Shanghai Fashion Week mang robot lên sàn diễn
Ngày đăng: 21/04/25
Khi robot sải bước trên sàn diễn thời trang Shanghai Fashion Week, người ta bắt đầu tự hỏi: đâu là ranh giới giữa sáng tạo con người và công nghệ? Một “cú twist” đầy chất khoa học viễn tưởng đã mở ra chương mới cho ngành công nghiệp thời trang – nơi AI không còn đứng sau hậu trường, mà đang “chiếm sóng” ngay cả trên sàn catwalk.
Thời trang đã từng là lãnh địa của cảm xúc, của bàn tay con người và nghệ thuật thủ công tinh tế. Nhưng trong thời đại của công nghệ, khi AI có thể thiết kế, dự đoán xu hướng, thậm chí thay thế người mẫu, câu hỏi đặt ra là: Liệu ngành thời trang đang bước vào một kỷ nguyên đột phá hay đánh mất chính mình?
Câu hỏi này càng trở nên cấp thiết sau Shanghai Fashion Week cuối tháng 3/2025, khi sàn catwalk chứng kiến một khoảnh khắc mang đậm tinh thần khoa học viễn tưởng: những chú chó robot bốn chân của Unitree Robotics sải bước đầy uy lực trong show diễn Thu Đông 2025 của thương hiệu NMTG.
Unitree Robotics là công ty robot dân dụng hàng đầu thế giới, tiên phong trong việc nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa các dòng robot hình người và robot bốn chân hiệu suất cao. Họ không chỉ là người đầu tiên đưa robot bốn chân vào ứng dụng thực tế, mà còn dẫn đầu doanh số toàn cầu trong lĩnh vực này suốt nhiều năm qua.
Mang robot lên sàn diễn
Khoảnh khắc robot hình người G1 và chú chó robot của Unitree Robotics lững thững bước đi trên sàn catwalk, chúng ta nhận ra rằng, giờ đây, thời trang không còn là chuyện của con người. Năm ngoái, tại show diễn Couture SS24 của Schiaparelli, nhà mốt đã mở ra một viễn cảnh thời trang trong tương lai đầy mới lạ với sự xuất hiện của những yếu tố công nghệ như baby robot, chip đậm nét futuristic.

Giới mộ điệu chưa kịp “hạ nhiệt” sau show diễn đầy tính tương lai của nhà mốt thì năm nay, thương hiệu tiên phong NMTG lần nữa khẳng định viễn cảnh tương lai khi sử dụng robot như một kiểu model mới, đầy đột phá và cũng khơi gợi nhiều suy ngẫm.

Năm 2024, Quỹ CFDA/Vogue đã giới thiệu trò chơi di động mới – Fashion League, cho phép người chơi tạo kiểu, tùy chỉnh và mặc trang phục cho nhân vật 3D của riêng họ, bất kể giới tính, màu da hay kích thước để tham gia các thử thách thời trang và cùng những người chơi khác xây dựng “đế chế thời trang” của mình.
Ngoài ra, mỗi người vào chung kết sẽ thiết kế một diện mạo đặc trưng trong trò chơi để quảng bá cho bộ sưu tập của họ. Người chiến thắng Quỹ thời trang năm 2024 sẽ nhận được một cửa hàng ảo chuyên dụng trong trò chơi để giới thiệu thêm những diện mạo sàn diễn độc quyền.

