Sự kiện ra mắt Art Republik Vietnam #5: Quang cảnh sưu tầm “trong mắt kẻ si”
Ngày đăng: 09/10/23
Bằng những quan sát bền bỉ và đa chiều, Art Republik Vietnam tiếp tục ra mắt ấn phẩm #5 đến đất Hà Thành, với tựa đề “Trong mắt kẻ si” vào ngày 27/9 tại không gian nghệ thuật đương đại The Outpost. Sự kiện mở ra cuộc đối thoại đa chiều về khía cạnh của hoạt động sưu tập nghệ thuật trong bối cảnh thị trường ngày nay.
2023 là một năm đặc biệt với nhiều sự thay đổi lớn về mặt kinh tế-chính trị-xã hội, như một chất xúc tác cần thiết để các xu thế nghệ thuật mới phát triển. Trong bối cảnh ấy, xu thế “sưu tập có trách nhiệm” đã và đang tạo dựng nhiều diễn ngôn đối thoại giữa nghệ thuật và các thành phần tham gia thị trường.
Nhân dịp này, Art Republik Vietnam đã gặp gỡ The Outpost để cùng thảo luận và truy vấn những khía cạnh đa dạng của sưu tập nghệ thuật trong bối cảnh thị trường ngày nay, thông qua tiếng nói có ảnh hưởng của các nhân vật đã đang tích cực đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, cũng như đại diện cho một bộ phận quan trọng của thị trường nghệ thuật: nhà sưu tập. The Outpost hoạt động trên tôn chỉ của một bảo tàng đương đại quy mô nhỏ, The Outpost được thành lập bởi doanh nhân và nhà sưu tập trẻ Ariel Phạm. Niềm đam mê nghệ thuật đã thôi thúc cô tích cực tham gia vào việc phát triển hạ tầng văn hoá nghệ thuật địa phương. Cùng với tinh thần ấy, sự kiện ra mắt ấn phẩm #5: Art Republik #5: Trong Mắt Kẻ Si tại Hà Nội diễn ra lắng đọng, chậm rãi và dường như bóc tách “sâu” hơn thường lệ.
Hòa theo buổi ra mắt ấn phẩm, Art Talk “Sưu tầm nghệ thuật: Lưu giữ hay kiến tạo?” được thực hiện bởi Diễn giả Ace Lê, Diễn giả Arial Phạm và Diễn giả Nikita Chu. Dưới sự dẫn dắt của Giám tuyển Lê Thuận Uyên, những con người yêu nghệ thuật cùng nhau đàm đạo về quang cảnh sưu tầm nghệ thuật đương đại, từ đó mở rộng bối cảnh về giới sưu tầm Việt. Một câu hỏi được đặt ra ngay trong tên sự kiện, rằng sưu tầm nghệ thuật chỉ để đóng khung ngắm nhìn, hay còn có những tác động sâu sắc khác tới thị trường nghệ thuật. Bên cạnh đó, ta cùng nhìn về sự đa dạng hoạt động sưu tầm đang đồng hiện trong giai đoạn hiện nay. Bàn sâu cùng ấn phẩm #5, bên cạnh để cập đến những chân dung NST kỳ cựu là nam giới như Nguyễn Thiều Quang, Dominic Scriven…, buổi trò chuyện hôm ấy, khách mời đã được giới thiệu thêm về chân dung các NST nữ, thuộc thế hệ kế tiếp. Đồng thời, Art Talk “Sưu tầm nghệ thuật: Lưu giữ hay kiến tạo?” diễn ra vào tiệc ra mắt cũng là sự khởi đầu cho chuỗi talkshow về sưu tầm và sưu tầm có trách nhiệm do Art Republik Vietnam khởi xướng và thực hiện trong thời gian tới đây.
Cuộc trò chuyện được Giám đốc nghệ thuật The Outpost Lê Thuận Uyên dẫn dắt một cách sâu sắc và trực diện vào từng khía cạnh khác nhau của các diễn giả. Với anh Ace Lê, dưới góc nhìn của một Giám tuyển nghệ thuật độc lập, Giám đốc Sáng lập Lân Tinh Foundation và Giám đốc Điều hành Sotheby’s tại Việt Nam, anh đưa đến những mong muốn kêu gọi cộng đồng hãy sưu tầm có trách nhiệm, tức là đã tới thời điểm các tác phẩm được lưu giữ cần tiếp tục đời sống của nó, bằng cách giúp xã hội có thể tiếp cận và thưởng thức, bởi giáo dục nghệ thuật là điều hết sức quan trọng, nó giúp cho thị trường nghệ thuật và sáng tác trở nên bền vững trong tương lai. Đó cũng chính là tinh thần mà 2 triển lãm lớn của Sotheby’s do anh giám tuyển là Hồn Xưa Bến Lạ và Mộng Viễn Đông hướng tới.
