SR Fashion Business Talk Ep.15: “Metaverse and NFT in Fashion” – Sức hút của Metaverse với người trẻ
Ngày đăng: 25/04/22
Vào chủ nhật ngày 24.04.2022 vừa qua, SR Fashion Business Talk lần thứ 15 đã được tổ chức tại hội trường Auditorium 2.1.004 của trường đại học RMIT Vietnam Saigon South Campus. Buổi talk diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự đông đảo của các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực này.
SR Fashion Business Talk Ep.15: “Metaverse and NFT in Fashion” là buổi tọa đàm đầu tiên tại Việt Nam nhằm giải mã cho người xem tất cả những gì liên quan tới Metaverse trong thời trang. Hiện nay, “Metaverse” và “NFT” được xem là từ khoá của ngành thời trang và bán lẻ trong năm 2022. Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để sử dụng internet, thì vũ trụ metaverse trở thành “bệ phóng hoàn hảo” cho “hàng hóa ảo”.
Giữa bối cảnh hỗn loạn thông tin về Metaverse và NFT, Style-Republik sẽ là đơn vị đầu tiên cùng các chuyên gia, khách mời chuyên nghiệp, cùng nhau ngồi xuống thảo luận các vấn đề nóng hổi xung quanh Metaverse và NFT (thế giới ảo và tài sản ảo) – những thứ đang tạo nên một cục diện mới trong ngành thời trang. Mục đích cuối của buổi đàm thoại này giúp người làm trong ngành sáng tạo và thời trang, những chủ doanh nghiệp có cái nhìn chuẩn xác về Metaverse và NFT, đồng thời khám phá sự tác động của chúng lên ngành thời trang thời gian gần đây.
Chương trình được chủ trì bởi chị Trần Hà Mi, nhà đồng sáng lập của Style-Republik và SR Fashion Business School cùng hai vị khách mời đặc biệt đến từ 2 lĩnh vực thời trang và công nghệ: anh Tân Trương, Founder của chuyên kênh streetwear SNKRVN và anh Tùng Monkey – Visual Artists/ Visual Jockey (VJ). Cuộc trò chuyện còn tăng thêm độ thú vị với sự xuất hiện đặc biệt của Trần Quỳnh Nhi – một trong những nhà thiết kế thời trang 3D đầu tiên tại Việt Nam cũng đồng thời sở hữu một thương hiệu thời trang Metaverse của riêng mình, và hiện các sản phẩm đang được bày bán tại sàn thương mại điện tử DressX.
Metaverse và NFT thực chất là gì? Và những trải nghiệm đầu tiên cũng như những thú vị khi tiếp xúc với những định nghĩa mới mẻ này
Định nghĩa Metaverse và NFT
Anh Tùng Monkey: Dù là từ khóa phổ biến, được tìm kiếm và quan tâm nhất hiện nay nhưng Metaverse vẫn là một khái niệm mơ hồ, tồn tại ở hình thái, một ý niệm chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nó đã tồn tại từ khá lâu, cụ thể là vào những năm 2000, trên nền tảng công nghệ Second Life mọi người đã có thể tạo ra một cuộc sống thứ hai cho mình từ đi làm, mua sắm thậm chí đến cả làm việc. Mô típ hay concept này cũng thường xuất hiện trên các trò chơi điện tử thời xưa. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Metaverse lại được hiểu và tiếp cận theo một cách khác. Do sự phát triển của công nghệ hiện đại, mọi thứ đều được toàn cầu hóa cũng như có nhiều đột phá, có tính bảo mật cao như Blockchain – một phương pháp giúp nội dung của chúng ta trên hệ thống ảo được an toàn và nguyên bản hơn. Còn NFT đơn giản là một chữ ký, một chứng chỉ số duy nhất và không thể thay thế.
