Sáng tạo không biên giới: Chân dung 10 nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực ‘textile design’ (Phần 1)

Ngày đăng: 01/09/18

Kỹ thuật dệt vải ra đời cách đây 27,000 năm, được xem là một trong những kĩ thuật cổ xưa nhất của loài người. Kỹ thuật xử lý chất liệu, bao gồm dệt vải, thêu thùa và các thể loại tạo hình đã phát triển qua từng thế kỉ cho đến ngày nay. Qua năm tháng, khi tạo hình chất liệu được lồng ghép với nghệ thuật đã trở thành vùng trời để các nghệ sĩ tự do sáng tạo.

Hãy cùng Style-Republik khám phá chân dung 10 nghệ sĩ được bầu chọn là những người tiên phong trong việc thúc đẩy kết hợp nghệ thuật, sáng tạo vào trong lĩnh vực xử lý chất liệu thông qua những tác phẩm của họ.

Sheila Hicks

Bà Sheila Hicks và tác phẩm của mình

Từ cuối năm 1950, khi du lịch từ Chile sang Morocco rồi đến Ấn Độ, bà Shila Hicks đã tập trung vào việc nghiên cứu kĩ thuật của các nghệ nhân địa phương. Đặc biệt là các chất liệu dạng 3D có tạo hình khác lạ. Hicks chia sẻ: “Tôi nghĩ đó là điều quan trọng – sự ham muốn được chạm và nắm chặt chúng trong tay…”.

Trong tác phẩm mang tên Séance được trình bày tại Design Miami/ Basel vào cuối năm 2014, bà đã giới thiệu rất nhiều chất liệu vải có màu sắc rực rỡ, được sắp đặt giống như kẹo bông khổng lồ trong phòng tối. Bên cạnh đó, bà còn là người kết hợp những loại chất liệu mà ít ai ngờ, như bút lông, lông chim, vải kim loại hay tre thành từ đó tạo nên tác phẩm mang tính trừu tượng, mà bà tự gọi là “minimes”.

Tác phẩm của bà Sheila Hicks tại phòng triển lãm

Alighiero e Boetti

Vào đầu những năm 1970, nghệ sĩ người Ý Alighiero e Boetti nảy ra một ý tưởng táo bạo, anh nhờ nữ thủ công địa phương tạo ra hai mẫu thêu khác nhau, một mẫu thêu cụm từ “Demcember 16, 2040” (là ngày sinh nhật lần thứ 100 của anh) cùng mẫu khác đề “July 11, 2023” (dự đoán ngày anh lìa đời). Hai mẫu thêu này được Boetti tự mình thiết kế, tuy nhiên xung quanh các chữ được thêu thêm các hoạ tiết hoa trang trí. Là người theo chủ nghĩa “tình cờ” trong sáng tạo nghệ thuật, từ đó anh tiếp tục hợp tác với nữ thủ công địa phương người Afghanistan.

Boetti du lịch tới Afghanistan thường xuyên tới mức anh đã mở một khách sạn của riêng mình ở Kabul vào 1971. Trong khoảng thời gian đó, nghệ sĩ đã bắt đầu chuỗi tác phẩm “Mappa” trứ danh của mình (1971-1994). Mappa bao gồm 150 mẫu thêu về bản đồ thế giới, với mỗi một mẫu cờ tượng trưng cho một đất nước. Nếu được đặt cạnh nhau, tác phẩm ‘textiles’ của anh sẽ thể hiện sự thay đổi về bối cảnh chính trị về sự thay của biên giới các nước. Tiếp đó, trong những năm 1980 và 1990, Boetti cho ra đời tác phẩm “Arazzi” hay “Tutto”, được thực hiện bởi nghệ nhân người Afghanistan sống tại Pakistan.

Faith Ringgold

Chân dung nghệ sĩ Faith Ringgold

Năm 1972, nghệ sĩ gốc Harlem bắt đầu đặt chân vào sáng tạo trong lĩnh vực tạo hình chất liệu sau chuyến tham quan bảo tàng Rijksmuseum nổi tiếng ở Amsterdam. Tại đây, bà bị chinh phục bởi những bức “Thangka” (là một bức tranh Phật giáo Tây Tạng về bông, vải lụa, thường mô tả một vị thần, cảnh, hoặc mạn đà la của Phật giáo – theo Wikipedia).

