SR DIGITAL COVER 2ND ISSUE: THE FOUNDER GANG – DEPA

Ngày đăng: 23/05/25

SR Digital Cover lần thứ hai mang đến câu chuyện về The Founder Gang – nhóm bạn thân cùng lớn lên với tình yêu dành cho thời trang. Mỗi người một cá tính, một hành trình riêng, nhưng cùng chung một khát vọng: đưa thời trang Việt vươn xa bằng tinh thần thiết kế độc bản, tôn trọng giá trị nguyên bản và gìn giữ chất liệu bản địa.

Từ lâu, Style-Republik đã định vị là chuyên trang với vai trò tôn vinh giá trị Việt. Những show diễn Celebrating Local Pride không đơn thuần là sàn runway, mà là bước đi chiến lược để kết nối thương hiệu Việt với khách hàng, và xa hơn, là đưa thời trang Việt ra thế giới. Song song đó là những bài viết chuyên sâu về kinh doanh, thời trang, trò chuyện với chuyên gia đầu ngành, hay các bài học khởi nghiệp từ người trong cuộc. Càng đi, Style-Republik càng muốn làm tốt hơn và làm nhiều hơn cho cộng đồng thời trang Việt. Những sân chơi mới ra đời cũng vì điều đó: để tiếp sức và nâng đỡ cho những gương mặt triển vọng. Đó là lý do SR Digital Cover ra đời.

 

Digital Cover số 2 mở ra từ câu chuyện của những người sáng lập thương hiệu thời trang: The Founder Gangs. Trước nhiều cái tên, DEPA đến với chúng tôi như một cái duyên. Khi cái tên ấy vẫn còn đang “đề-pa” trong suy nghĩ, chưa từng xuất hiện trước công chúng. Chúng tôi đã mời 5 cá tính này cùng chụp bộ ảnh cho Digital Cover số 2 này, với tinh thần chủ đạo: Brotherhood – from zero to hero, thô ráp nhưng sắc bén, đời thường mà bản lĩnh.

Họ là “những người nội địa”.

Có người quái lạ. Có người điềm đạm. Có người sắc sảo. Có người ma mị. Có người như bài thơ say sưa. Họ gặp nhau, không phải để giống nhau, mà để cùng tạo nên DEPA: một cú “đề-pa” của nhóm bạn 5 người – 5 founders và 5 cá tính khác biệt.

Cùng gặp họ: Huyền Bùi (T‑REDX), Vicki Virus (La Lune), Elena Nguyen (ELENA NGN), Nguyễn Minh Đức (Duc Studio) và Quý Cao (CAOSTU).

DEPA: Authentic, Vietnamese, Collaborative

“DEPA” là tập hợp của “The Founder Gang”, là sự kết hợp của 5 nhà thiết kế độc lập, mỗi người một brand riêng, một cách nghĩ riêng, nhưng cùng tin vào sức mạnh tập thể. Ý tưởng tên gọi được đưa ra trong buổi họp đầu tiên, nhưng cách nó hoạt động là thứ cả nhóm cùng nhau xây dựng. Ngoài ra, “Đề pa” trong tiếng lóng còn của “khởi động” chỉ cú nhấn ga đầu tiên trước khi bắt đầu một hành trình vừa là tên, vừa là tinh thần của nhóm.

“Nhiều lần chạm mặt nhau trong xưởng, ngoài event và cả trong những cuộc trò chuyện từ hồi hộp đến thật lòng. Từ lúc nào không hay, mỗi người đều nhận ra mình đang cùng tìm một nơi làm nghề nghiêm túc. DEPA ra đời từ chính nhu cầu đó – nơi ai cũng có quyền được làm tốt nhất phiên bản của mình” – DEPA.

DUC STUDIO:  Thời trang là “Đức” tin

Nếu không thành lập thương hiệu DUC STUDIO, Đức sẽ làm gì, trở thành người như thế nào?

“Chắc sẽ đi nấu ăn. Hồi nhỏ, khi đi làm đẹp với mẹ, cô làm nail từng bảo: ‘Trên đời không thể thiếu hai thứ là ăn và mặc’. Câu nói đó ở lại trong đầu tới giờ” – Nguyễn Minh Đức.

“Kẻ ngoại đạo” của giới thời trang đã trả lời như thế. Đơn giản vậy thôi, mà đôi khi, chính những ký ức nhỏ bé như thế lại thành hình nên cách ta lớn lên. Những lần dõi mắt theo đôi tay mẹ có lẽ cũng sớm gieo vào Đức sự quan sát tỉ mỉ với quần áo, chất liệu và thẩm mỹ. Ta thấy điều đó trong từng chi tiết mà nhà thiết kế này đưa vào trang phục: từ “08 – Quận Tư”, hợp tác cùng Saigon Ink, đến “HẢO (好)”, kết hợp với Zion, là cuộc đối thoại giữa văn hóa Tứ Bình phương Đông và nhịp sống về đêm Sài Gòn. Đó là cách Đức cùng đội ngữ DUC STUDIO thời trang: không màu mè, không đẽo gọt cho vừa vặn xu hướng, mà là tự nhiên sống cùng những gì mình tin.