Những ứng dụng như mobile styling game của CFDA hay các chiến dịch thời trang sử dụng AI-generated imagery cho thấy khả năng mở rộng trải nghiệm người dùng – nơi mỗi người đều có thể sở hữu quần áo hợp với vóc dáng và cá tính riêng.
AI đang dần trở thành người cộng sự đắc lực trong ngành công nghiệp này: từ sáng tạo ra những người mẫu ảo vượt qua mọi rào cản về hình thể, chủng tộc, cho đến hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ thiết lập bản sắc cá nhân. Mọi thứ dường như đều có thể can thiệp bởi “bàn tay” của công nghệ. Thời trang, vốn luôn tìm kiếm sự đổi mới, giờ đây như tìm được một “cái tôi” công nghệ mới mẻ hơn, linh hoạt hơn và không giới hạn.
Mở và đồng thời đóng lại nhiều cánh cửa
Thế nhưng, như bất kỳ cuộc cách mạng nào, công nghệ đến và để lại những “xáo trộn”. Khi AI dần chiếm lĩnh các vai trò từ người mẫu, stylist đến cả editor, thì những người lao động vốn là linh hồn của ngành – các nghệ nhân, thợ may, đội ngũ sản xuất hậu kỳ dần bị đẩy bên lề. Theo Fashion United, có thể sẽ có một cuộc dịch chuyển nhân sự rộng rãi hơn từ các kinh đô thời trang truyền thống để tìm kiếm sự nghiệp bền vững ở thị trường mới nếu các thương hiệu lớn cắt giảm ngân sách cho các buổi chụp hình (và các hoạt động tương tự).

Tính “con người” – thứ cảm xúc nguyên bản, những chi tiết không hoàn hảo tạo nên sự sống cho một bộ sưu tập, giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị lược giản. Thời trang có thể trở nên hiệu quả hơn, đẹp hơn theo nghĩa thị giác, nhưng liệu nó có còn khiến người ta rung động? Một thiết kế sinh ra từ thuật toán có thể trúng thị hiếu, nhưng chưa chắc đã chạm đến trái tim. Sự tiện lợi và tốc độ do AI mang lại có thể là con dao hai lưỡi – vừa tạo ra cơ hội cho những người trẻ không có nền tảng lớn, vừa làm lu mờ giá trị thủ công, tính cá nhân và cả sự ngẫu hứng vốn là linh hồn của thời trang.
Con người và AI đồng hành?
Dù AI đang dần định hình lại cuộc chơi, thời trang chưa từng là một cuộc chiến tay đôi giữa người và máy. Ngược lại, nhiều người đang nhìn nhận công nghệ như một chất liệu mới – nơi AI không thay thế cảm xúc con người, mà khuếch đại nó theo những cách chưa từng có.
Người mẫu Alexsandrah Gondora đến từ London chỉ trích các thương hiệu sử dụng hình ảnh AI được tạo ra từ cơ sở dữ liệu tìm thấy trên internet mà không trả tiền cho người mẫu nhưng cô vẫn khẳng định rằng khi được sử dụng một cách có đạo đức, AI sẽ không tước đi cơ hội của những người mẫu có nhiều hoàn cảnh khác nhau và công nghệ này thậm chí đã “mở ra một số cánh cửa” cho cô.

Show diễn tại Shanghai Fashion Week vừa qua của thương hiệu NMTG là ví dụ cho sự hợp tác đầy duy mỹ giữa kỹ thuật và cảm hứng sáng tạo: robot đi bên cạnh người mẫu thật – không phải để cạnh tranh, mà để cùng nhau kể một câu chuyện. Tương tự, Schiaparelli trong bộ sưu tập Couture SS24 đã dùng các yếu tố, chi tiết liên quan đến công nghệ để xây dựng một thế giới siêu thực, nhưng vẫn giữ nguyên sự thủ công tinh xảo trong từng thiết kế.
Xem bài viết này trên Instagram
AI càng mạnh, vai trò của con người càng cần rõ ràng: chính chúng ta là người “lái” công nghệ, đặt ra giới hạn, lựa chọn cái đẹp và kể câu chuyện riêng. Những nghệ sĩ, nhà thiết kế, biên tập viên… vẫn là linh hồn định hình bản sắc của thời trang – chỉ có điều, giờ đây họ có thêm một công cụ mới trong hành trình sáng tạo.
Theo Fashion United, Radii China
Thực hiện: Elio