Còn với Nhà sưu tập nghệ thuật, sáng lập The Chu Foundation, Chuyên gia Cố vấn hình ảnh Nikita Chu, chị là người nối tiếp truyền thống văn hóa nghệ thuật của gia đình, nên các tác phẩm mà chị sưu tầm có hơi hướng về quá khứ. Khi nhìn vào các tác phẩm thời kỳ Đông Dương, chị nhớ về người bà của mình, và nhớ về người cha thân yêu – dịch giả Chu Trung Can. Chị cảm thấy tự hào vì mình đã được thừa hưởng những tinh hoa của gia đình. Giờ đây, chị muốn tiếp nối và bồi đắp điều đó để thế hệ con, cháu của mình cũng nhận được những điều tốt đẹp như vậy.
Khác biệt với chị Nikita Chu, chị Ariel Phạm – Nhà sưu tập và bảo trợ nghệ thuật, Giám đốc Sáng lập và Điều hành The Outpost Art Organisation tập trung hướng về các tác phẩm đương đại. Chị chia sẻ rằng, một nhà sưu tập chuyên nghiệp là người xây dựng bộ sưu tập đó một cách thống nhất, có câu chuyện, có thông điệp và phong cách cụ thể, chứ không nhất thiết phải sở hữu tác phẩm từ những nghệ sĩ tên tuổi nhất. Việc chị Ariel Phạm mở ra không gian nghệ thuật The Outpost cũng là cách để đưa bộ sưu tập đương đại của mình tới cho công chúng thưởng thức, và trên hết là nơi giúp cho các nghệ sĩ đã thành danh có không gian để sáng tạo và tiếp tục chinh phục những nấc thang tiếp theo trong hành trình nghệ thuật của mình.
Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật đương đại The Outpost giới thiệu Art Tour: ĐỊA TẦNG SỐ 0 | STRATUM ZERO. Đây là một hành trình dài tham chiếu khái niệm trong Địa chất học để tạo ra hình dung về “một không gian lưu dấu trầm tích thời gian”, “địa tầng” hàm chứa những liên tưởng trừu tượng về sự tích tụ, hấp thu, lắng đọng của những trầm tích văn hóa và biến động lịch sử chồng chất. Mượn ý này để phóng chiếu tới triển lãm, “Địa Tầng Số 0 I Stratum Zero” định vị điểm khởi đầu, nơi những dấu vết trên bề mặt dẫn dắt tới những địa tầng khác và từ đó xác lập nên một cấu trúc tổng thể. The Outpost đặt mình trong dòng chảy nghệ thuật địa phương, bắt đầu với mong muốn khai đào, ráp nối những dấu tích đang bị vùi lấp, che phủ.
“Địa Tầng Số 0 I Stratum Zero” trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ Việt nằm trong Bộ sưu tập The Outpost, phần nào làm hiển lộ bối cảnh thẩm mỹ và kiến tạo quang cảnh tinh thần Việt Nam đương thời. Điều này được thể hiện thông qua cách thức các tác giả xử lý và tái cấu trúc ngôn ngữ chất liệu; qua nỗ lực bóc tách, ghi dấu dòng chảy bền bỉ của văn hóa dân gian và triết lý Á Đông; cùng những góc nhìn lịch sử ẩn mật, ngoại biên.
Các tác phẩm của 12 nghệ sĩ trong Bộ sưu tập The Outpost – Điềm Phùng Thị, Võ An Khánh, Phi Phi Oanh, Nguyễn Huy An, Hoàng Dương Cầm, Lý Trần Quỳnh Giang, Hà Mạnh Thắng, Nguyễn Thị Thanh Mai, Trần Tuấn, Phan Thảo Nguyên, Trương Công Tùng và Phạm Trần Việt Nam – khi được nhìn nhận, soi chiếu dưới một góc tiếp cận khác để phơi lộ một mặt cắt đa tầng của nghệ thuật Việt.
Trong lần ra mắt tại thủ đô Hà Nội, nơi chứng kiến nền nghệ thuật đương đại phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, Art Republik Vietnam #5 đã nhận được sự chào đón thân thương và gần gũi. Mọi sự kiện và quá trình đều diễn ra rất tự nhiên, cũng như cách nghệ thuật khiến con người “gần nhau” một cách tự nhiên, mở ra cuộc đối thoại nghệ thuật và lan tỏa những giá trị thuần khiết và văn minh, điều mà Art Republik luôn hướng đến.