Sau khi trở về, Ringgold nhờ tới sự giúp đỡ của mẹ mình, một người làm trang phục chuyên nghiệp, để tạo ra những mẫu “thangka” của riêng mình, một phiên bản mô tả cảnh tượng về nô lệ và những cảnh cưỡng đoạt đáng sợ. Vào năm 1980, Ringgold dựa vào kỹ thuật Quilting (là quá trình may hai hoặc nhiều lớp vải lại với nhau để tạo ra một vật liệu độn dày hơn, thường là để tạo ra một chăn hoặc chăn bông – theo Wikipedia). Bà đã cùng với mẹ làm nên tác phẩm mang tên “Echoes of Harlem” (1980), chân dung của 30 người dân Harlem với cách bài trí giống như một hình vẽ Mandala.

Sau khi mẹ mất năm 1981, Ringgold tiếp tục làm việc với tạo hình chất liệu và dùng những mẫu quilt để kể chuyện, từ đó tạo thành dấu ấn trong sự nghiệp của mình. Những tác phẩm này đa phần kết hợp giữa kể chuyện thông qua nghệ thuật thị giác. Theo Ringgold, thông qua việc sử dụng nghệ thuật tạo hình trên chất liệu giúp cho truyền tải thông điệp được đi xa hơn.

Judith Scott

Judith Scott đang thực hiện tác phẩm

Nghệ sĩ người Mĩ đã sáng tạo ra hơn 200 mẫu tượng điêu khắc giống như những chiếc kén trong chương trình nghệ thuật tại Creative Growth, Oakland, tổ chức đầu tiên cung cấp không gian trưng bày cho người khuyết tật. Trong hai năm đầu học tại trung tâm, cô không thật sự hứng thú với việc sáng tác nghệ thuật, Scott bắt đầu thực hành với chất liệu dệt may từ năm 1987, sau khi tham gia một khoá học với nghệ sĩ Sylvia Seventy.

Làm việc với cường độ điên cuồng, Scott sử dụng các loại chỉ, vải và nguyên liệu màu sắc khác và cuốn dày đặc xung quanh các đồ vật. Scott dành hàng tuần, đôi khi là hàng tháng cho mỗi một tác phẩm, cô đã làm việc cho tới khi chết vào năm 2005. Luôn tự nhận mình là một “nghệ sĩ ngoại đạo”, Scott sinh ra với hội chứng Down và bị khiếm thính từ lúc còn trẻ. Cô đã sống ở một tổ chức chính phủ ở Ohio trong suốt 35 năm trước khi chuyển tới California.

Tác phẩm của Judith Scott ở phòng trưng bày

EL Anatsui

Chân dung EL Anatsui

Nghệ sĩ người Ghana, Ele Anatsui đã tạo ra những tấm thảm lớn lấp lánh từ những chiếc nắp chai đựng rượu và những sợi dây đồng như một minh chứng: sự nghèo nàn về vật chất không ngăn cản việc tạo nên những điều tuyệt vời. Thông qua kết cấu trừu tượng, Anatsui đã mang đến những câu chuyện kể, về bản thân, về những người thợ dệt trang phục truyền thống từ Châu Phi cho tới lịch sử của việc phân phối rượu và các cuộc mua bán nô lệ Châu Phi.

Tác phẩm của El Anatsuit tại Bảo tàng Brooklyn Museum

Anatsu làm việc với một nhóm khoảng 30 người hỗ trợ để dập phẳng và tác động lên những chiếc nắp chai để tạo ra những tác phẩm có thể dệt và uốn được giống như vải. Khá giống thế hệ nghệ sĩ ‘textiles’ đời đầu như Boetti, Anatsu luôn tôn vinh các yếu tố bất ngờ trong tác phẩm của mình và khuyến khích những nhà triển lãm có thể treo, uốn lượn hay gập tác phẩm của ông ở theo cách họ muốn.

El Anatsui Stressed World 2011

(Còn tiếp…)

Thực hiện: Blue/ Theo: Artsy