Shanghai Fashion Week có là cảm hứng cho các tuần lễ thời trang kế tiếp?
Ngày đăng: 27/04/20
Mới đây, Hội đồng thời trang Anh Quốc vừa thông báo rằng Tuần lễ thời trang London sẽ được phát sóng trên các nền tảng kỹ thuật số. Các bộ sưu tập dành cho cả Nam và Nữ sẽ được hợp nhất trong một show diễn.
Bắt đầu từ ngày 12/06 sự kiện sẽ được khởi động, các cuộc phỏng vấn, trao đổi sẽ được chia sẻ dưới dạng podcast (ghi âm), việc trưng bày sản phẩm sẽ được chia sẻ trên các nền tảng digital. Giải pháp này tạo cơ hội cho các nhà thiết kế ra mắt bộ sưu tập mới của mình trước các khán giả và buyer, những người hiện đang bị hạn chế di chuyển vì dịch Covid-19.
Có lẽ ngành công nghiệp thời trang không thể nào thiếu đi sự tồn tại của các Tuần lễ thời trang kể cả do đại dịch. Shanghai Fashion Week vừa qua đã diễn ra với quy mô lớn, thay cho quy tụ nhà chục nhà mốt và hàng ngàn khán giả trên khắp châu lục tề tục đã được thay thế bằng việc khán giả ngồi nhà, trước màn hình smartphone để xem show diễn được thực hiện bằng công nghệ số. Đây là sự kiện Tuần lễ thời trang đầu tiên trên thế giới được thực hiện kết hợp digital với sự tham gia của Diane von Furstenberg từ Mỹ, thương hiệu H&M… cho đến các nhà thiết kế Trung Quốc mới nổi như Shushu Tong và Angel Chen.
Hơn 150 nhà thiết kế và thương hiệu đã phát trực tiếp các bộ sưu tập của họ từ ngày 24 đến ngày 30/3 thông qua Tmall, nền tảng thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Alibaba. Khán giả không chỉ được xem, nghe chia sẻ từ các nhà thiết kế, mà họ có thể mua ngay hoặc đặt trước sản phẩm ngay trên điện thoại.
Mở màn giới thiệu vào ngày đầu tiên thu hút 2,5 triệu lượt xem. Đến cuối tuần lễ thời trang, các luồng sự kiện đã có tổng cộng hơn 11 triệu lượt xem và giúp tạo ra doanh thu hơn 2,82 triệu đô. Các đoạn livestream tiêu biểu đã thu hút 1,5 triệu lượt xem và doanh thu về hơn 3 triệu nhân dân tệ.
Thương hiệu thời trang đương đại Pinko của Ý, là một trong những thương hiệu đầu tiên ký hợp đồng với Tuần lễ thời trang Thượng Hải, sau khi ban tổ chức công bố kế hoạch chuyển toàn bộ sự kiện thành phát sóng trực tuyến. Trong vòng chưa đầy hai tuần, Pinko đã tổ chức một chương trình “See Now Buy Now”, với 25 look từ bộ sưu tập trên một phông nền ảo.
Ông Pietro Negra, CEO và người sáng lập Pinko cho biết: “Trải nghiệm trình diễn thời trang kỹ thuật số mang lại rất tích cực. Tôi đặc biệt ngạc nhiên bởi khả năng phản ứng và cách thức thực hiện, trong một thời gian ngắn như vậy, sự kiện đã tạo nên tiếng vang trên toàn thế giới.”
Việc tham gia vào định dạng kỹ thuật số là một quyết định coi trọng sự đổi mới và mang tính thử nghiệm đối với thương hiệu. Việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số cũng cho phép Pinko duy trì doanh số bán hàng tại Trung Quốc và duy trì mối quan hệ khách hàng giữa lúc dịch coronavirus bùng phát. Negra cho biết thương hiệu sẽ đầu tư hơn nữa vào việc phát sóng trực tiếp để xây dựng các tương tác lớn hơn với người tiêu dùng trên Tmall.
Thương hiệu giày thân thiện với môi trường, Rothy, cũng đã sử dụng việc livestream để quảng bá câu chuyện và mang sản phẩm của mình tới người tiêu dùng. Công ty có trụ sở tại San Francisco khai thác thông tin được phản hồi trực tiếp để đổi mới sản phẩm và tạo nên trải nghiệm cho khách hàng.
Việc áp dụng kỹ thuật số cũng phù hợp với đặc điểm thương hiệu của Rothy, ít gây lãng phí do đi lại, đồng thời cho phép nhiều người tham gia hơn và có khả năng thúc đẩy ngành công nghiệp hướng tới các giải pháp bền vững hơn.
Đối với các nhà thiết kế mới nổi và độc lập, sự thay đổi của Tuần lễ thời trang Thượng Hải không chỉ cung cấp cho họ một nền tảng để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời corona bùng phát, mà còn cho họ điều kiện kết nối với hơn 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng truy cập vào các trang web thương mại điện tử của Alibaba.
Sự kiện cũng khuyến khích các nhà thiết kế và thương hiệu đưa ra những cách sáng tạo mới để kết nối với những người đam mê thời trang. Thương hiệu Streetwear Babyghost đã tăng cường tương tác sàn với chương trình makeup trước show diễn và bình luận thời trang từ biên tập viên tạp chí ELLE. Trong khi đó, Labelhood, một vườn ươm nhà thiết kế thời trang có trụ sở tại Thượng Hải, đã tung ra một loạt các buổi livestream để quảng bá cho các nhà thiết kế trẻ. Trong suốt cả tuần, có các buổi biểu diễn trực tuyến của các nhạc sĩ và DJ địa phương.
Giới buyer tại Trung Quốc thuộc ngành công nghiệp thời trang cao cấp cũng xem Tuần lễ thời trang Thượng Hải là điểm đến quan trọng để tiếp cận thông tin mới về thương hiệu và dự báo xu hướng mới sẽ thống trị trong năm nay dù bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn. “Không có giai đoạn nào mà không có sự sáng tạo miễn là ta còn sống” – NTK Min Liu cho biết trong tiết mục livestream của mình.
Tuy nhiên, thương mại điện tử vốn đã có được chỗ đứng vững chắc ở Trung Quốc. Đất nước có thị trường phát trực tiếp lớn nhất thế giới năm 2018 với giá trị 4,4 tỷ đô la Mỹ và số lượng người xem livestream tại Trung Quốc ước tính đạt 456 triệu người, theo báo cáo của công ty tư vấn Deloitte. Trong khi đó tại châu Âu và châu Mỹ số lượng người mua thương mại điện tử, nhất là phân khúc xa xỉ vẫn còn bỏ ngỏ…
Thực hiện: Côn Quân