Anh Tân Trương: Khi đọc nhiều tài liệu, câu chuyện liên quan về Metaverse, Blockchain, NFT hay Bitcoin thì bản thân tôi bóc tách ra được nhiều điều. Để hiểu về Metaverse chúng ta phải biết được những tính năng, đặc tính cụ thể của nó. Metaverse giống như một vũ trụ mà trong đó tồn tại nhiều nhân vật. Từ năm 1992, định nghĩa Metaverse đã bắt đầu tồn tại trong xã hội, nhưng với công nghệ thời điểm đấy, thì chúng thật sự chưa đáp ứng đủ trí tưởng tượng của con người. Hiện nay, tính năng đầu tiên để tạo nên Metaverse chính là tính tương tác giữa online và offline. Ví dụ, nếu lúc trước chúng ta chỉ kết thúc câu chuyện trong trí tưởng tượng của trên trang giấy, tranh vẽ, bài hát hay chỉ đơn giản là trong trí óc thì ngày nay con người không chỉ biến câu chuyện từ trí tưởng tượng đó thành một thế giới ảo mà còn thiết lập được mối tương tác giữa người thật vào nhân vật ảo, tạo cầu nối giữa thế giới thật và ảo bằng các công cụ công nghệ.
Đặc tính tiếp theo là tính liên tục và tính kế thừa. Ví dụ, khi bạn xây dựng hay tạo ra một câu chuyện chắc chắn phải có sự tồn tại của dòng thời gian, đấy chính là tính lịch sử, cấu thành nên nhiều chapter (chương) liên quan với nhau, dần tạo thành một hệ sinh thái – nơi mà người tham gia có thể thỏa thích thể hiện sự sáng tạo của mình. Trong tương lai, với những công cụ giúp người thật có thể tương tác với nhân vật, thế giới ảo của mình thì Metaverse và đời thật sẽ càng hòa trộn, khó tách biệt, khó nhận diện hơn thế nữa.
Giống như những gì anh Tùng đã chia sẻ, NFT là chứng chỉ số, được sở hữu duy nhất, có quyền mua đi bán lại, sưu tầm, sử dụng… Còn đối với Blockchain, đây là một công nghệ giúp hai bên hợp tác mua bán có thể tương tác với nhau, và tất cả những thông tin giao dịch đều được mã hóa, phân tán lên điện toán đám mây mà không bị can thiệp, không thay đổi, hay xâm phạm.
Cả hai khách mời đều đồng ý rằng: Tính tương tác 2 chiều giữa online và offline, thật và ảo ở đây chính là tính cần và đủ để tạo nên vũ trụ Metaverse, nếu không tồn tại sự tương tác này thì tất nhiên vũ trụ đó sẽ không được gọi là Metaverse.
Năm ngoái, Facebook – vẫn luôn được biết đến là doanh nghiệp mạng xã hội lớn nhất thế giới đã đưa ra một thông báo khiến giới công nghệ phải sôi nổi bàn luận: kế hoạch phát triển của Facebook trong vòng 5 năm tới sẽ chuyển mình thành một công ty Metaverse, trích lời của CEO Mark Zuckerberg. Có thể coi đó là cột mốc khiến “metaverse” trở nên phổ biến hơn với công chúng. Anh Tân Trương và Tùng Monkey có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu về metaverse của mình. Cả hai bắt đầu quan tâm và dành thời gian nghiên cứu về metaverse từ bao giờ? Quá trình đó diễn ra như thế nào?
Anh Tùng Monkey: Như tôi đã chia sẻ, Metaverse hiện nay là một concept. Việc mà tôi đang làm hiện nay đó là xây dựng câu chuyện thương hiệu trong tương lai. Còn nếu nói về công nghệ thì thật ra hiện nay vẫn chưa có một công nghệ cụ thể nào để tôi có thể tạo một thế giới ảo.
Anh Tân Trương: Quay trở lại những ngày đầu thành lập SNKRVN, ra khỏi Adidas thì bản thân tôi chỉ đơn giản muốn thành lập một chuyên kênh giúp các bạn trẻ có một nơi cập nhật tin tức chuẩn xác, thông tin sản phẩm, cấu trúc thị thường, cách định giá sản phẩm,…Dần dần từ năm 2019, đội ngũ công ty làm việc cũng bắt đầu hình thành một mã code kết nối riêng không chỉ trong cộng đồng yêu sneaker, sportswear, thể thao, street style,…Đến năm 2020, SNKRVN cũng đã cho ra mắt dự án The Universe of Sneaker (#Us20), tiếp đó là màn hợp tác với Asus Việt Nam – câu chuyện về văn hóa đường phố (street culture) kết hợp với công nghệ như thế nào? Tạo ra một hệ sinh thái có tính liên tục và kế thừa lấy cảm hứng từ sự tác động của công nghệ đến cuộc sống thường ngày của con người.