Đức và đội ngũ không cất truyền thống trong bảo tàng, mà sống cùng, va chạm cùng, và diễn giải theo cách riêng . Tinh thần đó không chỉ nằm trong thiết kế, mà còn thể hiện qua các show diễn. Từ 2019 đến nay, DUC STUDIO đã để lại dấu ấn bằng ba show thời trang “quái” có chủ đích. Sau show diễn thứ 3 SS25, DUC STUDIO sẽ bước tiếp vào không gian số: từ lookbook tương tác đến trải nghiệm runway online,…để lưu giữ những chi tiết từng chỉ sống một đêm từ trang phục, thiết kế sàn diễn đến âm thanh bằng công cụ hiện đại – để sàn diễn không chỉ sống một đêm rồi vụt tắt.

Trong tủ đồ của Đức, món “weird” nhất là gì?

“Một cái quần được may theo size hồi Đức 20 tuổi, được giữ lại tới giờ để nhắc: nếu muốn mặc vừa thì phải giảm cân. Nhìn tưởng để mặc, nhưng thật ra để lấy động lực là chính” – Nguyễn Minh Đức.

Cách Đức làm thương hiệu cũng vậy: tự do, nhưng không buông thả. DUC STUDIO luôn ngông, nhưng ngông theo cách tinh anh và đúng theo cách anh tin.

LA LUNE: Chất vấn để nâng niu

Thành lập năm 2017, La Lune là đứa con tinh thần của một nhà thiết kế luôn khao khát đào sâu vào bản sắc dân tộc. Với La Lune, mỗi thiết kế là một cuộc tái cấu trúc ký ức, nơi những mảnh vải thừa, đồ cũ được chuyển hoá thành hình hài mới, nhiều ẩn dụ và cảm xúc. Không chỉ dừng lại ở vật liệu hữu hình, La Lune tiếp tục mở rộng biên giới sáng tạo vào không gian số, với những thiết kế dành riêng cho Metaverse. Từ nền tảng văn hóa đến công nghệ, La Lune chạm đến những chuẩn mực mới của thời trang đương đại và đã lọt vào tầm ngắm của loạt sao K-pop như Lisa (BLACKPINK), aespa, XG… Khẳng định vị thế không chỉ trong nước, mà cả trên bản đồ thời trang quốc tế.

“Điều tối quan trọng với một nhãn hiệu thiết kế chính là TÍNH CÁ NHÂN – yếu tố giúp thương hiệu trở nên độc đáo và không thể hoà lẫn trong thị trường sôi động hiện nay” – Vicki Virus (Quách Đắc Thắng).

Nếu Duc Studio nâng niu chiếc áo dài như một di sản và “xăm” lên nó những đường nét hiện đại sau nhiều năm sống, va chạm và thấu hiểu; thì La Lune lại dựng những chiếc váy xuyên thấu với gai nhọn để chất vấn, phá vỡ, rồi tái tạo. 

Trong những chuẩn mực cũ kỹ, điều gì còn phù hợp để giữ lại? Điều gì cần được đặt nghi vấn?

Thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhưng không rập khuôn truyền thống, La Lune khai thác vẻ đẹp văn hóa Việt Nam qua một lăng kính thể nghiệm. Ngay từ đầu, thương hiệu đã đề cao tính ứng dụng là phần cốt lõi trong mỗi bộ sưu tập. Nhưng dấu ấn khiến La Lune được nhớ đến lại nằm ở những sáng tạo trọng điểm – những thiết kế vượt ngoài giới hạn nhị nguyên và mỗi lần bước qua giới hạn, là thêm một cơ hội được đọc, học, hiểu bản sắc Việt một cách nghiêm túc và trân trọng.

Bằng cách chất vấn để giữ gìn, phá vỡ để hồi sinh, La Lune đã trở thành một phần của làn sóng tái sinh văn hóa trong nghệ thuật đương đại và kết nối thế hệ trẻ với những giá trị tưởng chừng đã ngủ quên.

T‑REDX: Không có cú nhảy nào mà không cần đà

Một cái tên không còn xa lạ. T‑REDX là case study điển hình cho những nhà thiết kế nghiêm túc muốn kinh doanh thời trang. Không có cú nhảy nào mà không cần đà. Và “cái đà” của Huyền Bùi – nhà sáng lập T‑REDX chính là cú trượt chân của thương hiệu đầu tay.

