Chín “sân khấu” thời trang có 1-0-2 tại mùa mốt Thu Đông 2025

Ngày đăng: 29/03/25

Khám phá những sàn diễn thời trang được nhắc đến nhiều nhất mùa Thu/Đông 2025 – từ trải nghiệm nhập vai tại Valentino, Coperni, Lacoste đến sự chuyển mình đầy tinh tế của Tom Ford, Givenchy.

Gia tăng trải nghiệm – từ thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và nay có cả nhập vai, mùa mốt Thu/Đông 2025 là một bữa tiệc chạm đến tối đa các giác quan và tâm trí người xem, khi các thương hiệu thời trang hàng đầu đua nhau tạo ra những sân khấu nhập vai, biến mỗi show diễn thành một hành trình cảm xúc trọn vẹn. Sự giao thoa giữa thời trang và trải nghiệm chưa bao giờ chặt chẽ đến thế, nhờ vào bàn tay phù thủy của các đơn vị sản xuất danh tiếng như La Mode en Images, Mazarine Group Bureau Betak.

Bốn cái tên nổi bật nhất mùa này chính là Lacoste, Valentino Coperni – những thương hiệu không chỉ trình diễn trang phục mà còn kể một câu chuyện sống động, khiến khán giả “cảm” hơn là chỉ “nhìn”.

Lacoste: Thanh lịch trong chuyển động

Bộ sưu tập Thu/Đông 2025 của Lacoste mang đậm tinh thần thể thao nhưng được thể hiện bằng một ngôn ngữ tinh tế và hiện đại. Show diễn diễn ra trong một không gian gợi nhắc về sân quần vợt – di sản của thương hiệu. Người mẫu di chuyển qua một sân khấu năng động, âm nhạc tràn đầy năng lượng cùng ánh sáng linh hoạt tạo nên cảm giác như bước vào một giấc mơ chuyển động.

Bộ sưu tập là sự tái hiện thông minh các thiết kế biểu tượng như áo polo, áo gió hay áo khoác thể thao, được nâng tầm bằng chất liệu cao cấp và kỹ thuật layering tinh tế. Tất cả khớp hoàn hảo với triết lý “thanh lịch trong vận động” mà Lacoste theo đuổi.

Valentino: Sân khấu của những khoảnh khắc “riêng tư”

Alessandro Michele chính thức ra mắt tại Valentino với một show diễn đầy cảm xúc và bất ngờ. Toàn bộ không gian được thiết kế như một nhà vệ sinh công cộng chìm trong ánh sáng đỏ u tối – vừa gợi cảm vừa kỳ quái như bước ra từ một bộ phim của David Lynch. Với tên gọi “Le Méta-Théâtre des Intimités” (Nhà hát siêu thực của những khoảnh khắc “riêng tư”), sàn diễn gợi mở những câu hỏi về ranh giới giữa sự công khai và riêng tư, giữa hào nhoáng và đời thường.

Người mẫu bước ra từ những buồng gạch men, đứng trước gương, rửa tay – như thể bị bắt gặp trong “những hoạt động cá nhân” đầy ngẫu nhiên. BST là lời thì thầm của chất liệu: ren mỏng, lụa thắt nút, nơ bản lớn, xuyên suốt tinh thần thập niên 60-80 của Valentino. Một màn trình diễn sẽ còn được nhắc đến nhiều mùa sau nữa.

Coperni: Bữa tiệc mạng LAN mà thời trang không ngờ tới

Không ai “chơi” công nghệ trong thời trang như Coperni. Mùa này, họ tổ chức một show runway kết hợp tiệc LAN (Local Area Network) đúng nghĩa. Khách mời ngồi tại các bàn máy tính retro, màn hình nhấp nháy và ánh sáng xanh mờ tạo nên một không gian như bước ra từ giấc mơ số hóa của Gen Z.

BST là sự pha trộn giữa công nghệ và lãng mạn tương lai: techwear nhưng vẫn mềm mại, mang nét cyber-romanticism. Show diễn này không chỉ là một cú chạm văn hóa số mà còn khẳng định Coperni là tiếng nói đi trước thời đại trong giới thời trang.

@thefacemagazine

It’s all to play for at the @coperni show 🎮 #gamingontiktok #coperni #parisfashionweek #fortnite

♬ LX 777 Lunar Data – Starjunk95

Tom Ford: Khởi đầu mới của Haider Ackermann

Lần ra mắt đầu tiên của Haider Ackermann tại Tom Ford mang theo tinh thần của sự chuẩn mực và điêu luyện. Không gian tối giản, ánh sáng vừa đủ để trang phục “lên tiếng”. Các thiết kế là sự kết hợp giữa cắt may điêu khắc, chất liệu sang trọng và draping chuẩn xác – đúng chất Ackermann. Một khởi đầu im lặng nhưng đầy nội lực cho thời kỳ mới của thương hiệu.

 

Dưới sự chỉ đạo sáng tạo của Haider Ackermann và đơn vị thi công La Mode en Images, thiết kế sân khấu đã được chăm chút tỉ mỉ để phản ánh sự chuyển giao từ phong cách đặc trưng của Tom Ford sang tầm nhìn mới của Ackermann. Không gian được bài trí như một câu lạc bộ đêm sang trọng, với thảm xám mềm mại và những tấm gương mờ hơi nước, tạo nên bầu không khí huyền bí và cuốn hút. Khách mời được sắp xếp ngồi trên những chiếc ghế nhung, tăng thêm phần đẳng cấp cho sự kiện.