Được biết là người đã tạo ra và bán sản phẩm NFT của mình trên nền tảng Foundation, Tùng Monkey có thể chia sẻ thêm về sản phẩm như cũng phản ứng của mọi người xung quanh khi sản phẩm này được tung ra?
Anh Tùng Monkey: Đó là sản phẩm mang tên Tứ Phủ – lấy chủ đề về tín ngưỡng, văn hóa, đây cũng là chủ đề mà luôn thu hút bản thân tôi. Cụ thể, tôi đã dùng một loại camera đặc biệt để bắt lại khoảnh khắc, một điệu múa lên đồng. Hiện tại, sản phẩm này đã được bán được một nửa số lượng. Thời điểm, sản phẩm được tung ra đã cách đây 6 tháng và vào lúc đấy thật sự không nhiều người quan tâm đến NFT nên phản ứng cũng không như mong đợi, cộng đồng những NFT collector ở Việt Nam cũng còn ít. Nhờ tự quảng bá hình ảnh, sản phẩm cá nhân trên các platform xã hội phù hợp như Twitter, tôi đã có khách hàng đầu tiên cũng như lượng khách hàng sau này.
Cũng từng hợp tác trong dự án NFT, Tân Trương có thể chia sẻ về dự án NFT vừa qua khi hợp tác cùng Viet Max và Lai Sơn của mình? Có bài học gì mà anh rút ra được qua quá trình hợp tác này?
Anh Tân Trương: Flymindz là thế giới của sự tưởng tượng vượt quá giới hạn của người anh Việt Max – một trong những người tiên phong của văn hóa đường phố, hiphop từ những năm 1990 cho đến nay. Lúc thực hiện dự án, tôi, anh Việt Max và anh Lai Sơn đã ngồi lại cùng nhau để tìm ra cách quảng bá sản phẩm cũng như phương thức truyền thông phù hợp để mọi người có thể biết đến dự án nay cũng như cách ứng dụng của NFT. Khách hàng của dự án này đa phần là người nước ngoài, từ đó cùng tìm ra cách để sản phẩm NFT có thể tiếp cận được nhiều hơn với đối tượng khách hàng Việt.
Tầm quan trọng của NFT với ngành sáng tạo
Anh Tùng Monkey: NFT hiện nay được xem là một công nghệ, một cách để ngăn chặn tình trạng sao chép hay ăn cắp chất xám. Nếu ví cộng đồng, thị trường NFT Việt Nam như một câu lạc bộ thì các thành viên trong câu lạc bộ được xác nhận danh tính. Trong tương lai, nước ta sẽ hình thành và phát hành một nền tảng NFT dành cho các nghệ sĩ, các tài năng và phối hợp Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam để đảm bảo tính duy nhất cũng như nguyên bản của từng sản phẩm. Và về sau, thậm chí sẽ có được một xác thực số được hợp pháp hóa với các tài sản số này.
Những vấn đề khó khăn trên sàn bán NFT
Với những người lần đầu mới gia nhập thị trường NFT, thì có phải là điều khó khăn để họ đánh bóng thương hiệu cũng như thu hút khách hàng hay không?
Anh Tân Trương: Nếu xem nó như một trang thương mại điện tử bình thường như Shopee hay Lazada thì lộ trình set-up đầu tiên cũng tương đối giống nhau, dần dần thì quy trình sẽ ổn định rồi tính đến những giai đoạn sau thì chạy quảng cáo. Nhưng để thu hút và có thể tồn tại trên sàn NFT thì sự sáng tạo phải được đảm bảo, phải thật sự thu hút, có giá trị và sự sáng tạo đó có đáng để sở hữu hay không.