Nhảy. Nhưng lần này là một cú nhảy xa. Huyền và đội ngũ “tái xuất” với T‑REDX, mang theo màu đỏ khởi nguyên, kết hợp cùng hình tượng khủng long bạo chúa. Một lựa chọn không ngẫu nhiên. T‑REDX không chỉ là biểu tượng của sức mạnh mà còn là cách để Huyền khắc cả một thời kỳ tiền sử lên mặt vải. Mỗi thiết kế đều cực kỳ chi tiết và cẩn trọng – thổi sức sống mới vào phom dáng quen thuộc, tạo nên diện mạo khó nhầm lẫn.

Bên cạnh việc “hồi sinh khủng long” qua ngôn ngữ vải vóc, T‑REDX khởi đầu bằng một kế hoạch cụ thể, số vốn gọn đủ cho vài trăm đầu hàng. Nhưng chỉ sau 3 năm, dòng tiền đã đủ để nuôi vài nghìn sản phẩm cho một bộ sưu tập. Có thể nói, thất bại đầu đời không kéo Huyền lại phía sau mà chính là “cái đà” để chú khủng long nhảy xa.

Comeback là “cháy hàng” trong tích tắc.

Giá trị sản phẩm không chỉ đến từ kỹ thuật và chi tiết. Đó còn là cách Huyền và đội ngũ lắng nghe khách hàng để đa dạng sản phẩm mà không làm loãng bản sắc. Biết giữ cái gốc, nhưng cũng biết mở nhánh. Với Huyền, ngoài sản phẩm, vị trí mặt bằng cũng là “át chủ bài”. Bày sản phẩm đúng chỗ, để gặp đúng người. Kinh doanh thời trang không chỉ là chuyện may đo, mà còn là chuyện đặt-đúng-chỗ.

Áp lực? Có chứ. Càng lên cao, gió càng lớn. Khi T‑REDX đã có vị trí nhất định, Huyền càng không cho phép mình chủ quan. Đi xa thì không thể đi một mình. Một thương hiệu bền không chỉ có một nhà thiết kế giỏi – mà cần cả một đội ngũ đồng đều: từ sales, marketing cho đến vận hành. Từng mắt xích phải chắc, để cả bộ máy chạy dài, chạy vững, chạy bền.

Huyền luôn rất áp lực chứ, nhưng áp lực sẽ tạo kim cương mà. Mình có một tip là mỗi lần mình làm BST mới mình luôn coi đó là màn game mới cần phá đảo, càng đi level càng khó, mình phải cố gắng hết sức để vượt qua và tạo nên thành tích mới thui – Huyền Bùi.

CAOSTU: Làm đồ như dựng một công trình 

Nếu CAOSTU là một ngôi nhà, đó sẽ là ngôi nhà không phô trương mặt tiền, không đèn sáng rực rỡ, nhưng mỗi viên gạch, mỗi cánh cửa đều chắc chắn và thật lòng. Từ những ngày đầu, CAOSTU đã chọn cách đi riêng: không vội vã chạy theo xu hướng, không đánh đổi bản sắc lấy ánh đèn ngắn hạn. 

Anh nghĩ sự tối giản có khó để tạo dấu ấn không? Trong nhóm 5 người, anh có bao giờ cảm thấy phong cách mình “lặng quá”?

“ Lặng tuỳ theo góc nhìn. Nổi cũng theo góc nhìn” – Quý Cao.

Quý – nhà sáng lập CAOSTU tin rằng sự tối giản có tiếng nói riêng: không cần ồn ào, chỉ cần đúng lúc, đúng nơi, thì tự khắc để lại dấu ấn. Chỉ khi ấy, mới có thể tạo ra “ngôi nhà” đủ vững để người ta muốn quay lại – không chỉ một lần, mà nhiều lần trong đời.

“Thật ra, để nổi bật không khó, một ý tưởng thật táo bạo, một bước đi chưa ai thử, là đã thu hút sự chú ý. Nhưng để xây dựng sự ổn định, vững vàng thì câu chuyện sẽ phức tạp và dài hơi hơn. Nó cần đến nhiều yếu tố: từ chiến lược, tài chính cho đến con người. Và anh tin, chính sự vững vàng mới là nền tảng để đi đường dài. Nổi bật có thể khiến người ta nhớ đến mình một lần, nhưng vững vàng mới là thứ khiến người ta tin mình lâu dài” – Quý Cao.

Mỗi bộ sưu tập theo mùa của CAOSTU như tòa nhà được dựng lên có chủ đích: ứng dụng cao, gần gũi với đời sống thực, nhưng không quên giữ lại không gian để người mặc tìm thấy chính mình trong từng thiết kế. Cập nhật xu hướng là cần thiết để không tách rời khỏi dòng chảy đương đại. Nhưng trong dòng ready-to-wear, CAOSTU luôn tự nhắc mình hai câu hỏi cốt lõi:

“Liệu thiết kế này có đúng với mình không?”

