhau mà tranh giành sự sống. 13 cô kỹ nữ, 13 nữ sinh trước nòng súng lạnh lẽo của quân Nhật, họ hoán đổi vị trí, giữa bờ vực sự sống và cái chết.

The Flowers of War phim kinh dị kim lăng thập tam thoa

Huyết Quan Âm – Ya-che Yang (2017)

Tiếp tục đến với bộ phim nặng đô và kinh dị nhiều phần từ lòng người – Huyết Quan Âm (The Bold, the Corrupt and the Beautiful). Được Ya-che Yang ấp ủ trong 4 năm, kịch bản Huyết Quan Âm là tầng tầng lớp lớp nghĩa, khó mà bóc tách hết với một lần xem. 

Sống trong Đường phủ là ba người phụ nữ, Đường phu nhân (Huệ Anh Hồng), con gái lớn Đường Ninh (Ngô Khả Hy) và con gái út Đường Chân (Văn Kỳ). Đại diện cho mọi u tối của lòng người, những người phụ nữ trong phim lần lượt xuất hiện từ bóng tối, tay nhảy múa điều khiển những con rối xung quanh. Thao túng, quyền lực, tham lam, nghi kị, người phụ nữ đáng sợ nhất – kẻ đứng sau âm mưu lớn bao trùm toàn bộ phim – Đường phu nhân. Cùng họ Đường nhưng “đường ai nấy đi”, chiêu ai nấy xài, ba người phụ nữ như tượng trưng cho 3 kiểu người chính trong xã hội: con mồi nhưng không muốn thành con mồi, người đứng trên vai gã khổng lồ và cuối cùng là gã khổng lồ. Dưới những lớp vỏ mưu mô khác nhau, họ chia chung dòng máu đen tối đến rùng rợn. 

phim kinh dị Huyết Quan Âm - Ya-che Yang

Opal – Jack Stauber (2020)

Bước vào thế giới hoạt hình không dành cho con nít của nghệ sĩ âm nhạc/nhà làm phim Jack Stauber. Opal 2020 là bộ phim hoạt hình kinh dị ngắn kết hợp giữa stop-motion animation (hoạt hình tĩnh vật) và claymation (hoạt hình đất sét).

Chuyện kể về cô bé tò mò, bị thu hút bởi tiếng khóc bí ẩn, cô tiếp cận ngôi nhà cấm vào bên đường. Thông qua những chiếc gương lặp đi lặp lại (Opal cũng là hình dáng của chiếc gương), Jack Stauber muốn truyền tải điều gì? Đen tối, kỳ lạ, quái dị, dành cho những người trót yêu bộ phim Coraline, Opal hứa hẹn sẽ mở ra một thế giới kinh dị siêu thực trọn vẹn không kém. Qua vỏn vẹn gần 13 phút hoàn hảo, dẫn người xem đến nút thắt bất ngờ về thân phận của Opal, sự liên hệ với chiếc gương, tiếng khóc nỉ non và ngôi nhà bên kia đường.

Phim ngắn kinh dị Halloween Opal - Jack Stauber

Titane – Julia Ducournau (2021)

Thắng giải “Cành cọ vàng” tại LHP Cannes (Pháp), Titane có gì ngoài kịch bản gây sốc và những cảnh quay trần trụi? Bộ phim là minh chứng thuyết phục cho thể loại kinh dị mới, không cần hù để khiến người xem sợ hãi. Bằng lăng kính độc đáo, phim của Julia Ducournau kéo người xem vào thế giới dị thường, khơi gợi những phỏng đoán sâu sắc về xã hội qua phóng tác lên những khung hình kén người xem.

Phim khó xem từ những cảnh quay đầu khi nhân vật chính Alexia xuất hiện với ngoại hình chồng chéo kim loại – kết quả sau một đợt tai nạn khủng khiếp thời thơ ấu. Đạo diễn Julia Ducournau đã đưa người xem nổi da gà”, bắt khán giả dán chặt mắt, thử thách sức chịu đựng của người xem bằng những cảnh quay bất “thuần phong mỹ tục” như cô gái uốn éo trên chiếc xe hơi, góc quay cận diễn biến bạo lực, màn giao hoan giữa người và máy móc.

Phim Pháp kinh dị Titane - Julia Ducournau

Thực hiện: Lenna