Anh Tùng Money: Đối với tôi, NFT là một chiến dịch về thương hiệu – khi bán sản phẩm NFT ra thì không chỉ đơn giản là sở hữu chúng không mà khách hàng phải hiểu được câu chuyện của thương hiệu. Vậy để bán được sản phẩm NFT thì người bán phải đảm rằng khách hàng biết họ là ai, câu chuyện là gì.
Anh Tân Trương: Với dự án The Universe of Sneakers (#Us20), thì chúng tôi sẽ giải quyết hai bài toán. Thứ nhất, là tìm được những ẩn sĩ, những tài năng trẻ đầy tiềm năng. Qua nhiều cuộc thi chúng tôi đã tổ chức, tôi nhận ra rằng Việt Nam mình có rất nhiều người giỏi nhưng tiếc là không có một sân chơi nào để các bạn tỏa sáng, phô bày tài năng. Giải quyết vấn đề đó, chúng tôi cũng tạo ra được một trang thương mại điện tử để các bạn trẻ có thể rao bán sản phẩm (vật lý) của mình theo từng chủ đề chúng tôi đưa ra. Tiếp đó, chúng tôi sẽ chuyển số hóa sản phẩm đó thành dạng NFT và kể những câu chuyện đằng sau. SNKRVN hiện nay đang thu hút nhiều thương hiệu trong thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt châu Á Thái Bình Dương. Vì thế, chúng tôi đã có quy trình để giúp các bạn làm thế nào để launching sản phẩm từ bước sơ khởi cho đến lúc ra mắt.
Khác với các sản phẩm được số hóa khác như tranh, âm nhạc, liệu khi chúng ta số hóa các sản phẩm thời trang thì tính vật lý đặc trưng (sờ, chạm, mặc vào được) có bị mất đi không? Và khi mất đi đặc tính đó rồi thì sản phẩm NFT thời trang đó còn giá trị nữa hay không?
Anh Tân Trương: Tất cả những gì chúng ta đã trải nghiệm trong cuộc sống hiện nay đều xuất phát từ 5 giác quan và chắc chắn chúng sẽ không bao giờ biến mất. Việc ứng dụng công nghệ để tác động vào hành vi tiêu dùng khách hàng thì chỉ liên quan đến công nghệ, kỹ thuật. Ví dụ, khi chúng ta muốn mua một đôi giày nhưng không thể đến trực tiếp cửa hàng và không thể đảm bảo rằng mũi giày có phù hợp với dáng chân của mình không hay màu sắc có tính ứng dụng cao hay không, thì lúc này công nghệ AI trong Metaverse sẽ giúp chúng ta có thể quyết định mua hàng phù hợp.
Nếu khách hàng mua sản phẩm NFT những không sử dụng nó để đầu tư hay bán ra thì liệu NFT có bị giá trị của nó hay không?
Anh Tùng Monkey: Để đảm bảo được tính giá trị thì tôi nghĩ nó phụ thuộc vào nhu cầu “dress up” hay thay đổi diện mạo của avatar nhân vật trong thế giới Metaverse này. Cụ thể, là màn hợp tác giữa Lacoste và Minecraft, tôi thấy rất thú vị khi nó không chỉ giúp các nhân vật trong trò chơi nổi tiếng này có thể thay đổi vẻ ngoài liên tục mà khách hàng còn được nhận được cả bản vật lý của sản phẩm thời trang mình đã mua. Tôi nghĩ đây là hướng đi trong tương lai của ngành thời trang trong thời đại số hóa.
Metaverse và NFT tại Việt Nam
Tân Trương đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của người Việt với metaverse và NFT?
Anh Tân Trương: Theo tôi, hai định nghĩa này đang phát triển theo chiều rộng. Tất cả mọi người đều mong muốn hiểu định nghĩa và muốn tham gia vào sân chơi sáng tạo này đặc biệt là thế hệ trẻ, những người trẻ thích sáng tạo và có tiếp xúc với công nghệ từ khá sớm như Gen Z hay Alpha. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số rào cản liên quan đến thủ tục ví dụ làm thế nào để mua đồng bitcoin,… Nhưng cũng giống như mọi sân chơi khác, cũng có tính đào thải cao, sao khi phát triển theo chiều rộng thì đến chiều sâu, và những thương hiệu độc đáo nhất sẽ trụ lại lâu dài.