“Liệu trang phục này có thực sự phục vụ khách hàng của CAOSTU không?”

Thương hiệu tin rằng, trong một thị trường ngập tràn tiếng ồn, điều quan trọng nhất không phải là ai chạy nhanh hơn mà là ai đủ bản lĩnh để xây được một ngôi nhà an toàn, thoải mái và trường tồn cho người mặc.

ELENA NGN: Hoa từ đá, đá nở hoa

Nếu CAOSTU làm đồ như dựng một công trình, thì với ELENA NGN thời trang là bài thơ lãng mạn – nơi vẻ đẹp sinh ra từ sự thô ráp được mài giũa. Tính cách con người thuở khởi đầu cũng vậy: góc cạnh, chưa hoàn thiện. Nhưng chính sự chưa hoàn thiện ấy mới có đất cho vẻ đẹp sinh sôi – không nhờ kỹ thuật hoàn hảo, mà nhờ sự quan sát, thử sai và trân trọng từng chi tiết nhỏ nhất.

Elena Nguyen – nhà sáng lập ELENA NGN bước vào thời trang từ sự giao cảm sâu sắc giữa hội họa, văn hóa và cái đẹp thuần cảm. Với cô, mỗi thiết kế một bản phối đa tầng giữa các lớp văn hóa. Từ kỹ thuật thêu hoa thủ công, đến lớp vải trong suốt được xử lý hai tầng, sản phẩm của ELENA NGN mang trong mình nhịp điệu riêng: Old-school Hip-hop truyền vào đó tinh thần phản kháng và tự do, trong khi văn hóa Nhật Bản truyền thống, với biểu tượng sakura, lại gieo vào từng đường kim mũi chỉ chiều sâu thẩm mỹ và sự tĩnh lặng nội tâm.

Những thiết kế nhẵn mịn, khoáng đạt nhưng vẫn lưu giữ phần thô ráp cần thiết để chạm tới cảm xúc thật. Ở đó, hoa không chỉ là họa tiết mà là tuyên ngôn thị giác vượt thoát khỏi khuôn khổ: từ giới tính, chuẩn mực thẩm mỹ cho đến vai trò xã hội.

Tinh thần này được Elena cô đọng trong logo mới: mười cánh hoa đối xứng, xoay tròn không ngừng nghỉ – đánh dấu hành trình của ELENA NGN từ góc cạnh đến mềm mại, từ đơn nhất đến cân bằng. Biểu tượng cũng thông điệp “flowers on men” mà thương hiệu theo đuổi từ những ngày đầu: một diễn giải dịu dàng hơn về tính nam, nơi đàn ông có quyền thể hiện cảm xúc mà không sợ bị phán xét. Với ELENA NGN, thời trang là không gian khai phóng, nơi nam giới có thể khoác lên mình hình ảnh hoa, mạnh mẽ mà không cần gồng theo định nghĩa cũ kỹ.

“Flowers on men” là hành trình làm dịu: làm dịu chính họ, và làm dịu cách thế giới nhìn nhận họ.

Trong mạch phát triển đó, bộ sưu tập số 10 trở thành một dấu mốc: nơi hai lớp cánh hoa tượng trưng cho sự cân bằng giữa tính nam và tính nữ – giá trị cốt lõi mà ELENA NGN luôn gìn giữ. Tuyên ngôn “Soft Hip-hop” kết hợp tinh thần hip-hop tự do với vẻ đẹp trầm tĩnh của văn hóa Nhật không phải là sự kết hợp dễ dàng. Nhưng chính những thách thức như vậy khiến Elena luôn háo hức tiến xa hơn trong thế giới thời trang thay đổi không ngừng.

Tầm nhìn của ELENA NGN là tạo ra những thiết kế độc bản, nơi văn hóa Nhật truyền thống hòa cùng hơi thở đương đại để mỗi người bạn của thương hiệu tự tin thể hiện cá tính riêng biệt của mình. Logo mới không đặt nặng tính nhận diện, mà là lời tri ân cho hành trình đã qua và lời cam kết cho một tương lai khoáng đạt phía trước.

Như hoa nở từ đá. Và đá, cũng mềm ra khi chạm vào hoa.

Thực hiện: Lenna

Produced by Style-Republik

Feature: Huyền Bùi, Elena Ng, Minh Đức, Quý Cao, Quách Đắc Thắng

Photographer: Vikor Art

Studio & Lighting: Mọt Studio

Stylist: Trần Công Lịnh

Makeup & Hair: A.M.A Academy, Ruan Dang

Fashion: TRED-X, ELENA NGN, DUC STUDIO, CAOSTU, LA LUNE