Nếu để ý kỹ, phần gương mờ này được đặc biệt xử lý: phủ một lớp bụi cùng các vệt tích bí ấn: dấu in bàn tay, các nét chữ và ký tự ngoằn ngoèo, vệt nước dài… Có lẽ, đúng là cách bày trí cho câu lạc bộ đêm sang trọng này hàm chứa sự chuyển giao Haider mong mỏi: “Tom Ford là cuộc sống về đêm, tôi là buổi sáng sau đó: đây là nơi điệu nhảy của chúng tôi bắt đầu.” 

Givenchy: Lãng mạn kiểu Sarah Burton

Sau nhiều năm gắn bó với Alexander McQueen, Sarah Burton mang đến Givenchy một BST thấm đẫm cảm xúc, nơi tinh thần haute couture được diễn giải bằng chiều sâu nội tại. Trình diễn tại trụ sở lịch sử trên đại lộ George V ở Paris, Givenchy Thu Đông 2025 thể hiện sự chuyển mình tinh tế của thương hiệu dưới bàn tay Burton, giữa một thời khắc đầy biến động.

 

Không gian sàn diễn thiết kế tối giản, với ánh sáng dịu nhẹ ôm lấy từng đường nét trang phục. Khách mời không ngồi trên những hàng ghế truyền thống, mà trên những chồng hộp rập may bằng giấy nâu – chi tiết gợi nhắc đến kho tàng bản vẽ gốc năm 1952 của Hubert de Givenchy, vừa được tìm thấy trong một góc tủ tại ngôi nhà đầu tiên của ông. Chính sự sắp đặt này đã tạo nên một nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại, để mỗi thiết kế hiện lên như một chương hồi sinh của nghệ thuật couture.

Dưới bàn tay của Burton, Givenchy không chỉ trở về với bản ngã của mình, nơi những đường cắt may hoàn hảo, những mũi thêu tinh xảo và phom dáng trôi chảy được tôn vinh, mà còn vươn đến một tương lai nơi di sản và đổi mới hòa quyện. Một lần chạm, một lần nhìn, tất cả đều dẫn dắt người xem đến với sự giao thoa giữa ký ức và giấc mơ.

Dior: Thời trang bước vào miền ký ức lịch sử

Không gian show của Dior FW25 tại Jardin des Tuileries lấy cảm hứng từ nhà thiết kế Catherine Dior – em gái của Christian Dior. Những bức tường trưng bày tấm ảnh chân dung, dòng nhật ký và tư liệu kháng chiến được dựng lên quanh không gian show, tạo nên một căn phòng tưởng nhớ vừa riêng tư vừa đầy tính chính trị. Thiết kế sân khấu khiến khán giả như bước vào một không gian tưởng niệm nghệ thuật – nơi thời trang gặp lịch sử.

Gucci: Dấu chấm trên đường cong di sản

Trong bối cảnh thiếu vắng giám đốc sáng tạo (sau khi Sabato De Sarno rời đi), Gucci để không gian kể chuyện. Runway hình biểu tượng Interlocking G, cùng ánh đèn dịu và rèm nhung xanh đậm, gợi cảm giác bảo tàng – nơi lưu giữ di sản hơn là tuyên ngôn tương lai. Dù gây tranh cãi, cách thiết kế sân khấu vẫn khẳng định Gucci đang ôm lấy bản sắc cũ trong thời điểm chuyển giao.

YSL: Khi ánh sáng và marble trở thành ngôn ngữ quyền lực

Saint Laurent, dưới bàn tay Anthony Vaccarello và sản xuất bởi Bureau Betak, biến show diễn thành một trải nghiệm ánh sáng và vật liệu. Sân khấu bao quanh bởi những bức tường marble nâu huyền ảo, tạo cảm giác bí ẩn, tinh tế, và không kém phần thu hút của chính DNA thương hiệu. Và điều bất ngờ là bức tường marble này lại được làm từ màn led kỹ thuật số, ánh sáng rọi cắt thẳng tạo nên khung hình kiến trúc có phần hùng vĩ. Từng bước catwalk là một khoảnh khắc điện ảnh – gãy gọn, quyền lực, sang trọng.

Những người đứng sau ánh đèn sân khấu

Đằng sau những sân khấu kỳ ảo ấy là công sức của những “kiến trúc sư hậu trường”. La Mode en Images phụ trách Louis Vuitton, Tom Ford, Balenciaga, Givenchy – nổi bật với phong cách sản xuất chỉn chu và mang tính kiến trúc cao. Mazarine Group (bao gồm cả ARTER, sở hữu La Mode en Images) tạo nên tuyệt phẩm không gian cho Zegna, Courrèges với tinh thần tương lai và đa giác quan.

Bureau Betak là người đứng sau ánh sáng vàng hoài cổ của Saint Laurent, thô ráp công nghiệp của Acne Studios và không gian siêu thực của Valentino.

Alexandre de Betak, Benedicte Fournier Beckmann, Paco Raynal, Isabelle Chouvet và Guillaume Troncy. Ảnh: The Independents.

Những con người thầm lặng mà bạn khó thể tìm thấy chân dung trên các nền tảng mạng. Họ không chỉ là đơn vị thi công. Họ là đồng tác giả trong hành trình kể chuyện của thời trang. Mùa Thu/Đông 2025 khẳng định điều mà ngành công nghiệp thời trang đã âm thầm thực hiện suốt vài năm qua: runway không còn chỉ để trình diễn sản phẩm, mà là một nghệ thuật xây dựng thế giới (world-building).

Sàn catwalk giờ đây là một “cánh cổng”: nơi nhà thiết kế thể hiện bản sắc, hệ giá trị, nỗi sợ, niềm khát vọng và câu hỏi về tương lai. Và đó chính là lý do vì sao ta vẫn chưa ngừng nhắc đến chúng.

Thực hiện: Linh J.