Vậy Metaverse và NFT chỉ dành cho thế hệ Gen Z, Alpha,… và không thu hút được các thế hệ trước đây?
Anh Tân Trương: Theo tôi là không. Kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn và nguồn vốn là những yếu tố mà chúng ta có thể tạo ra một khung sườn vững chắc của vũ trụ ảo này nhưng thế hệ trẻ được xem là đối tượng sử dụng, đầu tư, đóng góp chiếm số đông hơn hết. Còn các thế hệ trước sẽ là những người đóng vai trò xây dựng nên một quy trình, cấu trúc cũng như khung sườn vững chắc.
Các ví dụ về mô hình kinh doanh metaverse của các thương hiệu thời trang đáng chú ý trong thời gian gần đây tại Việt Nam?
Anh Tùng Monkey: Hiện nay theo quan sát của tôi thì chưa nhưng sau buổi talkshow này thì tôi nghĩ sẽ có nhiều thương hiệu thời trang tham gia vào vũ trụ ảo này đấy! Hiện nay, ở Việt Nam cũng có một số nhà thiết kế thời trang 3D tại Việt Nam đầy tiềm năng.
Nói về các NTK thời trang 3D tại Việt Nam thì hôm nay tại buổi talkshow này chúng tôi cũng mời đến một vị khách mời đặc biệt – Trần Quỳnh Nhi, một trong những nhà thiết kế thời trang 3D đầu tiên tại Việt Nam cũng đồng thời sở hữu một thương hiệu thời trang Metaverse (100% digital) của riêng mình mang tên 143dress, và hiện các sản phẩm đang được bày bán tại sàn thương mại điện tử DressX.
Cuộc đồng hành của bản thân và 143dress
Trần Quỳnh Nhi là một cử nhân của trường London College for Design & Fashion ngành thiết kế thời trang. Sau khi tốt nghiệp và nhìn vào thị trường thời trang tại Việt Nam thì bản thân tôi nhận ra nhiều vấn nạn như về môi trường, bản quyền, hạn chế về sáng tạo cùng với nguồn cảm hứng từ – Tribute brand, thương hiệu thời trang metaverse đầu tiên trên thế giới, thì Nhi đã quyết tâm, nỗ lực nghiên cứu cũng như học tập các công cụ công nghệ.
Ngay thời điểm, Metaverse trở thành từ khóa phổ biến cũng như BST trên nền tảng Dress X được bày bán thì tôi đã quyết định ra mắt thương hiệu. Tuy thời trang đầu không hận được nhiều sự quan tâm nhưng sau khoảng thời gian đồng hành cùng 143dress cũng như sự kiên trì của bản thân thì Nhi đã nhận ra những gì mình đang làm là đúng và tiềm năng có thể phát triển trong tương lai. Và cuối cùng thì các sản phẩm của 143dress được yêu thích, ủng hộ từ nhiều đối tượng khách hàng như các influencer, tạp chí các tín đồ thời trang. Đây giống như một giấc mơ, bản thân mình cũng không nghĩ nó sẽ xảy ra.
Mô hình kinh doanh Metaverse có gì khác biệt với mô hình kinh doanh truyền thống hay không?
Chị Quỳnh Nhi: Tôi nghĩ sự khác biệt chủ yếu nằm ở quá trình sản xuất. Đối với các sản phẩm vật lý thì các bạn phải thực hiện các công đoạn như may, lựa chọn vải vóc, còn làm các thiết kế thời trang 3D thì chúng ta được tiếp xúc với máy tính, nhiều phần mềm công cụ 3D.
Như đã chia sẻ, đối tượng khách hàng của 143dress đa số từ nước ngoài vậy thương hiệu đã có lượng khách hàng người Việt chưa? Và thường họ sẽ mặc chúng vào dịp gì?
Chị Quỳnh Nhi: Khách hàng của tôi cũng như 143dress đa phần là Gen Z, họ rất trẻ và thường dùng thời trang để xuất hiện thể hiện bản thân, cá tính trên nền tảng online rất nhiều. Khách hàng Việt Nam thì khá ít và đây cũng là điều mà thương hiệu muốn thay đổi định hướng trong tương lai. Bích Phương là một trong những khách hàng gần đầy mặc 143dress trên mạng xã hội và cũng được nhận được nhiều sự quan tâm.
Cách thức marketing của một thương hiệu thời trang Metaverse?
Chị Quỳnh Nhi: Tôi nghĩ Influencer sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu thời trang Metaverse.
Làm thế nào để khách hàng có thể sở hữu được một chiếc váy của 143dress?
Chị Quỳnh Nhi: Hiện tại có rất nhiều phương thức như AI, VR. Mọi người có thể tải phần mềm Dress X về và chỉ cần đưa máy lên, camera sẽ tự check cơ thể của mình, trong chốc lát bạn đã có thể diện được ngay nhiều thiết kế khác nhau từ váy, áo,…
Ngoài Dress X ra thì mình có nền tảng nào khác không?
Chị Quỳnh Nhi: Hiện nay có rất nhiều sàn bày bán thời trang ảo khác nhau với đa dạng loại như sportswear, streetwear,…
Vừa qua, Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA) đã công bố chính thức hợp tác cùng Web 3 để cùng với sự ra mắt chương trình giáo dục về metaverse và NFT đầu tiên. CFDA cũng sẽ cung cấp cho các thành viên tài nguyên giáo dục và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Có phải hiện tại ở Việt Nam rất thiếu những mô hình giáo dục bài bản về vũ trụ ảo này?
Anh Tùng Monkey: Đúng là vẫn chưa có một nền tảng giáo dục bài bản nào tại Việt Nam về vấn đề này. Do mới là từ khóa, vấn đề được quan tâm nhiều vài năm gần đây nên cũng như đủ thời gian để có được một nơi hay một nền tảng giáo dục thật bài bản tại nước nhà. Tuy nhiên, nói về các công cụ công nghệ để tạo dựng cũng như phục vụ trong vũ trụ Metaverse, thời đại số này thì đã có rất nhiều cơ sở giáo dục từ rất lâu, do mọi người chỉ chưa biết ứng dụng nó vào thực tế như thế nào thôi.
Ở Việt Nam có sàn thương mại nào giống với Dress X hay không hay trong tương lai sẽ có mô hình kinh doanh tương tự vậy hay không?
Chị Quỳnh Nhi: Tôi nghĩ là chưa vì ở Việt Nam thời trang ảo vẫn chưa thật sự phổ biến và cần có thời gian để thay đổi định hướng cũng như giáo dục thị trường. Tuy nhiên, trong tương lai thì sẽ có thể vì thời trang Metaverse là tương lai chứ không phải là ảo nữa mà là thật.
Metaverse và NFT: xu hướng nhất thời hay điểm đến tương lai?
Hiện nay có nhiều người cho rằng Metaverse và NFT là xu hướng nhất thời, lại có người cho rằng đây là phát minh vĩ đại, điểm đến của tương lai. Vậy Tùng và Tân sẽ ở bên sự lựa chọn nào?
Anh Tùng Monkey: Tôi sẽ không chọn về với nhóm người nào mà định nghĩa sáng tạo này kết hợp cả hai vừa nhất thời vừa hướng đến tương lai. Nhất thời là khi với thị trường hiện đại thì NFT có giá trị rất cao, có thể lên đến vài triệu đô. Khi nói nó là bước ngoặt của tương lai vì nó chứa được những kỹ thuật công nghệ cao.
Anh Tân Trương: Tôi thì nghĩa vũ trụ ảo này là một bước ngoặt mang tính thay đổi của tương lai. Đây sẽ là phần tiếp theo để chúng ta tìm ra bước tiếp theo, một giải pháp để đa dạng hóa công cụ, sân chơi cũng như môi trường. Và sau này, ắt hẳn sẽ phát sinh ra nhiều thứ mới mẻ hơn nữa, chẳng hạn như sự bùng nổ của Internet thời gian trước.
Metaverse và NFT sẽ đóng góp những giá trị nào cho ngành công nghệ thời trang và những người làm kinh doanh thời trang thì cần những gì khi bước vào vũ trụ ảo nào?
Anh Tân Trương: Tôi nghĩ đầu tiên sẽ là dòng lịch sử và tính kế thừa. Trước tiên, khi bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, hoặc tạo ra sản phẩm để bán ra thị trường không chỉ các bạn bán các sản phẩm vật lý mà còn bán cả tinh thần của thương hiệu (brand’s spirit). Và Metaverse cũng như NFT sẽ giúp chúng ta đa dạng hóa các sản phẩm cũng như các cách tiếp cận khác nhau.
Anh Tùng Monkey: Từ các kinh nghiệm từ công việc, tôi thấy việc chuyển dịch số đóng vai trò rất quan trọng, đảm bảo khách hàng của họ luôn nắm bắt được những gì thương hiệu đang làm cũng như đối tượng khách hàng cũng được đa dạng hóa.
Đối tượng chủ chốt mà các bên đều nhắm tới trong vũ trụ metaverse chính là khách hàng trẻ thuộc thế hệ Gen-Z và Gen Alpha. Vậy còn các nhóm đối tượng tiêu dùng khác, như trung niên liệu họ có được lợi ích gì từ việc phát triển của metaverse?
Anh Tân Trương: Như đã chia sẻ, những thế trước là những người đàn anh đàn chị tạo nên một khung sườn vững vàng cho thế giới Metaverse, khi gia nhập vào đấy họ sẽ được trải nghiệm, cũng như thấy được sự biến đổi của từng thế hệ user trẻ và cuối cùng là biết cách đo lường như thế nào để tạo ra một sân chơi, mảng kinh doanh lớn trong tương lai. Và họ chính là những người đầu tư vào trí tưởng tượng của những nhà thiết kế trẻ, kiến tạo nên một thị trường thứ cấp.
Các khách mời có dự đoán gì về vai trò của Metaverse với thời trang tại Việt Nam trong tương lai?
Anh Tân Trương: Tôi nghĩ nó sẽ bùng nổ trong vòng 2 năm nữa vì nó cần thời gian để tích lũy về mặt kiến thức, cấu trúc thị trường. Do vũ trụ ảo phải cần có nhóm người có thể tạo ra một khung sườn chuẩn xác, có người tham gia và được hợp pháp hóa.
Anh Tùng Monkey: Tôi mong thế giới công nghệ này sẽ trở thành một công cụ thiết yếu, mang đến giá trị thương hiệu vô cùng lớn không chỉ thời trang mà còn nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.
Chị Quỳnh Nhi: Về các lời khuyên cho các nhà thiết kế thời trang ảo trong tương lai, các bạn thật sự nên có niềm tin và hãy dám thử thách bản thân để chạm vào những cơ hội đang đón chờ chúng ta phía trước bên cạnh niềm đam mê cũng như kiến thức chuyên môn.
Metaverse và NFT là một bước ngoặt không chỉ giúp các nhà đầu tư, nhà thiết kế, nhà sáng lập, khách hàng tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian, nâng tầm sự sáng tạo của thương hiệu và cũng góp phần trong công cuộc bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thời trang đặc biệt với sự phát triển kinh khủng từ Fast Fashion.
SR Fashion Business Talk Ep.15: Metaverse and NFT in Fashion tạm khép lại. Cảm ơn các khách mời đã chia sẻ cùng chương trình. Cảm ơn Đại học RMIT University Saigon South Campus đã đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình lần này. Chương trình còn có nhiều chia sẻ ngoài lề thú vị và những lời giải đáp hữu ích từ khách mời cho người nghe. Video chương trình SR Fashion Business Talk Ep.15 sẽ được cập nhật trên kênh Youtube của Style-Republik! Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình lần sau!
Thực hiện: Huỳnh Trân